Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

Chính quyền: gian dối với dân vì không có gì trong tâm

http://diendanxahoidansu.files.wordpress.com/2014/05/image001.jpg?w=265&h=186Danquyen

 Nguyễn Trung Chính

Tổng lãnh sự Mỹ (bên trái) và Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thành Sơn (bên phải, áo vàng) viếng Nghĩa trang quân đội VNCH. Người ta nghĩ thế nào với cách ăn mặc của Thứ trưởng khi đi thăm viếng những người đã khuất?  ===>>>
Nhu cầu Hoà giải.
Hòa giải là tìm cách giải quyết những vấn đề gây nên sự căm thù giữa người với người, giữa phe này với phe khác, giữa người đã theo Cộng sản và người đã theo Quốc gia, người đã từng chém giết nhau qua hai cuộc chiến kéo dài hơn nửa thế kỷ, cùng với nạn nhân của họ.

Hiểu được sự mong muốn của người dân nên năm 1960 Mặt trận Giải phóng Miền Nam đã đề cao khẩu hiệu “Hoà Giải Hòa Hợp dân tộc”: Phải hóa giải hận thù để có một sự hòa hợp cần thiết khi đất nước cần đến.

Nhưng sau chiến thắng quân sự 75, Mặt trận đã bị dẹp, “Hòa Giải Hòa Hợp dân tộc” biến mất không được nhắc tới, Hội những người kháng chiến cũ bị đàn áp và một số nhân vật được nhiều người biết đến của hội này bị tù đày như Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng…vì thế người ta mới hiểu ra rằng nhu cầu thật sự hòa giải dân tộc chỉ là một chiêu lừa đảo của đảng, chẳng những lừa đảo đồng bào mà lừa đảo cả những người trong Mặt trận, thậm chí với đảng viên, đã từng đổ mồ hôi sôi nước mắt, đổ máu cho đảng!
Những ai cho rằng không cần hòa giải giữa người với người thì chỉ cần nhìn vào hai biểu tượng: những quân nhân tham chiến phía Cộng sản và những quân nhân tham chiến phía Quốc gia hiện nay về tổng thể vẫn chưa nhìn mặt nhau. Thậm chí Nghĩa trang quân đội VNCH đã bị bao vây, cô lập trong nhiều năm và hiện nay đảng đã đổi tên thành Nghĩa trang Bình An, nhằm xóa hết dấu tích của những người chiến bại chứ không có hòa giải hòa hợp gì cả. Nói đến hai biẻu tượng này vì nó đễ nhận thấy, chưa nói đến sau 75, những người đang sống trong nước bị đối xử khắc nghiệt , con cái bị tru triệt hết tương lai vì lý lịch, chưa nói đến xung khắc giữa những người trong nước với nhau từ vùng miền đến sắc tộc, tôn giáo… ngày càng gia tăng do cách phân biệt đối xử của đảng.
Những người may mắn vượt biên bị xem là kẻ phản bội Tổ quốc do sự đồng hóa đảng và Tổ Quốc một cách thô thiển. Chỉ khi túi tiền của những “kẻ phản bội” này đủ lớn để đảng mới gọi họ, hay đúng hơn là gọi túi tiền của họ, là “khúc ruột ngàn dặm”.
Đây là những hành vi đối xử tàn tệ của đảng đối với một bộ phận quan trọng dân chúng ở Miền Nam nay đã trong thời bình, chứ không còn là thời chiến. Bà Dương Quỳnh Hoa, từng là Bộ trưởng trong Chính phủ Cách mạng lâm thời, để tỏ sự phản đối, đã xin ra khỏi đảng vào những năm 70 nhưng Lê Đức Thọ chỉ cho phép bà công khai việc này sau 10 năm.
Sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi nhắc lại chiến thắng ngày 30-4-1975, đã nói rằng: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.
Ngày hôm nay, hàng ngũ của hàng triệu người buồn còn được nhân lên gấp bội, còn hàng ngũ hàng triệu người vui cứ teo dần vì thất vọng trước sự đảo điên xã hội về mọi mặt. Hàng triệu người vui hiện nay có dủ lý do để buồn khi quan chức, đại gia chơi ngông, lót tay hàng triệu đô trên một đất nước vẫn còn người đói (được lộng ngôn là “thiếu đói“), khi đảng cầm quyền còn dám thay đổi Hiến Pháp để hiến định hóa sự phục tùng đảng. Phục vụ đảng tức là phục vụ lãnh đạo cùng những quan tham, còn đảng viên thường chẳng chấm mút gì được trừ vài ân huệ, bằng khen treo trong nhà cho công an khu vực e dè.
Có thể khẳng định mà không sợ sai lầm rằng chính sách của đảng từ trước đến nay đã làm cho vết thương chung ngày thêm rỉ máu chứ không phải do “lực lượng thù địch” nào cả. Nếu cứ đổ lỗi này cho người khác thì đảng sẽ không bao giờ biết thay đổi để làm tốt cho xã hội và sẽ từ từ đi vào con đường chết.
Nếu cần thêm bằng chứng về nhu cầu hòa giải, chúng ta có thể nhìn vào một biểu tượng khác: luật Quốc tịch 2009 được quan chức xem là một bước hòa giải. Với 4,5 triệu người ở hải ngoại, chỉ có 0,13% người chịu giữ lại quốc tịch VN buộc Chính quyền phải dời hạn đăng ký thêm 5 năm nữa. Những người đăng ký đa phần có lẽ là những người đã lách luật, mua chui nhà cửa (đứng tên thân nhân) ở Việt Nam nay muốn được đứng tên của chính mình để công an khu vực bớt hoạnh họe, moi tiền.
Người Việt ở hải ngoại không bao giờ chối bỏ giòng máu của mình, nhưng lấy lại quốc tịch để cam chịu đứng dưới cái mũ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam lại là một vấn đề khác. Khi một luật gia Cù Huy Hà Vũ, con của các công thần Cù Huy Cận, Xuân Diệu, có quốc tịch Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam còn bị đuổi ra khỏi nước thì cái quốc tịch Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không còn một ý nghĩa nào hết.
Những người không chịu đăng ký vẫn cứ đi về Việt Nam đường hoàng vì đó là đất nước của họ chứ không phải đất nước của riêng đảng.
Vì đã mất cái tâm nên đảng cứ phải bày mưu ma chước quỷ. Không có cái tâm thì không thể Hòa giải để thực hiện bước kế tiếp là Hòa hợp.

Nhu cầu của đảng và Chính quyền
Sau khi dẹp xong Mặt Trận giải phóng Miền Nam, đảng không bao giờ nói đến “hòa giải hòa hợp”. Chỉ có một số người quen miệng nói đến cụm từ này chứ đảng thì chưa bao giờ: đảng chỉ nói hòa hợp.
Tự điển Hán Việt Đào Duy Anh định nghĩa:
“Hòa giải là giải quyết vấn đề khó khăn để hai bên hòa thuận.
Hòa hợp là cùng nhau hòa thuận, không cạnh tranh xung đột với nhau”.
Rõ ràng là muốn có hòa hợp phải thực hiện hòa giải trước. Nhưng tại sao đảng chỉ nói Hòa hợp? Vì đảng vẫn giữ tư duy của thời chiến tranh nên cần phải “chiêu hồi”! Hòa hợp mà không hòa giải trước chẳng khác gì trò “chiêu hồi” trong thời chiến.
Cũng như một số “khúc ruột ngàn dặm” mua nhà chui trong nước, cũng có một số người ở hải ngoại muốn hòa hợp chui với Thứ trưởng ngoại giao chuyên trách kiều vận Nguyễn Thanh Sơn. Mới đây nhất là cựu nghị viên hội đồng thành phố Houston Hoàng Duy Hùng. Ông này cũng biết thân biết phận nên đã né tránh dùng chữ hòa hợp, thay bằng chữ “hòa nguyên”(?!). Cũng không lừa ai được, ông Hùng đã bị thất cử.
Hiện nay ông Hùng đang tìm cách ra ứng cử Nghị sĩ của đảng Cộng Hòa vì biết rằng đối với Chính quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, những người muốn hòa hợp mà không có chức gì trong chính quyền sở tại, khả dĩ dùng để tuyên truyền được, lại không có bạc triệu, bạc tỷ mang về nước đầu tư, thì chỉ là những “mảnh chĩnh“, không dùng vào đâu được. Có xin hòa hợp, hòa nguyên với nhà nước họ còn khó cho chứ nói gì đến yêu cầu hòa giải.
Nói chung, Chính quyền vẫn xem như thời chiến tranh, bên thắng bên bại chứ không muốn hòa giải với ai để “vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành” như lời Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Vì thế những rao giảng của chính quyền về hòa hợp đều là những cái bẫy dành cho đối phương chứ không toát ra được sự thành tâm.
Nếu ai có dịp ra hải ngoại cũng dễ nhận thấy rằng “khúc ruột ngàn dặm” tẩy chay những ai nói đến “hòa giải hòa hợp”, vì họ đã bị đảng và chính quyền lừa quá nhiều lần kể từ lúc kêu gọi ngụy quân ngụy quyền ra trình diện để đi học tập mang theo thức ăn uống đủ dùng cho 20 ngày. Người ta tin nên đi học tập. Rốt cuộc kẻ vài năm, kẻ trên 10, 15 năm, kẻ bỏ xác trong tù, gia đình con cái tan tác.
Họ dị ứng với cụm từ “Hòa giải Hòa hợp” là có lý do.
Tuy nhiên, về phía những người đấu tranh cho tự do dân chủ, khi nghĩ rằng hòa giải vì đất nước là cần thiết thì chúng ta cứ kiên trì kêu gọi, không cần lươn lẹo chữ nghĩa. Với sự thành tâm của chúng ta trong việc hòa giải, chắc chắn mọi người, trong cũng như ngoài nước, sẽ nhận thấy mà tham gia. Nếu đảng và chính quyền không muốn thi hành chính sách hòa giải trước một cách thực tâm thì chúng ta, những người đã từng ở hai chiến tuyến, nay nhận thấy cần đấu tranh cho tự do dân chủ để đất nước vươn lên, sẽ chủ động hòa giải với nhau nhằm đưa cuộc vận động tự do dân chủ đến thắng lợi.
bất hợp pháp vì chưa được phép của chính phủ“: không có gì phải sợ
Thông điệp đầu năm của Thủ tướng đến nay vẫn còn làm cho một số người nửa tin nửa ngờ. Cho đến cách đây hơn một tuần, trước Quốc hội ông còn kêu gọi, giải thích phải có luật biểu tình, nhưng đồng thời Bộ trưởng tư pháp Hà Hùng Cường lại nhấn mạnh những “nhạy cảm”, chưa ai đồng ý với ai và những khó khăn, để Quốc hội có cớ gạt ra ngoài chương trình nghị sự.
Thủ tướng là một nhân vật quan trọng trong Bộ chính trị, cách đây 3 năm Thủ tướng đã kêu gọi làm luật biểu tình, sau 3 năm vẫn không có gì thay đổi. Hoặc là Thủ tướng chém gió, hoặc là Bộ chính trị quả thật có chia làm hai phe kình chống nhau chưa phân thắng bại nghư người ta nghĩ: một phe cùng với TQ kiên trì chủ nghĩa Mác-Lê, chuyên chính vô sản, còn phe kia như Thủ tướng tuyên bố: “Người dân có quyền làm những gì Hiến pháp không cấm”.
“Người dân có quyền làm những gì Hiến pháp không cấm”: Người đứng đầu Chính phủ đã cho phép rồi, đã “được phép của chính phủ” rổi. Ấy thế mà ngày 24/04, theo thông cáo báo chí của Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm VN (CTNLTVN), hội đã bị công an mời lên hoạnh hoẹ mặc dù họ đang làm một điều chẳng những Hiến Pháp không cấm mà còn cho phép. Ông Đại tá Trần Hanh – Thủ trưởng Phòng bảo vệ chính trị PA67, CA TPHCM “cảnh báo việc hình thành và hoạt động của Hội CTNLTVN là bất hợp pháp vì chưa được phép của chính phủ. Họ khuyến cáo các hoạt động cần phải tuân thủ pháp luật VN và cuối cùng, viên sỹ quan của Phòng bảo vệ chính trị đã yêu cầu các hoạt động của Hội phải nằm trong khuôn khổ ôn hòa“.
Tại sao Thủ tướng lại để cho cấp dưới của mình ăn nói ngược ngạo như thế? Đại tá Trần Hanh theo ai? phe Thủ tướng hay phe chuyên chính vô sản?
Mấy tuần trước đây chính phủ thả trước thời hạn một số tù nhân lương tâm, cho phép vài người qua Mỹ điều trần về nhân quyền và tự do tư tưởng làm cho người ta nghĩ rằng có một số cởi mở nào đó. Phải chăng vì thế mà phe kia hoạnh hoẹ CTNLTVN theo kiểu cứ một bước tiến phải có một bước lùi cho thăng bằng?
Tuy nhiên việc Đại tá Trần Hanh – Thủ trưởng Phòng bảo vệ chính trị PA67 khuyên “các hoạt động của Hội phải nằm trong khuôn khổ ôn hòa” cho thấy nòng súng đàn áp đã bắt đầu run rẩy.

Phải công nhận Xã Hội Dân Sự
Nếu ai theo dõi các cuộc đình công của công nhân đòi quyền lợi đều thấy rằng họ không thèm xin phép ai, vì biết trước xin cũng chẳng ai cho, họ cứ nghéo tay mà đình công. Họ không được sự chấp thuận của công đoàn quốc doanh vì thế mà tất cả các cuộc đình công đều bị chính quyền xem là bất hợp pháp. Hợp pháp hay không họ vẫn đình công đòi quyền sống buộc chủ phải nhượng bộ và sẳn sàng đón nhận sự trả thù của công an.
Chúng ta cần học tập công nhân để lao vào các hoạt động Xã Hội Dân Sự. Hơn nữa, Thủ tướng chính phủ đã cho phép chúng ta rồi khi ông tuyên bố công khai: “người dân có quyền làm những gì luật pháp không cấm”. Nếu công an hoạnh hoẹ thì chính công an phạm pháp chứ không phải người dân.
Hy vọng rằng Xã Hội Dân Sự ngày càng lớn mạnh, các hội như CTNLTVN, hội Bầu Bí, hội Dân oan, Văn đoàn độc lập, hội phụ nữ Nhân quyền, Mạng Lưới Blogger Việt Nam, nhóm Tuyên bố 258…ngày càng khẳng định vị trí tranh đấu của mình và liên kết chặt chẽ với nhau cùng đấu tranh cho một đất nước tự do dân chủ.
Trong hoạt động Xã Hội Dân Sự, mỗi ngày chúng ta lại có thêm đồng minh. Mới đây tại diễn đàn về kinh tế Hạ Long, Cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã tuyên bố: “Tôi nghĩ, đã đến lúc thừa nhận xã hội dân sự. Bản chất của nhà nước mang tính quan liêu, và để khắc phục quan liêu thì cần phát huy vai trò của xã hội dân sự”.
Hy vọng rằng ông Thủ tướng sau khi có những tuyên bố được cho là cởi mở sẽ bắt tay vào hỏa giải bằng một số việc tối thiểu bước đầu: thả tất cả những người con của đất nước không cùng chính kiến với Thủ tướng, với đảng, gọi là tù nhân lương tâm. Giải quyết ngay những hồ sơ khiếu kiện của dân oan cho dân bớt khổ, họ đang bị đẩy vào chân tường. Gặp gỡ những trí thức phản biện trong nước để có dịp hai bên được nghe trực tiếp những ý kiến của nhau mà không qua sàng lược của bất cứ ai. Công nhận Xã Hội Dân Sự.
Khi đó có lẽ Thứ trưởng ngoại giao chuyên trách kiều vận Nguyễn Thanh Sơn ra nước ngoài sẽ dễ bề kêu gọi “khúc ruột ngàn dặm” hơn.
Một đất nước mà nhìn đâu cũng thấy lực lượng thù địch là một đất nước bệnh hoạn. Đất nước và dân tộc chúng ta không thể nào tàn tệ đến thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét