Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

CON ONG SÀI GÒN 1969

Hoàng hải Thủy

ong1
ong2


Tháng 10, 2014, HĨM – tên cúng cơm Đinh Hiển – họa sĩ vẽ tranh của Tuần Báo CON ONG – Tuần báo Minh Vồ Chủ Nhiệm, Thương Sinh Chủ Bút, xuất bản ở Sài Gòn những năm từ 1968 đến 1972 – HĨM sống từ năm 1980 ở Cali,. Năm nay, 2014, Hĩm Tám Bó Lẻ Bốn Que tuổi đời, gửi cho tôi bức thư:
Cali. 19 Tháng 10, 2014.
Ông HH Thủy.
Hứa với ông mấy tuần trước, nên phải từ Santa Ana phôn cho thằng con rể đến đón về San Jose để tìm số Con Ong này. Vất vả quá. Lục lọi ba cái va-ly đưng đồ tế nhuyễn gần một ngày trời mới tìm ra số Con Ong này.
Coi tờ báo giấy vàng khè mà cảm khái. Mừng quá trời. 50 năm qua, thương quá là thương.
Thân tặng ông để ông tùy nghi sử dụng. Chỉ có ông – GÃ THÂM – mới xứng đáng giữ nó. Còn tôi, thấy nó chỉ muốn khóc. ..Vàng khè, rách nát, tơi tả.. ..
Đề nghị: Ông gửi tờ Con Ong này cho Viện Bảo Tàng Chiến Tranh VN của ông Giao Chỉ, San Jose, Cali, để Viện trưng bầy cho mọi người xem và giữ dùm cho mai hậu, chắc tốt hơn.
HĨM
Nhận được tờ báo này ông phone cho tôi biết ngay. Sợ lạc mất  thì thật là tiếc.
CTHĐ: Cùng với thư, Hĩm gửi cho tôi tờ báo CON ONG Số 83, ra ngày 15/10/1969. Cùng có tâm trạng như tâm trạng Hĩm, tôi ngậm ngùi, bồi hồi trước tờ tuần báo 50 năm xưa. Năm nay – 2014 – tôi đọc kỹ những bài các bạn tôi viết 50 năm xưa trên trang báo cũ.
Cảm khái cách gì!
ong3
Tôi trích vài bài trong Con Ong 83.
Dương Húc Càn là bút danh của Dương Hùng Cường trên báo Con Ong. Tháng 10 năm 1969, người quân nhân Dương Hùng Cường vi phạm kỷ luật, bị giữ 15 ngày trong Trại Quân Kỷ. Ra tù, anh viết bài này đăng trên Con Ong.
Hùng Cường, CÀ KÊ DÊ NGỖNG, Dê Húc Càn
Xin cám ơn tất cả..
Tôi đã định dấu thật kỹ việc tôi đi nằm ấp. Mười lăm ngày nằm ở Trại Quân Kỷ có nghĩa lý gì đâu với cả một cuộc đời lính dài dằng dặc với bộ quần áo lính nặng trĩu trên người. nhưng việc đó không dấu được ai, vì cả làng đều biết. Tôi thực tình cảm động…Và ở trang báo này hôm nay, tôi xin gửi lời cảm ơn tất cả.
Đã từ lâu tôi tập được cái tính dửng dưng, thản nhiên đến độ lạnh nhạt, với tất cả những rủi ro, bất trắc xẩy đến cho tôi. Với câu chuyện Tái Ông mất ngựa, tôi đã tự an ủi thật nhiều. Có gì mà đáng buốn. Có gì mà đáng vui. Khi Tái Ông bị mất ngựa đã không có một lời than tiếc. Rồi chỉ vài ngày sau con ngựa trở về, dắt theo một con ngựa khác. Đươc có thêm con ngựa cũng chẳng có gì đáng mừng. Vì chỉ vài ngày sau anh con của Tái Ông thấy con ngựa đẹp, nhẩy lên cưỡi, bị ngã què cẳng. Con bị què cẳng cũng chẳng nên buồn. Mà thật như vậy. Vài tháng sau trong nước có lệnh tổng động viên, con trai của Tái Ông vì bị què nên được xếp vào loại miễn dịch vĩnh viễn. Tôi cố tập cho tôi có cái bình tĩnh, lạnh nhạt như Tái Ông, để cho mình đỡ buồn khổ, đỡ bất mãn trong cuộc đời.
Những người bạn tôi, đối với tôi, có những chân thành khó kiếm. Gã Thâm đã viết thay cho tôi trên Con Ong, bài viết có lời phụ đề “Viết thay Dê Húc Càn đang bận nằm ấp.” Gã Sức Voi viết một bài trên nhật báo Thời Thế nói tới tôi, nói tới con dê bị cưa sừng, không còn húc được ai. Và những người bạn như Nguyễn Ngọc Hạnh, Đặng Trần Huân, Trần Thanh, Thế Phong, Lữ Hồ, Nhật Trường..đã vào tận Trại Quân Kỷ uống với tôi chai la-ve để rồi ngạc nhiên khi thấy tôi vẫn cười nói lớn tiếng. Tôi kể với các bạn rằng tôi còn may mắn nhiều. Trong tờ giấy “Phạt,” lý do để “Người” phạt tôi được ghi là “Viết bài đăng trên báo dân sự có tính cách phỉ báng quân đội.” Tôi phải cám ơn “Người “đã phạt tôi, đã cho vào hồ sơ của tôi một tai nạn nghề nghiệp, một lý do “ở tù vì viết báo.” Rồi đây tôi sẽ hãnh diện khoe với thiên hạ chuyện tôi ở tù. Tôi rất sợ bị ở tù vì những lý do không đẹp. Tôi được vào tù vì tôi viết báo, một cái tội rất đáng yêu. Một lần nữa xin cám ơn tất cả.
Nằm trong Trại Quân Kỷ, tôi thấy có nhiều người yêu thương tôi. Số thuốc lá bạn hữu gửi vào chắc tôi phải hút hết tháng này mới hết. Anh Nguyễn Ngọc Hạnh tặng hai ngàn đồng. Chủ nhiệm Minh Vồ tặng ba ngàn đồng. Anh Chu Tử nhờ anh Trạng Đớp mang vào đưa cho tôi ba ngàn đồng. Tổng cộng tôi được tám ngàn đồng. Ở trong tù tôi chỉ tiêu hết bốn ngàn đồng. Ra khỏi trại, trong túi tôi còn bốn ngàn đồng, tôi mua tặng vợ tôi chiêc đồng hồ để kỷ niệm và nhớ ơn các bạn tôi đã dành cho tôi rất nhiều tình cảm bất ngờ.
Chủ nhiệm Minh Vồ không bằng lòng cho tôi viết bất cứ dòng nào về việc tôi đi nằm ấp. Xin lỗi bản báo chủ nhiệm. Tôi phải viết những giòng này để  thay những lời cảm tạ, để những độc giả thân mến của tôi biết cho rằng có rất nhiều người ghét tôi nhưng cũng có rất nhiều người mến tôi.
Lâu rôi tôi cũng thấy tôi sống nhiều phút ngông nghênh. Anh Lê Xuyên mắng tôi:
“Viết lách như anh tới giờ này chưa chết, chưa bị thằng nào vác gậy đến nhà, kể như là anh hên lắm.”
Tôi cười và tự hứa sẽ chừa bớt. Nhưng rồi trong giây phút bốc đồng nào đó tôi lại quên đi, khi có người nhắc cho tôi nhớ rằng tôi hiện đang mặc quần áo Ka Ki. Cơn giận bùng lên trong tôi: dễ thường cứ mặc quần áo Ka Ki là không có quyền làm người nữa hay sao? Lại cứ đi hai chân là người ư? Loài gà, loài vịt cũng đi bằng hai chân, nhưng chúng có phải là loài người đâu. Nhiều người bạn như Thanh Nam, Sĩ Trung khuyên tôi nên trở về nghề viết tiểu thuyết. Tạo nên một nhân vật, rồi tùy mình cho sống hay bắt chết, muốn làm gì cũng được, như một ông Tạo Hóa nho nhỏ có đủ quyền hành trong việc xây dựng và phá hoại, nhưng tôi lại chán những những mối tình lẩm cẩm của tiểu thuyết mà chúng tôi gọi là thứ văn nghệ không có xương sống. Rất ư là èo uột và chán đời. óa nho nhỏ có đủ quyền hàn
Kẻ cầm bút hôm nay muốn được yên thân có lẽ chỉ có hai nghề: Làm mưu sĩ và làm văn sĩ. Làm mưu sĩ để chuyên viết diễn văn và điếu văn. Làm văn sĩ để viết những truyện tình ướt át đầy nước mắt, than van, kể lể. Tôi không thể làm hai nghề đó nhưng tôi vẫn cứ phải làm hai nghề đó. Đôi lúc tôi trở thành cuồng sĩ như một Nhan Súc, như một Nễ Hành..
Vua gọi Nhan Súc:
“Nhan Súc lại đây.”
Nhan Súc gọi vua:
“Vua lại đây.”
Vua giận:
“Vua gọi Súc lại đây, Súc gọi Vua lại đây. Như vậy, Súc có mắc tội phạm thượng không?”
Nhan Súc nói;
“Vua gọi “Súc lại đây,” Súc mà lại thì Súc mang tiếng xu nịnh. Súc gọi “Vua lại đây,” Vua mà lại thì vua được tiếng là trọng kẻ sĩ. Để cho Súc mang tiếng xu nịnh, để cho vua được tiếng là trọng kẻ sĩ. Thử hỏi việc nào đáng làm hơn?”
Vua lại hỏi;
“Vua quý hay sĩ quý?”
Nhan Súc trả lời:
“Sĩ quý hơn vua. Chứng cớ là khi hai nước “uýnh nhau,” thường treo giải cho ai chặt được đầu vua. Lại có lệnh cho quân sĩ “Ai kiếm củi ở mộ Liễu Hạ Huệ sẽ bị chém đầu.” như vậy vua còn sống cũng không quý bằng kẻ sĩ đã chết.”
Câu chuyện trong Cổ Học Tinh Hoa chỉ có thế thôi. Tôi không có cái kiên nhẫn để giảng giải như Nhan Súc. Tôi cũng không có can đảm đùa cợt với Đức Vua. Hay có lẽ tôi không gặp được vị minh quân như Đức Vua của Nhan Súc.
Nhân vật mà tôi yêu nhất và thương nhất trong truyện Tam Quốc là Nễ Hành. Cũng vì Nễ Hành và Trần Lâm mà tôi “yêu lây “cả Tào Tháo. Khi nghe ông Ngoại Trưởng Trần Chánh Thành miệt thị Tào Tháo, tôi đã viết một bài rất dài bênh vực Tào Tháo, để cho những người lãnh đạo, hãy yêu, kính trọng và khoan hồng với kẻ sĩ như Tào Tháo đã làm.
Nễ Hành là một danh sĩ đất Bình Nguyên được Khổng Dung tiến cử lên Đức Vua. Nhưng vì đang thời kỳ khắc khổ, đã tiết giảm nhiều Nha, Sở của Phủ Vua nên Nễ Hành được Đức Vua chuyển giao cho Thủ Tướng Tào Tháo. Vì thấy cái ngông nghênh của Nễ Hành nên Thủ Tướng Tào Tháo bèn có ý định “chơi” lại, dặn nhỏ mọi người, lúc hắn đến đừng ai thèm tiếp. Hành thấy vậy mới ngửa mặt lên trời mà than rằng:
“Than ôi.. Trời đất rộng như thế này mà không có lấy một người?”
Tào Tháo bị sỉ nhục như vậy, tức lắm, bắt Nễ Hành làm một tên phu đánh trống cho mà nhục. Nễ Hành vẫn nhậm chức. Rồi tới yến tiệc, Nễ Hành sắn tay áo, đánh ba hồi trống nhịp Ngư Dương, âm tiết tuyệt vời, nghe như có tiếng đá, tiếng vàng ngân theo, ai oán. Khách trên tiệc nghe trống đều bồi hồi rơi lệ. Bỗng tả hữu quát nạt Hành:
“Sao không thay áo?”
Hành liền cởi áo, tụt quần ngay trước bàn tiệc, đứng lõa thể trơ trơ như con nhộng, chẳng che đậy gì hết. Trên tiệc, kẻ lấy tay che mặt tíu tít, người vội vã quay đi. Bấy giờ Hành mới từ từ cúi xuống kéo quần lên, vẻ mặt thản nhiên, không hề thay đổi.
Tháo mắng:
“Trên chỗ miếu đường, sao mày dám vô lễ?”
Hành mắng lại:
“Ta để lộ cái hình hài cha mẹ sinh ra, tức là phô cái thân trong trắng của ta ra vậy.”
Tháo vặn hỏi:
“Mày trong trắng thì ai dơ bẩn?”
Hành đáp lập tức:
“Mày dơ bẩn chứ ai. Mày không thấy rõ người hiền, kẻ ngu, ấy là mắt bẩn, không đọc thi thư, ấy là miệng bẩn, không nghe lời ngay thẳng là tai bẩn, không thông cổ kim là thân bẩn, không dung chư hầu là bụng bẩn, cứ nghĩ mưu soán nghịch, ấy là trái tim bẩn. như ta đây là danh sĩ thiên hạ mà mày dùng làm tên đánh trống thi cũng như Dương Hóa khinh Đức Trọng Ni. Mày muốn gây nghiệp Bá mà khinh người thế này à?”
Tháo trỏ mặt Hành:
“Ngươi hãy đi sứ sang Kinh Châu. Nếu thuyết được Lưu Biểu về hàng, sẽ được chức Công, Khanh.”
Phê bình đoạn này, Thánh Thán và Mao Tôn Cương đã viết Tháo sai Nễ Hành đến chỗ chư hầu là vì thấy Hành cậy tài ngông cuồng. Tháo muốn để người khác làm nhục Hành một phen, cho Hành bớt nhuệ khí đi, nhiên hậu Tháo mới dùng Nễ Hành.
Có thật như vậy không? Tôi nghĩ đến thân phận của tôi, rất có thể là “Người” đã cho tôi nằm ấp để tôi chừa bớt tính ngông cuồng, để rồi sẽ dùng tôi vào việc lớn, tôi không dám mong như vậy. Nếu được giao phó việc lớn, tôi chỉ xin ngỏ một lời: “Cám ơn tất cả.”
DÊ HÚC CÀN
Trích thêm một bài trong trang Phú De Giao Chỉ. Con Ong Số 83.
Người anh hùng của Sự Thật.
Anh Chu Tử vừa được một tuần báo ở đây phong làm “Vị Anh hùng của Sự Thật” vì anh đã viết một bài đả kích cả người Công giáo lẫn người Phật giáo di cư, anh gọi họ là đám người di cư  thích ..”cựa quậy,” làm cho đồng bào miền Nam khó chịu.
Sự nhận định của anh chẳng có gì mới mẻ. Hồi Viện Hóa Đạo kéo quân đến vây Dinh Gia Long, mỉa mai cụ Phan Khắc Sửu và chửi bới tập đoàn Trần Văn Hương – Trần Văn Văn, từ lâu rồi báo Xây Dựng đã nhận định như anh Chu Tử hôm nay nhận định.
Có điều sự nhận định của anh Chu Tử nó hợp thời nên anh được phong làm “Anh Hùng của Sự Thật,” nhưng tờ báo nọ có ý chơi xỏ anh Chu Tử không? Nếu có thì quả là họ thâm thật.
Anh Chu Tử từng là người “cựa quậy” nhất một thời, anh không bị mang tiếng ăn bẩn, ở dơ. “Bọn em” vẫn nể anh vì anh sạch, anh Chu Tử ạ.
o O o
ong4
CTHĐ: Chuyện xưa: Tuần báo CON ONG Sài Gòn do Minh Vồ và Duyên Anh khai sinh khoảng năm 1966. Nếu Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà còn chính phủ Ngô Ðình Diệm, tuần báo Con Ong không thể ra đời. Báo chí dưới thời chính phủ Ngô Ðình Diệm không thể có những tờ chuyên về châm biếm – đúng hơn là châm chích, chửi bới – như tuần báo Con Ong.
Tranh vẽ bìa Con Ong Số 83. Tháng 10 năm 1969 Con Ong đã biết Hoa Kỳ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa.
Minh Vồ Nguyễn Văn Minh là chủ nhiệm Con Ong, Duyên Anh Thương Sinh Vũ Mộng Long là chủ bút Con Ong và là linh hồn, là trái tim, là xương sống của Con Ong. Một mình Thương Sinh bao sân Con Ong. Viết rõ hơn là một mình Thương Sinh Duyên Anh viết đến 8/10 tuần báo Con Ong. Anh viết trong Con Ong với nhiều tên, viết nhiều mục do anh đặt ra, Ðiều đáng kể là một mình Thương Sinh viết gần hết cả tờ báo mà Con Ong vẫn hay, bài không nhạt, không trùng đề tài, giọng văn các bài không giống nhau.
Dương Hùng Cường
Dê Húc Càn, bút danh của Dương Hùng Cường, nổi lên ở Con Ong từ những số báo đầu với mục Cà Kê Dê Ngỗng. Hoạ sĩ Hĩm Ðinh Hiển vẽ hình trang bià và tranh minh hoạ trang trong. Hoạ sĩ Hĩm nổi lên từ Con Ong Sài Gòn. Trung Tá Không Quân Trần Tam Tiệp xuân thi nhị kỳ gửi Con Ong đăng vài bài thơ Tếu, ký tên Ðạo Cù. Nhiều cây bút nổi tiếng viết bài cho Con Ong, nhưng không viết đều và ký những bút danh lạ, phải gọi loại bút danh này là hỗn danh mới đúng. Tháng Tư 1975 ông Ðạo Cù sang Paris, hoạt động Văn Bút, ông qua đời ở Paris.
Tôi – CTHР– không có mặt trong Con Ong những số đầu. Chỉ khi Duyên Anh bỏ Con Ong ra làm tuần báo Tuổi Ngọc, Minh Vồ mới mời tôi viết cho Con Ong và tôi mới có trang của tôi ở Con Ong. Tôi dùng hai tên Công Tử Hà Ðông và Gã Thâm ký những bài tôi viết ở Con Ong năm xưa đó. Cái tên Công Tử Hà Ðông, xuất hiện trên Con Ong,  ở lại với tôi đến hôm nay.
Con Ong Sài Gòn, sau thời gian sống mạnh dưới sự biên tập của Thương Sinh Duyên Anh, chết khoảng năm 1972 khi chính phủ Nguyễn Văn Thiệu ban hành cái gọi là Luật Báo Chí. Luật này bắt nhật báo phải đóng tiền ký quỹ 20 triệu đồng, tuần báo phải đóng 10 triệu đồng mới được phép ra báo. Tiền này nói là để dùng đến khi tờ báo bị thua kiện, bị tòa phạt hay khi phải bồi thường tiền cho người bị tờ báo làm thiệt hại.
Chủ nhiệm Con Ong Minh Vồ không có 10 triệu đồng nên — như những tuần báo khác của Sài Gòn năm xưa ấy — Con Ong bị bức tử, chết queo. Tôi được biết Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong có tiền nên ký quỹ 10 triệu đồng; các tuần báo khác chết hết nên Văn Nghệ Tiền Phong một mình một chợ. Luật Báo Chí TT. Nguyễn Văn Thiệu là một trong những nguyên nhân làm VNTP bán được, có nhiều người mua, ông Chủ Nhiêm Hồ Anh đã giầu lại giầu thêm..
Sau khi báo Con Ong chết có vài lần Minh Vồ ra Con Ong nhưng báo làm theo lối ấn phẩm, báo phải xin Bộ Thông Tìn kiểm duyệt và cấp giấy phép ra mỗi số nên báo nhạt hơn nước ốc. Con Ong bị kiểm duyệt bài, in ra ì à ì ạch, làm sao có người đọc!  Thời oanh liệt của Con Ong đã qua, Con Ong là báo của Thương Sinh. Con Ong chỉ oanh liệt vì có Thương Sinh viết, người đời chỉ sợ Con Ong của Thương Sinh. Thương Sinh bỏ Con Ong, Con Ong chỉ còn cái xác.
Duyên Anh Thương Sinh Vũ Mộng Long, Minh Vồ Nguyễn Văn Minh, Dê Húc Càn Dương Hùng Cường, Hĩm Ðinh Hiển, bốn người chủ chốt của Con Ong Sài Gòn từ số Một. Ba người trong số đã qua đời. Ba cái chết thê thảm. Dê Húc Càn Dương Hùng Cường là sĩ quan Không Quân, đi cải tạo sĩ quan, về năm 1980, viết bài tố cáo chế độ cộng sản tàn ác với nhân dân gửi ra nước ngoài, DH Cường là một trong số văn nghệ sĩ Sài Gòn bị bọn Công An Thành Hồ gọi là bọn Biệt Kích Cầm Bút, DH Cường bị bắt lại năm 1984, chết năm 1987 trong xà-lim ở Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu, trung tâm thẩm vấn nhân dân của bọn công an Thành Hồ. Minh Vồ bị bắt trong chiến dịch khủng bố văn nghệ sĩ Sài Gòn Tháng Ba năm 1976, nằm phơi rốn ở Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu một năm, được thả, qua đời năm 1993 sau ba năm nằm liệt một chỗ.
Ðám tang Minh có một số anh em văn nghệ sĩ, ký giả đi đưa từ Chuà Xá Lợi đến nghĩa trang ở Lái Thiêu. Tôi kể một số ông: Doãn Quốc Sĩ, Thanh Thương Hoàng, Tô Ngọc, Cao Nguyên Lang, Sao Biển, Mai Anh. Bốn ông nay sống ở Kỳ Hoa: Doãn Quốc Sĩ, Thanh Thương Hoàng, Tô Ngọc, Sao Biển.
Minh Vồ chủ nhiệm CON ONG
Bà quả phụ Nguyễn Văn Minh – Bà Lớn – bảo tôi viết điếu văn. Chưa bao giờ tôi viết điếu văn, cả đời tôi chỉ viết một điếu văn tiễn Minh Vồ.
Chị Minh nói:
– Nhà tôi sinh năm Thìn..
Tôi nói:
– Tôi không viết điếu văn cho anh ấy theo kiểu điếu văn như người ta đâu. Chúng tôi là văn nghệ sĩ, điếu văn của chúng tôi viết theo kiểu điếu văn văn nghệ sĩ.
Nguyễn Văn Minh là Thuyền Trưởng Hai Tầu, anh có vợ hai. Những năm bị liệt Minh nằm trong nhà chị vợ hai của anh ở đường Ngô Tùng Châu, Phú Nhuận.
Tôi ở tù về năm 1990 Minh đã nằm liệt giường hai năm. Tôi đến thăm Minh. Minh ở trần, bận quần cụt, nằm trên cái giường nhỏ trong căn phòng nhỏ ở nhà bà vợ nhỏ. Với bà vợ lớn Minh có bốn, năm con, với bà nhỏ anh có thêm bốn con gái, một con trai. Chỉ có chị vợ Minh — chị Hai — có thể hầu chồng. Buổi chiều và buổi tối chị bán xe phở ở đầu ngõ. Không có nghề, xe phở vắng khách, nước phở trắng như mắt ma.
Minh bị liệt hai chân, hai tay anh vẫn cử động được, tinh thần anh vẫn sáng, anh nói không ngọng. Ðặc biệt là nằm một chỗ mà gần như chuyện gì xẩy ra ở bất cứ đâu — kể cả chuyện xẩy ra ở Mỹ — Minh cũng biết. Khi tôi kể chuyện vừa xẩy ra trong giới văn nghệ sĩ ở Mỹ, Minh nói ngay:
– Chuyện ấy nó như thế này này, để tao nói cho mà nghe…
Bị liệt, Minh vẫn thích uống cà phê, hút thuốc lá. Chúng tôi đến thăm là dịp để Minh uống cà phê – cà phê đen, sai con mang ly đi mua ở tiệm Tầu, khách một ly, chủ một ly –  hút thuốc lá và nói nhiều. Khi tôi ra về, Minh thường bảo tôi:
– Dấu cho tao mấy điếu ở quanh giường, dưới nệm, chỗ này này, lúc nào tao muốn hút tao lấy.
Có lần Minh bảo:
– Lần sau đến mang cho tao điếu Pall Mall. Tao thèm Pall Mall, một điếu thôi.
Chị Minh Hai nói:
– Không phải tôi cấm nhà tôi hút thuốc. Các anh đến thăm, nhà tôi uống cà phê, hút thuốc, nói nhiều, các anh về nhà tôi lên cơn, vật vã, khổ lắm.
Hôm Minh qua đời, tôi đến nhìn mặt Minh lần cuối, chị Minh Cả kể:
– Hôm qua là ngày giỗ ông thân nhà tôi, tôi mang sôi chè sang cho nhà tôi. Nhà tôi nói: “Bà ạ, có thằng nhỏ nào nó lấp ló sau cái cửa sổ kia, nó cứ thò tay vào kéo chân tôi. Thằng nào thế, bà đuổi nó đi cho tôi.” Ðến nửa đêm nhà tôi đi.
Tôi đến bên giường nhìn Minh nằm đó. Minh to lớn hơn tôi, Minh ăn to, nói lớn. Nay nằm dưới cái khăn giường trắng, tôi thấy Minh nhỏ thó, trên bụng Minh để nải chuối xanh. Chuối đã héo úa. Không mang hàm răng giả, miệng Minh móm xệu, hai má hóp xuống.
Hôm đưa đám Minh từ Chuà Xá Lợi đi, khoảng 12 giờ trưa, gặp trận mưa lớn trên xa lộ. Mưa tối trời, tối đất. Nghĩa trang ở Lái Thiêu. Bác tài lái chiếc xe ca nhà đám muớn chở khách trong số có tôi loanh quanh mãi mới đến được nghĩa trang. Mưa vừa tạnh. Những hàng cây lá xanh um ướt nước mưa làm cho khung cảnh quanh căn nhà nhỏ giữa nghĩa trang có cảnh sắc thật lạ. Có đội kèn bu-dzích đi theo. Tiếng kèn đồng te te vang lên, tiếng trống bùng bùng, người đi đưa túm lại trong nhà quàn.
ong8 
Tôi đọc điếu văn.
Không thể ca tụng Nguyễn Văn Minh, ông chủ nhiệm tuần báo Con Ong, là người chồng tốt, tôi ca tụng Minh là người bạn tốt. Mà Minh là người bạn tốt thật. Những lúc Minh có lộc, nói rõ là những khi Con Ong có người đến nộp tiền để báo đừng chửi — nộp tiền để báo đừng chửi họ, đừng tố cáo tội của họ, đừng viết đụng đến họ, không phải nộp tiền để báo chửi người khác — Minh vẫn chia lộc cho anh em chúng tôi.
Khi đã nằm liệt nghe tôi nói đến Hĩm ở Mỹ — Hĩm vuợt biên sang Mỹ năm 1978 — Minh nói:
– Tổ sư ông Hĩm. Tôi trả tiền nhà thổ cho ông ấy không biết bao nhiêu lần!
Nằm trong một góc đường Ngô Tùng Châu, Gia Ðịnh,  Minh nói về cuộc sống của hai ông Hồ Anh và Huyền Vũ ở Mỹ:
– Hồ Anh nó ở trong cái nhà như tòa lâu đài. Báo Văn Nghệ Tiền Phong của nó đi giao cho các nơi bằng trực thăng. Huyền Vũ có con gái làm trong hãng máy bay quốc tế, mỗi lần đi chơi sang Pháp, sang Thụy Sĩ, Huyền Vũ đi phi cơ không mất tiền, lại còn đi trực thăng từ nhà riêng đến phi trường để lên phi cơ lớn.
Minh nói với tôi chuyện trên đây năm 1992.
Trước quan tài Minh ở một nghĩa trang trên Lái Thiêu, khoảng 2 giờ một buổi trưa trời mới đổ trận mưa lớn, tôi đọc bản điếu văn duy nhất tôi viết trong đời tôi, bản điếu văn ngắn gọn, tôi kết thúc điếu văn bằng câu:
- Minh ơi..! Khi người ta đi ra khỏi cõi đời này, người ta đi lên, hay người ta đi xuống. Khi chúng ta đi ra khỏi cõi đời này, chúng ta đi ngang. Minh sang bên ấy trước, chúng tôi sang sau.
Tôi vỗ lên quan tài Minh ba cái, rồi châm lửa đốt tờ điếu văn trước quan tài Minh.
Duyên Anh bị bọn Công An Thành Hồ bắt tháng Ba năm 1976, bị tù khổ sai 5 năm, từng nằm phơi rốn ở Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu, Nhà Tù Chí Hoà, rồi Trại Tù Khổ Sai Xuyên Mộc. Duyên Anh trở về Sài Gòn năm 1980, vượt biên đi thoát năm 1983, sang Pháp với vợ con. Nếu còn ở lại Sài Gòn, chắc hơn bắp là Duyên Anh đã bị bắt cùng với Doãn Quốc Sĩ, Dương Hùng Cường Tháng Tư năm 1984. Sang Pháp Duyên Anh  viết, và viết rất mạnh. Duyên Anh có tiểu thuyết làm phim: Ðồi Fanta. Vợ con Duyên Anh được bảo lãnh sang Pháp năm 1981. Những năm 1987, 1988 Duyên Anh bị đánh ở Cali, liệt nửa người. Oan nghiệt dễ sợ. Sau tai họa, Duyên Anh viết bằng tay trái, anh qua đời năm 1996 hay 1997 ở Pháp.
Tứ trụ tòa soạn Con Ong Sài Gòn đã ra đi ba người — Minh Vồ, Dê Húc Càn, Thương Sinh — nay còn Hĩm Ðinh Hiển sống ở Cali.
Dòng thời gian dài một ánh bay..! Bánh xe tị nạn khấp khểnh sang Kỳ Hoa Ðất Trích, tôi lại có cơ duyên viết cho Nguyệt San Con Ong, Chủ nhiệm Phạm Thông, ở Houston; tôi lại dùng bút hiệu Công Tử Hà Ðông. Tưởng như tôi mới viết cho Con Ong Houston Texas ngày hôm qua. Dzậy mà đã 10 năm. Thời gian qua thật mau. Mới đấy mà Con Ong Houston, Texas đã sống được mười năm…! Mới đấy mà vợ chồng tôi đã sống mười lăm năm ở Mỹ..!
Năm 2006, Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ nhiệm Bán Nguyệt San Văn Nghệ Tiền Phong, từ trần ở Virginia, thọ 84 tuổi. Uyên Thao, Tạ Quang Khôi, Vương Ðức Lệ và tôi — bốn chúng tôi sống gần nhau ở Virginia, gần Hồ Anh — tiễn đưa Hồ Anh tới nghiã trang. Lúc trở về, trong xe, tôi nói:
– Bốn thằng mình đây, thằng nào đi trước?
Tạ Quang Khôi – anh cao tuổi nhất trong chúng tôi, sinh năm 1930 – nói ngay:
– Tao đi trước.
Vương Ðức Lệ nói:
– Chưa chắc.
Ba năm sau, Vương Ðức Lệ là người “đi trước” trong 4 anh em chúng tôi.
Trước linh cũu Vương Ðức Lệ, tôi nói lời tôi đã nói với hương linh Minh Vồ Nguyễn Văn Minh ở Sài Gòn năm 1992:
- Khi người ta đi ra khỏi cõi đời này, người ta đi xuống hay người ta đi lên, khi chúng ta ra khỏi cõi đời này, chúng ta đi ngang. Lệ sang bên ấy trước, chúng tôi sang sau.
Ðưa Chủ nhiệm Hồ Anh đến nghĩa trang, trên đường về tôi làm bài thơ:
Trước, Sau
Chưa biết thằng nào trước thằng nào,
Thằng nào đi trước, thằng nào sau.
Ði sau, đi trước cùng đi cả,
Thằng thì đi trước, thằng đi sau.
Không thằng nào nói tao đi trước,
Không thằng nào nói tao đi sau.
Thằng đi sau lậy thằng đi trước,
Thằng đi trước kệ thằng đi sau.
Ði sau, đi trước rồi đi cả.
Théc méc làm chi chuyện trước sau!

*
Dòng thời gian dài một ánh bay
Những ngày như lá, tháng như mây..
Cảm khái cách gì!
Hoàng Hải Thủy viết năm 2008, viết thêm năm 2014 ở Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét