Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

“Tiền đạo” Phùng Quang Thanh và trận bóng đá định hướng tại Shangri-La

Boxitvn

Bốn năm trước, ngày 8/6/2010, mặc cho ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt người khảo của, mặc cho tàu thuyền đánh cá của ta bị tàu Trung Quốc (bấy giờ báo chí còn buộc phải e dè nói là “tàu lạ”) đâm chìm, bên lề cuộc họp Quốc hội, Quốc phòng Bộ trưởng Phùng Đại tướng vẫn tuyên bố: “Trên Biển Đông là yên tĩnh, tôi chỉ huy quân đội hằng ngày, hằng giờ, tôi nắm tình hình hoạt động của chúng ta hết sức bình thường. Vẫn làm, vẫn hoạt động kinh tế bình thường, hàng hải bình thường, du lịch bình thường, làm ăn bình thường và không có vấn đề gì trở ngại cả.” Không những thế, ngài ca ngợi tinh thần “thân tình, hữu nghị, đúng là tinh thần láng giềng, đồng chí, anh em và là những người bạn tốt của nhau” giữa Trung Quốc và Việt Nam. Và cuối cùng, ngài nghiêm khắc cảnh cáo: “[C]ác nhà báo cũng phải chú ý không để cho các nước khác kích động vấn đề này, người ta sử dụng vấn đề biển Đông để kích động, chia rẽ quan hệ Việt Nam -Trung Quốc, chia rẽ quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân chúng ta”. (Xem ở đây).


Nay với vụ Trung Quốc ngang nhiên đem giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt vào vùng biển Việt Nam, thì những kẻ ngu như chúng tôi cứ tưởng Quốc phòng Bộ trưởng Phùng Đại tướng phải thay đổi quan điểm, và quyết liệt lên án bọn bành trướng. Nhưng không, ngài nói năng rất nhẹ nhàng. Rằng: “Trên thực tế, ngay ở trong quốc gia, hay mỗi gia đình cũng còn có những mâu thuẫn, bất đồng, huống chi là các nước láng giềng với nhau còn tồn tại tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, hoặc va chạm là điều khó tránh khỏi”. Và rằng: “Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nên đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng như sự việc ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã đơn phương hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đã gây bức xúc cho nhân dân Việt Nam, gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế”. (Xem ở đây).
Than ôi! Nước Nhật lo cho Việt Nam làm gì! Nước Mỹ lên án Trung Quốc làm gì! Hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, chà đạp lên luật pháp quốc tế và chủ quyền Việt Nam, không phải là chuyện xâm lược trên thực tế và về pháp lý, mà chẳng qua là chuyện “mâu thuẫn”, “bất đồng” trong gia đình (cộng sản) với nhau! Gì chứ cái bí quyết “đóng cửa dạy nhau” thì Việt Nam và Trung Quốc nói chung rất thành thạo! Cái “mật ước” Thành Đô năm 1990 gần một phần tư thế kỷ trói Việt Nam rất chặt vào Trung Quốc mà đố người dân Việt Nam nào được biết một cách chính thức nội dung của nó mô tê ra làm sao, chẳng phải là bằng chứng hùng hồn đó sao! Nhưng “nói chung” thôi, chứ đôi khi, cái ông anh tham lam vẫn không dằn được dã tâm của mình, làm một cú trời giáng như trận tấn công toàn tuyến biên giới năm 1979, như vụ chiếm đảo Gạc Ma năm 1988, và như vụ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 đang xảy ra. Quả thực cái sách lược “đóng cửa dạy nhau” đó chỉ là chiêu bài của ông anh mớm cho thằng em dại dột, chứ chính hắn lại vứt ngay khi cần thiết và có lợi.
Phùng Đại tướng là Quốc phòng Bộ trưởng, nghĩa là một chính khách, nên biết nhìn toàn cục, chứ không phải chỉ xem xét thuần túy khía cạnh quân sự: “Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông […]”. Đánh giá của Phùng Đại tướng quả thật đặc sắc, vì đi ngược lại tất cả những thông tin do báo chí nhà nước đăng tải. Chỉ riêng về kinh tế thôi, thì Việt Nam đã bị Trung Quốc không chế: Bộ Công thương cho biết năm 2001 nhập siêu từ Trung Quốc chỉ có 210 triệu USD thì năm 2013 đã lên tới 23,7 tỉ USD, tức đã tăng hơn 110 lần sau 12 năm (xem ở đây); Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội công bố tính đến năm 2010, có đến 90% các dự án tổng thầu EPC của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm, trong đó chủ yếu là dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim; điều đáng chú ý là ở công trình EPC này, “tất cả công việc đều do người Trung Quốc đảm nhận, từ những việc lao động phổ thông nhất như nấu ăn, vệ sinh, bảo vệ… đến kỹ sư, công nhân xây dựng và lắp máy. Kể cả những vật tư, vật liệu có sẵn tại thị trường họ cũng nhập khẩu về từ bên kia biên giới” (xem ở đây). Như thế, quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc “đang phát triển tốt đẹp” là đứng về phía nào, Việt Nam hay Trung Quốc, thưa Quốc phòng Bộ trưởng Phùng Đại tướng?
Chưa hết, Phùng Đại tướng còn yêu cầu truyền thông không nên “gây áp lực cho lãnh đạo trong quá trình xem xét đưa ra quyết định giải quyết các vấn đề tranh chấp”. Có một quốc gia dân chủ nào mà chính phủ không bị dân chúng “gây áp lực”? Có thể nói, việc nhà cầm quyền bị nhân dân “gây áp lực” và phải tính toán để giải quyết đúng đắn áp lực đó chính là tiêu chí nhận diện của một quốc gia dân chủ. Nay Quốc phòng Bộ trưởng Phùng Đại tướng công khai yêu cầu truyền thông không gây áp lực cho lãnh đạo, nghĩa là ngang nhiên tước bỏ của nhân dân quyền tự do ngôn luận, quyền được tham gia vào những vấn đề đại sự của đất nước, theo tư duy “Đã có Đảng và chính phủ lo”! Đó là một cú đảo ngược so với lời xác quyết của Thủ tướng trong Thông điệp đầu năm nay: “Nhà nước phải bảo đảm và phát huy được quyền làm chủ thực sự của người dân, nhất là quyền tham gia xây dựng chính sách” (xem ở đây). Bốn năm trôi qua, đủ để học xong một khóa đại học, mà quan điểm của Phùng Đại tướng vẫn gần như không thay đổi gì.
Cú hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 xé toạc bức màn “4 tốt 16 chữ vàng”, mở mắt cho nhiều cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo. Có vị đã công khai lên án Trung Quốc, khẳng định Việt Nam không đánh đổi chủ quyền để “nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. Nhưng có người hình như vẫn chưa chịu tỉnh cơn mê. Tàu ngầm, máy bay hiện đại có ích gì nếu nhà cầm quân còn kiên quyết say thứ cháo lú “made in China”, nếu họ không trở về với thực tại hiểm nghèo của đất nước, nếu trong huyết quản họ không rần rật dòng máu quật cường ngàn năm của cha ông quyết khiến cho bọn xâm lược “tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (Chiếu xuất quân – Quang Trung)?
Bauxite Việt Nam
clip_image001

Cách đây không lâu bác Phó Đam tuy ốm yếu, cận thị vẫn “ôm bóng ra sân” làm nức lòng giới quan sát. Hình ảnh một phó Thủ tướng năng động, trẻ trung xông pha giữa… một rừng chân cẳng làm hao tốn không ít giấy mực của báo chí trong nước. Người ta trông đợi một thế hệ lãnh đạo mới, trẻ trung, nhiệt huyết… ra sân thi thố tài năng!
Đùng một phát, giữa đấu trường Shangri-La mấy hôm nay chợt xuất hiện một danh thủ khác của Việt Nam làm kinh ngạc không những 90 triệu đồng bào cả nước mà còn là mấy trăm triệu con người sinh sống quanh khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Một đấu thủ thấp bé, có cái dáng ăn nhậu, hưởng thụ, mập phệ trước tuổi, đôi mắt nhỏ liếc ngang… không phải tố chất của một vận động viên thể thao, nhưng lại làm điêu đứng thanh danh của bác Thủ Tướng Dzũng, bác Thủ Tướng Nhật Abe, bác Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel,… là những tay sành sỏi về thể thao…
Bác Abe tuyên bố mạnh mẽ sẽ ủng hộ Việt Nam bám biển. Bác Hagel, không kém, cũng răn đe Trung Quốc về dã tâm phá hoại ổn định khu vực. Bác Dzũng nhà ta, cũng vừa hùng hồn về hữu nghị ziễn ziông… trước đó mươi ngày. Cả Shangri-La hầm hập không khí chính trị căng thẳng. Các đấu thủ Trung Quốc bị bao vây tứ phía. Dư luận dè bỉu chính quyền Bắc Kinh như một thứ phát-xít của kỷ nguyên mới, tham lam, vị kỷ… Như con chó bị dồn vào chân tường, cố sủa bậy chống chế, tuyên bố linh tinh về biển Đông,… phái đoàn Trung Quốc chưa bao giờ bị cô lập trên đấu trường quốc tế như hôm nay, nhục nhã, ề chề,…
Đùng một phát, danh thủ Việt Nam xuất hiện. Sau những pha chuyền bóng ăn ý, rào đón đanh thép của các tuyển thủ Nhật và Mỹ, người ta chờ đợi và nhường nhịn để tuyển thủ Việt Nam ra đòn quyết định, sút thẳng vào khung thành đối phương, kết liễu một đội bóng chơi xấu, chơi bậy, chơi liều… chơi cha, chơi kiểu Bắc Kinh! Chưa bao giờ cơ hội làm bàn rõ ràng, chắc thắng… hiện rõ như vậy trên bàn cờ Shangri-La. Chưa bao giờ đội nhà đông, mạnh và hầm hập khí thế chiến thắng như hôm nay…
…Trong giây phút lịch sử ấy, đấu thủ Việt Nam vươn cao cái bụng phệ, liếc cặp mắt lươn, nhìn ngó hai bên, thận trọng nhìn vào khung thành đối phương, vươn vai, co chân…
Cả cầu trường nín lặng, khán giả dồn nén hơi thở, chuẩn bị gào thét chiến thắng,… một giây, hai giây, rồi ba giây trôi qua trong căng thẳng tột độ… “Bùm”,… quả bóng căng xé không gian, lướt xẹt trong đôi mắt hãi hùng, tuyệt vọng của đội tuyển Bắc Kinh, và lăn gọn vào… khung thành của đội tuyển Việt Nam!
Bác Abe trố mắt kinh ngạc, rụng rời tay chân. Bác Hagel gào thét thất vọng… Bác Dzũng ngơ ngẩn chạy quanh sân cỏ như kẻ mất hồn… Sau ba giây đồng hồ sững sờ, cả cầu trường dậy sóng… Một vùng trời đen kịt, dày đặc cà chua, trứng thối, vỏ chai, nước cặn, giấy vệ sinh,… tứ tán bay ngập không trung, giáng xuống đầu danh thủ Việt Nam, một cái đầu vốn đã nhỏ bé, ít não, chỉ chuyên để dùng vào những dịp vái lạy và cúi luồn.
Một cái đầu của tư duy chính trị vừa đá bóng vừa thổi còi. Một tư duy muốn chơi bóng thế nào cũng xong, thậm chí đá vào khung thành của đội nhà. Một lối chơi không giống ai, vừa lạc lõng vừa phản bội.
Mà sự phản bội nào cũng có cái giá của nó, phải không Đại Tiền Đạo Phùng Quang Thanh?
Z.Z
_________________________________________________________________

Không nên làm nóng tình hình biển Đông

7:58 AM, 09/06/2010
Bên hành lang QH ngày 8.6, Đại tướng Phùng Quang Thanh – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – đã dành cho các phóng viên báo chí cuộc phỏng vấn về tình hình an ninh khu vực biển Đông và vai trò của Việt Nam với các nước lớn sau khi Bộ trưởng tham dự Hội nghị an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Thưa Bộ trưởng, nhiều nước đều cho rằng an ninh ở biển Đông rất quan trọng, vậy diễn đàn này nhìn nhận thế nào về những tranh chấp ở đây có những nguy cơ nào cho an ninh khu vực và có giải pháp nào để giải quyết nó?
- Tranh chấp trên biển Đông như các bạn đã rõ rồi, 5 nước 6 bên. Nhưng nếu để xảy ra xung đột quân sự thì nó đều ảnh hưởng đến các quốc gia không chỉ khu vực Đông Nam Á, mà cả khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (CA-TBD) và thậm chí là cả thế giới. Nó còn là thảm hoạ đối với các nước ở khu vực này, do đó để đảm bảo môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác và cùng nhau phát triển thì đó là lợi ích quốc gia của các nước.
Cho nên các nước phải hết sức bình tĩnh, phải hết sức kiềm chế, phải xử lý nó ở tầm cao chiến lược vì lợi ích không phải chỉ của quốc gia, của khu vực, mà còn của thế giới. Để giải quyết vấn đề này thì phải bằng đàm phán hoà bình, phải bằng DOC, bằng luật pháp quốc tế, bằng Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc và phải hết sức sáng suốt, hết sức khôn ngoan để không bị các lực lượng chia rẽ quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân về vấn đề biển Đông.
Vậy, trong chuyện đó thì quan điểm giữa các nước lớn và các nước ASEAN có gì khác nhau về cách nhìn nhận vấn đề?
- Về vấn đề này thì quan điểm của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc hoặc các nước khác đều thống nhất với nhau một điểm là phải duy trì môi trường hoà bình ổn định ở trên biển Đông. Tất cả các nước đều nhận thức được điều đó. Duy trì hoà bình ổn định trên biển Đông không chỉ lợi ích riêng của từng nước, mà còn là cả khu vực và thế giới.
Mỹ tuyên bố sẽ không đứng về phía nào, nhưng phải đảm bảo an ninh hàng hải, đảm bảo các hoạt động trên vùng biển quốc tế và bảo vệ lợi ích các công ty của Mỹ và các nước khác làm ăn hợp pháp với các nước khác trong khu vực này. Trung Quốc tuyên bố không bá quyền, không bành trướng và luôn luôn phải xây dựng khu vực hài hoà, thế giới hài hoà, giữ môi trường hoà bình ổn định để phát triển đất nước Trung Quốc. Những điều này cũng là phù hợp với lợi ích chung của các nước trong khu vực hiện nay.
Vậy diễn đàn này có mở ra hướng để chúng ta giải quyết những căng thẳng về tranh chấp trên biển Đông thời gian qua không?
- Hướng mở ra là các nước có lợi ích, có quyền lợi ở đây phải ngồi lại với nhau, bàn bạc với nhau, cùng đưa ra những nhận thức chung về an ninh khu vực, đưa ra những biện pháp để hợp tác mà hợp tác ở đây là hợp tác cấp cao tức là hợp tác Bộ Quốc phòng trong khu vực CA-TBD. Tôi nghĩ điều đó có đóng góp hết sức tích cực, tránh được sự hiểu nhầm, hiểu sai và tránh những xử lý sai về vấn đề trên biển. Điều này là hết sức quan trọng.
Hội nghị có đề cập đến sự lo lắng về vấn đề lấn lướt về sức mạnh quân sự của một nước nào trong khu vực này không?
- Tình hình hiện nay chưa đến mức như vậy. Quan điểm của chúng ta là nếu Trung Quốc, một nước lớn, một nước XHCN, một nước đông dân, kinh tế phát triển mà có đường lối đối ngoại hoà bình, quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam theo tinh thần đối tác, hợp tác toàn diện, phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt thì đó là điều kiện thuận lợi cho chúng ta chứ không phải là mối đe doạ, thách thức với chúng ta.
Trung Quốc đã tuyên bố sẽ xây dựng một nước Trung Quốc hoà bình và thế giới, khu vực hoà bình để giữ môi trường hoà bình ổn định để tiếp tục công cuộc xây dựng đất nước, mở cửa thì đó là những điều kiện thuận lợi.
Vậy, còn nội dung cuộc tiếp xúc với Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc Mã Hiểu Thiên?
- Cuộc tiếp xúc với Thượng tướng Mã Hiểu Thiên – Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc phụ trách về tình báo và đối ngoại, diễn ra trên tinh thần hết sức thân tình, hữu nghị, đúng là tinh thần láng giềng, đồng chí, anh em và là những người bạn tốt của nhau.
Hai bên trao đổi thân tình, cởi mở, thẳng thắn tất cả các vấn đề, nhưng điều quan trọng là, chúng ta không làm nóng lên tình hình ở biển Đông. Trên biển Đông là yên tĩnh, tôi chỉ huy quân đội hằng ngày, hằng giờ, tôi nắm tình hình hoạt động của chúng ta hết sức bình thường. Vẫn làm, vẫn hoạt động kinh tế bình thường, hàng hải bình thường, du lịch bình thường, làm ăn bình thường và không có vấn đề gì trở ngại cả.
Còn tranh chấp giữa hai bên là lâu dài do vấn đề lịch sử để lại. Nhưng mà điều quan trọng của thế hệ chúng ta là phải đứng ở tầm cao chiến lược, lợi ích của quốc gia, của dân tộc, để giữ được chủ quyền lãnh thổ nhưng cũng phải giữ được hoà bình ổn định thì mới phát triển được. Phải giữ được tình hữu nghị với Trung Quốc, nếu để xảy ra những vấn đề như trước đây thì là điều không có lợi cho cả chúng ta và cho cả Trung Quốc, cả ở trong khu vực và cả nhiều nước khác trên thế giới.
Chúng ta ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, các mặt của thế giới, một quốc gia có ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia khác, tuỳ thuộc lẫn nhau. Nên nếu một nước mất ổn định thì các nước khác cũng bị ảnh hưởng. Cho nên, các nước đã có nhận thức giống nhau đó là phải giữ hoà bình ổn định ở trên biển Đông, phải bằng đàm phán hữu nghị trên tinh thần láng giềng, anh em, tinh thần đồng chí, tinh thần luật pháp quốc tế: Đó là DOC, đó là Công ước luật biển năm 1982 mà tìm giải pháp hai bên có thể chấp nhận được.
Và các nhà báo cũng phải chú ý không để cho các nước khác kích động vấn đề này, người ta sử dụng vấn đề biển Đông để kích động, chia rẽ quan hệ VN-TQ, chia sẽ quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân chúng ta.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Sơn Đà (ghi)
_______________________________________________________

“Quân đội hai nước phải hết sức kiềm chế”

“Chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng có thể làm cho căng thẳng trở thành xung đột”, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam nói tại Đối thoại Shangri-La…

“Quân đội hai nước phải hết sức kiềm chế”
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh: “Tôi cho rằng, quân đội hai nước phải hết sức kiềm chế, tăng cường hợp tác với nhau, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động không để có những hành động ngoài tầm kiểm soát” – Ảnh: AFP.
“Chúng tôi bày tỏ sự đánh giá cao thông điệp về “chính sách hòa bình tích cực” của Nhật Bản, được Thủ tướng Shinzo Abe trình bày tối hôm qua”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh mở đầu bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, đang diễn ra ở Singapore, ngày 31/5.
Ông nhắc lại, cũng tại Diễn đàn này năm 2013, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã chuyển tới cộng đồng quốc tế một thông điệp về “lòng tin chiến lược”, trong đó nhấn mạnh rằng “lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra những nguy cơ xung đột. Lòng tin cần được nâng niu vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và với thái độ chân thành”.
“Sau một năm nhìn lại, chúng ta thấy thế giới và khu vực vẫn còn nhiều căng thẳng và tiềm ẩn các nguy cơ xung đột, hoặc chiến tranh như chúng ta đang chứng kiến hằng ngày, hằng giờ qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Chính vì vậy, xây dựng lòng tin vẫn đang là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết đối với tình hình thế giới và khu vực hiện nay”, Bộ trưởng nói.
“Trên thực tế, ngay ở trong quốc gia, hay mỗi gia đình cũng còn có những mâu thuẫn, bất đồng, huống chi là các nước láng giềng với nhau còn tồn tại tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, hoặc va chạm là điều khó tránh khỏi. Vấn đề là ở chỗ, lãnh đạo cấp cao của các nước nên hết sức bình tĩnh, kiềm chế, đặt lợi ích của quốc gia trong lợi ích của khu vực và quốc tế; lựa chọn giải pháp hòa bình thông qua đàm phán ngoại giao để giữ gìn quan hệ hữu nghị giữa các nước”.
Và ông lưu ý: “Trong giải quyết bất cứ một mâu thuẫn hay tranh chấp nào, các bên liên quan cần phải tự kiềm chế, bình tĩnh, nhận rõ bản chất vấn đề thật khách quan và rất thận trọng đưa ra các quyết định. Chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng có thể làm cho căng thẳng trở thành xung đột”.
Mặt khác, theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, truyền thông nên tạo ra môi trường thuận lợi để góp phần giải quyết mâu thuẫn và tranh chấp một cách hòa bình, không nên dùng những lời lẽ kích động, càng không nên kích động hận thù dân tộc, càng không nên làm cho tình hình căng thẳng thêm, hoặc gây áp lực cho lãnh đạo trong quá trình xem xét đưa ra quyết định giải quyết các vấn đề tranh chấp.
“Để kiểm soát và giảm thiểu các nguy cơ xung đột, chúng ta nên phát huy có hiệu quả các cơ chế hợp tác cả song phương và đa phương. Những vấn đề có liên quan đến hai nước thì cần giải quyết song phương, còn vấn đề liên quan đến nhiều nước, nhiều bên thì giải quyết theo cơ chế đa phương. Trong quá trình giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, bất đồng cần phải được công khai, minh bạch trước cộng đồng quốc tế, tránh sự hiểu lầm, hoặc gây hoài nghi cho dư luận”, theo Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam.
Liên quan đến diễn biến trên biển Đông, Đại tướng Phùng Quanh Thanh nói: “Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, nên đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng như sự việc ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã đơn phương hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đã gây bức xúc cho nhân dân Việt Nam, gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế”.
Nhắc lại chủ trương kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế của Việt Nam, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Với chủ trương trên, Việt Nam rất kiềm chế, không sử dụng máy bay, tàu tên lửa, tàu pháo… mà chỉ dùng tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển và tàu cá của ngư dân, phối hợp với lực lượng chấp pháp để bảo vệ chủ quyền, không chủ động đâm va, không phun vòi rồng vào các tàu của Trung Quốc”.
“Chúng tôi đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, và cùng Việt Nam đàm phán để giữ được hòa bình ổn định và quan hệ hữu nghị hai nước. Điều đó có lợi cho hai nước, cho cả khu vực và thế giới”, Bộ trưởng kêu gọi.
“Tôi cho rằng, quân đội hai nước phải hết sức kiềm chế, tăng cường hợp tác với nhau, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động không để có những hành động ngoài tầm kiểm soát. Quân đội hai nước phải thể hiện vai trò tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước xử lý thỏa đáng vấn đề một cách bình tĩnh, kiên trì, để không xảy ra xung đột, càng không để xảy ra chiến tranh”.
Trong bài phát biểu, ông cũng cho biết ngày 8/6 tới đây, Việt Nam và Philippines sẽ tổ chức giao lưu giữa các lực lượng đóng quân trên các đảo Song Tử Đông và Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa, để “tăng cường hữu nghị và xây dựng lòng tin cũng như giảm căng thẳng ở khu vực”.
Với truyền thống hòa hiếu và yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trong cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, ông nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét