Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

Vì sao Đảng Cộng sản luôn sợ sệt Xã hội dân sự?

VNTB

(VNTB) – Nhìn vào lịch sử phát triển kinh tế và chính trị, người ta thấy vai trò và trách nhiệm của các tổ chức chính trị – xã hội trong xã hội dân sự ngày càng tăng.
Những quốc gia tạo ra sự ổn định và phát triển thời gian lâu dài đều có chung một bài học là xử lý tốt mối quan hệ giữa các tổ chức chính trị – xã hội, và xã hội dân sự trong quá trình hoạch định chính sách.
Ở đây thử lý giải vì sao vẫn còn nhiều người nhân danh Đảng, nhân danh cách mạng và nhân danh cả Chủ tịch Hồ Chí Minh để phản ứng quyết liệt các tổ chức xã hội dân sự.
Nguyễn Cao

Bài 1: Đảng sợ bị hạ bệ

Ban Thường vụ Hội Nhà báo TP.HCM đã có văn bản đề nghị Ban thư ký các Liên chi hội, Chi hội thông báo tới hội viên “âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của tổ chức có tên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” (HNBĐLVN).

Hội Nhà báo TP.HCM yêu cầu cả “những người làm báo đã nghỉ hưu không tham gia, không cổ vũ cái gọi là “Hội nhà báo độc lập”.
Đảng có “ngụy” hay không?
“Về những người tự xưng là Ban lãnh đạo của cái gọi là HNBĐLVN, uy tín nghiệp vụ, uy tín làm báo của họ thấp – thậm chí có người chưa phải là nhà báo. Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN) là những trí thức có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, không có bất cứ ai có thể thuyết phục, lôi kéo được họ.
Với họ, sự phát triển và đi theo ngọn cờ chiến đấu của một nền báo chí cách mạng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, ngòi bút, trang giấy của họ là vũ khí chiến đấu, vì lợi ích của đất nước, lợi ích của nhân dân là điều tối thượng”. Ông Phạm Quốc Toàn, phó chủ tịch HNBVN, nhấn mạnh.
“Họ muốn độc lập nhưng là độc lập thế nào? Ðộc lập với ai? Không lẽ là độc lập với nhân dân, với đất nước, với sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh phồn vinh, công bằng dân chủ? Ðúng là ngụy độc lập!” – trên tờ báo in Năng lượng mới số 342, phát hành đầu tháng 8-2014, tác giả Minh Nghĩa đã viết như vậy trong một bài có tựa “Ngụy độc lập”.
Một người xưng tên Nguyễn Huy Hùng, giới thiệu là nhà văn, nhà báo, nhà khoa học có nhiều giải thưởng, hiện đang sống tại TP.HCM, ký bút danh Đông La, đã viết trong bài báo có tên “Về Hội nhà báo độc lập Việt Nam”: “Không biết nước ta đã có bao nhiêu tổ chức ra đời nhân danh những điều cao cả, tiến bộ; những nhóm, những danh sách tụ họp để thể hiện chính kiến trước một vụ việc nào đấy rồi? Rất đa dạng, rất phong phú nhưng thực chất đều có mục đích chống đối và lật đổ chế độ Việt Nam hiện tại.
Ví dụ như: “khối” (8406); “Con đường” (Con đường Việt Nam); “Viện” (Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (Institutes of Development Studies – IDS); “Diễn đàn” (Diễn đàn xã hội dân sự); “Nhóm” (Nhóm kiến Nghị 72 Sửa đổi Hiến Pháp); “Danh sách” (Danh sách ủng hộ Phương Uyên, Nhã Thuyên); “Đảng” (đảng Dân chủ Xã hội); “Hội” (Văn đoàn độc lập Việt Nam) và gần đây nhất “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”.
Ông Hùng cũng cho biết thuở sinh tiền, nhà thơ Chế Lan Viên đã hết lời khen ngợi mình và đã giới thiệu ông với nhà thơ Chim Trắng, tổng biên tập tuần báo Văn Nghệ, để ông về làm phóng viên nơi này.
Dân ngu khu đen
Chuyện nặng lời như trên cũng không lạ. Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói: “Một số anh em lập ra mười mấy tổ chức xã hội dân sự, nhưng tôi nhìn thấy là nó còn mỏng lắm, khởi xướng của anh em rất là đáng khuyến khích, đáng hoan nghênh. Nhưng mà cái để đảm bảo các tổ chức đó hoạt động chính là cơ sở pháp luật.
Nếu không có Luật lập hội thì làm sao những tổ chức đó có cơ sở phát triển được. Cho nên người ta để như vậy nhưng lúc nào muốn dẹp là dẹp nó không có bảo đảm gì. Cho nên việc thúc đẩy là đòi hỏi phải có luật cơ bản, có nghĩa là bây giờ Việt Nam có một qui trình không bình thường Hiến pháp thì bị luật treo, còn luật thì bị nghị định treo, thông tư treo, đưa ra thì có số liệu nhưng không có hiệu lực thi hành”.
Phát biểu trên cương vị thứ trưởng đương nhiệm của Bộ Nội vụ, ông Trần Anh Tuấn cho rằng: “Đối với nước ta, thể chế quản lý tổ chức và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự phải phù hợp và đáp ứng được cơ chế vận hành của thể chế chính trị: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. (http://isos.gov.vn/Thongtinchitiet/tabid/84/ArticleId/331/language/vi-VN/M-t-s-v-n-d-c-n-l-u-y-v-xa-h-i-dan-s.aspx)
“Đảng lãnh đạo – Nhà nước quản lý – Nhân dân làm chủ”, nên ở đây có thể hiểu người lãnh đạo rất thích “dân ngu khu đen”. Các tổ chức xã hội dân sự, dù kiểu gì chăng nữa, cũng phải nép dưới cái bóng của Đảng. Điều này được công khai ở Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam – một văn bản như Luật Đảng: “Đảng viên có nhiệm vụ phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng”. (Điều 2)
Cũng theo Luật Đảng, nhân sự trong bộ máy nhà nước, tất cả đều phải là đảng viên. Những nhân sự chủ chốt như bí thư các tỉnh, thành phố, bộ, ngành đều phải được Bộ Chính trị – cơ quan cao nhất của Đảng chuẩn y.
Những tổ chức xã hội dân sự dám bình phẩm Đảng vì lẽ ấy không thể tồn tại. Tiếng là Nhà nước pháp quyền, nhưng từ nhà quản lý, quan chức đều là đảng viên, mà đảng viên thì có nhiệm vụ phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng, nên một tiếng nói trái tai Đảng là không thể.
Tiếng nói của Người Dân
Slogan của báo Nhân Dân là “Tiếng nói của Đảng”. Slogan “Tiếng nói của Người Dân” xin được đề xuất cho báo điện tử http://www.ijavn.org/. Hãy vì “quyền con người” để tôn trọng sự thật, để luôn nói được tiếng của Người Dân.
Ngay trong tháng đầu tiên ra mắt, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam (HNBĐLVN) đã bị “đánh tơi bời” trên một số tờ báo nhân danh Đảng.
Có lẽ Đảng đang lo ngại về một “Nhân Văn – Giai Phẩm” (NVGP) của thế kỷ 21.
Nguyễn Cao
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả.
*******************************************************************

Bài 2: Đừng mị dân nữa!

Nguyễn Cao
“Nhân Văn Giai Phẩm” thời nay?
(VNTB) – GS Hoàng Như Mai hay kể với sinh viên câu chuyện về “lá cờ Nhân Văn Giai Phẩm (NVGP) phất phới sân trường Đại học Tổng hợp Hà Nội” thời thầy giảng dạy ở đây. Thầy được Đảng xếp vào danh sách “NVGP”. Đầu thập niên 80 thế kỷ trước, ý tứ của thầy qua “lá cờ NVGP”, sinh viên nghe qua rồi… quên mất, chẳng chút suy tư.
Từ chuyến đi sứ của ông Lê Hồng Anh – một thế thân Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, sang Trung Quốc, cho thấy rất có khả năng thời gian tới tổ chức HNBĐLVN sẽ bị đàn áp như NVGP của thập niên cuối 50 ở thế kỷ trước, cũng với lý do muốn “thoát Trung”.
Vụ án NVGP bắt đầu khi Trần Dần, một tác giả quân đội đồng thời là đảng viên, đã viết cuốn sách phóng sự về trận chiến Điện Biên Phủ vào tháng 2-1955. Các nhân vật trong tác phẩm không phải là những hình mẫu anh hùng chủ nghĩa xã hội mà đảng đã ra lệnh phải theo.
Sau đó, Trần Dần đã tập hợp một nhóm các nhà trí thức có cùng tư tưởng trong nội bộ quân đội. Mục tiêu của họ là thuyết phục các lãnh đạo đảng trả lại cho họ sự tự do sáng tác. Họ mong muốn đòi lại sự tự do không chỉ từ các nhân viên kiểm duyệt quân đội, mà còn từ các viên chính ủy của đảng.
Giới trí thức bắt đầu xuất bản tạp chí riêng. Vào ngày 15-9-1956, tạp chí Nhân Văn độc lập đã được cấp phép xuất bản. Phan Khôi biên tập. Nhân Văn xuất bản năm số, từ 20-9 đến 20-11 năm 1956. Trước đó, tạp chí Giai Phẩm ra đời vào tháng 3-1956.
Để thúc đẩy tạo dựng nên xã hội mang tính pháp trị hơn, giới trí thức đã kêu gọi chỉnh sửa Hiến pháp, yêu cầu đảng trao tự do cho quốc hội, và mong muốn một nhánh tư pháp được độc lập. Nhiều tướng lĩnh quân đội cũng chia sẻ khi cảm thấy lo lắng về sự quỵ lụy một cách mù quáng đối với các mô hình và học thuyết Trung Quốc.
Tạp chí Nhân Văn bị đóng cửa vào tháng 11-1956 sau một cuộc đình công có tổ chức của công nhân xưởng in, trước khi số báo thứ sáu được xuất bản. Tạp chí Giai Phẩm cũng bị đóng cửa chỉ sau khi phát hành bốn số (tháng 3, tháng 8, tháng 10, tháng 12-1956).
Các nhà xuất bản của cả hai tờ báo đều bị bắt. Phan Khôi qua đời tại Hà Nội vào đầu năm 1960, chỉ vài ngày trước khi ông bị triệu tập xét xử vì tội “đi chệch đường lối”. Các nhà lãnh đạo khác bị cáo buộc là đã “âm mưu kích động quần chúng thực hiện những cuộc biểu tình phản cách mạng nhằm lật đổ chế độ dân chủ nhân dân và sự lãnh đạo của đảng”.
“Cái đầu” của lãnh đạo
Giả dụ tiếp tục chấp nhận nguyên tắc “Đảng là lãnh đạo tối cao”, cũng cần thấy rằng trong mỗi giai đoạn lịch sử, một đảng dẫu vị thế độc quyền, vẫn phải hiểu hôm nay mình đang đứng ở đâu, và sẽ đứng như thế nào để không bị… té ngã, không còn bị “dân hết tin Đảng” như lo sợ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Theo quan điểm ở Đại hội VI của Đảng về “Nhìn thẳng vào sự thật”, thực trạng đất nước hiện nay là tư duy kinh tế chính trị không theo kịp nhu cầu nắm bắt cơ hội để vượt qua thách thức. Nhiều quan điểm như: Phát triển bền vững, Nhà nước pháp quyền, tư vấn và phản biện… vẫn chỉ là khẩu hiệu.
Nếu nhìn thẳng vào sự thật, có thể chia sẻ rằng giai đoạn từ 1976-1986, đặc điểm tư duy về kinh tế và chính trị là “làm mà không biết” do duy ý chí chủ quan, không tôn trọng quy luật khách quan.
Giai đoạn đổi mới từ 1986 đến nay, đặc điểm tư duy lãnh đạo, quản lý là “làm rồi mới biết” khi chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Chủ yếu dựa vào tổng kết kinh nghiệm đã qua để sửa chữa nên khó thể chủ động, sáng tạo trước biến đổi nhanh của thực tiễn mọi mặt trong nước và thế giới.
Giai đoạn từ 2011 trở đi, trước bước ngoặt của phát triển mô hình mới, chắc chắn sẽ là và phải là tư duy “biết rồi mới làm”. Đây là giai đoạn kinh tế tri thức giữ vai trò chủ đạo trong mọi thay đổi, vừa tạo ra cơ hội lớn cho con đường phát triển rút ngắn của nước đi sau, vừa là thách thức rất lớn cho đổi mới.
Như vậy, ở đây đòi hỏi người đứng đầu Đảng, cần hiểu rõ tư duy dựa trên “biết rồi mới làm”, thì mới hy vọng lấy lại niềm tin của nhân dân.
Đừng mị dân nữa!
Đảng vẫn hay nói mình chịu sự giám sát của nhân dân. Tuy nhiên giám sát phải có đủ cả ba quyền: quyền thông tin; quyền kiểm tra; quyền xử lý sai phạm. Với chế định giám sát của nhân dân, nếu thiếu đi một trong ba quyền đã nêu, đặc biệt nếu không có quyền kiểm tra và quyền xử lý sai phạm, thì hoạt động giám sát chỉ mang tính dân chủ hình thức.
Kênh truyền thông của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam cùng những tổ chức xã hội dân sự khác, chính là địa chỉ tốt nhất để Đảng Cộng sản Việt Nam tìm đến cho ghi nhận đầy đủ về sự thương yêu lẫn ghét bỏ của người dân về một Đảng độc quyền cầm quyền.
Tiếp tục công khai và thách thức bịt miệng người dân như phiên tòa xét xử “hai xe – ba hàng”nhóm Bùi Thị Minh Hằng vừa qua của tỉnh Đồng Tháp, cho thấy đang tiếp tục vết đổ sai lầm khi bịt miệng báo chí như thời Nhân Văn – Giai Phẩm.
Tất cả những động thái này càng khiến thể chế chính trị độc đảng cầm quyền sẽ ngày càng bị nhân dân cạn hẳn chút niềm tin ít ỏi còn sót lại.
Nguyễn Cao
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét