Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

William C. Westmoreland: “Tôi không nghĩ là chúng tôi đã thua cuộc chiến”

Phan Ba

Tướng W. C. Westmorelandtrích dịch từ “Apokalypse Vietnam”

Tướng W. C. Westmoreland. Ảnh: The Vietnam Center and Archive

Tướng William C. Westmoreland từ 1964 cho tới 1968 là tư lệnh tối cao của Bộ Chỉ huy Cố vấn Quân sự Mỹ tại Việt Nam và từ 1968 cho tới 1972 là tham mưu trưởng của Lục quân Hoa Kỳ. Ông đã phục vụ ở Bắc Phi và mặt trận phía tây trong Đệ nhị Thế chiến. Trong giai đoạn đầu tiên của Chiến tranh Việt Nam, là chỉ huy của lực lượng mặt đất, ông theo đuổi chiến lược làm tiêu hao “Tìm và Diệt”. Năm 1965, dựa trên lời đề nghị của ông, Tổng thống Johnson đã tăng cường lực lượng cho quân đội Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam rất nhiều. Westmoreland được cho là phải chịu trách nhiệm cho một loạt đánh giá sai lầm, nhưng cũng được khen ngợi vì đã đánh trả thành công đợt tấn công Tết Mậu Thân 1968. Là Tham mưu trưởng của Lục quân Hoa Kỳ, ông chịu trách nhiệm rút quân đội Mỹ ra khỏi Nam Việt Nam năm 1973.  

Khi bắt đầu phục vụ, tôi có một tiểu đoàn pháo binh, sau đó tôi chỉ huy một sư đoàn. Đã có một vài trận đánh dữ dội, nhưng chúng tôi tương đối vượt trội hơn đối phương. Hỏa lực của chúng tôi là hỏa lực mạnh nhất đã từng có trên một chiến trường, và điều đó có nghĩa là con số tử thương có thể được giảm thiểu. Hỏa lực là nền tảng để chống lại địch thủ mà không phải hy sinh tính mạng.
Tôi đã rất chú ý đến trận đánh Điện Biên Phủ năm 1954. Thật sự là toàn bộ quân đội Mỹ đều chú ý tới trận đánh đó. Chúng tôi đã nghiên cứu về nó rất kỹ. Để giảm thiểu con số tính mạng hy sinh thì phải có sự hỗ trợ của pháo binh và không quân. Chúng tôi đã giúp quân đội Pháp bằng máy bay ném bon B-52. Máy bay B-52 không chính xác đúng theo yêu cầu. Nếu người ta sử dụng chúng thì độ chính xác của lần ném bom phụ thuộc vào độ cao, thời tiết và tài năng của các phi công. Hỏa lực pháo binh thì chính xác hơn.
Người ta phải đối phó với hai loại địch thủ: loại mặc quân phục và loại kia, những người cuối cùng thì có thể gọi là gián điệp. Người ta phải liên tục nhắc nhở lính của mình, là có những người như vậy, rằng họ phải luôn luôn dự tính với việc sẽ đối đầu với họ. Đó là một việc khó khăn, vì người ta chỉ biết được một ít về điều đó. Chúng tôi biết là họ có ở đó, họ gặp nhau ở đâu và những đường liên kết của họ chạy đi đâu. Nhưng họ rất di động. Ngày hôm nay họ ở đây và ngày mai thì đã ở nơi khác rồi. Tính di động của họ đã trở thành nguồn gốc cho sự an toàn của họ.
Kẻ địch cố gắng mang lại ấn tượng, rằng hắn khéo léo hơn là trong thực tế. Họ hoạt động về đêm. Đó không phải là một trong những thế mạnh của chúng tôi. Chúng tôi phải học cách đi động cẩn thận và hoàn toàn không có ánh sáng – như một con mèo, càng ít tiếng động càng tốt. Lính Việt Cộng chiến đấu rất tốt về đêm, ở đó thì có lẽ là họ tốt hơn chúng tôi.
Một vấn đề cho các đơn vị Mỹ là kẻ địch được tiếp tế qua con đường mòn Hồ Chí Minh. Nó cũng nằm trên đất Lào và Campuchia. Nhưng quân lính của chúng tôi thì không được phép đi ra khỏi lãnh thổ Nam Việt Nam; chúng tôi không muốn mở rộng cuộc chiến. Việt Cộng thì không có hạn chế này. Điều đó gây khó khăn lớn cho chúng tôi, và có những hoạt động đặc biệt để cắt đứt con đường mòn. Ví dụ như chúng tôi đặt mìn và chôn thiết bị nghe trộm để có thể xác định được con số địch thủ. Chúng tôi đã cố sử dụng kỹ thuật để bù trừ cho những hạn chế mà chúng tôi đã tự đưa ra cho chúng tôi.
Năm 1967, tôi được yêu cầu nói chuyện trước Quốc Hội. Giới công chúng Mỹ và Quốc Hội Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ muốn đi tới kết thúc chiến tranh. Vì vậy mà thỉnh thoảng lại có những đạo luật được ban hành, gây khó khăn cho các hoạt động của quân đội. Lúc đó thì trong cốt yếu tôi đã nói với nhân dân Mỹ những gì mà theo ý tôi là họ cần biết: đường lối của chính phủ chúng tôi là đường lối nào, cần phải tiến hành những bước đi nào để ngăn chận các hoạt động của kẻ địch. Tôi đã nói, rằng cuộc chiến sẽ không tiếp diễn mãi mãi. Chúng tôi cảm nhận được là chúng tôi đang thắng thế. Đó là thông điệp. Và vì vậy mà tôi đã dùng hình ảnh sáo rỗng của “ánh sáng cuối đường hầm” quen thuộc với người dân chúng tôi. Người ta đã đứng dậy vỗ tay hoan hô tôi khi tôi chấm dứt bài diễn văn của mình, vì vậy mà tôi nghĩ rằng Quốc Hội đã thích nó.
Đó là tháng Mười Một 1967. Ba tháng sau đó, tháng Giêng 1968, xảy ra đợt tấn công Tết Mậu Thân. Tình báo của chúng tôi nói với chúng tôi rằng họ sẽ đến. Chúng tôi biết là họ sẽ đến, chúng tôi không biết chính xác là lúc nào, chúng tôi không biết chính xác là ở đâu, nhưng chúng tôi biết là họ sẽ đến. Và chúng tôi đã chuẩn bị trước rồi. Họ không thể gây ngạc nhiên cho chúng tôi. Nhưng tôi không thông báo cho giới công chúng về việc này, vì tôi không muốn cảnh báo địch thủ trước. Và từ những lý do này mà chúng tôi cũng không thông báo với quân đội là sẽ có một đợt tấn công. Nhưng chúng tôi đã tiến hành nhiều bước để chuẩn bị trước.
Trận tấn công Tết Mậu Thân đã có những tác động xấu về tâm lý. Nhưng nếu như tôi thông báo trước cho người dân Mỹ thì tôi cũng thông báo trước cho kẻ địch. Và tôi không muốn điều đó. Truyền thông đã và vẫn còn đóng một vai trò rất quan trọng trong xã hội chúng tôi. Không thể tưởng tượng được là có thể thống trị hay kiểm soát được chúng. Chúng tôi là một xã hội cởi mở, và người dân Mỹ cần phải nhận được tất cả các thông tin do chúng tôi có thể cung cấp mà không gây nguy hại tới sự an toàn của chúng tôi. Điều đó gắn liền với tổn thất sinh mạng con người. Người dân Mỹ ngạc nhiên khi đợt tấn công Tết Mậu Thân bắt đầu.
Các trận đánh ở Huế rất dữ dội, vì chúng diễn ra rất gần Bắc Việt Nam, nhưng chúng tôi thật sự là đã chuẩn bị tốt trước đó. Tôi có một vài viên chỉ huy xuất sắc ở đó, và những người này có trong tay những lực lượng tương ứng. Chúng tôi cũng có thông tin tình báo về kẻ địch, rất nhiều hơn là họ dự tính.
Johnson và Westmoreland
Tổng thống Johnson và tướng Westmoreland
Mỹ Lai (tháng Ba 1968) là một bi kịch. Khi tôi nghe được điều đó, tôi đã tiến hành ngay lập tức các bước cần thiết đối với những người chịu trách nhiệm, và ít nhất là một hay nhiều người đã phải ra trước tòa án quân sự. Đó là kết quả của một chỉ huy không tốt. Chúng tôi đã bổ nhiệm một vài người không thích hợp làm sĩ quan. Bài học xuất phát từ Mỹ Lai là sĩ quan phải là những người có nhiều tính thận trọng, những người không tham gia vào những việc bất hợp pháp hay trái với pháp luật. William Calley lẽ ra không bao giờ được phép là sĩ quan. Anh ta không có đủ học vấn, tính thận trọng, năng lực và khả năng phán xét để là sĩ quan. Hành động của anh ta đã làm hại cho toàn thể quân đội. Từ kinh nghiệm này mà các tiêu chuẩn để thăng cấp lên hàng sĩ quan đã nghiêm ngặt hơn.
Việc sử dụng “chất độc màu da cam” cũng là một phát triển đáng buồn. Chúng tôi nghĩ rằng nó đã được thử nghiệm. Đó là một hóa chất để làm rụng lá. Qua đó người ta có thể nhìn vào rừng rậm. Người ta cho rằng loại chất làm rụng lá này không có hại cho con người, nhưng hóa ra là nó có hại cho sức khỏe.
Ở phía truyền thông và nhân dân Mỹ có một nhu cầu thông tin cao về việc chúng tôi tiến bước tới đâu ở Việt Nam. Để làm được việc đó thì phải có những tiêu chuẩn đánh giá. Và vì vậy mà rất đáng tiếc là “đếm xác chết” đã trở thành từ ngữ hay được dùng tới. Điều đó thật là đáng tiếc. Điều mỉa mai là việc nó thành hình ra sao: giới truyền thông đang đóng một vai trò trong thời gian đó, vâng, một vai trò không thích hợp, đang tìm những thông báo thành công. Và một “thành công” có thể đo đạc được là có bao nhiêu địch thủ bị giết chết trên chiến trường. Khái niệm “đếm xác chết” đã thành hình từ đó. Tôi không phát minh ra nó. Tôi chưa bao giờ cảm thấy thích nó, nhưng nó có nhiệm vụ mô tả thành công trong quân sự của chúng tôi, và mang lại cho nhân dân Mỹ một ấn tượng tốt hơn về những gì đang diễn ra.
Tôi không nghĩ – cũng như những người khác – rằng chúng tôi đã thua cuộc chiến. Điểm quan trọng nhất là người dân Mỹ chống lại cuộc chiến; chống lại vì con người không nhận ra được tầm quan trọng của nó cho an ninh của chúng ta. Đó là một thời điểm không thuận lợi. Quốc Hội đã thông qua một đạo luật không đưa ra thêm sự giúp đỡ nào cho người Nam Việt Nam nữa. Qua đó, sự hỗ trợ của chúng tôi ngừng lại ở bình diện chính trị. Khi điều đó diễn ra, nhiều người Nam Việt Nam cố gắng chạy trốn sang Hoa Kỳ, vì họ biết rằng cuối cùng thì miền Bắc sẽ nắm lấy quyền lực trong đất nước của họ. Những người này bây giờ là công dân Mỹ. Chúng tôi đã cho phép họ tỵ nạn.
Lẽ ra Nam Việt Nam đã có thể tồn tại được như là một đơn thể chính trị. Nhưng khi người Bắc Việt Nam, được người Trung Quốc hỗ trợ, tấn công để chiếm miền Nam thì Quốc Hội khước từ sự giúp đỡ quân sự, cái đủ mạnh để ngăn chận sự tan rã. Nam Việt Nam ngày nay là một phần của Việt Nam và bị Hà Nội kiểm soát. Tôi không có khả năng phán xét về hình thức chính phủ mà Hà Nội đã áp đặt lên miền Nam, mặc dù tôi đã sống trên phần đất đó của thế giới. Nhưng tôi biết là rất khó khăn cho người Nam Việt Nam.
Lẽ ra chúng tôi đã có thể chiến thắng, chúng tôi có sức mạnh quân sự để chiến thắng, hoàn toàn không thể nghi ngờ điều đó được. Vì Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ không có lý do để cho phép tấn công ra miền Bắc Việt Nam, và Quốc Hội thì muốn chấm dứt cuộc chém giết nên cuộc chiến được chấm dứt.
Tôi là một cựu chiến binh rất trung thành, và không tin rằng tôi có kẻ thù. Tôi đã đưa ra rất nhiều quyết định có liên quan tới lợi ích quốc gia. Tôi không phải xin tha lỗi vì điều đó.
Phan Ba trích dịch từ “Apokalypse Vietnam”
Đọc những bài phỏng vấn khác ở trang Chiến tranh Đông Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét