Quốc Phương -BBC Việt ngữ
Chuyến thăm Mỹ của ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành
ủy Hà Nội, Ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, có nhiều tầng
thông điệp mà giới quan sát trong và ngoài nước đang theo dõi.
Hôm 04/8/2014, Giáo sư Carl Thayer, nhà phân tích từ Úc, nói với BBC
chuyến đi mang theo thông điệp của người lãnh đạo Đảng ở Việt Nam về vị
trí của ông Nghị.Ông Thayer nói: “Đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn cho thấy ông Phạm Quang Nghị như là một ứng cử viên mà ông Trọng đề cử kế tục ghế Tổng Bí thư và ông Nghị cần kinh nghiệm đối ngoại. Đây là bước mở đầu để thử thách năng lực của ông.”
Theo nhà phân tích này, ông Nghị nay có thể đáp lại những ai trong Đảng thách thức ông về kinh nghiệm đối ngoại ở quốc tế.
GS Thayer nói thêm: “Trước những ai đặt dấu hỏi tại sao một ông Bí thư Thành ủy ở Hà Nội lại đi Mỹ, ông ấy định đạt mục đích gì. Nay ông Nghị có thể nói lại rằng ông ấy cũng có thể có quan điểm không kém cạnh gì so với một người trẻ hơn là ông Phạm Bình Minh, một người chưa phải là ủy viên Bộ Chính trị.
“Nay ông ấy có thể nói với những ai chỉ trích rằng ông ấy đã ở Washington và ông ấy đã có kinh nghiệm.”
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn cho thấy ông Phạm Quang Nghị là một ứng cử viên mà ông Trọng đề cử kế tục ghế Tổng Bí thư.“
GS Carl Thayer
GS Thayer nói: “Tôi có tới Việt Nam trong nhiều chuyến đi gần đây. Việt Nam đang tiến hành nhiều cuộc họp ở Trung ương Đảng để tới gần hơn việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng sắp tới.
“Có thông tin nói ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ được tạo cho một tư thế hợp thức, hợp lệ với việc quy chế giới hạn tuổi tác ở 65 tuổi có vẻ sẽ được gỡ bỏ với một hay hai cá nhân. Ông Nguyễn Tấn Dũng được cho là vẫn muốn và quan tâm tới chức vụ lãnh đạo cao cấp nhất đó của Đảng.”
Trở lại chuyến công du của ông Nghị tới Mỹ, theo nhà phân tích, Trung Quốc sẽ ‘quan tâm’ tới chuyến đi này.
“Tất nhiên là Trung Quốc quan tâm. Trung Quốc đang đọc những ý hướng chính trị trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam, và gần đây họ đã chứng kiến phản ứng kiên quyết, mạnh mẽ cả trong xã hội chống lại động thái gây hấn của Trung Quốc.
“Một trong những lý do và là lý do chính để rút sớm giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 là để ngăn chặn Việt Nam trở nên thường trực chống đối lại Trung Quốc. Việc rút giàn khoan làm tháo ngòi nổ tình thế, họ không chỉ rút giàn khoan mà cùng ngày hôm đó đã thả 13 ngư dân Việt Nam bị bắt.”
Nhà nghiên cứu cho rằng Trung Quốc đã không dự kiến được hết sự phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam, kể cả các ủy viên trong Bộ chính trị lẫn các cựu ủy viên và do đó họ đã thấy phải thay đổi để tránh sự thù địch và căng thẳng quá mức.
‘Một giai đoạn mới’
Cũng về chuyến đi của ông Nghị, hôm thứ Hai, nhà phân tích chính trị Jonathan London từ Đại học Thành thị Hong Kong nói:“Nhiều người suy đoán là nó có liên quan việc trong tương lai sắp tới, ông Phạm Quang Nghị cũng có thể thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, và đó là một dịp để giới thiệu ông với các nước quan trọng như Mỹ chẳng hạn.
“Nhưng cũng có những người cho rằng việc ông Phạm Quang Nghị sang Mỹ cho thấy có một phái nào đó trong lãnh đạo Việt Nam chưa sẵn sàng cho phép Bộ Ngoại giao quyết định quan hệ song phương giữa hai nước Việt – Mỹ.
“Dù sao quan hệ của hai nước cũng đang phát triển một cách mạnh mẽ hơn so với trước.“
PGS. TS. Jonathan London
“Và chúng ta đang thấy sự phát triển song phương của quan hệ Mỹ – Việt đang đi vào một giai đoạn mới.”
Cũng hôm 04/8, một cựu quan chức ngoại giao của Việt Nam, ông Đặng Xương Hùng, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Geneva, Thụy Sỹ, đưa ra bình luận về chuyến đi của ông Nghị từ góc độ một thông điệp với Trung Quốc.
Ông Xương Hùng nói với BBC : “Việc ông Phạm Quang đi Mỹ thể hiện rất rõ ‘hội chứng Nguyễn Cơ Thạch’ vẫn còn đang có tác dụng ở trong giới lãnh đạo của Việt Nam. Nó như một tín hiệu đối với Trung Quốc rằng chúng tôi xử lý vấn đề với Mỹ cũng nằm trong chính sách đối xử với Trung Quốc, chứ không lệch khỏi con đường mà Trung Quốc có thể không kiểm soát được.”
‘Gõ cửa phương Tây’
Ông Xương Hùng nói thêm: “Việc cử ông Phạm Quang Nghị đi cũng còn có một ý khác rằng ông Phạm Quang Nghị sẽ là một nhân vật rất quan trọng của Việt Nam trong quan hệ đối với Mỹ.
“Cái thông điệp hơi thâm, lấy một người lãnh đạo Đảng để thay thế một người lãnh đạo nhà nước đi thăm nước Mỹ. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng chính sách của Việt Nam cho đến bây giờ vẫn chưa thay đổi, vẫn đánh đu trong quan hệ giữa hai nước này, mà họ không có tư tưởng rằng mối quan hệ phải tạo ra một niềm tin, tạo ra sự tin cậy.”
Hôm thứ Hai, một chuyên gia ở Hà Nội nghiên cứu về chính sách quan hệ ngoại giao của Việt Nam, muốn giấu tên, nói với BBC:
“Việc ông Nghị đi Mỹ là một tín hiệu phức tạp. Tín hiệu này cho thấy phe bảo thủ trong Đảng có vẻ muốn chủ động và trực tiếp hơn trong quan hệ với Mỹ, trong lúc cả đối sách của Việt Nam với Trung Quốc và Mỹ hậu vụ giàn khoan còn chưa rõ ràng.
“Và chính sự chưa rõ ràng này cũng có thể là một tín hiệu làm Trung Quốc quan tâm hơn. Đó là nếu anh gây áp lực quá mạnh, ngay phe bảo thủ, thân hữu về ý thức hệ với Trung Quốc cũng có thể sẽ bị lay chuyển lập trường và gõ cửa phương Tây,” ý kiến này nói với BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét