BBC
Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Du Chính Thanh đang có chuyến thăm ba ngày tại Việt Nam với mục tiêu thắt chặt quan hệ.
Tân Hoa Xã trong tin đăng ngày 26/12 cho biết ông Du đã hạ cánh xuống Hà Nội ngày 25/12, theo lời mời từ Mặt Trận Tổ Quốc và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông Du là nhân vật lãnh đạo hàng thứ tư của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Chuyến thăm của ông diễn ra vào lúc Đảng Cộng sản Việt Nam sắp có hội nghị trung ương quan trọng để bàn về nhân sự cho nhiệm kỳ tới.
Trong cuộc gặp với ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 25/12, ông Du được Tân Hoa Xã dẫn lời cho biết các cuộc trao đổi cấp cao giữa hai đảng đóng vai trò quan trọng cho nỗ lực phát triển quan hệ song phương.
“Chuyến thăm lần này của tôi tại Việt Nam … là nhằm củng cố niềm tin, xây dựng sự nhất trí và thúc đẩy mối quan hệ Việt-Trung đi đúng hướng,” ông nói.
Ông Du cũng nói Trung Quốc muốn xây dựng quan hệ song phương dựa trên góc nhìn chiến lược cũng như dài hạn.
Về phía mình, ông Lê Hồng Anh nói chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng Tám của ông đã mang lại “những bước tiến tích cực”, Tân Hoa Xã cho biết.
Ông cũng kêu gọi hai bên xây dựng sự nhất trí ở các cấp cao nhất về vấn đề tranh chấp trên biển và xử lý mâu thuẫn một cách thỏa đáng.
Trao đổi với BBC trong một phỏng vấn gần đây, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết chuyến thăm của ông Du ‘trước đây chưa có trong lịch’.
“Có lẽ chuyến đi này đã xuất hiện theo yêu cầu nào đó của Bắc Kinh muốn có ý kiến, tham khảo, trao đổi với lãnh đạo Việt Nam,” ông Doanh nói.
“Trong mối quan hệ giữa hai bên nhất là phía Trung Quốc luôn nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa hai Đảng thì việc ông Du Chính Thanh đi thăm cũng là một điều nằm trong khuôn khổ thỏa thuận giữa hai bên,” ông nói thêm.
Căng thẳng trên biển
Trước đó, trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng Tám với tư cách đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Lê Hồng Anh cũng tuyên bố “việc hai Đảng, hai nước tăng cường hợp tác, duy trì quan hệ phát triển lành mạnh, ổn định là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay và tình hình Biển Đông có những diễn biến căng thẳng, phức tạp”.Hồi tháng Năm, hành động đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào Biển Đông của Bắc Kinh đã châm ngòi cho hàng loạt vụ đụng độ giữa các tàu chấp pháp hai nước, cũng như các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trên phần đất liền tại Việt Nam.
Ngày 6/11, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc cải tạo bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.
Trong báo cáo đưa ra ngày 22/11, tạp chí quốc phòng Anh IHS Jane’s nói Bắc Kinh đang nới bãi đá này “đủ rộng để làm sân bay”.
Đầu tháng 12, phía Việt Nam đã lên tiếng về vụ kiện Trung Quốc do Philippines khởi xướng trước Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc.
Văn kiện gửi lên Tòa Trọng tài khẳng định Việt Nam có quyền lợi hợp pháp tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bác bỏ toàn bộ yêu sách Đường chín đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét