Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

Người Việt mình có NGU DỐT, DỐI TRÁ, HIẾU CHIẾN không !?

Canh Le FB

 Xin được bắt đầu bằng HIẾU CHIẾN trước :
Dân mình vốn “hào hứng” với chiến tranh … Các võ tướng, các chiến trường … thường được vinh danh ca tụng bằng các tượng đài “hoành tráng”, bằng các tên trường, tên đường, tên quảng trường to lớn và đẹp đẽ … Trong khi đó, một nhân vật lịch sử – văn hóa uyên bác kiệt xuất là Trạng Nguyên – Đông Các Đại Học Sĩ – Thái Phó – Trình Tuyền Hầu – Trình Quốc Công – Tuyết Giang Phu Tử – Nguyễn Bĩnh Khiêm liệu đã được hậu thế ngưỡng vọng, tri ân, và noi gương xứng đáng … !?
Ngài từng được người đời đánh giá như sau :


+   Trạng nguyên, Lại bộ thượng thư Giáp Hải đời Mạc :
-   “Chu Liêm Khê hậu hữu Y Xuyên, Lý học vu kim hữu chính truyền” ( Sau Liêm Khê lại có Y Xuyên, Lý học ngày nay bậc chính truyền ) ;
-   “Danh quán nho khoa lôi chấn địa, Lực phù nhật cốc trụ kình thiên ( Kim bảng đứng đầu tên sấm dậy, Chống trời cột vững sức cường kiên ) ;
Tứ triều huân nghiệp nhân trung kiệt, Cửu lão quang nghi thế thượng tiên” ( Bốn triều nghiệp lớn tay anh kiệt, Chín lão dung nghi dáng khách tiên ).

+   Tiến sĩ Đinh Thì Trung, trong bài văn tế Môn Sinh Tế Tuyết Giang Phu Tử Văn :

-   “Muôn chương đọc khắp, học tài chẳng kém Âu, Tô” ( Âu Dương Tu và Tô Đông Pha đời Tống ), “Văn lực không nhường Lý, Đỗ” ( Lý Bạch và Đỗ Phủ đời Đường ) ;

-   “Một kinh Thái ất thuộc lòng, đốt lửa soi gan Dương Tử” ( Dương Hùng đời Hán ) ;

-   “Suy trước biết sau, học lối Nghiêu Phu môn hộ” ( Thiệu Ung đời Tống ) ;

-   “Một mình Lý học tinh thông, hai nước anh hùng không đối thủ”.

+   Tiến sĩ Ôn Đình hầu Vũ Khâm Lân đời Lê Trung Hưng, trong bài Bạch Vân Am Cư Sĩ Nguyễn Công Văn Đạt Phả Ký :

“… Bởi tiên sinh chẳng những chỉ tinh thâm một môn Lý học, biết rõ dĩ vãng cũng như tương lai, mà sự thực thì trăm đời sau cũng chưa dễ ai hơn được vậy. Ôi ! Ở trong thiên hạ, các bậc quân vương, các vị hiền giả, hỏi có thiếu chi, nhưng chỉ có lúc sống thì được phú quí vinh hoa, còn sau khi mất thì những cái đó lại cũng mai một đi với thời gian, hỏi còn ai nhắc nữa ? Còn như tiên sinh, nói về thế hệ đã truyền đến 7, 8 đời, gần thì sĩ phu dân thứ ngưỡng vọng như bóng sao Đẩu trên trời, dẫu cách ngàn năm cũng còn tưởng như một buổi sớm, xa thì sứ giả Thanh triều tên Chu Xán, nói đến nhân vật Lĩnh Nam cũng đã có câu An Nam Lý học hữu Trình Tuyền tức là công nhận môn Lý học của nước An Nam chỉ có Trình Tuyền là người số một, rồi chép vào sách truyền lại bên Tàu. Như thế, đủ thấy Tiên sinh quả là một người rất mực của nước ta về thời trước vậy.”

+   La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, sống qua các thời vua Lê – chúa Trịnh, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn, trong bài thơ Quá Trình Tuyền Mục Tự ( Qua Chùa Cũ Của Trình Tuyền ) :

-   “Huyền cơ tham tạo hóa” ( mưu cơ thâm kín can dự cả vào công việc của tạo hóa ). Ý chỉ đến “Sấm Trạng Trình”

-   “Phiến ngữ toàn tam tính” (một lời ngắn gọn mà bảo toàn cho cả ba họ). Ý chỉ đến ba câu : “Hoành Sơn Nhất Đái, Vạn Đại Dung Thân” giúp họ Nguyễn … ; ” Cao Bằng Tuy Thiển, Khả Diên Sổ Thế” giúp họ Mạc … ; ” Giữ Chùa Thờ Phật Thì Ăn Oản” giúp họ Trịnh …

+   Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung Tùy Bút :

“Lý học như Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phùng Khắc Khoan đều là tinh anh của non sông đúc lại”.

+   Phan Huy Chú, danh sĩ thời nhà Nguyễn, trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí :

“Một bậc kỳ tài, hiền danh muôn thuở”.

Một Đấng – Bậc Kẻ Sĩ mà, chỉ dùng lời nói, có thể định được Xã Tắc ( phía bắc ), mở được Sơn Hà ( phía nam ), những lời “sấm” tiên tri vận nước còn truyền tụng đến ngày nay … xem ra không hấp dẫn, làm nức lòng dân Việt bằng các Chiến Tướng “Nhất Tướng Công Thành Vạn Cốt Khô” :

+   Tiền Ngô Vương – Ngô Quyền ;

+   Vạn Thắng Vương – Đinh Tiên Hoàng Đế – Đinh Bộ Lĩnh ;

+   Thập Đạo Tướng Quân – Lê Đại Hành Hoàng Đế – Lê Hoàn ;

+   Thái Úy – Việt Quốc Công – Lý Thường Kiệt ;

+   Quốc Công Tiết Chế – Hưng Đạo Đại Vương – Trần Quốc Tuấn ;

+   Bình Định Vương – Lê Thái Tổ – Lê Lợi ;

+   Long Nhương Tướng Quân – Bắc Bình Vương – Quang Trung Hoàng Đế – Nguyễn Huệ ;

+   Võ Hiển Đại Học Sĩ – Tráng Liệt Bá – Nguyễn Tri Phương ;

+   Quản Cơ – Nguyễn Trung Trực ;

+   “Hùm Thiêng Yên Thế” – Đề Thám – Hoàng Hoa Thám ;

+   Đại Tướng “Trăm Năm Hào Kiệt” – Võ Nguyên Giáp, … ;

… vv …

với các Chiến Trường “Chiết Kích Trầm Giang, Khô Cốt Doanh Khâu” :

+   “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” ;

+   Phòng Tuyến Như Nguyệt ;

+   “Đoạt sáo Chương Dương Độ / Cầm Hồ Hàm Tử Quan” ;

+   Chi Lăng giết Liễu Thăng ;

+   Rạch Gầm – Xoài Mút nhấn chìm quân Xiêm, Đống Đa gò chôn thây giặc ;

+   Đại Đồn Chí Hòa, Lũy Bán Bích ;

+   “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa / Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần” ;

+   Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ;

+   Đồng Xoài, Bình Giã, “A Sao máu thù còn nồng”, Khe Sanh, Dak Tô, Plei Me, “Gio Linh đón thây giặc về làm phân xanh cây lá”, “đồn Tà Cơn năm nào bốc cháy”, Cổ Thành Quảng Trị, Bình Long, “Phước Long xây chiến thắng”, “Xuân Lộc cánh cửa thép”, … “Đại Lộ Kinh Hoàng”, … “Truông Gọi Hồn, Đồi Xáo Thịt”, … “trận địa thì loang máu tươi” …

… vv …

Ngoài ra, những Đấng – Bậc Sĩ – Sư khác, các Văn Thần “Kinh Bang Tế Thế” bằng tiết tháo thanh cao, chính trực, bằng tài văn học uyên thâm như :

+   Thiền Sư – Pháp Sư – Lý Triều Quốc Sư – Nguyễn Minh Không ;

+   Tả Gián Nghị Đại Phu – Thái Phó Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự – Tể Tướng Thái Sư – Lý Đạo Thành ;

+   Hàn Lâm Học Sĩ – Hành Khiển – Tả Gián Nghị Đại Phu – Tham Tri Chính Sự – Thái Bảo – Thái Phó – Trương Hán Siêu ;

+   Thái Học Sinh – Tiều Ẩn – Quốc Tử Giám Tư Nghiệp – Văn Trinh Công – Chu Văn An ;

+   Tiến Sĩ – Đông Các Đại Học Sĩ – Quốc Tử Giám Tế Tửu – Lễ Bộ Thượng Thư – Hàn Lâm Viện Sự Trưởng – Lại Bộ Thượng Thư – Nhập Nội Phụ Chính – Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú Phó Đô Nguyên Súy – Thân Nhân Trung ;

+   Gia Ðịnh Xử Sĩ Sùng Đức Võ Tiên Sinh – Võ Trường Toản :

Sinh Tiền Giáo Huấn Đắc Nhân, Vô Tử Nhi Hữu Tử
Một Hậu Thịnh Danh Tại Thế, Tuy Vong Giả Bất Vong ;

+   Hàn Lâm Viện Chế Cáo – Hộ Bộ Thượng Thư – Lễ Bộ Thượng Thư – Lại Bộ Thượng Thư –  Binh Bộ Thượng Thư – Quốc Sử Quán Phó Tổng Tài – Hiệp Biện Học Sĩ – Thiếu Bảo Cần Chánh Điện Đại Học Sĩ - Trịnh Hoài Đức ;

+   Hàn Lâm Viện Chế Cáo – Đông Cung Thị Giảng – Hình Bộ Hữu Tham Tri – Binh Bộ Thượng Thư – Hộ Bộ Thượng Thư – Lê Quang Định ;

+   Hàn Lâm Viện Thị Độc – Binh Bộ Hữu Tham Tri – Công Bộ Thượng Thư – Tĩnh Viễn Hầu – Ngô Nhân Tịnh ;

+   Hàn Lâm Viện Chế Cáo – Lễ Bộ Tham Tri – Đông Cung Phụ Đạo – Tán Trị Công Thần Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu – Trụ Quốc Thái Sư – Châu Quận Công – Ngô Tùng Châu ;

+   Tiến Sĩ – Hàn Lâm Viện Biên Tu – Đô Sát Viện Phó Đô Ngự Sử – Lại Bộ Thượng Thư – Cơ Mật Viện Đại Thần – Quốc Sử Quán Tổng Tài – Hiệp Tá Đại Học Sĩ – Phan Thanh Giản ;

+   Huy Chương Dũng Sĩ Cứu Thế của Tòa Thánh La Mã, ngày 1 tháng 10 năm 1863,
Hội Viên Hội Nhân Văn Và Khoa Học vùng Tây Nam nước Pháp, Hội Nhân Chủng Học, Hội Giáo Dục Á Châu, năm 1871,
Giáo Sư Ngôn Ngữ Á Đông, thông hiểu 27 sinh ngữ trên thế giới, năm 1874,
“Toàn Cầu Bác Học Danh Gia”, đứng hàng thứ 17 trong 18 “Thế Giới Thập Bát Văn Hào”, năm 1874. Được ghi trong Bách Khoa Tự Điển Larousse,
    Hội Viên Hội Chuyên Khảo Văn Hóa Á Châu, ngày 15 tháng 2 năm 1876,
Hội Viên Hội Chuyên Học Địa Dư Paris, ngày 7 tháng 7 năm 1878,
Khuê Bài Hàn Lâm Viện Đệ Nhị Đẳng Bội Tinh (Palmes d’Académie) của Hàn Lâm Viện Pháp, ngày 17 tháng 5 năm 1883,
Tứ Đẳng Long Tinh, Ngọc Khánh, Long Khánh của Nam Triều, ngày 17 tháng 5 năm 1886,
Huy Chương Isabelle la Catholique của Tây Ban Nha, ngày 27 tháng 6 năm 1886,
Bắc Đẩu Bội Tinh Đệ Ngũ Đẳng của Pháp ngày 4 tháng 8 năm 1886,
Hàn Lâm Viện Đệ Nhất Đẳng của Pháp ngày 3 tháng 6 năm 1887,
Hàn Lâm Viện Đệ Nhất Đẳng của Hoàng Gia Cam Bốt,
Hàn Lâm Viện Thị Giảng Học Sĩ ( dưới triều Đồng Khánh ),
Hàm Lễ Bộ Tham Tri ( dưới triều Khải Định ),
Hàm Lễ Bộ Thượng Thư ( dưới triều Bảo Đại ),

Pétrus Trương Vĩnh Ký ;

… vv …

cũng chịu chung số phận bị thờ ơ bởi dân Việt …

Đối với các sự kiện lịch sử, dân mình cũng xem nhẹ các công cuộc Cải Cách của Hồ Quý Ly, công cuộc Nam Tiến của các chúa Nguyễn theo kế sách “Tàm Thực” của Nguyễn Cư Trinh, công cuộc Duy Tân : Khai Dân Trí – Chấn Dân Khí – Hậu Dân Sinh của Phan Chu Trinh, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục của Lương Văn Can, phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm …, nhu nhuyễn, ôn hòa, bất bạo động …, mà “hào hứng” với các phong trào Xô Viết Nghệ Tỉnh, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đồng Khởi, các chiến dịch Mậu Thân, Đường 9 Hạ Lào, Mùa Hè Đỏ Lửa … đầy xương máu …

Hiện thời, trên các trang mạng, nhiều người đả kích lại những người biểu tình ôn hòa chống Trung Quốc xâm lược, bất đồng chính kiến ôn hòa … rằng chỉ giỏi biểu tình, không dám cầm súng bảo vệ đất nước …, rằng chỉ giỏi “chém gió”, làm “anh hùng bàn phím” …, rằng thì là … vv … Thực ra, có thể nhìn sự việc theo một hướng khác : “Quốc Gia Hưng Vong, Thất Phu Hữu Trách”, mỗi công dân, tùy theo vị thế và khả năng, có những phương cách khác nhau để biểu lộ trách nhiệm và thực hiện bổn phận, người lính thì chiến đấu bằng vũ khí, người dân thường thì chiến đấu bằng biểu tình, với các khẩu hiệu, biểu ngữ bày tỏ chính kiến, có khi chỉ biểu tình trong im lặng, bất động, tuyệt thực … ( chứ không phải bằng “chiến tranh nhân dân”, một con dao hai lưỡi rất nguy hiểm, Thảm Sát Mỹ Lai là một ví dụ đau thương trong muôn vàn vụ thảm sát thường dân khác, trên khắp thế giới … ), người trí thức thì chiến đấu bằng văn chương, phản tỉnh, phản biện … Một cuộc biểu tình, một lời hịch, một câu văn … nhiều khi có sức mạnh hơn một đạo quân, có thể “thắng nhi bất chiến”, “bất chiến tự nhiên thành”, giúp giảm thiểu máu xương, sức người sức của …

Võ có “Cương” có “Nhu”, Văn có “Hùng” có “Diễm” …

Võ có những “Võ Tướng” “ngoài biên thùy rạch mũi Can Tương”, lúc dùng trường trận, khi dụng đoản binh, xông pha chiến địa, chém tướng đoạt thành … ; đồng thời cũng có những “Nho Tướng” “kinh luân khởi tâm thượng, binh giáp tàng hung trung”, ngồi trong màn trướng thảo hịch, định kế … mà quyết được sự thắng thua, thành bại ngoài trăm dặm …

Văn có những “Văn Thần” “trong lang miếu ra tài Lương Đống”, xông xáo trên “trường văn trận bút”, “bút chiến” lẫy lừng, “cầm chính đạo để tịch tà cự bí, hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên” … ; đồng thời cũng có những “Tao Nhân Mặc Khách” “nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đờn …”, “tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn”, “mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi tới” mà “ngâm hoa vịnh nguyệt”, “gẫm việc đời mà ngắm kẻ trọc thanh”, “phù thế giáo một vài câu thanh nghị” …

Không thể nhận định phiến diện, chủ quan là “Võ cường Văn nhược”, mà “nhất trọng nhất khinh” … Xưa nay “cương chiết nhược tồn”, “nhu nhược thắng cương cường” không hiếm … ! …

Tất cả, Văn và Võ, Cương – Nhu – Hùng – Diễm, đều cần thiết và có giá trị hỗ tương, hình thành nên tính cách của một con người, hình thành nên tính cách của một dân tộc, “dân tộc tính” …

Mà, “TÍNH CÁCH LÀM NÊN SỐ PHẬN” !!!

Đến bao giờ thì dân Việt mới có thể nhận chân được tính cách “HIẾU CHIẾN”, “TRỌNG VÕ KHINH VĂN” tiềm ẩn trong “dân tộc tính” của mình … !? … !? … !? …



 Tiếp theo, xin bàn đến DỐI TRÁ :

Truy tìm “dân tộc tính” của một dân tộc, theo tôi, có một con đường là đi qua Văn Học Dân Gian, những câu chuyện cổ tích dân gian của dân tộc ấy. Bởi vì chúng phản ánh một cách tự nhiên nhất tâm tư, tình cảm của một dân tộc, chưa qua sàng lọc của lý trí, học thuật. Cô Tấm, một nhân vật chính diện tiêu biểu, đại diện cho cái thiện, vẫn dùng cách nói dối để trả thù, và trả thù một cách độc ác. Những nhân vật chính diện như Thằng Bờm, Trạng Quỳnh, Ba Giai, Tú Xuất … cũng dùng cách nói dối để đạt được mục đích của mình, mà những mục đích đó, rất nhiều khi, cũng chẳng có gì cao thượng …

Tục ngữ Việt Nam có câu :

-   Thật thà là cha đứa dại.
-   Thật thà là cha quỷ quái.
-   Thật thà thường thua thiệt.

Đành rằng, vẫn có những câu :

-    Ăn ngay nói thật mọi tật mọi lành.
-    Một câu nói ngay bằng ăn chay cả tháng.
-    Ngang bằng sổ ngay – So tày vót nhọn.

Người Tàu ngày xưa từng nhận xét : “Dân Giao Chỉ thích dối và ưa nổi loạn”.

Người Pháp đã gọi triều đình Huế là “Cái ổ dối trá”, do sự bất nhất trong lập trường hòa – chiến.

Người Mỹ cũng nhận xét người Việt “thường không thẳng thắn vì những lý do lặt vặt, vì thế hy sinh những mục tiêu quan trọng vì lợi ích của những mục tiêu nhỏ”.

Đành rằng, đó là những nhận xét của đối phương, hay thậm chí, kẻ thù, kẻ thù truyền kiếp, nhưng cũng không thể không xét đến …

Đánh lận ngôn từ cũng là một biểu hiện của dối trá :

Cái lập trường “địch / ta” ấu trĩ và cực đoan của những người CS được “diễn dịch” qua các cặp từ :

- liều chết / cảm tử
- khủng bố / biệt động
- phiến quân / du kích quân
- sát nhân / dũng sĩ
- khát máu / anh dũng
- liều lĩnh / dũng cảm
- hèn nhát / thận trọng
- ngoan cố / bất khuất
- cố chấp / kiên định
- điên cuồng / kiên cường
- mù quáng / nhiệt tình
- âm mưu / chủ trương
- thủ đoạn / chính sách
- xảo quyệt / mưu trí
- hiểm độc / sáng suốt
- lấn chiếm / tiến công
- tạm chiếm / giải phóng
- đánh lén / đột kích
- càn quét / công kích
- rình mò / trinh sát
- chó săn / điệp báo
- gián điệp / nội tuyến
- tháo chạy / rút lui
- hốt hoảng, vội vã / khẩn trương
- đền tội / hy sinh
- sào huyệt / căn cứ
- đầu sỏ / lãnh đạo
- xúi giục / động viên
- dụ dỗ / giác ngộ
- rêu rao / tuyên truyền
- mị dân / tuyên giáo
- chống lưng / ủng hộ
- độc tài / chuyên chính
- tàn dư / di sản
- bè lũ / đồng chí
- đồng lõa / đồng minh
- chư hầu / bạn bè quốc tế
- hà hơi tiếp sức / giúp đỡ chí tình
- bồi bút / chiến sĩ trên mặt trận văn hóa – tư tưởng
- cơ hội / chớp thời cơ
- bắt lính / thực hiện nghĩa vụ quân sự
- ráo riết bắt lính / tổng động viên
- xâm lược / làm nghĩa vụ quốc tế
- nhồi sọ / giáo dục
- tẩy não / cải tạo
- lao động khổ sai / cải tạo lao động
- cướp của / cải tạo tư bản tư doanh, cải tạo công thương nghiệp, chống đầu cơ tích trữ phá rối thị trường
- cướp tiền / đổi tiền
- đi sưu / đóng góp ngày công lao động xã hội chủ nghĩa
- thuế thân / đóng góp an ninh quốc phòng, thuế thu nhập
- nhảy đầm / múa đôi
- lợi dụng, lạm dụng / sử dụng
- xâm phạm đời tư, xâm phạm bí mật thư tín, tra tấn, bức cung, mớm cung / dùng biện pháp nghiệp vụ
- cướp đoạt / cưỡng chế
- đàn áp / chế tài


Với một hệ thống “loa phường” ra rả, dần dần in sâu vào não trạng con người như một sự “mặc định” : “địch” thì kiểu gì cũng xấu, “ta” thì kiểu gì cũng tốt …

Khi sự “dối trá” được / bị coi là “mặc nhiên”, thì người ta không còn nhận thấy mình đang nói dối, hay đang bị người khác nói dối … ! …

Cuối cùng, xin bàn đến NGU DỐT :

Một điều hiển nhiên là, người “khôn ngoan” thì không “hiếu chiến”. Người “khôn ngoan” biết vận dụng mọi phương tiện để đạt đến mục đích với ít tổn thất nhất, biết hóa giải các bất đồng, mâu thuẩn bằng hòa đồng, thỏa hiệp. Chỉ khi nào không còn lựa chọn nào khác, bất đắc dĩ thì mới phải sử dụng chiến tranh để giải quyết những vấn đề cấp bách ; còn đối với các chiến lược lâu dài, thì hòa bình là phương sách tốt nhất … ! …

Người Việt mình chưa có được tập quán nghiên cứu về đối thủ …

Sau “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu”, người Việt hiểu về Trung Quốc được bao nhiêu !?

Sau “một trăm năm đô hộ giặc Tây”, người Việt hiểu về Pháp được bao nhiêu !?

Sau “hai mươi năm nội chiến từng ngày”, người Việt hiểu về Mỹ và cộng sản được bao nhiêu !? …

Các nước đều có môn “Việt Nam Học” để nghiên cứu về Việt Nam, đừng vội nghĩ rằng vì Việt Nam “oai linh”, “hiển hách”, “vinh quang”, “vĩ đại”, “thần thánh” … gì, mà họ “nghiên cứu” là nhằm để giành được vị thế chủ động trên mọi phương diện khi bang giao, kể cả trong chiến tranh … ! Việt Nam nghiên cứu về các nước được bao nhiêu … !? Việt Nam mãi ở trong thế “nhược tiểu”, bị động, bị chèn ép, và buộc phải dùng chiến tranh làm phương tiện để giải quyết tranh chấp là vì lý do đó … ! …

THẮNG NHI BẤT CHIẾN !
BẤT CHIẾN TỰ NHIÊN THÀNH !
TRI KỶ TRI BỈ, BÁCH CHIẾN BÁCH THẮNG !
TRẬN ĐÁNH HAY NHẤT LÀ TRẬN ĐÁNH MÀ TA TRÁNH ĐƯỢC !

là vậy … ! …

Cũng hiển nhiên, người “khôn ngoan” thì không cần phải “dối trá”. Người “khôn ngoan” biết xoay chuyển những điều kiện bất lợi thành có lợi một cách sáng suốt để hướng đến những giá trị bền vững, tức “chân lý”, và hiểu rằng không có công trình gì được xây dựng bền vững dựa trên một cái nền ảo, không có thật, tức “dối trá” … ! …

Không phải không có lý do mà trong Khổng Giáo, TRÍ và TÍN được đưa và Ngũ Thường, bên cạnh NHÂN, NGHĨA, LỄ, làm năm đức lớn của bậc Chính Nhân Quân Tử. Ngũ Thường cùng với Tam Cương ( ba giềng mối : Quân – Thần, Phụ – Tử, Phu – Phụ ) đã điều tiết được xã hội Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản trong hàng ngàn năm qua, đến nay vẫn còn giá trị …

Như vậy, “hiếu chiến” và “dối trá” không phải là tính cách của con người “khôn ngoan”, mà chính là hệ quả của “ngu dốt”.

 Chính vì các tính cách này mà trong suốt mấy ngàn năm, người Việt đã không thể xây dựng được điều gì lớn lao và bền vững, cả về vật chất lẫn tinh thần, mà còn phải gánh chịu chiến tranh triền miên, cả ngoại xâm lẫn nội chiến !

   Người Việt cần nhận chân ra các tính cách NGU DỐT, DỐI TRÁ, HIẾU CHIẾN tiềm ẩn trong “Dân Tộc Tính” của mình, và nghiêm khắc sửa đổi, để có thể thoát khỏi thân phận “nhược tiểu”, mà vững bước “lớn mạnh” trên con đường VĂN MINH !

   Vì : “TÍNH CÁCH LÀM NÊN SỐ PHẬN” !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét