Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Phủi tay, lẩn trốn và bao biện

Lê Diễn Đức – RFA

Bùn đỏ tràn ra hồ ở Tân Rai hôm 8 tháng 10, 2014.
 
Tham nhũng ở Việt Nam đã trở thành đại dịch không thuốc chữa. Lấy tiền ngân sách tức là tiền thuế của dân, vay vốn nước ngoài để đầu tư xây dựng và phát triển đất nước, vừa được tiếng thơm là làm đất nước thay đổi, nhưng cũng là cơ hội bằng vàng để các quan chức rút ruột công trình bỏ túi riêng.
 

Nhưng ăn mà biết nhin trước nhìn sau đã đành, đằng này đã ăn bẩn nhưng khi sản phẩm tạo ra có vấn đề thì “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.
Vụ đứt cầu treo ở Lai Châu gây thiệt mạng 9 người và hàng chục nguời bị thương là một tai nạn nghiêm trọng.
 
Thoạt đầu người ta đổ lỗi cho đoàn người đưa tang đông, đi không đều bước để xảy ra cộng hưởng tải trọng lên cầu. Nhưng cuối cùng, sau khi điều tra Bộ Giao thông Vận tải đã khẳng định, “việc chế tạo ắc neo tăng đơ có hai sai sót lớn là không đúng thiết kế và không tuân thủ quy trình kỹ thuật. Cụ thể, tiết diện ắc neo thực tế tại vị trí nhỏ nhất khoảng 25 cm2 chỉ bằng khoảng 50 % tiết diện chịu lực thiết kế; bề mặt lỗ ắc neo tăng đơ lồi lõm, biểu hiện không được gia công chế tạo đúng yêu cầu kỹ thuật, có khả năng khi chế tạo đã sử dụng biện pháp gia nhiệt thổi thủng chiều dày. Điều này sai với chỉ dẫn kỹ thuật trong hồ sơ thuyết minh thiết kế do Tư vấn thiết kế là Công ty tư vấn công nghiệp Lào Cai lập”.
 
Biết rõ vậy mà sự việc cũng nhanh chóng chìm vào im lặng. Không thấy một ai chịu trách nhiệm, kỷ luật. Một sự vụ đáng ra phải được lập hồ sơ truy tố những người thiết kế, thi công. NHưng rồi dân chúng chỉ kêu ca và tuyệt vọng, bởi vì quyền làm cho ra nhẽ không nằm trong tay họ.
 
Vào mùa mưa năm 2013, các nhà máy thủy điện miền Trung đã xả lũ, dân bị chết trôi hàng chục người. Đây là một tội ác. Nó không chỉ diễn ra vào năm nay mà trong những năm trước đều có tình trạng xả lũ bừa bãi để bảo vệ đập nước, làm chết người, phá huỷ hoa màu. Xả lũ đương nhiên phải có người thực hiện, theo lệnh của ai, vào thời điểm nào. Nếu điều tra đến nơi đến chốn sẽ không khó tìm ra thủ phạm.
 
Một bài viết trên “Baodatviet.vn” đã lên tiếng: “Bộ Công thương thay vì nhận lỗi lại loanh quanh phủ nhận, bênh vực thủy điện, Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm, không thể đẩy trách nhiệm cho người dân”.
Và rốt cuộc người ta kết luận rằng, việc xả lũ đã làm đúng quy trình!
 
Đúng với cái quy trình gây ra cái chết cho hơn năm chục người, chưa kể các tổn thất vật chất khác! Mạng người dân lao động rẻ rúng như con vật.
Trên thế giới có nhiều công trình thuỷ điện, nhưng không thấy đâu có nhiều vấn đề như ở Việt Nam, đặc biệt nhà máy thuỷ điện nào cũng tồn tại nguy cơ vỡ đập vào mùa mưa. Người ta đã làm gì với toàn bộ thiết kế, thi công? Hay cũng làm đúng “quy trình”?
 
Khắp nước Việt Nam, nhiều con đường cao tốc được xây dựng làm thay đổi bộ mặt đất nước, nhưng ngặt một nỗi giá thành thì cao ngất nhưng đưa vào sử dụng thì chỉ một thời gian ngắn đều bị lún, nứt thảm hại. Con đường cao tốc dài nhất Việt Nam, Nội Bài-Lào Cai, khánh thành chỉ sau hai ngày đã có đoạn nứt toác dài tới 70 mét. Chủ Nhiệm Văn Phòng Chính Phủ Nguyễn Văn Nên nói rằng vết nứt đó “không là một vấn đề lạ”! Mỉa mai quá, không có gì lạ thật!
 
Bộ Giao Thông Vận tải sau khi kiểm tra thì cho hay rằng, các khâu thiết kế, thi công đều thực hiện đúng quy trình! Đã đúng quy trình thì cho dù nứt, lún cũng chẳng có ai chịu trách nhiệm!
Lại còn vứt tiền vô tội vạ! Dự án Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội) đầu tư hơn 3.200 tỷ, với hai đường lớn 6 làn ô tô, trải nhựa rộng thênh thang, nhưng hiện không một bóng người qua lại, nhà chờ xe, lan can ven đường hoen gỉ, xiêu vẹo, như một khu bỏ hoang. Thành phố Hà Nội từng tuyên truyền là “nơi tái hiện những giá trị văn hoá đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam để giới thiệu với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, là điểm tham quan lý tưởng cho nhân dân trong nước cũng như khách du lịch quốc tế và là biểu tượng sinh động để các nước trên thế giới hiểu được chính sách dân tộc của Việt Nam”!
 
 
“Bất kỳ ai, nhìn thấy bức ảnh được chia sẻ trên facebook này đều cảm thấy phẫn nộ và bất lực. Người mẹ trẻ đi xe máy chở con, có vẻ như học mẫu giáo trở về nhà, trên con đường của một thành phố lớn nhất nước, thành phố được ngợi ca “văn minh hiện đại” đã gần như chìm trong dòng nước lũ. Một chiếc xe hơi trờ tới, dù bị ngã, hình như đang kẹt chân, nhưng người mẹ trẻ vẫn dùng một bàn tay để chặn đầu chiếc xe hơi, cố bảo vệ con mình, trong khi đó bàn tay bé bỏng của em bé, thảng thốt níu lưng áo mẹ khi cơ thể em gần như chìm sâu trong nước, trong sự tuyệt vọng!
 
Ai chịu trách nhiệm về vần đề này? Báo chí từng đăng tải những ông quan đầu ngành ngành thoát nước đô thị nhận lương trên cả tỷ đồng/năm. Họ ngồi đó để làm gì và khi thành phố chìm sâu trong nước thì đổ thừa do mưa lớn hay triều cường? Ai là người chịu trách nhiệm khi chấp nhận xây dựng khu đô thị Phú Mỹ Hưng mà có nhiều kỹ sư và nhà khoa học từng phản biện, chỉ ra rằng làm như vậy chính là xây một con đê vĩ đại ngăn sự thoát nước về phía trũng của Sài Gòn? Và điều này đã trở thành nhãn tiền khi Sài Gòn mưa là ngập, mưa lớn là có “sóng bạc đầu” trên đường phố?”
 
Gần đây nhất, hôm 8 tháng 10, 2014,  đập chứa bùn đỏ của dự án bauxite Tân Rai bị vỡ, lượng bùn bị tràn ra ngoài và đổ xuống cuối hồ Cai Bảng ước khoảng 5.000 m3.
Ông Nguyễn Văn Ngữ, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Lâm Đồng, cho biết, không gây thiệt hại về người và thiết bị và mẫu nước tại hồ thải quặng bị vỡ với độ PH trung tính (6-7), không có hóa chất, không độc hại, không gây ảnh hưởng sinh thái trong lòng hồ và không gây thiệt hại đến vườn tược, hoa màu của người dân.
 
“Đây là bùn đất đỏ đã qua lắng rửa nên hoàn toàn không độc hại, không phải bùn đỏ đang trong quá trình khai thác”, ông Ngữ nói.
Thế nhưng, ông Nguyễn Thành Sơn, người có nhiều gắn bó với dự án Bauxite Tây Nguyên, hiện là giám đốc quản lý dự án Than đồng bằng sông Hồng, lại nói khác:
 
“Ở dự án Tân Rai và Nhân Cơ đều có hai loại chất thải: chất thải của nhà máy alumina là bùn đỏ độc hại và nguy hiểm, chất thải của nhà máy tuyển quặng bauxite là “quặng đuôi” cũng độc hại, nhưng ít nguy hiểm hơn. Nếu ai đó khẳng định hồ thải quặng đuôi không nguy hại là không đúng. Bất cứ hồ (bãi) thải quặng đuôi nào cũng nguy hại, do có chứa rất nhiều khoáng vật của kim loại nặng và hợp chất hóa học khác nhau chưa được xử lý. về mặt lý thuyết, hồ thải quặng đuôi chỉ ít nguy hại hơn hồ thải bùn đỏ”.
“Người dân “hoang mang” không đáng lo ngại bằng việc cách đây chưa đến một tháng, hội Khoa học công nghệ Mỏ của Tập đoàn Than (TKV) còn có văn bản báo cáo với Đảng, Chính phủ, và Quốc hội rằng: hồ bùn đỏ ở Tân Rai đều “trong tầm kiểm soát”.
 
“Đơn giản như hồ thải quặng đuôi mà còn bị vỡ, không kiểm soát được, thì ai dám tin rằng hồ bùn đỏ “trong tầm kiểm soát”! Chủ quan, và ấu trĩ của Tập đoán Than là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “đi vướng núi, về mắc sông” của cả hai dự án bauxite hiện nay”, ông Sơn nói.
Dự án Khai thác bauxite Tây Nguyên đã gây ra nhiều ý kiến tranh cãi không những về việc sử dụng công nghệ Trung Quốc lạc hậu, mà còn vấn đề an ninh, quốc phòng, hiệu quả kinh tế, hậu quả xã hội và tác động đối với môi trường sinh thái.
 
Theo ước tính của một số chuyên gia, giá bán alumin FOB (tại cổng nhà máy) khoảng 340 USD/tấn trong khi giá thành sản xuấtlà 375 USD/tấn. Giá xuất khẩu alumin của Vinacomin tình từ bờ biển tối đa khoảng 345 USD/tấn. Nếu tính chi phí tiêu thụ (vận chuyển, bốc dỡ, hao hụt) khoảng 25 USD/tấn và thuế xuất khẩu 20%, mỗi tấn alumin sẽ lỗ khoảng 124 USD. Nếu được miễn cả thuế xuất khẩu thì mỗi tấn alumin sẽ lỗ ít nhất 55 USD, tức lỗ ít nhất 33 triệu USD mỗi năm.
 
Chỉ mỗi việc đào tài nguyên lên bán mà phải chịu lỗ lại gánh theo hậu quả môi trường do làm ăn tắc trách. Khi có lũ quét chưa biết sẽ ra sao. Nhưng “chủ trương lớn của Đảng” thì cứ làm, bởi vì có làm thì mới có “ăn’!
Khi đồng tiền chia chác đã nằm yên trong két hay ở các tài khoản nuớc ngoài, phủi tay, chạy trốn trách nhiệm và bao biện là nghề chuyên nghiệp của quan chức cộng sản Việt Nam. Một vài con thiêu thân hạng quèn như trong vụ PMU 18 hay Vinashine, Vinalines… mang ra xử chỉ là trò trình diễn mị dân, giả dối.
© Lê Diễn Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét