Boxitvn
Nguyễn Đăng Quang
Cách đây 24 năm, ngày 3 và 4/9/1990, tại Thành Đô,
thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã diễn ra cuộc họp thượng đỉnh giữa
lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước hai nước Trung Quốc và Việt Nam. Tham
dự cuộc gặp, phía TQ, dẫn đầu là Giang Trạch Dân – TBT Đảng CSTQ, và
Lý Bằng – Thủ tướng Quốc vụ viện nước CHND Trung Hoa. Dẫn đầu đoàn VN là
Nguyễn Văn Linh – TBT Đảng CSVN và Đỗ Mười, lúc đó là Chủ tịch Hội đồng
Bộ trưởng (tức Thủ tướng Chính phủ) nước CHXHCN Việt Nam. Thành viên
thứ ba của đoàn VN là Phạm Văn Đồng – Cố vấn Ban chấp hành Trung ương
Đảng. Tháp tùng đoàn VN đến Thành Đô có 3 cán bộ cấp cao là Hồng Hà –
Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Hoàng Bích Sơn – Trưởng Ban đối ngoại
Trung ương và Đinh Nho Liêm – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Trên chuyên cơ
đưa đoàn VN từ sân bay Nội Bài đi Thành Đô còn có cả Trương Đức Duy –
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền TQ tại VN. Song điều đặc biệt đáng chú ý là
Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch không có tên trong danh sách tham dự cuộc
họp này.
Trong cuộc gặp thượng đỉnh này tại Thành Đô, hai bên đã ký kết một văn bản thỏa thuận gọi là “Kỷ yếu Hội nghị”
để chính thức bình thường hóa quan hệ hai nước và cùng nhau thực hiện
những thỏa thuận vừa đạt được giữa lãnh đạo hai Đảng và hai Nhà nước.
Cuộc gặp thượng đỉnh này cũng như nội dung thỏa thuận của Hội nghị Thành
Đô từ đó cho đến nay vẫn luôn nằm trong bí mật và cho đến tận hôm nay –
mặc dù 24 năm đã qua – nó vẫn chưa được chính thức công bố cho nhân dân
VN cũng như các nước liên quan và cộng đồng quốc tế được biết!
Hội nghị Thành Đô diễn ra trong bối cảnh quốc tế như thế nào?
Trước hết không thể không nói là cuộc thảm sát Thiên
An Môn tại Bắc Kinh ngày 4/6/1989. Gần 2 tháng trước đó, từ giữa tháng
4/1989, hàng ngày có hàng chục ngàn, có hôm lên đến cả trăm ngàn sinh
viên và thanh niên thay nhau tổ chức biểu tình ngồi và nằm để chiếm
quảng trường Thiên An Môn. Họ giương cao các khẩu hiệu chống tham nhũng,
ủng hộ cải cách và đòi tự do, dân chủ. Với bản chất khát máu và phi
nhân tính, thay vì đối thoại để có một giải pháp ôn hòa, nhà cầm quyền
TQ đã sử dụng lực lượng quân đội với hàng trăm xe tăng mờ sáng ngày
4/6/1989 tràn vào quảng trường Thiên An Môn tàn sát dã man người biểu
tình trong tay không một tấc sắt và là đồng bào ruột thịt của mình! Xe
tăng nghiền nát hàng ngàn thanh niên sinh viên, máu chảy lênh láng khắp
quảng trường! Cả thế giới bàng hoàng! Mỹ và phương Tây cùng các nước
tiến bộ trên toàn thế giới đồng thanh lên án, tố cáo, trừng phạt và cô
lập Trung Quốc. Nhà cầm quyền cộng sản Trung Hoa kể từ khi thành lập
(1949) đến nay chưa khi nào lại bị thế giới nguyền rủa và cô lập như lúc
này. Đây là vết nhơ ngàn đời khó rửa đối với chính quyền cộng sản Trung
Quốc!
Ngoài ra, một sự kiện lịch sử không thể không nói, đó
là hàng loạt các ĐCS và hệ thống XHCN nối tiếp nhau tan rã và sụp đổ ở
Đông Âu. Bắt đầu từ cuối năm 1989 cho đến đầu năm 1990, chế độ XHCN ở 6
nước cộng sản Đông Âu lần lượt và dồn dập sụp đổ: Đầu tiên là Ba Lan
(6/1989), tiếp đến là Hungary (10/1989), rồi đến Đông Đức (11/1989),
tiếp theo là Tiệp Khắc (12/1989), sau đó là Rumani (12/1989), và tiếp
đến là Bulgary(1/1990). Muộn hơn là Albany (3/1991), rồi đến Nam Tư
(6/1991) và cuối cùng là Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết tức Liên Xô
(19/8/1991). Chỉ trước đấy không lâu, vào đầu tháng 10/1989, lãnh đạo
các ĐCS và các nước XHCN “anh em” còn tụ tập nhau ở Berlin để cùng nhau
tham dự Lễ kỷ niệm 40 năm Quốc khánh CHDC Đức (7/10/1989) và bàn việc
bảo vệ, giữ vững chế độ XHCN trên thế giới. Đoàn Việt Nam do TBT Nguyễn
Văn Linh dẫn đầu sang Berlin tham dự lễ kỷ niệm này, nhưng chỉ đúng một
tháng sau khi về đến Hà Nội thì bức tường Berlin đổ sụp. Erich Honecker
– TBT Đảng kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước CHDC Đức – bị lật đổ. Còn
lãnh tụ Nikolai Ceaucescu của Đảng và Nhà nước Rumani, sau khi dự lễ kỷ
niệm 40 năm Quốc khánh CHDC Đức, khi trở về Bucarest ông còn kịp tổ chức
“thành công” Đại hội lần thứ 14 Đảng Cộng sản Rumani (cuối tháng
11/1989) và tất nhiên ông được bầu lại làm TBT thêm một nhiệm kỳ 5 năm
nữa! Nhưng chỉ một tháng sau – ngày 20/12/1989 – khi vừa chân ướt chân
ráo về đến thủ đô Bucarest sau 2 ngày đi thăm chính thức nước Cộng hòa
Hồi giáo Iran thì Ceaucescu bị truy bắt, cả 2 vợ chồng phải chạy trốn
khỏi thủ đô và sau đó đều bị bắt và bị một tòa án quân sự tuyên tử hình
về tội diệt chủng và tham nhũng, rồi cả hai nhanh chóng bị mang ra hành
quyết vào rạng sáng ngày 25/12/1989. Theo cuốn hồi ký “Hồi ức và suy nghĩ” của nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ thì Nikolai Ceaucescu “là
người trong thời gian ở Berlin xem ra tâm đầu ý hợp với TBT Nguyễn Văn
Linh trong việc bàn chuyện tâm huyết cứu vãn sự nghiệp XHCN thế giới
đang lâm nguy”. Nhiều nguồn tin khác còn nói chính trong lần gặp
nhau ở Berlin này, hai vị lãnh đạo của Việt Nam và Rumani đã đồng ý là
năm sau (1990) sẽ cùng đứng ra đồng tổ chức một cuộc Hội nghị toàn cầu
các đảng cộng sản và công nhân nhằm xiết chặt đoàn kết và khẳng định xu
thế tất thắng của Chủ nghĩa Xã hội trên phạm vi toàn thế giới! Những sự
kiện dồn dập nói trên ở Đông Âu nối tiếp xảy ra chỉ trong vòng không đến
một năm khiến TBT Nguyễn Văn Linh và Lãnh đạo Đảng VN bồn chồn và vô
cùng lo lắng, đứng ngồi không yên!
Nắm bắt được tâm trạng hoảng hốt, lo lắng
của lãnh đạo Đảng và Nhà nước VN và biết chắc được lãnh đạo VN sẽ sẵn
sàng nhân nhượng để khôi phục lại quan hệ với Đảng và Nhà nước với TQ
nhằm có đồng minh và chỗ dựa trong việc bảo vệ Đảng và chế độ XHCN tại
VN, Trung Nam Hải quyết định hành động! Đặng Tiểu Bình, Cố vấn tối cao
kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương ĐCSTQ – kẻ đã xua 600.000 quân tràn
qua 6 tỉnh biên giới phía Bắc để xâm lược nước ta 10 năm trước (tháng
2/1979 ) – cùng các lãnh đạo chóp bu khác ở Trung Nam Hải nhận định đây
là cơ hội quí hơn vàng để thực hiện quỷ kế chia rẽ, lừa gạt và phân hóa
nội bộ VN nhằm đưa Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước VN nằm trọn trong quỹ
đạo phụ thuộc toàn diện vào Cộng sản Trung Quốc! Chúng đưa ra chiêu trò
cực kỳ thâm hiểm là gợi ý tổ chức một cuộc hội nghị thượng đỉnh giữa
lãnh đạo hai Đảng và Nhà nước để cải thiện và bình thường hóa quan hệ
Việt Nam -Trung Quốc nhằm bảo vệ thành quả cách mạng và bảo vệ CNXH ở
mỗi nước! Cơ quan được giao thực hiện quỷ kế này không ai khác chính là
Hoa Nam Tình báo. Cơ quan tình báo này thừa biết, nếu thông qua kênh
ngoại giao chính thức là Bộ Ngoại giao thì chắc chắn quỷ kế này sẽ bị
bại lộ và nhiều khả năng sẽ bất thành, bởi vì ở Bộ Ngoại giao có Ngoại
trưởng Nguyễn Cơ Thạch, Thứ trưởng Trần Quang Cơ và Trợ lý Ngoại trưởng
Vũ Khoan là 3 nhà lãnh đạo rất am hiểu và luôn cảnh giác cao độ với mọi
âm mưu, thủ đoạn của Trung Quốc. Do vậy phải tránh BNG và phải đi đường
vòng. Đường vòng này đã được Hoa Nam Tình báo xác định từ trước là Ban
Đối ngoại Trung ương và Bộ Quốc phòng!
Trương Đức Duy (sinh năm 1930 tại Quảng Đông, là Đại
sứ đặc mệnh toàn quyền TQ tại VN từ tháng 4/1989 đến 3/1993, nói tiếng
Việt giỏi như người Việt, người vốn không xa lạ gì với cơ quan an ninh
VN) được giao trực tiếp thực hiện kế hoạch này. Chỉ chưa đầy hai tháng
sau khi được cử giữ chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Việt Nam, Trương
Đức Duy đã thực hiện một bước đi ngoạn mục là qua mặt và phớt lờ Bộ
Ngoại giao, trực tiếp liên hệ và tiếp xúc với hai cơ quan nói trên của
VN là nơi vốn Trương đã có sẵn các mối quan hệ đặc biệt từ khi ông ta
còn là phiên dịch kiêm Bí thư thứ ba rồi thứ nhất Sứ quán TQ ở Hà nội 20
năm về trước. Trương Đức Duy đã được sắp xếp dễ dàng gặp Bộ trưởng Quốc
phòng Lê Đức Anh 3 lần trong vòng chưa đầy 3 tháng (trưa 6/6, chiều
20/8 và sáng 29/8/1989), gặp TBT Nguyễn Văn Linh 3 lần (ngày 5/6, tối
22/8 và chiều 29/8/1989). Những lần Trương đến Bộ Quốc phòng hay Ban Đối
ngoại Trung ương gặp lãnh đạo VN, xe Trương thường không cắm cờ và đi
vào cửa phụ, Trương không mang theo phiên dịch và thư ký ghi chép và ông
ta cũng yêu cầu phía ta không bố trí phiên dịch và thư ký, những cuộc
gặp đó chỉ có 2 người: 1 chủ và 1 khách!
Đương nhiên, Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch không được
biết trước những cuộc gặp này, mà chỉ được thông báo sau khi đã diễn ra,
thậm chí có những cuộc gặp ông còn không được cho biết, mặc dù ông đang
là Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ
tướng) kiêm Bộ trưởng Ngoại giao!
Nhớ lại, vào một tối đầu Thu 1987 tại New York, Ngoại
trưởng Nguyễn Cơ Thạch có nói riêng với người viết bài này khi ông dẫn
đầu phái đoàn CHXHCN Việt Nam sang dự Khóa họp thứ 42 Đại hội đồng LHQ: “Họ công khai ra điều kiện cho lãnh đạo ta là “Nếu
VN thực tâm muốn cải thiện và bình thường hóa quan hệ với TQ thì việc
đầu tiên VN phải làm là loại bỏ Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch”. Vâng,
có lẽ tất cả các cán bộ đối ngoại ở BNG hoặc ở các cơ quan đại diện
ngoại giao VN ở nước ngoài trong khoảng thời kỳ 1987-1990 đều được biết
đòi hỏi cực kỳ ngang ngược và trịch thượng này của TQ! Nhiều cán bộ
trung cao cấp của Bộ Ngoại giao hồi đó còn trao đổi ở chốn riêng tư với
nhau: “Lần này thủ trưởng của chúng ta có lẽ khó thoát khỏi là “vật tế thần!”. Tôi
thật không ngờ và rất buồn là ngay sau Hội nghị Thành Đô, Ngoại trưởng
Nguyễn Cơ Thạch – “kiến trúc sư của nền ngoại giao Việt Nam” – một chiến
lược gia tài ba, một nhà lãnh đạo có kiến thức uyên thâm và tầm nhìn xa
trông rộng, một nhà ngoại giao sắc sảo và quả quyết, người mà nhiều
chính khách phương Tây rất khâm phục và kính nể, lại phải sớm rời khỏi
mọi chức vụ (Ủy viên BCT, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao) và bị
loại khỏi danh sách đề cử vào BCHTW khóa VII! Chỉ trước đấy không lâu,
ngay đầu năm 1990, ông còn được dự kiến làm Thủ tướng nếu ông Võ Văn
Kiệt lên làm Tổng Bí thư ở Đại hội VII.
Việc ông bị loại bỏ khỏi tất cả các chức vụ
lãnh đạo Đảng và Nhà nước có phải là một trong các điều kiện mà TQ đã
buộc ta phải chấp nhận ở Hội nghị Thành Đô hay không, là một điều không
khó để chứng minh. Còn về câu nói “Thế là một thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu!”
có phải là ý kiến nhận định và đánh giá về kết quả Hội nghị Thành Đô
của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch hay không? Ông nói câu này khi nào, với
ai và trong bối cảnh nào thì chưa thấy có nguồn tin nào khẳng định. Khi
phải thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại
giao ở tuổi tròn “thất thập” (1991), tuy bị sốc, nhưng sức khỏe về trí
lực và thể lực của ông vẫn còn rất tốt. Ông vẫn được Bộ Chính trị giao
công tác mới là chủ trì tổng kết công tác ngoại giao, nghiên cứu kinh tế
thế giới và chiến lược đối ngoại cho đến khi ông mất (năm 1998). Chính
trong thời gian này ông đã hoàn chỉnh cuốn hồi ký mà ông đã khởi bút
viết ngay sau khi Hội nghị Paris về VN kết thúc (1973). Cuốn hồi ký này
nói về những năm tháng vinh quang, những khoảnh khắc bực tức, nóng giận
và cay đắng trong cuộc đời 60 năm hoạt động cách mạng trong đó có 44
năm làm công tác ngoại giao của ông. Chắc chắn là nhiều bí mật đối ngoại
của Nhà nước cũng như của riêng ông sẽ được “bật mí” một khi cuốn hồi
ký này được công bố!
Gần 1/4 thế kỷ đã trôi qua kể từ Hội nghị Thành Đô,
nhiều thành viên đoàn VN tham dự hội nghị này không còn nữa, nhưng hậu
quả để lại của cuộc gặp này là khôn lường, gây ra những thiệt hại to lớn
và nguy hiểm cho đất nước và nhân dân ta ở hầu hết các lĩnh vực: từ
chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, văn hóa – giáo dục, chủ quyền
đất nước, chính trị nội bộ đến vấn đề an ninh quốc gia trên phạm vi toàn
lãnh thổ, từ biên giới phía Bắc cho đến các tỉnh miền Tây Nam bộ, từ
biển Đông vào đến các tỉnh ven biển và giáp với biên giới Lào và
Campuchia, và đặc biệt là vùng Tây Nguyên chiến lược. Không thể thống kê
hết những vấn đề nói trên, chỉ xin đề cập đến một vài sự việc nổi cộm
sau:
1- Từ sau Hội nghị Thành Đô, cuộc chiến tranh xâm
lược của TQ ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta (17/2/1979) không được
nhắc đến nữa, thậm chí những hoạt động của người dân tưởng niệm và vinh
danh các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến này hoặc các cuộc biểu tình
yêu nước chống TQ xâm phạm biển đảo và sát hại ngư dân ta đều bị ngăn
cấm và đàn áp.
Hơn 35 năm đã trôi qua, tại sao cuộc chiến tranh bảo
vệ Tổ quốc, chống xâm lược bành trướng phương Bắc này cũng như việc TQ
dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa (1974) và đảo Gạc Ma của ta ở
Trường Sa (1988) không được tổng kết và đưa vào lịch sử và sách giáo
khoa để giáo dục lòng yêu nước cho học sinh, sinh viên và thanh niên ta?
2- Tại sao ta cho phép hoặc không ngăn
chặn việc TQ thuê hàng trăm ngàn héc ta rừng đầu nguồn ở các tỉnh biên
giới chiến lược phía Bắc với thời hạn lâu dài 50-70 năm?
3- Một khu vực có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, rất nhạy cảm về mặt an ninh – quốc phòng là Tây Nguyên (Ai kiểm soát Tây Nguyên thì có thể khống chế được toàn bộ bán đảo Đông Dương!) thì
TQ lại dễ dàng được phép đưa hàng ngàn công nhân vào đây để thực hiện
dự án bauxite đầy nghi ngờ và tranh cãi không những về an ninh – quốc
phòng mà cả về hậu quả sinh thái – môi trường, cũng như về hiệu quả kinh
tế – xã hội, mặc dù có hàng ngàn cựu cán bộ lãnh đạo, nhân sĩ trí thức
và các nhà khoa học lên tiếng kiến nghị Bộ Chính trị, Quốc hội và Nhà
nước dừng dự án này!
4- Tại sao các công ty TQ lại trúng đến
80-90% các gói thầu trọn gói EPC (thiết kế – mua sắm – xây dựng) trong
các dự án về KT-XH, đặc biệt là các dự án nhiệt điện, và tại sao ta chấp
nhận hàng chục ngàn lao động phổ thông TQ (có phép và không phép) vào
thực hiện các dự án này? Tại sao ta lại để cho thương nhân và các doanh
nghiệp TQ tự tung tự tác trên khắp lãnh thổ của ta, lừa đảo nông dân ta,
lũng đoạn và phá hoại nền kinh tế đất nước ta một cách dễ dàng như chốn
không người như vậy?
5- Gần đây TQ ngang ngược và trắng trợn
hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 để khoan thăm dò dầu khí sâu trong
thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN mà ta lại không dám nhân
cơ hội này kiện TQ ra trước tòa án quốc tế như Philippines đã làm? Do ta
chưa chuẩn bị kịp hồ sơ pháp lý hay vì một nguyên nhân nào khác? Trong
vụ giàn khoan này TQ đã không chỉ chà đạp luật pháp và chủ quyền của VN
mà còn vi phạm thô bạo Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS) của LHQ. Dư luận
rộng rãi trên toàn thế giới phản đối, lên án TQ và đồng tình, ủng hộ
VN. Rất tiếc ta lại không tận dụng thời cơ và lợi thế này để vạch mặt
bọn “vừa ăn cướp vừa la làng”! Trung Quốc không chỉ ngang ngược mà họ
còn phi lý và trịch thượng nữa! Qua hãng thông tấn chính thức Tân Hoa
Xã, họ đưa ra “4 yêu sách VN không được làm” trong đó họ đề cập xa gần và bóng gió đến thỏa thuận Thành Đô 1990!
– v.v.
Xung quanh Hội nghị thượng đỉnh và các thỏa
thuận mà VN đã ký với TQ ở Thành Đô có nhiều phân tích, đánh giá, nhận
định, thông tin trái chiều, thậm chí cả những đồn thổi nguy hiểm, bất
lợi về mặt dư luận… làm người dân hoang mang, bán tín bán nghi, không
biết đâu là hư, đâu là thực! Mọi hiện tượng trên sẽ chấm dứt một khi
Đảng và Nhà nước báo cáo cho toàn dân biết sự thật về mối quan hệ Việt –
Trung, đặc biệt là các thỏa thuận mà lãnh đạo ta đã ký với TQ ở Thành
Đô.
Là chủ nhân ông của đất nước, nhân
dân có quyền được biết và phải được biết về những vấn đề trọng đại của
quốc gia, trong đó có sự thật về quan hệ VN – TQ trong những năm qua,
đặc biệt là các thỏa thuận đã ký với TQ ở Hội nghị Thành Đô năm 1990.
Hơn nữa, Điều 4 Hiến pháp 2013 đã ghi rất rõ: “ĐCSVN… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội… Đảng gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. Do
vậy việc lãnh đạo Đảng và Nhà nước báo cáo cho toàn dân biết sự thật về
mối bang giao Việt – Trung và các thỏa thuận đã ký với TQ ở Thành Đô là
một việc nên làm, cần làm và phải được làm vì điều này chỉ có lợi cho
Nhân dân và Đất nước.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI sẽ sớm nhóm
họp Hội nghị Trung ương lần thứ 10 trong thời gian tới để duyệt xét mối
quan hệ VN – TQ và đưa ra các quyết sách liên quan. Nhân dân rất kỳ
vọng một trong các quyết sách này là Đảng sẽ báo cáo cho toàn dân biết
sự thực về mối quan hệ với TQ trong 1/4 thế kỷ qua trong đó có các thỏa
thuận mà lãnh đạo Đảng ta đã ký với TQ ở Hội nghị Thành Đô năm 1990 kèm
theo một lời tạ lỗi chân thành! Nếu đúng thì đây sẽ là một trong các
quyết định dũng cảm, hợp lòng dân và quan trọng nhất trong lịch sử tồn
tại của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hà Nội, 3/8/2014
N.Đ.Q.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét