Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Nỗi hổ thẹn của một nền văn minh

Triết học đường phố

Nỗi hổ thẹn của một nền văn minh
Featured Image: Bruno Catalano
Do tính chất đặc thù của công việc nên trong vòng hơn 2 năm, kể từ khi ra trường tôi có cơ hội và may mắn tiếp xúc được rất nhiều con người thuộc các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Khi nhìn lại dòng thời gian đã qua, tôi gằn mình lại để sự giận dữ không biến thành những bài viết đầy cực đoan, ảnh hưởng đến những đứa em, đứa cháu, một lớp thế hệ tương lai của dải đất hình chữ S thân thương này.


Ở đây, trong khuôn khổ bài viết với những câu chuyện lộn xộn và vụn vặt, tôi không dám quy chụp những con người mà tôi vô tình có nhắc đến vào những cái tốt đẹp chung của xã hội nhưng tôi dám khẳng định với bạn rằng, chắc chắn bạn sẽ thấy bóng dáng của ai đó bạn đã từng gặp trong câu chuyện của tôi, đây không thể là số ít, đây không thể là tất cả câu chuyện mà tôi có thể kể ra và đâu đó sẽ xuất hiện hình bóng của chính bạn, tôi xin lỗi nhưng cho phép tôi nói thẳng, có lẽ chúng ta trong khoảnh khắc nào đó đều là một nỗi hổ thẹn không thể chối cãi.

Đúng giờ và sự nhẫn nại

Khi là một thằng sinh viên mới ra trường, tôi luôn tò mò và háo hức khám phá cuộc sống còn lạ lẫm xung quanh mình, liên tục là những cuộc hẹn gặp khách hàng, những con người, lắng nghe những câu chuyện và những chia sẻ từ họ là một điều hết sức thú vị. Tuy nhiên, qua những cuộc hẹn gặp đó, tôi dần nhận ra chúng ta đang quá dễ dãi với chính bản thân mình.
Tôi đã gặp rất nhiều những con người, họ đeo trên tay chiếc đồng hồ hàng hiệu, trong túi là chiếc smartphone sành điệu, và tất cả tôi nghĩ chỉ là những đồ vật trang trí tô điểm cho họ, bởi công dụng đơn giản nhất của chúng là để xem thời gian cũng không được dùng đến. Họ sẵn sàng đến muộn trong một cuộc hẹn và coi như nó là việc hết sức bình thường, họ trễ hẹn đến cả giờ đồng hồ với 1001 lý do được đưa ra cùng những cái nhoẻn cười xuề xoà, sự xấu hổ khi vừa làm một việc có lỗi lặn mất tăm trên khuôn mặt. Bởi vì họ coi đó như là một điều hết sức bình thường và lẽ tất yếu trong cuộc sống.
Đơn giản thôi, các bạn đã tự bao giờ cho phép mình mặc định có thể đến trễ trong các cuộc hẹn bạn bè mà không hề cảm nhận được sự xấu hổ? Nếu có thì bạn cũng chính là một trong những con người đang viết nên câu chuyện của nỗi hổ thẹn hôm nay.
Đúng giờ có lẽ là điều xa xỉ đối với một số người, nhưng trên hết nó thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau trong một xã hội mà chúng ta vẫn gọi là văn minh. Và tôi luôn nghĩ, đến một lúc nào đó, nhanh thôi, đời sẽ dạy lại họ thế nào là giá trị của 2 tiếng “thời gian”.
Ở một khía cạnh khác, giữa ngã tư đường, bạn hẳn bắt gặp tiếng còi inh ỏi một cách vội vã của những chiếc xe, kể cả khi đèn đỏ còn cả chục giây. Họ có thể lý giải cho hành động đó là họ đang vội vã đến một nơi nào đó, làm một cái gì đó cho đúng giờ, cho kịp cuộc hẹn. Tôi không quan tâm và không chấp nhận lời giải thích đó, bởi lẽ khi chúng ta không đủ nhẫn nại để chờ đợi vài chục giây đồng hồ tại nơi ngã tư đường thì chúng ta liệu có thể làm được gì to tát hơn thế ? Chúng ta không thể quản lý được quỹ thời gian của chính chúng ta mà lại hoàn toàn để nó chi phối cuộc sống thì đó đâu còn là cuộc sống của chúng ta. Tất cả đều chỉ là mớ nguỵ biện cho sự thiếu kỷ luật đến tàn tệ của một xã hội vô lối.

Cái tôi ích kỷ và nhỏ bé

Chúng ta nghĩ cái tôi của chúng ta là to lớn nhưng thực ra đấy lại chỉ là một cái tôi hoàn toàn đại chúng như bao cái tôi khác.
Tôi từng thấy cả nghìn con người chen chúc nhau, láo nháo, lộn xộn đứng giữa một con phố trung tâm Thủ đô chỉ để giành giật bằng được miếng sushi miễn phí tại một nhà hàng mới khai trương. Các bạn ăn thế có thấy ngon không? Miếng ăn ở đây có là miếng nhục? Khi các bạn sẵn sàng xô đẩy, giẫm đạp lên những người đồng loại của mình để đạt được mục đích, để được ngấu nghiến nhai trong mồm một thứ đồ ăn miễn phí, có thể món đồ đó thật ngon, nhưng cũng có thể nó được làm từ thực phẩm quá hạn. Nhưng nào có sao, bạn không quan tâm, đơn giản bởi nó miễn phí là bạn có thể nhét tất vào mồm, nhét đầy vào sự tham lam cùng cái tôi ích kỷ mà không cần nghĩ suy.
Các bạn nghĩ sao khi nghi án Coca-cola chuyển giá nhằm trốn thuế chúng ta đã rành rành trước mắt, những đồng thuế hoàn toàn có thể được sử dụng ngược lại để giúp đỡ chính chúng ta, những học bổng có giá trị cho bạn, những hỗ trợ trong nghề nghiệp của cha mẹ bạn, hay có xa lạ hơn chăng là những mái nhà, lớp học cho trẻ em nơi vùng cao? Bạn nghĩ sao khi tên bạn được in trên vỏ lon Coca-cola nào đó, chính nó được coi là cách không thể tốt hơn và là công cụ truyền thông hiệu quả cho một hãng kinh doanh nước ngọt thiếu đạo đức và trách nhiệm cộng đồng.
Rồi đến việc sẵn sàng rồng rắn xếp hàng dài cả tiếng đồng hồ dưới trời nắng chỉ để thưởng thức một ly cà phê Starbucks, hay để mua một suất McDonald’s. Họ cứ nghĩ mình thông minh và sành điệu nhưng có một sự thật không thể phủ nhận, họ đang bán rẻ cái tôi và sự tự trọng mà họ vốn coi là vĩ đại. Đó đơn giản chỉ là một cái tôi bầy đàn, một cái tôi đại chúng nhạt nhoà đang được hoà lẫn vào một thế giới ảo, và bị lợi dụng một cách không thương tiếc trong cái xã hội đầy toan tính và vụ lợi.
Có chăng cái tôi của họ chỉ được thể hiện khi đang đi trên đường họ vô tình chạm xe vào người khác, ngay lập tức là những câu chửi rủa bốc mùi xú uế, những cái nhìn sắc lạnh như dành cho kẻ thù và kết cục có thể sẽ là những trận chiến ngay giữa lòng đường tặng cho những người cùng màu da, tiếng nói. Có chăng cái tôi của họ chỉ được thể hiện nơi quán nhậu hoặc quán café, một bóng già khoặm đến xin bán gói tăm, hoặc một nhóc nhỏ lon ton xin đánh đôi giầy, họ trừng mắt, cái nhìn đầy vô cảm, họ hả hê được thể hiện cái tôi vĩ đại của mình trước mặt những bạn bè ngồi xung quanh.

Tâm linh và sự mù quáng

Tôi là người không hay đi chùa cũng như đến các khu vực tâm linh tuy nhiên tôi không thể phủ nhận nền văn hoá tâm linh là truyền thống ngàn đời nay của con cháu đất Việt. Nhưng tôi tự răn mình mỗi khi bước vào những chốn thanh tịnh đấy, đó là lúc tôi đi tìm lại những sự chậm rãi của cuộc sống vốn hối hả, bon chen, trước mỗi ban thờ hoặc một bát hương, tôi trầm mình vái lạy để cầu mong sự bình an cho bản thân và cho gia đình.
Tôi không có thói quen thắp hương hay nhét tiền đầy trên đĩa, dưới đĩa, trên bàn, dưới bàn, hòm công đức hay bất cứ những chỗ nào có thể nhét, như những con người kia. Tâm linh nào cho những khói hương được đốt nghi ngút đến cả bó, những đống vàng mã khói um cả một góc trời? Tâm linh nào cho những sự giành giật, xô đẩy đến lố bịch chốn đây, từ hội ấn đền Trần Nam Định, từ đền bà chúa Kho cho đến lễ hội Lim? Tâm linh nào khi xác những con vật bị phanh thây, phơi bầy xẻ thịt ngay vùng đất thiêng chốn này từ đền Cổ Loa, đến Chùa Hương?
Tôi vẫn nhớ có lần tôi đã khóc, dòng nước rỉ ra nơi khoé mắt lúc nào không hay, tôi khóc bất lực trước cảnh tượng diễn ra trước mắt trong một lần đến thăm Văn Miếu, những đống tiền lẻ vứt vương vãi đầy mặt đất, những bậc phụ huynh tranh nhau, hỷ hả cho những đứa nhỏ thi nhau đứa ngồi, đứa đứng trên lưng bia cụ rùa rồi thi nhau chụp ảnh.
Và đây, một sự lố lăng và mù quáng thật kinh tởm khi họ có một niềm tin là sờ đầu rùa Văn Miếu sẽ học hành đỗ đạt, các vị phụ huynh bắt những đứa con của mình phải sờ và chạm tay vào bằng được. Họ nào có biết chính họ đang dạy cho những đứa con của mình và nuôi dưỡng sự mù quáng cho chúng từ thủa ấu thơ cho đến khi trưởng thành. Và cứ mỗi mùa thi đại học đến, bạn sẽ thấy thôi, cảnh sỹ tử nhung nhúc cố mọi cách chạm tay vào đầu rùa đâu còn là lạ.
Có thể con cháu chúng ta chưa thể chứng kiến được những điều này, nhưng hàng trăm năm sau, tôi tưởng tượng thấy được hình ảnh của những đứa trẻ với khuôn mặt ngơ ngác đến tội nghiệp trong khuôn viên Văn Miếu Quốc Tử Giám, hình ảnh đập vào mắt lũ trẻ lúc này là những cụ rùa thân hình to lớn cõng trên lưng nhưng cái bia tiến sỹ đã bạc màu thời gian, với cái đầu nhẵn bóng lúc đấy có thể chỉ còn to bằng quả táo tàu, mà có thể chúng sẽ không còn biết gọi tên con vật ấy là gì.

Khoe mẽ và lãng phí

Trước khi đi ăn họ chụp ảnh mặc đồ, khi đến nơi họ check-in nhà hàng, trước khi ăn họ chụp bàn thức ăn, ăn xong họ chụp sự no nê. Tất cả đều được đưa lên mạng xã hội facebook, tất cả đều là thể hiện đẳng cấp của họ.
Tôi từng làm cho bộ phận marketing của một chuỗi nhà hàng, tôi cũng từng được đi đến khá nhiều những nhà hàng, sự lãng phí của chính chúng ta được thấy rõ nhất tại những nơi như thế này. Kết thúc bữa ăn, thực khách đứng lên, họ vui vẻ ra về và trò chuyện cùng nhau sau buổi buffet của mình. Kể cũng đáng tiền vì đã trả tiền rồi nên ăn sao mà chẳng được, họ chụp ảnh, thoả thích trưng bày những đĩa thức ăn đầy ụ trên bàn cùng những nụ cười tươi rói, những bức ảnh long lanh nhanh chóng được chia sẻ lên facebook với những cái like và comment khiến chủ nhân của bức ảnh càng hả hê. Những đồ ăn không hết thì bỏ thôi, có nhằm nhò gì, miễn sao hình ảnh của họ phải thật đẹp.
Nhưng nếu lúc nãy một trong số những con người này đi ngang một cái bàn khác, một đôi nam nữ ngoại quốc đang ngồi, vừa ăn vừa nói chuyện, những món ăn trên đĩa của họ cái gì cũng chỉ có một, thậm chí người này lấy món này thì người kia không lấy, để cùng ăn thử cho đỡ phí…Và nếu họ thấy được người phục vụ đến dọn chén đĩa và thức ăn dư của họ đã ngẩn ngơ tiếc như thế nào khi nghiêng mình trút hết phần thức ăn đó vào thùng rác. Giữ lại thì không được mà bỏ đi thì thật đáng tiếc làm sao. Và nếu họ nhìn thấy ở ngay phía bên ngoài kia thôi, cách cánh cửa nhà hàng này không xa những đôi bàn tay đen đúa, nhầu nhĩ cùng cái nón lá rách tả tơi đang chìa ra cầu xin con người ban phát lòng thương hại để qua cơn đói khát… thì có lẽ chăng họ đã khác.
Thực phẩm, chúng ta đều biết nó không phải cái tự trên trời rơi xuống, chúng ta phải khó nhọc mới có được nó. Vậy mà… tôi đã nhìn thấy những đĩa thức ăn được lấy một cách vô tội vạ, thoả mãn lòng tham đến cực độ, những bàn buffet sau khi thực khách đứng lên để lại hàng đống, có món lấy rồi không đụng đũa. Và tại quầy thức ăn của nhà hàng, nhà bếp chưa làm xong kịp, một vài thực khách vẫn phải đứng chờ để lấy món mình ưa thích nhưng ở phía bên kia của gian bếp, món ăn đó đang được đợi để đổ đi.

Tình người và lòng trắc ẩn

Chiếc Mẹc đỏ bóng lộn vừa phóng vọt lên đột nhiên khựng lại, kính xe nhanh chóng được hạ xuống, một thanh niên với mái tóc chải chuốt gọn gàng ló đầu ra kéo theo mùi nước hoa thoang thoảng. Những từ ngữ chợ búa tuôn ra từ miệng anh được dội xối xả vào lưng bà cụ đi xe đạp phía trước. Bà dắt theo chiếc xe đạp đã cũ chậm chạp băng qua đường một cách đầy khó nhọc trong im lặng, bản nhạc nền cho khung cảnh đang diễn ra là tiếng còi inh ỏi liên hồi được anh thanh niên tấu lên một cách đầy sôi động và thúc giục. Ngồi bên cạnh anh, cô gái trẻ sau khi ném nhanh cái nhìn về phía trước lại tiếp tục cắm đầu vào chiếc điện thoại trên tay. Bà cụ qua đường, với theo sau cái bóng già cũ kỹ, tiếng chửi rủa nghe rõ mồn một phát ra từ bên trong chiếc xế hộp.
Cái quái quỷ gì đã và đang được nhồi nhét vào đầu của những thanh niên còn trẻ với vẻ ngoài lịch thiệp thế này? Có phải thế hệ ông bà, cha mẹ họ đã được sống trong sự an yên sung sướng trên mồ hôi và nước mắt của những kẻ khác để rồi sản sinh ra họ với tư cách mục ruỗng của ngày hôm nay? Không một chút tình người.
Sự cộng hưởng đến với cả một thế hệ phải chăng là bắt nguồn từ những trang báo lá cải đang tràn ngập thế giới mạng, hay là những tin cướp, hiếp, giết nhan nhản xuất hiện của các tờ báo chính thống luôn được đưa ra tức thì để câu view thay cho những bài viết có tính chiều sâu và giáo dục nhân cách con người? Truyền thông của đất nước này phải tự trách chính mình vì đã quá dễ dãi và chính nó đang giết đi tư tưởng và bản lĩnh cũng như lòng trắc ẩn của cả một thế hệ được sinh ra yên ấm trong nền hoà bình mà cha ông họ đã dùng máu và nước mắt để xây đắp lên.
Ta đang sống trong thời đại khi mà bạn hay tôi đôi lúc phải lặng yên một cách nhục nhã, bất lực trước sự vô cảm và thiếu đi lòng trắc ẩn của mỗi con người. Chúng ta vội vã chạy theo những đồng tiền và sự lố lăng, hào nhoáng bên ngoài mà chính nó đang vô hình giết chết những cảm xúc của chính chúng ta. Tôi tự hỏi sẽ đến khi nào chúng ta mới nhận ra được bản chất thực sự của thời đại này, thời đại nơi tất cả chúng ta đang sống trong một nền văn minh để rồi đôi khi tôi chợt nhận ra cái cuộc sống này thiếu thốn tình người hơn bao giờ hết, thủa đó chiến tranh, qua lời kể của mẹ tôi, thủa đó bom rơi đạn lạc, thủa đó thiếu thốn, nhưng tình người ấm áp không bao giờ là thiếu.
Và có lẽ cuối cùng rồi thì những sự hổ thẹn cũng không hề gì nếu chúng ta cứ tiếp tục mặc nhiên coi nó là một phần tất yếu của cuộc sống. Tất cả suy nghĩ lôi tôi đến với bài viết này đều xuất phát tình cờ trong một câu chuyện phiếm, câu nói của anh chàng đánh giầy cho tôi trong quán cafe nhỏ, cùng ánh mắt của anh với sự bất lực và thoáng buồn của tuổi trẻ đã qua: “Vật giá thì đắt đỏ, nhân phẩm thì rẻ mạt.”
Tôi chạnh lòng, một sự bế tắc. Và bởi có lẽ tôi chắc chắn không thể tiếp xúc được với nhiều những con người như anh, tôi mời anh ly cafe buổi xế chiều và lúc này chúng tôi bắt đầu câu chuyện với nhau, câu chuyện về những nỗi hổ thẹn của một nền văn minh. Nhưng dù câu chuyện có đi đến đâu, tôi và anh vẫn luôn tin con người thì ở đâu cũng đẹp, chỉ là ta vẫn chưa nhìn ra hoặc chưa chịu nhìn ra cái đẹp đó mà thôi.

Nguyễn Trần Chung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét