Kami – RFA
Gần đây, khi nói về công tác phòng chống tham nhũng, ngày 6.10.2014, khi tiếp xúc với cử tri Hà Nội TBT Nguyễn Phú Trọng nói rằng: “Chống tham nhũng đòi hỏi khôn ngoan, cần có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Không phải xới tung lên tất cả, gây mất niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau, rối loạn sẽ rất nguy hiểm.”. Điều này đã khiến cho không ít người từ bất ngờ, đến ngạc nhiên thậm chí hụt hẫng vì thất vọng đối với ông Tổng BT.Dư luận nói gì?
Phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng đã khiến cho dư luận dậy sóng, đã có nhiều ý kiến và bài viết bình luận về lời phát biểu này với các quan điểm và cách nhìn nhận khác nhau. Người ta cho rằng cái bình được nói ở đây chính là chế độ hiện tại và Đảng CSVN. Qua phát biểu của mình, ông Trọng muốn chuyển đi thông điệp tới mọi người rằng: Không thể chống tham nhũng, vì nếu chống tham nhũng một cách triệt để sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ và Đảng CSVN. Bởi vì ai cũng biết, với cái thể chế chính trị độc đảng lãnh đạo như ở Việt nam hiện nay, khi mà các thiết chế giám sát cần thiết đảm bảo cho sự minh bạch đều không hề có hoặc bị vô hiệu hóa. Nói như thế có nghĩa là Đảng CSVN có đặc quyền tham nhũng và sẽ đảm bảo không bị xử lý. Đó là lý do nhiều người thấy rằng chế độ hiện tại đã khuyến khích và dung túng cho tham nhũng. Phát biểu này được cho là sự thoái lui và thừa nhận của ông Tổng Bí thư về thực trạng trạng chống tham nhũng ở Việt nam trong thời gian qua ở tình trạng “Dao sắc không gọt được chuôi”, cụ thể hơn là, một khi đa phần những kẻ tham nhũng đều là cán bộ Đảng viên thì bản thân Đảng không thể chống tham nhũng, vì đương nhiên tự mình thì không thể chống lại mình được.
Điều đó trái hẳn với những gì ông Tổng BT đã từng hứa hẹn và tuyên bố chỉ trước đây 2 năm, đó là “Không có vùng cấm trong việc chống tham nhũng”. Khi ấy toàn Đảng dưới sự lãnh đạo của TBT Nguyễn Phú Trọng nêu quyết tâm rất cao trong việc chống tham nhũng. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã được chuyển từ Chính phủ về trực thuộc Bộ Chính Trị, theo các quyết định của hội nghị Trung ương 6 – khóa XI (1-15.10.2012). Với lý do Ban này để trực thuộc Chính phủ là dung túng cho việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Sau những vụ bê bối về tham nhũng ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, khi ấy ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng Ban Nội Chính TW kiêm Phó Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng với tuyên bố sẽ “Hốt liền” được dư luận chào đón như một người hùng, một ông Bao Thanh Thiên của thời nay. Và không ít người đã đặt niềm tin và hy vọng chống tham nhũng một cách triệt để vào ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Bá Thanh.
Chính vì thế, đánh giá cho rằng đây là việc thừa nhận sự bất lực về công tác Chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tư cách là người đứng đầu cơ quan Chống tham nhũng là đáng quan tâm hơn cả. Người ta cho rằng tuyên bố này là bằng chứng cho việc giơ Cờ trắng xin đầu hàng của người đứng đầu Đảng CSVN đối với đối thủ của mình trong Đảng, nhất là vào thời điểm của năm cuối cùng mà ông Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm chức vụ Tổng BT.
Cũng cần nói thêm, nhân chuyện ông Tổng BT Nguyễn Phú Trọng vừa kết thúc chuyến thăm Hàn quốc từ ngày 1-4.10.2014, với việc bày tỏ không chấp nhận việc CHDCND Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Đây là điều người ta rằng ông Trọng đã quên mất ý thức hệ Cộng sản để lấy lòng Hàn quốc. Do đó có người đã phải đặt dấu hỏi liệu ông Tổng Bí thư có cái gì “bất thường” trong chuyến thăm Hàn quốc vừa qua hay không? Hay vì đến lúc này ông cũng “ăn đủ” nên tính đường để tháo thân? Họ nghi ngờ như thế là hoàn toàn có cơ sở, với lý do rằng trong quá khứ, người đứng đầu Đảng CSVN đã từng có tiền lệ xấu, đó là việc Tổng Bí thư Đảng CSVN Đỗ Mười trong chuyến thăm Hàn quốc vào tháng 4 năm 1995, đã nhận quà biếu của nước chủ nhà khoản tiền 1 triệu đô la Mỹ và giữ làm của riêng, thay vì phải nộp lại cho nhà nước theo quy định. Việc này, được biết Ban Kiểm tra TW nhắc Bộ Tài chính và Tổng Bí thư Đỗ Mười để làm thủ tục thu hồi và sau đó Bộ Tài chính cho biết thấy khó khăn quá nên cũng đành bỏ qua.
Từ Dự Luật tăng quyền cho Thủ tướng…
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 30.9.2014, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã trình bày về Dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Trong đó có đề xuất Thủ tướng với vai trò là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất có quyền quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ.
Cụ thể là: quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ. Trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng được giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm. Tương tự, Thủ tướng được quyền tạm thời giao quyền Chủ tịch UBND tỉnh trong trường hợp địa phương chưa bầu được chức danh này. Thủ tướng cũng có quyền yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh đình chỉ, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới, khi không hoàn thành nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao hoặc vi phạm pháp luật…
Việc này được dư luận cho rằng nếu Luật tổ chức Chính phủ này được Quốc hội phê chuẩn thông qua, thì sẽ là một bước tiến mới quan trọng của Thủ tướng trong việc củng cố quyền lực trước Đại hội Đảng lần thứ XII vào năm 2016. Vì một khi quyền hành của Thủ tướng được được luật hóa cụ thể như vậy thì chức vụ Thủ tướng Chính phủ từ đây đã được ông Nguyễn Tấn Dũng cho một quyền lực hầu như tuyệt đối. Điều này được cho là một chiến lược quan trọng của ông Nguyễn Tấn Dũng trong việc chuẩn bị lực lượng và các điều kiện cần thiết khác cho mình tiến tới chức vụ Tổng BT Đảng CSVN trong khóa XII sắp tới như dư luận đồn đoán.
Đáng chú ý là Điều 17 trong dự thảo luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý về quốc phòng, trong đó cho phép Thủ tướng một số quyền đặc biệt đối với quân đội. Điều này đã khiến cho ông Nguyễn Kim Khoa – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh đã cảnh báo và thấy rằng cần phải xác định rõ vai trò của Chính phủ trong vấn đề quốc phòng an ninh và xây dựng lực lượng vũ trang theo đúng Hiến phá. Chứ nếu để Chính phủ làm tất cả như Luật Chính phủ (Sửa đổi) thì không đúng với tinh thần của Hiến pháp thì sẽ là điều vô cùng đáng ngại.
Khả năng việc Quốc hội sẽ thông qua Dự luật này trong thời gian ngắn là rất cao, vì ai cũng biết Thủ tướng Dũng đã “nắm” Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các doanh nghiệp sân sau của ông ta rất chắc trong lòng bàn tay. Kể cả cho dù Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cố tỏ ra thận trọng khi đặt đặt vấn đề nghi ngờ và cho rằng “Tờ trình nêu rằng xây dựng thiết chế Thủ tướng độc lập. Vậy Thủ tướng độc lập với ai? Độc lập với Chính phủ hay độc lập tương đối trong mối quan hệ với chức trách của Thủ tướng?”. Thì ai cũng biết là họ đang diễn kịch.
Nếu như tại Hội nghị TW 6 tháng 10.2012, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chịu áp lực ghê gớm của phe Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, tới mức nhiều người tin rằng ông ta sẽ bị mất chức. Nhưng ngược lại Thủ tướng Dũng đã vẫn nhận được tới trên 70% phiếu ủng hộ của các Ủy viên TW. Khi ấy quyền lực và tiền bạc của Thủ tướng Dũng cũng đã khá mạnh, song vẫn không thể mạnh bằng thời điểm hiện tại. Do vậy những gì trong Thông điệp đầu năm mới năm 2014 của Thủ tướng là hoàn toàn có cơ sở có thể thực hiện được và điều đó cho thấy vào lúc này người làm chủ cuộc chơi cũng là ông Thủ tướng
… đến tấm gương ông Nguyễn Bá Thanh
Thông tin về việc ông Nguyễn Bá Thanh trưởng Ban Nội Chính TW bị nhiễm phóng xạ và đang chữa trị tại ở Bệnh viện Johns Hopkins Medicine (Baltimore) là nơi chuyên nghiên cứu và điều trị mạnh nhất của Hoa Kỳ về các bệnh do nhiễm xạ gây ra, để ghép tủy trị bệnh về máu do nhiễm xạ hạt nhân đã được truyền thông và báo chí xác nhận. Và việc ngày 3.10.2014 vừa qua, ông Nguyễn Bá Thanh không trở về Đà nẵng kịp để dự buổi tiếp xúc với cử tri đã cho thấy con đường quan lộ của ông Bá Thanh đã chấm dứt.
Trong lịch sử nội bộ Đảng CSVN, cứ mỗi đợt bầu cử, tính toán lại nhân sự, là những lần mà nội bộ CSVN luôn hoảng loạn vì các đòn tấn công cá nhân để triệt hạ nhau, giành vị trí, phe phái v.v… vẫn luôn diễn ra với mức độ hết sức tàn độc. Nên việc họ triệt hạ ông Nguyễn Bá Thanh đang được coi là nước cờ quan trọng của phe chống Nguyễn Tấn Dũng trong kỳ đại hội Đảng lần thứ 12 này là điều dễ hiểu. Vì nếu một khi ông Nguyễn Bá Thanh không còn đủ sức khoẻ, thì ông ta không được giữ chức vụ hiện thời và sẽ bị cho về hưu sớm, như thế được coi là đã bị vô hiệu hoá trong việc chống Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Theo báo Infonet cho biết, tại hội nghị giám sát của HĐND TP Đà Nẵng sáng 8/10, Trưởng ban Giải tỏa đền bù số 1 Nguyễn Văn Tiến cho rằng “việc nợ đất tái định cư là do trước đây tham vọng của anh Nguyễn Bá Thanh rất lớn!”. Và cũng theo Infonet thì: ” Đáng ngạc nhiên là không thấy các vị chủ trì hay bất cứ đại biểu nào tham dự hội nghị giám sát sáng 8/10 bình luận gì về một ý kiến như vậy được nêu ra không chỉ giữa hội nghị mà còn trước toàn thể cử tri Đà Nẵng (và nhiều nơi khác) thông qua truyền hình trực tiếp.”
Tuy vậy, vẫn theo Inffonet thì “Trong giờ giải lao, khi nghe PV nhắc lại phát biểu của Trưởng Ban Giải tỏa đền bù số 1 Nguyễn Văn Tiến thì cả Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến lẫn Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công an Đà Nẵng đều nói ngay: “Nói như thế là bậy!”. Các vị này cho rằng, ông Nguyễn Bá Thanh làm là đáp ứng nhu cầu của dân và yêu cầu phát triển của TP chứ không phải là làm theo ý thích cá nhân.”
Đây là điều mà dư luận cho rằng Ban lãnh đạo Thành phố Đà nẵng đã công khai đấu tố để chính thức hạ bệ ông Nguyễn Bá Thanh, cựu Bí thư Thành ủy Đà nẵng. Và chắc chắn, trong lúc ông Nguyễn Bá Thanh hay các trợ thủ của ông ta còn đang nắm chắc quyền lực, thì người ta cho rằng một người như ông Nguyễn Văn Tiến vì bất cứ lý do gì cũng không dám mở miệng để tố cáo sự lộng hành của ông Nguyễn Bá Thanh như lúc này. Điều đó cho thấy thế lực chống ông Nguyễn Bá Thanh đã, đang làm chủ và kiểm soát tình thế ở Đà nẵng, nơi được coi là cứ điểm của ông Nguyễn Bá Thanh – một đối thủ nặng ký. Và rất có thể họ là kẻ đứng đằng sau bảo kê cho ông Nguyễn Văn Tiến. (!?) Người ta cho rằng, tình trạng như vậy vào lúc này không chỉ xảy ra riêng ở Thành phố Đà nẵng mà ở hầu hết tất cả các địa phương.
Tổng BT xin hai chữ “Bình an”
Từ những sự kiện và phân tích bên trên cho thấy, tất cả mọi người đều cảm thấy có một cái vòi Bạch tuộc vô hình đang xiết chặt phe Đảng của ông TBT Nguyễn Phú Trọng. Chắc chắn ông Trọng biết điều đó và có lẽ ông Trọng sẽ nghĩ rằng: một kẻ gian hùng cỡ Bá Thanh mà còn bị người ta “tiễn đưa” một cách âm thầm, chết dần chết mòn trong đau đớn và phải chấm dứt sự nghiệp một cách chóng vánh không ai có thể ngờ được. Thì bản thân ông Tổng Bí thư, đi lên từ một ông giáo làng chuyên về lý luận CN Marx-Lenin thì làm sao có khả năng có thể đứng vững được, chứ đừng nói đến việc chống chọi với thế lực hắc ám trong Đảng. Cho nên, có lẽ phương án tốt nhất, khả dĩ nhất bây giờ đối với ông Nguyễn Phú Trọng, ở thời gian còn làm việc chỉ còn hơn một năm sẽ về nghỉ thì xin hai chữ “Bình an” là chắc chắn còn hy vọng có tuổi già. Còn ngược lại thì mọi chuyện đều có thể xảy ra đối với ông Tổng Bí thư mà không khó có thể đoán trước.
Có lẽ đây là câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi “Tại sao Tổng Bí thư lại sợ “Đánh Chuột vỡ bình”, hay nói cách khác là giương cờ Trắng vào lúc này?”
Ngày 10 tháng 10 năm 2014
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét