Dàn khoan của Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC). -AFP photo
Câu chuyện Biển Đông một lần nữa lại nóng bừng lên, sau khi chính
quyền Trung Quốc chính thức đưa giàn khoan HD-981 vào trong vùng đặc
quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và chỉ cách bờ biển Việt Nam
120 hải lý. Điều đó chứng tỏ Trung Quốc đang có những bước đi mới rất
quyết đoán rất nguy hiểm và chắc chắn tất cả các bước đi này đều được họ
tính toán một cách kỹ càng.
Điều này đã khiến cho không ít người giận dữ và hỏi rằng tại sao
chính quyền Việt Nam lại làm ngơ để Trung Quốc hoành hành trên Biển Đông
như trong ao nhà của họ, vì theo họ đây chắc chắn là một sự việc nghiêm
trọng và có thể ví như giặc đã vào trong nhà, nghĩa là Trung Quốc đã
chính thức xâm lược lãnh hải của Việt Nam.
Trên thực tế thì vị trí tọa độ của giàn khoan HD-981 nếu xét theo quy
ước về thềm lục địa tính từ quần đảo Hoàng Sa hiện tại thuộc quyền quản
lý của Trung Quốc, thì giàn khoan này vẫn nằm trong thềm lục địa của
quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc cho là của họ. Nếu vậy thì đương nhiên
Trung Quốc có quyền đặt giàn khoan trên mọi khu vực thuộc phạm vi này.
Nhưng một khi khu vực này vẫn đang là khu vực tranh chấp, thì phía Trung
Quốc không có quyền đưa giàn khoan vào vùng biển này.
Do vậy việc cho rằng thực chất đây được coi là hành động đối phó của
Trung Quốc, vì thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc được đưa ra ngay sau
khi có tin Việt Nam vừa đề nghị giao thêm hai lô cho Công ty ONGC Videsh
của Ấn Độ thăm dò dầu khí chỉ là bao biện và khó đứng vững. Cho dù
trước đây Việt Nam từng đề nghị giao cho OVL năm lô để công ty này tổ
chức thăm dò dầu khí ở biển Đông vào tháng 11.2013 và theo báo chí nước
ngoài thì OVL chỉ chọn một trong 5 lô mà Việt Nam đề nghị giao hồi năm
ngoái và đang thẩm định hai lô mà Việt Nam mới đề nghị giao thêm.
Việc tranh chấp trong việc khai thác dầu khí ở khu vực này không phải
là chuyện mới, mà trước đây đã có chuyện một số các công ty dầu khí
của Hoa kỳ, Anh… đã đơn phương hủy bỏ các hợp đồng thăm dò và khai thác
với Việt Nam do chịu sức ép từ phía Trung Quốc. Điều đó khiến Trung Quốc
càng ngày càng được thể lấn tới. Không chỉ thế, còn nhớ trong nhiều năm
gần đây Trung Quốc còn ra sức cản trở các hoạt động tìm kiếm, khảo sát
thăm dò địa chấn của các tàu nghiên cứu của Việt Nam, cụ thể là các hành
động cắt cáp của các tàu thăm dò như Viking, Bình Minh 2… các năm 2011
và 2012. Hành động đó cộng với các hoạt động khác trên Biển Đông giới
được quan sát cho rằng tất cả những động thái này đều nhằm hỗ trợ cho
yêu sách đòi chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển này của Trung Quốc đã
được cụ thể hóa trong đường lưỡi bò chín đoạn mà họ đơn phương đưa ra.
Tuy nhiên để đáp trả các hành động này từ phía Trung Quốc thì chính
quyền Việt Nam chỉ có các phản ứng yếu ớt, lấy lệ cho qua với chiêu bài
cũ rích và lặp đi lặp lại. Đó là luôn luôn chỉ bài ca: “Việt Nam có đầy
đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối
với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và
quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình
được xác định phù hợp với Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển 1982.”.
Thử hỏi rằng với cách phản ứng lặp đi lặp lại như vậy trong nhiều năm
qua, chính quyền Việt Nam đã đạt được một kết quả gì đáng gọi là khả
quan hay chưa? Chỉ bằng biện pháp thông qua con đường ngoại giao để phản
đối, chỉ trích thì liệu có thể bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ và chủ
quyền của Quốc gia? Do đó vấn đề đặt ra bây giờ là tại Sao chính quyền
Việt Nam không đưa vấn đề Biển Đông ra kiện Trung Quốc trước tòa án Quốc
tế như Philippines đã và đang tiến hành? Vì chỉ có bằng các hành động
kiên quyết, cụ thể và sức ép Quốc tế như vậy mới có thể hy vọng ngăn
chặn chính sách vết dầu loang trong việc bành trướng lãnh hải của Trung
Quốc trên Biển Đông.
Đây có thể nói là hệ quả của vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng
Sa đã bị mất vào tay Trung Quốc từ năm 1974 nhưng không được giải quyết
một cách cụ thể và rõ ràng trong suốt thời gian 40 năm qua. Vì theo luật
Quốc tế, nếu có tranh chấp lãnh thổ mà giữa các kháng nghị có 1 khoảng
gián đoạn 50 năm hoặc nhiều hơn thì những đòi hỏi lãnh thổ trở nên vô
hiệu. Nếu như vậy, Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm 40 năm
và từ đó đến nay Việt Nam chưa gửi bất kỳ một kháng nghị, hoặc đơn kiện
nào lên Tòa án Quốc tế về luật Biển. Như vậy Việt Nam chỉ còn 10 năm nữa
để tiến hành, nếu như trong vòng 10 năm tới phía Việt Nam không có bất
kỳ một kháng nghị hay đơn kiện nào thì theo Luật biển Quốc tế coi như
Việt Nam chấp nhận mất Hoàng Sa và một số đảo ở khu vực Trường Sa vĩnh
viễn về tay Trung Quốc.
Hiện nay, với đường lối đối ngoại giữa Việt Nam và Trung Quốc bị trói
chặt vào nền tảng quan hệ láng giềng hữu nghị theo tinh thần bốn tốt và
khẩu hiệu 16 chữ vàng và trong suốt một thời gian dài điều đó đã và
đang bị phía Trung Quốc triệt để khai thác trong quan hệ nước cộng sản
lớn đối với một nước cộng sản nhỏ để lấn lướt, kể cả việc xâm chiếm lãnh
thổ. Trong lúc các lãnh tụ cộng sản thì nhu nhược, cúi đầu trước các
yêu sách và đòi hỏi hết sức ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc đi
từ các nhân nhượng này đến các nhân nhượng khác. Nhưng ngược lại trong
chính sách đối nội thì vấn đề Biển Đông luôn được coi là vấn đề nhạy
cảm, là vùng cấm mà người dân không có quyền quan tâm đến, mà để “Đảng
và nhà nước lo”. Với tình hình như vậy thì nguy cơ mất vĩnh viễn quần
đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa là điều tương đối
chắc chắn. Nhất là trong lúc này nếu như Hoa kỳ đã bật đèn xanh cho
Trung Quốc trong chính sách Biển Đông để đổi lấy các chính sách có lợi
cho họ từ phía Trung Quốc, điều mà Hoa kỳ đã từng bắt tay với Trung Quốc
để bỏ rơi VNCH vào năm 1972. Nếu điều đó thực sự xảy ra thì có nghĩa là
trong một tương lai gần Trung Quốc sẽ lần lượt chiếm hết các đảo trong
khu vực Biển Đông của Việt Nam, điều đó cũng có nghĩa là Trung Quốc đã
làm chủ hoàn toàn Biển Đông.
Trở lại vấn đề giàn khoan HD-981 của Trung Quốc nằm trong vị trí các
lô mà Việt Nam đã cho Công ty ONGC Videsh của Ấn Độ thăm dò dầu khí. Nếu
như lần này phía Trung Quốc tìm mọi cách để gây áp lực để buộc Công ty
ONGC Videsh tự động đơn phương ngưng hợp đồng để rút khỏi việc khai thác
và thăm dò dầu khí trong khu vực thềm lục địa của Việt Nam thì chuyện
gì sẽ xảy ra? Nếu không phải là việc phía Việt Nam bị vô hiệu hóa và
phải bất lực trong việc tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trong
phần thềm lục địa thuộc chủ quyền hợp pháp của mình. Và cứ như thế, nếu
lần lượt có nhiều các giàn khoan cỡ lớn như DH-981 án ngữ trong khu vực
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì điều gì sẽ xảy ra đối với Việt Nam?
Việc Trung Quốc đưa dàn khoan HD-981 vào thềm lục địa của Việt Nam
cách bờ biển Việt Nam chỉ 120 hải lý cùng với việc Việt Nam ngày càng lệ
thuộc vào Trung Quốc về kinh tế, đặc biệt là những dự án đầu tư của
Trung Quốc ở các vùng địa bàn chiến lược của Việt Nam đã khiến người ta
không thể không nghi ngờ về sự tồn tại của vùng biển cũng như các hòn
đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Sai lầm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam đã đến hồi phải trả giá.
Ngày 05 tháng 5 năm 2014
Kami *Nội dung bài viết không thể hiện quan điểm của RFA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét