Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Công nghệ đang khiến nền giáo dục đại chúng hiện tại trở nên lỗi thời ra sao?

Phiatruoc.info

Sơn Trần – Tech in Asia
“Tất cả mọi người đều là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá qua khả năng trèo cây, nó sẽ sống cả đời mà tin rằng mình thực sự ngu ngốc” - Albert Einstein.
Từ lúc ra đời cho đến nay, mô hình giáo dục đại chúng của chúng ta đã hầu như không có một thay đổi lớn nào.Về cơ bản mô hình này duy trì việc giảng dạy dựa trên một giáo trình được chuẩn hóa, và hiệu quả giáo dục được đánh giá dựa trên kết quả của các bài kiểm tra được thống nhất trên quy mô lớn, thường là toàn quốc, hay thậm chí là toàn thế giới.

Giờ đây mô hình giáo dục này đang đứng trước cơ hội và thách thức chưa từng có về việc phải thay đổi. Sự bùng nổ của các khóa học trực tuyến cùng việc sử dụng các thiết bị điện tử như tablet, e-textbook trong giảng dạy và học tập đã giúp người dạy và người học tiết kiệm thời gian và chi phí. Quan trọng hơn thế, Big Data, một công nghệ có khả năng thu thập và phân tích thông tin phản hồi của người học rất mạnh được dự đoán sẽ thay đổi hoàn toàn cách con người nhìn nhận về việc dạy và học từ trước đến nay.

B ả n ch ấ t c ủ a n ề n giáo d ụ c đ ạ i chúng

Có lẽ chúng ta đã được nghe quá nhiều về việc giáo dục quan trọng ra sao, nó là gốc rễ của mọi vấn đề thế nào tuy nhiên có vẻ chúng ta vẫn chưa thực sự nắm được bản chất và lịch sửra đời của nền giáo dục đại chúng hiện tại. Như trong một bộ phim có tên “Nền giáo dục cấm đoán” , các nhà làm phim đã cho chúng ta nhìn thấy tiến trình phát triển của nền giáo dục đại chúng : Ở Athen, giáo dục bắt buộc chỉ dành cho nô lệ; ở Sparta, giáo dục để đào tạo quân nhân phục vụ quân đội; trong thời Trung Cổ, giáo dục trở thành công cụ tuyên truyền của nhà thờ… Nền giáo dục thời Khai Sáng, được các nhà làm phim gọi tên một cách rất mỉa mai: “sự chuyên chế của Khai Sáng”, là thời điểm ý tưởng về “giáo dục phổ thông” bắt đầu “đại chúng, miễn phí và bắt buộc”.
Bản chất của nền giáo dục Khai Sáng là ngăn chặn các cuộc nổi dậy giống như đã diễn ra ở Pháp ở thế kỷ 17,18, bằng cách tạo ra các đám đông biết vâng lời và dễ bảo. Mô hình giáo dục phổ thông này nhanh chóng lan từĐức sang khắp Châu Âu và Châu Mỹ. Thậm chí khi đã được tư nhân hóa thì chính những tập đoàn lại lợi dụng trường học để tạo ra những “công nhân thông minh” cho mình. Cho đến nay, mô hình giáo dục phổ thông có từ thời “Khai Sáng” vẫn chi phối thế giới.
Thực sự thì giáo dục đại chúng, đặc biệt nền giáo dục đại chúng của nước Phổ thời Khai Sáng mà chúng ta vẫn đang sử dụng phổ biến hiện nay chi phù hợp để đào tạo ra những công nhân đứng trong những dây chuyền sản xuất công nghiệp của thế kỷ 19 mà thôi. Ý tưởng cơ bản về việc sử dụng các kỳ thi đại trà, và dùng điểm số để đánh giá năng lực của người học nghe thật là ngớ ngẩn ở xã hội thông tin và Internet hiện tại, nơi mà khả năng giải quyết vấn đề thực tế và tạo ra giá trị ngoài xã hội mới là thước đo chuẩn xác nhất để đánh giá về năng lực của con người. Những tấm gương doanh nhân trẻ, đặc biệt là các doanh nhân công nghệ nổi tiếng như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Larry Ellison, Elon Musk.. là minh chứng rõ ràng nhất cho xu hướng đó.
Trong thời kỳ đầu của Internet, cũng đã xuất hiện nhiều dự đoán cho rằng các xu hướng công nghệ kiểu elearning sẽ tạo nên những đột phá to lớn trong giáo dục nhờ vào việc người học có thể học được mọi lúc mọi nơi, và có thể chọn được những phần học mà mình mong muốn. Thế nhưng eLearning chưa bao giờ thực sự phổ biến với người học trên toàn thế giới, vì nó chưa thực sự chạm được đến những yếu tốt cốt lõi và yếu nhất của nền giáo dục đại chúng. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, với sự phổ biến của nhiều xu hướng công nghệ mới như Điện toán đám mây, Big Data, Mobile cung cấp những công cụ, dữ liệu mà trước đây cả người học lẫn người dạy không thể tiếp cận đến đang hứa hẹn mang lại một sự đột phá mới cho nền giáo dục hiện tại.

Big Data, thu thập phản hồi từ người học hiệu quả

Nếu coi giáo dục là một ngành dịch vụ, mô hình truyền thống đang rất yếu trong khả năng thu thập thông tin về “hành vi” của người học nhằm cải tiến chất lượng dịch vụ của mình. Trong mô hình giáo dục đại chúng hiện tại, chúng ta chẳng có mấy công cụ hay phương thức để lắng nghẹ phản hồi của người học về nội dung học, giáo trình, cách thức truyền đạt của giảng viên. Kể cả có trường nào đó chú trọng tới việc thu thập những dữ kiện phản hồi đó, thời gian và chi phí phải bỏ ra cũng là quá nhiều.
Điều đó dẫn đến việc giảng viên chẳng có mấy thông tin về việc nội dung giảng dạy của mình có phù hợp và thú vị với người học hay không, từ đó cũng không biết rõ cần phải cải thiện nội dung học ở mảng nào. Đây chính là thời điểm Big Data (và đằng sau là nền tảng điện toán đám mây) phát huy tác dụng. Big Data có 2 lợi thế cực lớn so với cách yêu cầu học viên điền phiếu khảo sát chất lượng học sau khi khóa học truyền thống đó là : số lượng mẫu học viên phản hồi lớn hơn rất nhiều và việc thu thập thông tin diễn ra một cách bị động, âm thầm nên có thể thấy được những thông tin chính xác về hành vi của người học.
Một ví dụ về lợi ích của Big Data trong giáo dục là trường hợp của giáo sư Andrew Ng, người đồng sáng lập Coursera và cũng đang là giảng viên môn khoa học máy tính tại Đại học Standford. Thông qua Coursera, giáo sư có thể giảng dạy trực tiếp cho hơn 50 nghìn học viên đến từ khắp nơi trên thế giới, với nền tảng văn hóa và trình độ nhận thức khác nhau. Quan trọng hơn, thông qua công cụ theo dõi của Coursera, giáo sư có thể theo dõi được chính xác mọi tương tác của sinh viên với bài giảng của mình với độ chính xác và chi tiết cực cao ở quy mô lớn : có bao nhiêu ngàn sinh viên bắt đầu học, bao nhiêu ngàn học viên xem video bài giảng A, bao nhiêu tạm dừng hoặc tua nhanh video ở phút thứ bao nhiêu, hoặc phần nào được học viên xem lại nhiều nhất. Với những thông tin phản hồi về hành vi của người học chính xác đến vậy, giáo sư Ng sẽ nhanh chóng biết được chính xác học viên của mình gặp khó khăn ở đâu, hứng thú với đoạn nào, không hứng thú với đoạn nào, từ đó kịp thời đưa ra những điều chỉnh trong nội dung và thứ tự sắp xếp các bài học để nâng cao hiệu quả nói chung của toàn khóa học.
Việc sử dụng công nghệ để biết được tốt hơn tương tác giữa người dùng với các nội dung số kể trên cũng không phải việc xa lạở thời điểm hiện tại. Những bạn đọc nào đã từng đọc sách điện tử trên iPad hoặc Kindle hẳn sẽ quen thuộc với các tính năng như Note, Tra từ điển, Highlight hoặc share một đoạn văn yêu thích lên các mạng xã hội. Hãy tưởng tượng các thông tin kể trên đều được phần mềm chạy sẵn trong các thiết bị trên ghi lại và truyền tải lại về Amazon hoặc Apple, và được chọn lọc để đưa đến tay của chính tác giả viết ra cuốn sách đó. Như vậy tác giả có thể nhanh chóng biết được phản hồi của người đọc về tác phẩm của mình chỉ trong thời gian tính bằng ngày, điều mà không có tác giả viết sách giấy ngày trước nào có thể có được.
Điều này cũng đang bắt đầu được áp dụng với các học liệu trong ngành giáo dục. Những ông lớn trong ngành như Pearson, Kaplan hay McGraw-Hill đang rất tích cực thúc đẩy quá trình phổ biến học liệu điện tử để có thể thu thập thông tin xung quanh việc người dùng tương tác với nội dung sách như thế nào, phần nào được đọc nhiều nhất, hay nội dung nào nên được bổ sung…, từ đó giúp các nhà xuất bản chọn lọc được những nội dung cần thiết và quan trọng nhất để đưa vào sách, giúp cải thiện hiệu quả học tập của học viên, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của công ty trước các đối thủ.

Điện toán đám mây và dữ liệu giúp cá nhân hóa giáo d ụ c

Trong quá trình phổ cập hóa giáo dục thời kỳ thế kỷ 19 và 20, chuẩn hóa nội dung giảng dạy đóng vai trò quan trọng trong việc cắt giảm chi phí cho giáo dục, mở rộng khả năng tiếp cận kiến thức tới phần lớn đối tượng có nhu cầu, góp phần nâng cao mặt bằng dân trí nói chung. Tuy vậy, mặt trái của quá trình chuẩn hóa chính là việc chúng ta đang áp dụng một phương pháp giáo dục và đánh giá giống nhau cho các cá nhân với những quan điểm, góc nhìn và sở thích hoàn toàn khác, thậm chí là trái ngược nhau. Hệ thống đánh giá bằng điểm và các kỳ thi chuẩn hóa chỉ tốt cho thời cách mạng công nghiệp thế kỷ 19 và đã đã quá lỗi thời ở thời đại thông tin và Internet hiện nay.
Mô hình giáo dục truyền thống được thiết kế với mục tiêu hướng đến tất cả mọi người, dành cho “số đông” ở “mức trung bình”, thay vì tập trung đáp ứng yêu cầu của một hay một nhóm đối tượng cụ thể. Sal Khan, nhà sáng lập của Khan Academy cho rằng thực tế nội dung giảng dạy như vậy chỉ thực sự phát huy hiệu quả với một số ít người (thay vì phần đông như mục tiêu đề ra). Những người tiếp thu nhanh hơn sẽ nhanh chóng cảm thấy chán nản, trong khi những người tiếp thu chậm hơn lại gặp khó khăn trong việc bắt kịp nội dung chương trình.
Những gì chúng ta cần là một chương trình giáo dục được cá nhân hóa một cách triệt để, được xây dựng dựa trên nhu cầu và đặc điểm của từng cá nhân. Ý tưởng về mô hình “giáo dục thích nghi” (adaptive learning) thực tế đã tồn tại được từ vài thập kỷ, nhưng những hạn chế trong khả năng thu thập thông tin – nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng cho khả năng ra quyết định, mô hình này vẫn chưa thể được thực hiện triệt để.
Giờ đây, với khả năng mà Internet và Big Data mang lại, mô hình giáo dục thích nghi được dự báo sẽ sớm bùng nổ. Theo một báo cáo năm 2013 được thực hiện với sự hỗ trợ của quỹ Bill and Melinda Gates, bên cạnh Khan Academy, công ty dẫn đầu trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến và cá nhân hóa trải nghiệm học tập, còn có khoảng 40 công ty khác cũng cung cấp các ứng dụng liên quan tới giáo dục thích nghi.
Trong số đó có thể kể đến Carnegie Learning với giải pháp Cognitive Tutor dành cho việc học toán ở học sinh trung học, theo đó giải pháp này có khả năng lựa chọn câu hỏi phù hợp nhất dựa trên những câu trả lời trước đó của người tham gia. Phương pháp này giúp xác định đúng vấn đề người học đang gặp phải, thay vì cố gắng dàn trải kiến thức như mô hình truyền thống. Trong một thử nghiệm được tiến hành tại Oklahoma với 400 học sinh đầu cấp phổ thông, giải pháp của Carnegie Learning đã giúp các học sinh này đạt được kết quả tương đương với các học sinh theo phương pháp thông thường trong thời gian nhanh hơn 12%.

V ẫ n còn đ ó nh ữ ng lo ng ạ i

Tiềm năng của công nghệ nói chung và Big Data nói riêng với hệ thống giáo dục là rất rõ ràng. Tuy vậy vẫn tồn tại những lo ngại về một thời kỳ toàn bộ thông tin của quá trình dạy và học đều được dữ liệu hóa, được lưu trữ, và có thể được truy cập gần như bất cứ lúc nào.
Mối lo đầu tiên phải kể đến là sự riêng tư của người dùng. Giống như những gì Châu Âu lo ngại khi quyết định thi hành Quyền được lãng quên, dữ liệu học tập trong quá khứ của người dùng hoàn toàn có thể bị truy cập và sử dụng như một phương tiện để tham khảo và đánh giá cá nhân đó ở thời điểm hiện tại. Những lo lắng này không phải không có cơ sở khi mới đây, Khan Academy đã quyết định cho phép một số bên thứ ba được truy cập vào kho dữ liệu khổng lồ của mình.
Khi chúng ta trưởng thành, quan niệm sống, phong cách, thái độ của chúng ta sẽ thay đổi, nhưng những thông tin được lưu trữ thì vẫn giữ nguyên. Có những nguy cơ nào nếu những thông tin rất chi tiết về quá khứ của mỗi người bị sử dụng với mục đích xấu? Liệu nhà tuyển dụng có quyết định loại bỏ hồ sơ sau khi tra cứu được một thời học tập không mấy sáng sủa, bỏ học đi chơi “phá làng phá xóm” của chúng ta?
( Tham kh ảo thêm: “Quan điểm trái ngược của Mỹ và EU xung quanh phán quyết về “Quyền được lãng quên” )
Xa hơn nữa là mối lo về việc tương lai con người bị phụ thuộc quá nhiều vào những dữ liệu và thuật toán của máy tính và làm thui chột khả năng tự do và sáng tạo của chúng ta. Giả sử nếu bạn là một học sinh đang ôn thi đại học bắt gặp được một thống kê kiểu “Dành mỗi tiếng chơi game mỗi ngày có thể tăng cơ hội được 27 điểm trở lên khoảng 50%” thì liệu bạn có sẵn sàng thay đổi thói quen của mình để làm theo những thống kê đó hay không? Quá phụ thuộc và thống kê và dữ liệu có thể khiến chúng ta hành động quá lý trì để cố gắng đạt được kết quả tốt nhất mà dần quên đi mất rằng phần lớn hành động của chúng ta là phi lý trí và bị chi phối không nhỏ bởi cảm xúc và môi trường xung quanh. Sự chuyển dịch tư duy kiểu như vậy sẽ gây ra một sự xáo trộn, thay đổi cực lớn trong xã hội, và chúng ta cũng chưa thực sự biết được đó có phải là đời sống mà chúng ta mong muốn hay không.
(*) Bài viết tham khảo thông tin từ cuốn sách Learning with Big Data: The future of education của Mayer-Schönberger

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét