Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Kinh tế vẫn trong vùng trũng suy giảm


http://www.thesaigontimes.vn/116797/Kinh-te-van-trong-vung-trung-suy-giam.html
Tư Hoàng

Kinh tế vẫn chưa thoát khỏi vùng trũng suy giảm, theo nhận định của Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Ảnh TL.
(TBKTSG Online) – Nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi vùng trũng suy giảm kéo dài từ năm 2010, thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm ngày càng gia tăng, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên, và tiền lương thực tế của lao động cũng đang trên đà giảm sút.
Đây là cảnh báo đáng quan tâm của Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2014 có tên gọi “Cải cách thể chế: Chìa khóa cho tái cơ cấu” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì thực hiện định kỳ hàng năm được công bố sáng ngày 26-6.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu khẳng định: “Nền kinh tế chưa thoát khỏi vùng trũng suy giảm và vẫn đối diện với nhiều rủi ro”.


Tăng trưởng năm 2013 của Việt Nam chỉ tăng 5,42%, chủ yếu từ đóng góp của ngành dịch vụ (tăng 6,59%, so với 5,9% năm 2012), nhưng mức tăng này vẫn còn khá thấp so với trung bình 7,66% giai đoạn 2005-2011.
Ngành công nghiệp và xây dựng đã có dấu hiệu hồi phục nhưng còn mong manh và vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn vì ngành này chịu tác động nặng nề nhất từ tình trạng suy thoái chung của nền kinh tế.
Ngành nông nghiệp được coi là “bệ đỡ” trong những giai đoạn suy thoái trước đây cũng đang trong giai đoạn tăng, giảm thất thường và chưa có dấu hiệu cải thiện và phát triển bền vững.
Báo cáo cho biết, tiếp tục xu hướng từ năm 2012, chi tiêu tư nhân suy giảm do thu nhập khả dụng của người dân nói chung không tăng.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2013 chỉ chiếm 30,4% GDP, mức thấp nhất kể từ năm 2000 cho đến nay, nếu loại trừ yếu tố lạm phát thì mức tăng tổng vốn đầu tư xã hội là rất thấp. Điều này lý giải cho tốc độ tăng trưởng thấp trong một mô hình tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào đầu tư và chưa có dấu hiệu cải thiện chất lượng đầu tư trong những năm qua.
Nền kinh tế kiểm soát được lạm phát ở mức thấp nhưng đổi lại là tăng trưởng sản lượng vẫn suy giảm, khu vực sản xuất thực trì trệ, thiếu động lực phát triển và bị thu hẹp nhanh chóng, lao động thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng, thu nhập và đời sống thực tế của đa số người dân giảm, an ninh và trật tự xã hội có những diễn biến đáng lo ngại.
Trong cơ cấu của vốn đầu tư, tỷ trọng đầu tư khu vực kinh tế nhà nước gia tăng liên tiếp trong ba năm qua. Mặc dù được coi là nguồn vốn bù đắp cho sự suy giảm của đầu tư tư nhân, nhưng trong khi khu vực tư nhân đang gặp nhiều khó khăn thì việc gia tăng chi tiêu công và đầu tư công, đi kèm với chính sách tài khóa nới lỏng hơn càng làm nguồn vốn mà khu vực tư nhân có thể tiếp cận bị thu hẹp.
Thêm vào đó, tổng cầu nội địa suy giảm, chi phí kinh doanh bao gồm cả những chi phí không chính thức gia tăng, môi trường kinh doanh chưa được cải thiện trong điều kiện kinh tế không bình thường… đã khiến khu vực tư nhân gặp rất nhiều khó khăn.
Số doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động tăng cao, quy mô doanh nghiệp giảm mạnh, tổng nguồn vốn của khu vực doanh nghiệp và tốc độ tăng trưởng doanh thu cũng suy giảm.
Nói tóm lại, trong bối cảnh những nỗ lực tăng tổng cầu chưa mang lại kết quả như mong muốn, thì tổng cung của nền kinh tế cũng không có dấu hiệu cải thiện tích cực do Việt Nam chưa thực hiện các chính sách cải cách về phía cung một cách quyết liệt và hiệu quả (tái cơ cấu, cải cách thể chế, tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng và giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển công nghệ v.v…) nên sự đánh đổi giữa lạm phát và tăng trưởng gia tăng trong giai đoạn 2012-2013.
Nền kinh tế kiểm soát được lạm phát ở mức thấp nhưng đổi lại là tăng trưởng sản lượng vẫn suy giảm, khu vực sản xuất thực trì trệ, thiếu động lực phát triển và bị thu hẹp nhanh chóng, lao động thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng, thu nhập và đời sống thực tế của đa số người dân giảm, an ninh và trật tự xã hội có những diễn biến đáng lo ngại.
Báo cáo khẳng định, tỷ giá ổn định nhưng hàm chứa nhiều rủi ro; tăng trưởng tín dụng rất thấp và dòng vốn lệch về khu vực công; và tài khóa thiếu bền vững và nguy cơ nợ công gia tăng.
Những diễn biến kinh tế vĩ mô năm 2013 ở trên cho thấy nền kinh tế chưa có những thay đổi căn bản về nền tảng tăng trưởng, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chưa có tiến triển đáng kể và nền kinh tế mặc dù đã đạt được những kết quả ban đầu trong ổn định kinh tế vĩ mô nhưng vẫn tiềm ẩn những rủi ro và nguy cơ bất ổn, động lực tăng trưởng suy yếu và dư địa các chính sách vĩ mô bị thu hẹp.
Một trong những nguyên nhân căn bản là do điều kiện tiền đề cho đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế là đổi mới tư duy và thể chế vẫn chưa được công phá quyết liệt, theo đó, nhiều điểm nghẽn thể chế đang hàng ngày cản trở sự vận động của các quy luật kinh tế thị trường phổ quát và khách quan cần được tôn trọng, làm méo mó thị trường và phân bổ nguồn lực.
Những điểm nghẽn quan trọng có thể kể đến là vấn đề quản trị DNNN, phân cấp, phân quyền đi đôi với ràng buộc trách nhiệm chưa đúng mức trong quản lý đầu tư công, thể chế thị trường cho các hàng hóa công ích còn chập chờn, chưa tận dụng được sức ép đổi mới thể chế từ quá trình hội nhập và vấn đề chất lượng và tính minh bạch của thống kê kinh tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét