Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

CHIẾC VÉ TÀU ĐƯA BỐ VỂ QUÊ

Buivanbong

              *  MINH DIỆN.
             Gần bốn chục năm tôi mới quay lại làng Thông. Đứng tần ngần ở ngã ba Gòn  nơi rẽ vào làng, tôi bỗng  nhớ  cây  gạo  trổ  bông  đỏ rực  mùa hè năm ấy.
Giờ không còn cây gạo ấy, con  đường  làng cũng không còn  rợp  bóng  tre,  nhà cửa san sát hai bên  như  phố thị. Câu ca dao vui  thời  dĩ vãng bỗng như văng vẳng bên tai tôi:

                                     “ Làng Thông trồng đậu trồng cà
                                    Hạt đậu thì đỏ núm cà thì xanh!”
                                       “Mớ đời con gái làng Thông
                                    Cái váy thì mỏng cái mông thì tròn!”
            Gặp bà già cắp rổ rau ra chợ bán, tôi hỏi:
             - Bà có biết nhà bác Đào?
            Bà hỏi lại :
            - Chú hỏi Đào nào?
            - Dạ, Đào là vợ  bác Viên  liệt sỹ!
             Bà  nhìn tôi chăm chú rồi khẽ la lên:
            - Chú Minh! Có phải chú Minh bên Bóng ?
            - Vâng !
            - Không nhận ra chị à? Chị là Đào vợ anh Viên đây!
            Chị Đào buông rổ rau, những mớ rau ngải cứu nhỏ xíu rơi tung tóe ra đường. Tôi sững sờ. Chị Đào đây ư! Có thật là chị Đào? Tôi thầm kêu lên khi nắm bàn tay gầy guộc, mỏng mảnh, nhìn khuôn mặt choắt cheo đầy nếp nhăn dưới vành khăn mỏ quạ lòa xòa những sợi tóc trắng. Cô diễn viên văn công nổi tiếng xinh đẹp  ngày nào đã trở thành một bà lão lưng còng hom hem thế này ư?
             Tôi nói:
             - Chị thay đổi nhiều quá em không nhận ra.
             Chị Đào cười:
             - Chị già lắm rồi phải không chú?
            Tôi biết mình trót lỡ lởi làm chị Đào tủi thân. Nhìn nụ cười buồn  trên đôi môi đỏ thắm quýt trầu của chị, tôi bỗng nhận ra cái duyên thời con gái vẫn chưa dứt bỏ chị. Chị nhặt vội mấy mớ rau bỏ vào rổ rồi quay quả dẫn tôi về nhà. Vừa đi chị vừa  háo hức kể:
             - Cháu Thắm  thỉnh thoảng lại nhắc đến chú. Nó ở với chị. Nó được thằng con trai ngoan lắm. Chính vợ chồng nó đã mang hài cốt của anh chú về  đấy...
             Chị Đào không hề trách tôi nửa lời rằng sao gần bốn mươi năm tôi không  sang thăm chị, dù làng Bóng với làng Thông chả cách bao xa, và năm nào tôi cũng về.  Chị ấy không trách tôi càng cảm thấy ân hận. Đôi khi mình trách người khác vô tình nhưng  bản thân lại tệ hơn .
             Nhà của chị Đào ở cuối xóm. Ba  gian nhà ngói  đơn sơ , phía trước có  mảnh vười trồng  toàn rau ngải cứu. Bàn thờ anh Viên  ở gian giữa ,tấm ảnh đen trắng của anh  đã bạc màu lồng khung kính  đặt cạnh cây nhị.  Tôi thắp ba nén nhang , đứng nghiêm trước  chân dung người đồng đội. Tôi  ngạc nhiên khi  thấy hai  chiếc vé tàu hỏa dán vào ảnh anh Viên.
              Chị Đào bảo:
              - Vé tàu đưa anh chú về quê đấy!
              Chị lấy tay chùi nước mắt , khẽ khàng  lau  khung ảnh và  chiếc bầu nhị nhẵn bóng vết tay người chồng đã hy sinh.
               Chị bảo tôi:
              - Anh Viên còn sống năm nay bảy hai. Anh ấy hơn chú năm tuổi...
               Vâng, anh Viên hơn tôi năm tuổi, nhưng hai anh em  nhập ngũ cùng một ngày.  Khi nhập ngũ tôi mới chỉ là một cậu  học sinh vừa tốt nghiệp cấp III,  anh Viên đã là một  cán bộ văn hóa thông tin .  Anh kẻ khẩu hiệu  đẹp,  kéo nhị rất hay,có  giọng hát  ấm và đóng kịch cũng có duyên. Người ta gọi anh là “ Viên dao pha”  trong đội văn công không chuyên của huyện. Nhờ đa tài như vậy mà anh Viên cua   được chị Đào,  khi con trai làng Thông hồi ấy  hễ thấy chị   đâu là mắt la mày lém, trong đó có anh Châu học Tiệp Khắc về , cưỡi  xe  đạp  favorit  láng coong  bám chị như đỉa . Chị  Đào  vừa đẹp vừa hát hay. Những điệu chèo “Sắp qua cầu”, “ Đường trường thủy chiều”, “ Luyện năm cung” , “ Chầu văn”  chị hát tròn vành rõ tiếng  chất giọng  mượt mà  say lòng người.
             Đêm  liên hoan tiễn chúng tôi lên đường, anh  Viên  và chị Đào  lên sân khẩu diễn trích đoạn một  vở chèo  đôi trai gái yêu nhau , trước ngày nhập ngũ, anh  thanh niên tỏ ra băn khoăn để thử lòng người yêu.  Anh Viên hát điệu sa lệch chênh:
                 “Ai chả biết đi là tiến bộ! Nhưng mẹ già còn đó cậy ai trông?”
                   Chị Đào hát đối: “Anh còn chú bác?”
                  Anh Viêt hát đối lại: “Chú bác chưa thông!”
                  Chị Đào : “Anh còn đoàn thể?”
                   Anh Viên:  “Còn bận việc chung!”
                   Chị Đào: “Thì  đành em  nhận!”
                   Anh Viên: “Lạ đời chưa cưới đã làm dâu ...”
            Chị Đào nghiêng vành nón che đôi  má  thẹn đỏ bừng, đôi mắt  long lanh chứa chan  hạnh phúc. Cảnh và người đều thật, không hề có một tý giả dối nào. Thưở  ấy anh Viên, chị Đào và chúng tôi  hồn nhiên hát, hồn nhiên cười vì chung quanh đều là ánh hào quang rực rỡ.
             Anh Viên và tôi vào đơn vị công binh,đóng quân ở Tam Nông , Phú Thọ được 3 tháng thì tôi đi học sỹ quan, anh Viên được điều lên trung đoàn vào đội tuyên văn. Bẵng đi suốt chín năm,  mùa khô 1974  chúng tôi mới gặp lại nhau.
              Hôm ấy tôi đến tiểu đoàn 739 đang mở tuyến đường  từ  Campuchia  xuyên sang Cà Tum, Tây Ninh, chuẩn bị chiến dịch Hổ Chí Minh, tình cờ gặp anh Viên.  Không ngờ anh  đã rời đội tuyên văn trung đoàn , xuống đơn vị  chiến đấu từ lâu  và hiện  đang làm đại đội phó chỉ huy đơn vị bắc cầu qua suối Bà Chiêm.
             Anh Viên nói:
            - Hồi anh em mình nhập ngũ, tớ  với  Đào đóng kịch hóa ra thật .  Đào giữ lời hứa  chăm sóc mẹ tớ như con dâu, nhưng mãi cuối  năm 68 tớ mới được  về phép  tổ chức cưới. Năm 69 sinh cháu Thắm. Cuối  năm 1970  , trước khi rời đội tuyên văn  xuống đơn vị đi B2,  tớ được về tranh thủ , bé Thắm  đã  biết  nghe  bố kéo nhị  cho  mẹ hát và bập bẹ hát theo... 
             Hai anh em đang nói chuyện thì chiến sỹ đến báo  phát hiện bom nổ chậm dưới bến, anh Viên bảo tôi:
            - Tớ phải đi !
            Anh không kịp bắt tay tôi . Mười phút sau một tiếng nổ dội lên ở phía bến. Linh tình báo điềm chẳng lành, tôi băng rừng chạy xuống .Bến cầu  mù mịt khói bụi, gỗ đá  ngổn ngang ,  mùi thuốc bom khét lẹt. Anh Viên cùng năm chiến sỹ hy sinh, xác  anh bị hất lên một chạng ba cây.
              Tháng 6 năm 1975,từ Sài Gòn,  tôi  mang  chiếc ba lô đựng tư trang và tấm bản đồ một chí của anh  Viên về  cho chị Đào. Chị ôm chiếc ba lô khóc chết ngất, trong khi  cháu Thắm ôm  con búp bê tôi mua cho hỏi  : “Sao bố Viên không về với chú?”
               ... Chị Đào vừa bó  những mớ  rau ngải cứu  vừa kể cho tôi nghe  cuộc sống côi cút  của mẹ con chị ba mươi chín năm qua. Anh Viên hy sinh lúc chị mới ba mươi tuổi , còn trẻ đẹp,  nhiều người đặt vấn đề, nhưng chị thương con, thương anh Viên , nên dứt khoát ở vậy nuôi con, lo hương khói cho chồng và bố mẹ chồng...
               Chị nói:
               - Từ khi chú đưa tấm bản đồ mộ chí anh Viên, chị muốn đi đón  anh vể, nhưng  nấn ná  mãi đến năm tám sáu mới đưa được anh về.
               Sự nấn ná của chị Đào chung quy chỉ vì nghèo. Cái thời hợp tác xã nông nghiệp đã lên bậc cao ấy làng Thông vẫn chỉ có hai vụ lúa . Chị Đào là lao động chính , mỗi vụ  làm được 900 điểm , mỗi điểm được chia  2 lạng thóc ,  nhân lên được 180 kg .  Ngần ấy thóc xay, giã ra  được  126 kg gạo. Hai mẹ con  dẻ xẻn vẫn không đủ  ăn 6 tháng.  Chị Đào phải quai bờ sông, bờ mương trồng thêm khoai  sắn ăn độn.  Chị chủ tâm  dành mảnh   vườn trước nhà trồng rau , mùa nào thức ấy, bán lấy tiền  mua cám nuôi  con lợn , cố  gom góp  dành dụm tiền làm lộ phí vào Nam   bốc mộ anh Viên. Nhưng bé Thắm ốm đau quặt quẹo  nên được đồng nào hết đồng ấy.
                - Năm 1986  mới  dành dụm được hơn trăm đồng cho  cháu Thắm đi đón bố về chú ạ!
                Chị Đào nói và rướm nước mắt. Giữa lúc đó cái Thắm con gái chị đạp xe về.  Mới ngày nào còn là một đứa bé ngây thơ ôm con búp bê hỏi tôi “Sao bố Viên không về với chú?” , giờ Thắm  đã là một phụ nữ đứng tuổi, và gương mặt đã hiện lên những nếp nhăn từng trải lo toan. Tôi nói với Thắm:
               - Năm tám sáu cháu mới mười bảy tuổi mà đi vào tận Tây Ninh mang được hài cốt bố về , giỏi thật!   Ngày vào Nam bố cháu  phải đi bộ vượt Trường Sơn, ngày trở  về được  đi tàu Thống Nhất, chắc  bố cháu vui lắm.
               Tôi không ngờ Thắm đáp lại câu nói vui của tôi bằng lời nói ngắn ngủn, chua cay:
               - Chiếc vé tàu phải trả bằng máu đấy chú ạ!
               - Cái con này! Chị Đào đập tay vào lưng con gái. Tôi hỏi :
               - Chuyện gì sảy ra vậy cháu?
               Thắm kể:
                - Ngày ấy cháu với Thành vừa thi tốt nghiệp phổ thông trung học xong  thì vào miền Nam tìm mộ bố cháu.  Chúng cháu cầm tấm bản đồ của chú  đến Tỉnh đội Tây Ninh .  Các chú trong Ban chính sách tra cứu hồ sơ  cho biết hài cốt  bố cháu đã quy tập về Nghĩa trang liệt sỹ. Nhờ sự giúp đỡ của các chú ấy, chúng cháu lấy được hài cốt bố Viên  thuận lợi.  Không ngờ  khi đến  ga Sài Gòn mua vé tàu ra Bắc thì  bị kẻ cắp móc hết tiền.  Thành bảo  cứ  lên tàu, về đến ga Nam Định ,Thành có người quen sẽ mượn tiền mua vé phạt.
               Nhưng chúng cháu vừa ngồi xuống ghế thì cô soát vé đến kiểm tra . Chúng cháu nói thực ,xin được giúp đỡ, nhưng cô ta kêu trưởng tàu đến khám xét. Hài cốt bố cháu gói ni lông, ngoài bọc  cờ đỏ sao vàng  bị trưởng tàu lấy dao rạch ra , nghi hàng lậu. Khi nhìn thấy gài cốt thật, hắn lạnh lùng bảo: “ Có tiền mua vé thì đi, không thì xuống”.
               Chúng cháu bị đuổi khỏi tàu . Giữa  đêm khuya , không biết nhờ ai, cháu cứ ôm chiếc ba lô đựng hài cốt bố  khóc . Đến sáng, Thành bảo cháu ngồi chờ đề Thành đi mượn tiền.  Gần trưa Thành mới về , mặt mũi xám ngắt. Thành nói thực là đã đến bệnh viện bán máu . Số tiền Thành bán máu vừa đủ mua hai chiếc vé tàu hạng bét để  đưa bố cháu về quê !
                Thật cay đắng  cho số phận một người lính.  Căm giận cô kiềm soát vé và gã trưởng bao nhiêu tôi cảm thấy yêu thương và khâm phục Thành bấy nhiêu. Nhưng rồi tôi bị hụt hẫng khi chị Đào cho biết , Thành và Thắm  đã ly hôn gần mười năm rồi.
                Chị Đào nói:
                - Thằng Thành  từ khi được  làm cán bộ xã rồi lên huyện , có chức có quyền có tiền sinh ra ăn nhậu , gái gú bỏ vợ chú ạ.  Người tử tế mấy vào con đường ấy cũng  hỏng .
                Tôi hỏi Thắm:
                - Con cháu đâu?
                - Ra  Quảng Ninh nhặt than chú ạ!
                - Nó tốt nghiệp bách khoa sao lại nhặt than?
                - Không xin được việc  phải nhặt than  kiếm ăn chứ chú?
                Tôi cười xuê xoa:
                - Thế nào rồi ông ngoại Viên linh thiêng  cũng sẽ  phù hộ cho cháu có việc làm đàng hoàng!
               Thắm nói ngay không đắn đo:
               - Tiền bạc mới linh thiêng chú ạ!
               Chị Đào  cho tôi biết , mỗi ngày chị  bán  chục mớ rau ngải cứu  được ba chục ngàn, còn Thắm đi làm thuê cho xưởng chế biến thức ăn gia súc trên thị trấn, mỗi tháng được  triệu rưỡi. Hai mẹ con cố gom góp  100 triệu để thế chân cho cháu ngoại anh Viên sang Nhật làm thuê.
               Chị Đào mời tôi ăn cơm nhưng tôi không thể nuốt nổi.  Miếng chả trứng rau ngải bỏ vào miệng đắng ngắt. Vợ và con người liệt sỹ ngồi kia vừa  gần gũi vừa xa cách nhau, một người cố nín nhịn đề đi hết cuộc đời còn lại,  một người muốn bung xé đề giải thoát, nhưng đều bế tắc.  Tôi đứng trước tấm hình anh Viên, thầm nói với anh:
               - Những thứ anh em mình tưởng là vàng son hó a ra chỉ là ảo ảnh thôi anh ạ!  Có lẽ chả bao giờ tìm lại niềm vui từ những câu ca dao  : “ Làng Thông trồng đậu trồng cà. Hạt đậu thì đỏ núm cà thì xanh. Mớ đời con gái làng Thông. Cái váy thì mỏng cái mông thì tròn”.
                    M D

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét