Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Lý Quang Diệu: “võ sĩ đường phố”? -Phần I & II

Lý Quang Diệu: tiểu đảo “không nhà” thành quốc gia thịnh vượng (Phần I)

Việt-Long – RFA
2015-03-23
LeeKuanYew
Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu, nhà lãnh đạo đưa Singapore đến thịnh vượng và tiến bộ.  – AFP file
 
Nhả lập quốc của Singapore, ông Lý Quang Diệu, vừa thất lộc vào sáng thứ hai, thọ 91 tuổi. Thông cáo đăng trên website chính thức của ông cho biết ông qua đời một cách yên bình vào 3 giờ 18 phút, giờ địa phương.


Ông Lý Quang Diệu được thế giới coi là người “cha già lập quốc” của Singapore, nhà kiến trúc tạo dựng tiểu đảo Singapore có vị trí chiến lược nhưng không nguồn tài nguyên, không cả nguồn nước đủ dùng, muỗi mòng gây sốt rét là một phần “tài sản”, thành một quốc gia tiên tiến, giàu có nhất và trong sạch nhất ở châu Á, người dân có mức sống cao vào nhóm chiếm hàng đầu trên thế giới, được giới lãnh đạo châu Á ngưỡng mộ và thường xuyên tham vấn.

Gia tộc di dân

Ông sinh ngày 16 tháng 9, 1923, thuộc thế hệ thứ tư người Quảng Đông di cư sang Singapore thời còn là thuộc địa của Anh quốc. Thế hệ thứ nhất, ông cố Lý Mộc Văn, sinh năm 1846, sinh sống ở huyện Đại Phố, tỉnh Quảng Đông, từ nơi đó di cư sang Singapore vào năm 1863, trở thành đại phú gia, trở về Trung Quốc năm 1882, để lại vợ và ba người con. Thế hệ thứ hai là ông nội Lý Vân Long (1871), công dân Anh quốc tại Singapore, theo học chương trình trung học Anh ngữ, làm tài phú cho một thương thuyền, và trở thành quản trị viên công ty tàu thủy đó.

Thời thanh niên

Thân phụ của ông Lý Quang Diệu là Lý Tiến Khôn, cũng là công dân Anh, hấp thụ văn hóa Anh, lấy vợ là Thái Nhận Nương, sinh ra Lý Quang Diệu vào năm 1923, sau đó là ba em trai, và một em gái. Tài sản của nhà Lý Vân Long bị suy kiệt trong vụ đại suy thoái kinh tế toàn cầu trong thập niên 1930, nên cha của họ Lý chỉ là một chủ tiệm bình thường. Tuy nhiên bốn anh em Lý Quang Diệu đều được theo học đại học Cambridge ở Anh Quốc. Người cô của Lý Quang Diệu trở thành nữ bác sĩ người Singapore mang quốc tịch Anh đầu tiên hành nghề tại Singapore. Ba em trai của ông trở thành luật gia, nhà tài chính và bác sĩ.
Lý Quang Diệu tốt nghiệp trường Fitzwiliams thuộc đại học Cambridge, với bằng danh dự rất hiếm hoi Double Starred-First-Class Honours về luật học vào năm 1950. Học trình đại học của ông bị gián đoạn khi Nhật chiếm đóng Singapore trong thời gian 1942-1945. Ông đi làm, công việc đầu tiên là làm thư ký cho công ty nhập cảng vải vóc Shimola của người bạn của ông nội Lý Vân Long. Sau đó ông học tiếng Nhật, làm công việc dịch thuật cho người Nhật những tin tứcphát thanh từ radio của phe đồng minh.

Suýt bị Nhật bắn

Gần kết thúc thế chiến II, ông biết Nhật sắp thua trận, sợ đồng minh phản công tràn tới Singapore, ông chuẩn bị mua trang trại ở Cao nguyên Cameron, Malaysia để dọn sang, nhưng một nhân viên giao chuyển văn thư cho ông biết đơn xin đã bị an ninh Nhật lấy ra khỏi hồ sơ, và ông đang bị theo dõi. Ông phải bỏ ý định đi Malaysia. Lính Nhật bảo ông gia nhập nhóm người Hoa ly khai, ông xin về lấy quần áo và trốn luôn. Nhóm người Hoa này bị dẫn ra bờ biển và bắn chết hết.
young-lee-family
Lý Quang Diệu, đứng giữa, cùng ba em trai một em gái đứng sau cha mẹ là ông bà Lý Tiến Khôn
Lý Quang Diệu sang Anh tiếp tục con đường học vấn. Thất vọng vì người Anh không bảo vệ được Singapore trước quân đội Thiên Hoàng, ông trở về Singapore năm 1949 với quyết tâm phải giành độc lập cho xứ sở này.

Sự nghiệp chính trị

Tháng 11 năm 1954, Lý Quang Diệu cùng một nhóm bạn từng học tại Anh thành lập đảng xã hội Nhân dân Hành động, (People’s Action Party, PAP) . Đảng này liên minh với các công đoàn thân Cộng, mà ông Lý nhắm mục đích lôi kéo sự ủng hộ của đông đảo công nhân và người dân nói tiếng Hoa chiếm hơn 70% dân số, trong khi phe Cộng Sản tại Singapore cần khả năng lãnh đạo và quản lý của nhóm người không Cộng Sản, có học vấn Anh quốc, làm bình phong cho phe Cộng sản, vì luật cấm đảng Cộng sản Mã Lai hoạt động. Mục đích chung của hai phe là quyền tự trị của Singapore tách khỏi Anh quốc. Lý Quang Diệu trở thành Tổng bí thư đầu tiên của đảng PAP, và giữ chức vụ này đến tận 1992.
Ông đắc cử ghế dân biểu khu vực Đan Nhung Bá Cát Tập ở trung bộ Singapore năm 1955, trở thành lãnh tụ cánh tả đối lập với chính phủ liên minh Mặt trận Lao Động thuộc cánh hữu. Ông cũng là đại diện của đảng PAP tại hai hội nghị hiến pháp ở London, thảo luận với người Anh về tương lai của Singapore. Năm 1957 phe Cộng Sản chiếm quyền lãnh đạo đảng PAP bằng cách gài đảng viên giả hiệu vào đại hội đảng, nhưng chính phủ cánh hữu lập tức ra lệnh bắt giam hết phe Cộng Sản Singapore, tái lập quyền lãnh đạo cho Lý Quang Diệu, sau đó ông lại tái đắc cử dân biểu khu vực Đan Nhung.

Singapore tự trị

Cuối tháng 5- 1959 đảng PAP chiếm 43 trong tổng số 51 vị trí của Hội đồng lập pháp. Singapore giành được quyền tự trị trong mọi lãnh vực ngoại trừ quốc phòng và ngoại giao vẫn thuộc Anh quốc, và họ Lý trở thành Thủ tướng đầu tiên của Singapore vào ngày 3 tháng 6.
Năm 1961, Thủ tướng Malaysia Tunku Abdul Raman đề nghị thành lập Liên Bang Mã Lai Á bao gồm Malaysia, Singapore, Sabah và Sarawak. Lý Quang Diệu khởi động chiến dịch sáp nhập Singapore với Malaysia để chấm dứt chế độ thuộc địa Anh quốc. 70% cử tri ủng hộ ý kiến của ông trong cuộc trưng cầu dân ý 1 tháng 9 năm 1962, phần còn lại hầu hết bỏ phiếu trắng, vì Lý Quang Diệu không chấp nhận phiếu phủ định. Singapore trở thành bang thuộc Malaysia từ tháng 9, 1963. Tuy nhiên sự kết hợp không kéo dài, vì đảng UMNO giữ chính quyền Malaysia lo ngại trước sự hội nhập  của cộng đồng người Hoa chiếm đa số ở Singapore đi cùng với thách đố chính trị do đảng PAP đem vào Malaysia.
Năm 1964, tháng 7, xảy ra bạo loạn sắc tộc khi hai cộng đồng người Hoa và người Mã lai ở Singapore tấn công nhau, khiến 23 người chết. Không biết ai gây bạo loạn, nhưng xáo trộn sắc tộc tiếp diễn, bùng nổ vào tháng 9, dân làm loạn cướp phá xe cộ, cửa hàng, khiến hai Thủ tướng Malaysia và Singapore phải ra trước đám động để xoa dịu tình hình.

Tống xuất khỏi liên bang

Không giải quyết được bất ổn, Thủ tướng Tunku quyết định tống xuất Singapore ra khỏi liên bang. Lý Quang Diệu cố gắng hòa giải nhưng không thành công. Tháng 8 năm 1965 sau khi thấy không thể tránh khỏi chia cách, ông ký thỏa ước ly khai vào tháng 8, 1965, trong đó bàn thảo mối quan hệ với Malaysia sau cuộc ly khai để tiếp tục hợp tác thương mại và quốc phòng.
Cuộc chia cách là một đòn nặng với chính phủ Lý Quang Diệu vì ông vẫn tin rằng Singapore khó sống còn nếu tách khỏi Malaysia. Singapore không có một nguồn tài nguyên nào, ngay cả nguồn nước chính cũng phải lấy từ Malaysia, trong khi khả năng quốc phòng gần con số không mới là thách đố chính yếu đối với ông và chính phủ Singapore.
Ông cố dấu nước mắt và nghẹn ngào loan báo tin này cho quốc dân Singapore trên truyền hình vào ngày 9 tháng 8, bày tỏ lòng nuối tiếc cho hai dân tộc nối liền với nhau về địa lý, kinh tế và chủng tộc.
Quốc hội Singapore thông qua nghị quyết chia cách, và thành lập nước Cộng Hòa Singapore.  Ông Lý ngã bệnh, tự cách ly 6 tuần liền sau đó. Thủ tướng Anh bày tỏ quan ngại, Thủ tướng họ Lý hồi đáp rằng đừng lo âu, ông và đồng sự đều tỉnh táo và sáng suốt, sẽ lượng định mọi hậu quả trước khi tiến bước trên bàn cờ chính trị.
Thủ tướng họ Lý bắt đầu tìm sự nhìn nhận và hậu thuẫn quốc tế cho nền độc lập của Singapore. Singapore gia nhập Liên Hiệp Quốc tháng 9 năm đó. Singapore thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN vào tháng 8-1967 cùng với Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan. Lý Thủ tướng thăm Indonesia vào tháng 5 năm 1973; quan hệ song phương tăng tiến mạnh từ đó.

Tạo dựng bản sắc văn hóa riêng

Singapore chưa hề có một bản sắc văn hóa chính thống cho riêng mình để người nhập cư có thể hội nhập, dù ngôn ngữ chính là tiếng Mã Lai. Ông cùng chính phủ và đảng PAP nỗ lực tạo dựng một căn cước văn hóa cho xứ mình trong suốt hai thập niên 1970 và 1980, một nền văn hóa minh định hòa đồng chủng tộc theo chủ trương đa văn hóa. Chính phủ hết sức nỗ lực thực hiện và buộc người dân phải theo chính sách khoan dung tôn giáo, hòa đồng chủng tộc, dùng luật pháp cứng rắn trừng trị những hành vi hay mưu đồ kích động bạo lực vì tôn giáo hay chủng tộc. Một ví dụ là chính phủ Singapore từng cảnh cáo việc truyền bá phúc âm một cách vô ý thức do người Thiên Chúa Giáo thực hiện nhắm vào xứ Hồi giáo Malaysia; năm 1974 Singapore đã chấm dứt hoạt động của Hội Kinh Thánh Singapore nhằm xuất bản ấn phẩm tôn giáo bằng tiếng Mã Lai.

Quốc phòng, bài toán khó

Singapore dễ bị xâm hại về an ninh. Nhiều mối đe dọa đến từ các nước Cộng Sản trên thế giới và phe nhóm Cộng Sản trong nước, từ xứ Indonesia với chính sách đối đầu. Sau khi gia nhập LHQ, Thủ tướng  họ Lý đã chỉ thị phó Thủ tướng Ngô Khánh Thụy xây dựng quân lực Singapore, nhờ nhiều nước giúp đỡ, nhất là Israel, trong các lãnh vực cố vấn huấn luyện và tạo dựng cơ sở, căn cứ quốc phòng, ban hành chính sách động viên theo đó tất cả nam công dân từ 18 tuổi đều phải phục vụ Lực lượng quốc gia, ở một trong những lực lượng quân sự gồm Quân lực Singapore, Lực lượng Cảnh sát, hay Lực lượng phòng vệ dân sự.

Bài toán khó nhất: tham nhũng

lee-deng-1978-305
Chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiểu Bình (phải) tiếp đón Thủ tướng Lý Quang Diệu (trái) tại Bắc Kinh, tháng 11-1978
Singapore cũng bị nạn tham nhũng như nhiều nước khác. Lý Thủ tướng đề nghị dự luật cho Phòng điều tra hảnh vi tham nhũng quyền hạn lớn hơn để bắt giữ, lục soát, triệu tập nhân chứng, thanh tra tài khoản ngân hàng, trương mục thuế của những đối tượng bị nghi ngờ và gia đình họ.  Ông Lý chủ trương cấp Bộ trưởng phải được trả lương cao để duy trì được một chính phủ trong sạch và chân thật. Năm 1994 ông đề nghị tăng lương các Bộ trưởng, thẩm phán và công chức cao cấp lên bằng mức lương của các chuyên viên, viên chức cao cấp nhất trong lãnh vực tư, nói rằng như vậy mới giúp tuyển mộ và giữ được những tài năng để phục vụ trong lãnh vực công.
Ông Lý Quang Diệu nắm giữ chức vụ lãnh đạo đảo quốc Sư tử trong ba mươi năm đến khi từ chức vào năm 1990 để trở thành Bộ trưởng cao cấp trong nội các của Thủ tướng Ngô Tác Đống. Đến tháng 8, 2004 khi con trai ông, Lý Hiển Long, trở thành Thủ tướng thứ ba của Singapore, ông được bổ nhiệm làm Nội các Tư Chính, giữ nhiệm vụ tư vấn cho toàn thể nội các. Giữ những chức vụ Thủ tướng và bộ trưởng cao cấp trong suốt hơn 50 năm liền, ông Lý cũng là một trong những bộ trưởng phục vụ lâu năm nhất lịch sử.
Tuy nhiên trong cuộc đời sóng gió và thành công vĩ đại ấy, tư duy chiến lược phát triển của ông Lý Quang Diệu mới là phần được lịch sử ghi lại đậm nét, và cả thế giới đông tây đều ngưỡng mộ. Mời quý vị đón xem ở phần II.

Lý Quang Diệu: “võ sĩ đường phố”? (Phần II)

Việt-Long, theo The New York Times
lee-kuan-yew
Lý Quang Diệu: sẵn sàng mang “quả đấm sắt”!
Courtesy of therealsingapore.com

Ý thức hệ?

Singapore mang dáng dấp nhân cách Lý Quang Diệu: hiệu quả, không tình cảm, không tham nhũng, sáng tạo, có óc tiến thủ, và thực dụng.
Ông nói với báo New York Times năm 2007 :”Chúng tôi không có ý thức hệ.”
Ông định nghĩa thế nào gọi là ý thức hệ Singapore trên thực tế:”(Đó là) Có được việc không? Nếu được việc, hãy làm thử. Nếu thấy tốt, hãy tiếp tục. Nếu không hay, quẳng nó đi, thử cái khác.”
Khi Singapore bị đuổi khỏi Liên bang Mã Lai Á vào năm 1965, một sự kiện mà ông gọi là “thời khắc thống khổ”, ông đã tự thấy mình đứng trong một cuộc đấu tranh bất tận để khắc phục những trở lực: quốc gia thiếu tài nguyên thiên nhiên, môi trường quốc tế có nguy cơ đầy thù nghịch, và môi trường sắc tộc pha trộn, không ổn định với những sắc dân Trung Hoa, Mã Lai và Ấn Độ.  Ông nói:
“Để hiểu về Singapore và tại sao nó trở thành như thế, người ta phải bắt đầu bằng thực tế là nó đã không được phép tồn tại và không thể tồn tại. Khởi đầu, chúng tôi không có đủ những yếu tố sơ đẳng của một quốc gia: một dân số đồng nhất, ngôn ngữ chung, văn hóa chung và định mệnh chung. Nên lịch sử là cả một thời gian dài. Tôi làm một phần nhỏ của mình.”

“Kiểu mẫu Singapore “

“Kiểu mẫu Singapore” của ông gồm: quyền lực tập trung, chính quyền trong sạch và tự do kinh tế. Nhưng mô hình đó cũng bị chỉ trích là một hình thức toàn trị “mềm”, trong đó có đàn áp đối lập chính trị, hạn chế chặt chẽ các quyền tự do phát biểu, hội họp công cộng, và tạo nên một không khí cảnh giác và tự kiểm duyệt.
Mô hình này được giới lãnh đạo nhiều nước khác ở châu Á học hỏi, trong đó có Trung Quốc, và cũng là đề tài của nhiều cuộc nghiên cứu học thuật. Giới nhận định chính trị mô tả sự lãnh đạo của ông Lý là “một kết hợp độc đáo của uy tín và tính cách đáng sợ”
Lý Quang Diệu là người đề xướng, cổ võ và áp dụng quan niệm “Giá trị châu Á”, trong đó lợi ích của toàn xã hội chiếm ưu tiên bên trên những quyền tự do cá nhân; người công dân phải từ bỏ một số quyền riêng để chấp hành quy luật của chế độ gia trưởng.

“Võ sĩ đường phố”

Ông Lý tạo nên một cơ chế điều kiểm chính trị kiểu Singapore, dùng luật chống phỉ báng để đưa ra tòa những đối thủ chính trị đả kích ông, đôi khi khiến họ phá sản. Ông cũng dùng luật pháp để kiện báo chí nước ngoài chỉ trích ông. Báo New York Times có lần phải xin lỗi và trả tiền phạt để dàn xếp vụ kiện phỉ báng.
Những vụ án như vậy là sự thách đố đối với lời chỉ trích về chính sách phe phái, gia tộc- gia đình họ Lý nắm giữ những chức vụ nhiều quyền thế oở Singapore – và tạo ra dấu hỏi về tính độc lập của nền tư pháp mà phía chỉ trích cho là bị hành pháp chỉ đạo. Ông họ Lý bác bỏ điều lên án là những vụ kiện đó nhằm mục đích chính trị, nói rằng đó là điều cần thiết để ông giữ lấy danh dự sau những điều lên án sai lạc.
Lý Quang Diệu tỏ ra hãnh diện khi tự mô tả mình là một “võ sĩ đường phố” vì chính trị, bị mọi người sợ hãi nhiều hơn là được thương mến.
Không ai có thể nghi ngờ là nếu anh thách thức tôi, tôi sẽ mang quả đấm sắt và tìm đấu với anh ở một ngõ cụt,” ông nói vào năm 1994. “Nếu anh cho là có thể đánh tôi đau hơn tôi đánh anh, cứ thử coi. Đó là cách duy nhất để người ta có thể cai trị một xã hội Trung Hoa”
Và thế là những công dân sợ hãi của của Singapore tránh chỉ trích công khai ông Lý cùng chính phủ của ông, và thường phải tuân theo mệnh lệnh.
Người dân Singapore thường lãnh đạm với việc chính trị, đôi khi cũng tự trách mình quá bận tâm với lối sống đầy tiện nghi. Họ tóm tắt lối sống như vậy vào nhóm 5 chữ C của Anh ngữ: Cash, condo, car, credit card, country club: tiền, nhà, xe, thẻ, hội.
Để loại trừ sự cám dỗ của tham nhũng, Singapore trả lương cho các bộ trưởng, quan tòa và công chức cao cấp nhất bằng với lương của những chuyên gia hàng đầu trong lãnh vực tư, khiến họ trở thành những công chức chính phủ được trả lương cao nhất trên thế giới.

Những con chấy!

Người đối đầu chính trị với ông Lý, ông J.B. Jayaretnam, bị đòn kiện tụng phỉ báng làm cho phá sản, nhưng vẫn kiên trì chống đối tới cùng, đến khi lìa đời vào năm 2008. Ông Jayaretnam nói:
“Người Singapore như những con chấy rận. Họ được đào tạo để nhảy cho cao nhưng không cao hơn nữa. Nhảy cao hơn là bị dập xuống.”
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2005, ông nói thêm:
“Ở Singapore có một không khí sợ hãi. Chỉ đơn giản là SỢ. Người ta cảm thấy sự sợ hãi ở khắp nơi. Và vì sợ nên người ta cảm thấy không thể làm gì được.”
Cỗ xe chính trị của ông họ Lý là đảng Nhân dân Hành động PAP, sử dụng lợi thế của công quyền để áp đảo đối phương. PAP đem vào hàng ngũ của mình những ngôi sao trẻ sáng chói nhất, tạo dựng trên thực tế một quốc gia độc đảng.
Nhân vật đối lập Jeyaretnam mãi đến năm 1981, 16 năm sau ngày độc lập, mới chiếm được ghế dân biểu đối lập đầu tiên, làm họ Lý nổi giận. Hai chục năm sau, sau kỳ bầu cử năm 2006, các đảng đối lập chỉ chiếm được có 2 trong số 84 vị trí dân cử; nhưng qua năm 2011 phe đối lập bất ngờ chiếm được 6 ghế, cùng với số phiếu phổ thông gần 40% ủng hộ, một hiện tượng được xem như sự đòi hỏi của cử tri về những người  lãnh đạo sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm hơn và có lòng cảm thông nhiều hơn. Và đến đó, đảng PAP, vẫn với tinh thần thực dụng xưa nay, đã đáp ứng bằng cách sửa đổi phong cách độc đoán, nhìn nhận rằng thời gian đã thay đổi. Tuy nhiên chính sách mới vẫn còn xa mới thành nền dân chủ đa đảng, và người Singapore tiếp tục đặt dấu hỏi liệu đảng cầm quyền có ý định tự chuyển hóa, hay có khả năng tự chuyển hóa hay không.
“Nhiều người hỏi, ‘Sao chúng ta không mở rộng cửa để có hai đảng lớn và một đảng luôn luôn sẵn sàng gánh vác?” Ông Lý phát biểu trong một diễn văn vào năm 2008 ”Tôi chẳng mảy may tin vào điều đó”
Ông nói thêm:”Chúng tôi không có những số lượng để bảo đảm sẽ luôn luôn có một nhóm A và một nhóm A thay thế. Tôi đã thử; chỉ là điều không thể được.”
Những gì Singapore có là một chính phủ tập quyền, làm chính sách có hiệu quả, và những chiến dịch xã hội không bị vướng bận vì những điều mà ông Lý gọi là “khói bụi” của những xung đột chính trị. Một ví dụ về những chiến dịch đó là việc chống sinh suất giảm sút bằng cách tổ chức, trên thực tế, một cơ quan se duyên đặc biệt nhắm vào sắc tộc Trung Hoa sung túc.

Giới trẻ nhìn lại

Gần đây có những dấu hiệu ông Lý Quang Diệu muốn rút hẳn khỏi chính trường, giao sân đấu cho những thể hệ đi sau, khi cảm nhận được đã đến lúc không thể không nhượng bộ trước trào lưu đòi hỏi tự do dân chủ hơn cho Singapore. Những thể hệ Singaporean sinh vào thời kỳ xứ sở họ đã phồn vinh, có tiếng tốt trên thế giới, không hiểu được tại sao cha anh của họ và chính họ cứ phải chịu những kiềm chế trên những quyền tự do căn bản của cá nhân, mà thế giới gọi là nhân quyền.
Cây bút Melanie Tan viết trên Real.Singapore.com, rằng ông Lý đã ném ông nội của bạn cô vào tù hơn 20 năm, không xử án. Nạn nhân là một bác sĩ nổi tiếng và hào hiệp ở đường Balestier, bị đối xử như thế chỉ vì khác chính kiến với họ Lý. Những người bị ông Lý bỏ tù là những sáng lập viên của đảng PAP, khi ông Lý còn là một luật sư tép riu làm việc cho họ. Rồi họ Lý đâm sau lưng họ, giết chết tương lai và những năm tháng tốt đẹp nhất trong đời họ chỉ vì họ mang quan điểm chính trị khác biệt. Những ai tán tụng Lý Quang Diệu chỉ là những người phải học sách lịch sử Singapore do giới cầm quyền viết nên, tưởng rằng không có người họ Lý thì Singapore mãi mãi chỉ là môt làng đánh cá nghèo hèn. Không phải thế.  Hãy nhìn Hồng Kông, lãnh địa của Anh đã phát triển ra sao trong bàn tay bảo hộ của người Anh. Nhìn đó để thấy chính người Anh đã tạo dựng nên Singapore ngày nay. Và Singapore không có ách Trung Hoa đã phát triển biết bao, cần chi Lý Quang Diệu!
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2010 ông Lý Quang Diệu trầm ngâm trong những lời lẽ như để phân trần trước khi từ biệt:
“Tôi không nói mọi thứ tôi làm đều đúng, nhưng tôi làm mọi việc đều vì mục đích chính trực. Tôi đã phải làm một số chuyện không hay, khóa chặt người ta mà không xử án.”
Một người chỉ trích ông Lý Quang Diệu, nhà văn Catherine Lim, nói:”Người này là một nhà chính trị. Ông có thể mang tầm vóc quá lớn cho Singapore, ngang hàng với Tito và De Gaulle. Nếu châu Phi có được ba ông Lý Quang Diệu thì đã không tệ đến thế”
Cái giá phải trả cho sự thành công của ông là mất đi những mối giây tình cảm, nhà văn Lim nói . “Mọi thứ đều chạy theo nhịp tích-tắc-tích-tắc. Ông Lý là người đáng kính, nhưng mọi người thích một chút tâm cảm cũng như đầu óc. Ông Lý thì hoàn toàn là những mạch điện”
Tuy nhiên ông nói ông không phải con người của tín ngưỡng tôn giáo, và phải đối phó với những thoái bộ hay trở ngại không vượt qua được bằng cách tự an ủi “Thôi thì… đời là thế!”
Dù thành công, ông Lý cho biết nhiều khi bị mất ngủ, phải thiền định mỗi đêm 20 phút. Ông nói :”Vấn đề là phải kềm giữ cái “tâm viên ý mã” không chạy nhảy thành đủ thứ suy nghĩ. Một sự yên tĩnh an định trên mình. Những lo âu và áp lực trong ngày bị đẩy ra. Rồi thì giấc ngủ cũng đỡ khó khăn”
Ông Lý giữ một phương pháp ăn uống kiêng khem và tập thể dục trong hầu suốt cuộc đời, nhưng đến năm 2011, 87 tuổi, ông thú nhận cũng cảm thấy dấu hiệu của tuổi tác và nhuốm mệt mỏi trong cuộc sống nghiêm ngặt mà mà ông tự chọn.
Tôi đã 87 tuổi, gắng giữ vóc dáng khang kiện, phô diễn vẻ mạnh khỏe, đó là cả một sự cố gắng, nhưng có xứng với nỗ lực đó chăng? Tôi tự cười mình cứ phải cố giữ bề ngoài cứng cát. Nó trở thành thói quen. Cho nên tôi cứ tiếp tục.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét