Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Ảnh hưởng văn hóa hay dòng chảy văn minh? Lệ thuộc kinh tế hay tự do thương mại?



Cao Huy Huân  -VOA

Trong một lần rảnh rỗi rủ nhau họp nhóm những người bạn thân thiết từ thời cấp ba, tôi và chúng bạn lại có dịp tranh luận về văn hóa Việt Nam. Khơi mào cho buổi tranh luận là thằng Thuận, vì nó liên tục than vãn là truyền hình Việt Nam cứ liên tục chiếu phim ảnh Trung Quốc, Hàn Quốc, mà cô bạn gái của nó thì mê mấy tài tử xứ Trung, xứ Hàn như điếu đổ. Rồi từ câu chuyện phim ảnh, mọi thứ dẫn dắt đến những so sánh về văn hóa Việt Nam và văn hóa những nước Đông Á.
Có người nói là văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng quá nhiều từ văn hóa Trung Quốc. Chúng ta có rất nhiều đặc điểm chung với Trung Quốc từ chuyện ăn uống cho đến cách tư duy và sinh hoạt cộng đồng. Từ ngàn xưa chúng ta đã sử dụng chữ Nôm (chữ Quốc Âm), một loại chữ viết tượng hình sử dụng các bộ trong chữ viết Trung Hoa để sáng tạo ra chữ viết riêng của người Việt cổ.


Một số món ăn của chúng ta cũng giống với các món ăn của người Trung Quốc trong phương pháp chế biến, nguyên liệu và cả gia vị. Ngay cả những lễ hội sinh hoạt cũng có quá nhiều đặc điểm chung. Rồi đến cả cách tính ngày tháng năm và giờ khắc cũng giống. Và còn nhiều nhiều thứ khác nữa…
Trong bữa cơm chiều nay cũng vậy, thấy em gái tôi bật ti vi và chăm chú theo dõi một bộ phim cổ trang của Trung Quốc, mẹ tôi lắc đầu: “Bọn trẻ chỉ quan tâm đến phim ảnh Tàu thôi! Ngày càng bị Tàu hóa rồi.” Ba tôi không đồng ý với quan điểm đó của mẹ, ba cho rằng chẳng có cái gọi là “Tàu hóa” như mẹ tôi nhận định. Bởi vì rõ ràng “Tàu” là cách chúng ta gọi người Trung Quốc xưa khi họ tiếp cận vùng đất của người Việt bằng tàu thuyền. Vì vậy, sẽ chẳng có cái gọi là “văn hóa Tàu”, và chúng ta cũng không bị ảnh hưởng bởi văn hóa đó.
Ba tôi cho rằng chúng ta thuộc dòng chảy văn minh Trung Hoa, mà trong đó, cái nôi xuất phát là Trung Quốc ngày nay. Cũng không loại trừ Nam Hàn và Bắc Hàn, cũng như Nhật Bản, những quốc gia cũng thuộc dòng chảy của nền văn minh đó. Sỡ dĩ chúng ta nằm trong dòng chảy văn minh đó là vì vị trí địa lý của chúng ta quá gần với Trung Quốc, mà theo như cách gọi của các tiền bối là “núi liền núi, sông liền sông”. Vậy quá rõ ràng là chúng ta không bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc, chỉ đơn giản là chúng ta giống họ vì chúng ta nằm trong dòng chảy của nền văn minh Trung Hoa, cùng với Nam Hàn, Bắc Hàn và Nhật Bản.
Sở dĩ phim ảnh, sách báo Trung Quốc thu hút được sự chú ý của khán giả Việt Nam là vì những đặc điểm giống nhau như đã nói ở trên. Nền tảng của những văn hóa phẩm nêu trên đều dựa trên các yếu tố gần gũi với khán giả, độc giả Việt Nam. Chúng đa dạng về nội dung nhưng lại có một điểm chung là gần gũi về văn hóa và dễ tiếp thu về mặt diễn đạt.
Chúng ta thường than vãn là ngày càng có nhiều phim Tàu, phim Hàn chiếu nhan nhản trên truyền hình Việt Nam. Đừng đổ lỗi cho các nhà biên tập phát sóng vì chính khán giả mới là yếu tố quyết định. Nếu phim nhập về mà không có khán giả hoặc tệ hơn là bị sự phản đối từ phía khán giả thì chẳng có đài truyền hình nào mua bản quyền phát sóng bộ phim đó. Vấn đề là chúng ta nằm trong dòng chảy văn minh Trung Hoa cho nên các yếu tố gần gũi trong dòng chảy đó đã làm chúng ta dễ bị “ghiền” những sản phẩm văn hóa đến từ Trung Quốc.
Bản thân tôi cho rằng, hai yếu tố quan trọng tạo nên một con người là thể chất và tư tưởng, và hai yếu tố này có sự tác động qua lại lẫn nhau, nhưng thông thường tư tưởng sẽ dẫn dắt thể chất. Dĩ nhiên, những sản phẩm văn hóa được liệt vô hàng những sản phẩm tác động trực tiếp lên tư tưởng. Cực kỳ nguy hiểm!
Theo tôi, chúng ta không nên tự xem mình đã và đang bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc, chỉ xin nhắc lại, chúng ta nằm trong cùng một dòng chảy văn minh với họ. Nhưng vì Trung Quốc là nước lớn, dân số đông, diện tích rộng cho nên như một định kiến ngầm, họ nghiễm nhiên có tiếng nói lớn hơn trên các diễn đàn quốc tế. Còn nhớ, thời đương nhiệm của ông Hồ Cẩm Đào, Việt Nam đã ký kết hơn 10 hiệp định hợp tác về kinh tế và thương mại với Trung Quốc. Bản thân Việt Nam trước giờ vẫn có mối quan hệ mật thiết đến kỳ lạ với Trung Quốc, và sự phát triển của Việt Nam gần như đang dẫm lên từng bước chân của người khổng lồ đàn anh Trung Quốc đi trước.
Nói là dẫm chân là do Trung Quốc đi trước Việt Nam rất lâu. Do đó, họ dư khả năng biết được những nhược điểm của Việt Nam hiện nay cũng giống như những sai lầm quá khứ họ đã trải qua. Họ nắm Việt Nam trong lòng bàn tay và dễ dàng chỉ ra ưu khuyết điểm trong đa chiều kinh tế của Việt Nam.
Việt Nam mang tiếng là có mối quan hệ hữu nghị về mặt giao thương và tự do kinh tế với Trung Quốc, nhưng thực chất đó là một mối quan hệ thả con tép bắt con tôm của Trung Quốc đối với Việt Nam. Ba tôi từng nói, chiến tranh bây giờ sẽ có thể không diễn ra trên mặt trận súng đạn, mà là trên mặt trận kinh tế, về hình thức là hoàn toàn nhân đạo nhưng thực chất cũng tàn khốc không kém.
Còn nhớ mới đây nhất, thương lái Trung Quốc cho thu mua con banh lông (một loài sống ở biển, hình dáng tròn như trái banh lông và không có giá trị kinh tế) với giá cao làm cho ngư dân Việt Nam trước đây chưa hề có ý định khai thác loài vật không có giá trị đó, chuyển sang vay mượn nợ để mua ngư cụ.
Rồi bỗng dưng các thương lái Trung Quốc dừng thu mua lại, làm cho ngư dân điêu đứng. Có người vay đến 50 triệu đồng (khoảng 2.500 đôla) để sắm ngư cụ khai thác, và thuê nhân công với giá cao. Đến lúc này, mọi thứ diễn ra hỗn độn và người dân thì khóc ròng vì bỗng dưng ôm nợ. Trước đó thì còn nhiều vụ thu mua kì lạ của thương lái Trung Quốc như thu mua ốc bưu vàng, đĩa… Có thể nói, chỉ vài thương lái nhỏ của họ cũng làm điêu đứng nhiều nông dân, ngư dân của Việt Nam.
Tình hình biển Đông lại tiếp tục căng thẳng sau vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 trong hải phận Việt Nam. Bản chất của sự việc này chỉ là một động thái nhỏ trong âm mưu từng bước hiện thực hóa hải đồ đường lưỡi bò chín đoạn. Trung Quốc nhận định Việt Nam là nước nhỏ, dễ bị ảnh hưởng và dễ bị tác động, do đó sự trắng trợn của chúng càng thể hiện rõ hơn.
Mối quan hệ lâu năm mật thiết một cách kỳ lạ đã cho phép Trung Quốc đánh giá Việt Nam ở mức tầm thường và dễ bị kích động. Sự việc công nhân Việt Nam đập phá và uy hiếp nhà xưởng của các nhà đầu tư Trung Quốc ở Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh lại càng cho thấy tâm lý không vững, dễ bị kích động của một bộ phận thanh niên Việt Nam. Theo tôi, là một người trẻ, chúng ta phải thể hiện được ý chí vững vàng trước mọi ý kiến tác động, cho dù tác động đó mang tính khiêu khích hay là những lời dụ dỗ ngon ngọt.
Việt Nam chắc chắn sẽ không đứng một mình trong cuộc chiến chống xâm lược mới từ Trung Quốc. Việc cần làm là làm thế nào để nói đúng, nói thật và tuyên truyền rộng khắp những hành động sai trái của Trung Quốc cho bạn bè quốc tế biết rõ. Phải chỉ rõ sự việc đường lưỡi bò chín đoạn có ảnh hưởng rất lớn về mặt địa lý – kinh tế của nhiều nước (trong đó có siêu cường quốc Hoa Kỳ) chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Đừng để chưa thua trong cuộc chiến xâm lược địa lý, chúng ta đã bị thua cuộc trong cuộc chiến tư tưởng thông qua những âm mưu nhỏ và nhiều của Trung Quốc. Hệ tư tưởng có vững thì thể chất mới mạnh khỏe. Trung Quốc có những âm mưu nhỏ và nhiều, thì chúng ta sẽ có những chiến lược nhỏ nhưng hiệu quả và đúng đắn. Sẽ không có một quốc gia nào ủng hộ sự ngang ngược của Trung Quốc cho dù họ to lớn và có tầm ảnh hưởng.
Vì lợi ích chung của nhiều quốc gia, Việt Nam sẽ không đứng một mình, tuy nhiên, hãy hành động đúng và chứng minh được người Việt Nam thông minh và kiên cường. Đừng tự biến mình thành những kẻ ngông cuồng vì tư tưởng yếu kém.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét