Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Đánh giá thành quả đạt được sau 39 năm xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở Việt nam -Bài I & II.

Bài 1: Về Đặc Trưng Thứ Nhất và Đặc Trưng Thứ Hai

Trần Quí Cao – 141112
* Tác giả gửi bài cho VNTB

Đảng Cộng Sản Việt Nam hạ quyết tâm tiến hành việc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam dù phải trả bất cứ giá nào và dù chưa một lần trưng cầu dân ý để biết lòng dân có thuận hay không. Ngày 14/1/2011 ông Lê Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, có bài tham luận cho rằng (1):


  1. a) Xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam được xây dựng dựa trên thành quả của đổi mới nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội, trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
  2. b) Xã Hội đó có 8 đặc trưng thể hiện tính ưu việt của nó. Tám đặc trưng đó là:
1)  Đặc trưng thứ nhất: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
2)  Đặc trưng thứ hai: do nhân dân làm chủ
3)  Đặc trưng thứ ba: có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu
4)  Đặc trưng thứ tư: có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
5)  Đặc trưng thứ năm: con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện
6)  Đặc trưng thứ sáu: các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển
7)  Đặc trưng thứ bảy: có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo
8)  Đặc trưng thứ tám: có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới
Từ sau năm 1975, khi toàn thể đất nước thu về một mối và toàn dân tộc Việt Nam nằm dưới sự lãnh đạo của đảng duy nhất của nước Việt Nam là đảng Cộng Sản Việt Nam (thực ra trước khi khối Cộng Sản Đông Âu sụp đổ, Việt Nam cũng có 2 đảng làm kiểng là đảng Dân Chủ và đảng Xã Hội, tuy nhiên quyền lãnh đạo cũng hoàn toàn trong tay đảng Cộng Sản), cho đến nay đã hơn 39 năm, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại xem Việt Nam đã đạt được những thành quả nào trong tám đặc trưng nói trên. Trong bài này chúng ta sẽ xét đặc trưng thứ nhất, và chỉ đánh giá thành quả chứ chưa thảo luận nguyên nhân của các thành quả đó.
Đặc trưng thứ nhất: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Dân Giàu:
Năm 2012, tính trong các nước ASEAN, GDP/đầu người của Việt Nam nằm ở vị trí thứ 7 theo thứ tự như sau (2):
Brunei, Singapore, Mã Lai, Thái Lan, Indonexia, Phi Luật Tân, Việt Nam, Myanmar, Lào, Campuchia.
Trong đó, GDP/đầu người của Việt Nam xấp xỉ bằng 1/7 của Mã Lai, bằng 1/4 của Thái Lan, bằng 1/2,5 Indonesia. Bằng 1/15 của Hàn Quốc, bằng 1/30 của Nhật.
Vậy, Việt Nam có Giàu không?
Nước Mạnh:
Bàn về nước Mạnh hay Yếu, ta cần xét trên hai mặt:
  1. Thứ nhất, Mạnh là bảo vệ được chủ quyền, được tính tự chủ của quốc gia đối với kẻ đang muốn xâm chiếm đất nước. Luxembourg không có nguy cơ bị xâm lấn nên Luxembourg không cần mạnh. Với Luxembourg, chỉ cần Giàu là Mạnh. Với Việt Nam thì khác, Mạnh có nghĩa là Trung Hoa không dám lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam dù đó là đất liền hay hải đảo.
  2. Thứ hai, Mạnh ở đây nên hiểu theo nghĩa tổng hợp, nghĩa là mạnh trên nhiều mặt: quân sự, ngoại giao, kinh tế, chính trị, nội trị… Sức mạnh tổng hợp của các mặt đủ khiến kẻ có dã tâm không dám lấn chiếm hay can thiệp vào chủ quyền của ta.
Ngoại giao: Việt Nam giao thiệp rộng, nhưng yếu vì không có bạn sống chết, nghĩa là không có đồng minh chí cốt. Không là Đối Tác Chiến Lược, không có Hiệp Ước Phòng Thủ chung với một đại cường quốc nào. Khi Trung Hoa tiến công lãnh thổ đất liền Việt Nam, không một quốc gia nào đứng cạnh Việt Nam. Khi Trung Hoa tiến chiếm biển đảo Việt Nam, không một quốc gia nào đứng cạnh Việt Nam. Chỉ khi Trung Hoa lộ rõ ý đồ độc chiếm biển Đông thì thế giới mới phản đối, nhưng để bảo vệ tự do hàng hải, chứ không phải vì VN là đồng minh chí cốt của họ. Về mặt này, so sánh Việt Nam với Nhật hay với Phi Luật Tân, Hàn Quốc, ta thấy rõ rằng Việt Nam rất yếu ớt vì cô đơn ngoại giao.
Kinh tế: Việt Nam nằm ở vị trí thấp về thứ bậc kinh tế tính theo tổng hợp (composite) hay tính theo từng tiêu chí khác nhau. Hệ số ICOR là một trong các ví dụ rõ nét. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng và độ lớn của nợ công là những thí dụ khác. Nền kinh tế của VN càng yếu ớt hơn vì tính mất cân bằng và, do đó, tính lệ thuộc của nó. Sự lệ thuộc này, tai hại thay, lại là lệ thuộc Trung Hoa, nước ngàn năm nay luôn muốn chiếm nước ta, và hiện đang bộc lộ rõ ý đồ không chế Việt Nam!
Chính trị: Sự đoàn kết toàn dân làm nên sức mạnh của quốc gia, nhất là một quốc gia bên cạnh Trung Quốc to lớn và luôn mang ý đồ bành trướng. Chính thể độc tài và toàn trị đã phá hỏng nền tảng sức mạnh này của Việt Nam vì nó liên tục khiến lòng dân bất an và bất mãn. Do đó, nội trị tất phải dựa trên công an trị. Dưới bề mặt có vẻ như ổn định, xung đột sâu sắc giữa giới cầm quyền và dân chúng luôn trong trạng thái âm ỉ và có nguy cơ bùng phát. Sinh lực của dân tộc thay vì dành cho phát triển và bảo vệ tự chủ của quốc gia, lại bị dốc vào đàn áp và trấn áp. Sự hao tổn sinh lực này có thể so sánh với một cuộc nội chiến giới hạn cho dù chưa xảy ra chiến tranh giữa các thành phần dân tộc.
Một đất nước có nền Ngoại Giao cô đơn, Kinh Tế lệ thuộc, Chính Trị không phù hợp, Nội Trị bất an và tiềm ẩn nội loạn, thì vũ khí hiện đại nào có thể giúp chống ngoại xâm và giữ chủ quyền? Huống chi, sức mạnh kho vũ khí ta đang có cũng rất giới hạn so với kho vũ khí của nước đang uy hiếp chúng ta! Vậy thì, đối diện với Trung Hoa, nước duy nhất trên thế giới có ý đồ và khả năng xâm lược Việt Nam, Việt Nam chẳng những không Mạnh mà còn rất YẾU so với họ.
Dân Chủ:
một nước mà người dân không có quyền tự do ứng cử, bầu cử, không có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, không có quyền tự do lập hội, lập đảng, một nước chỉ có một đảng độc tài và toàn trị, không có Tam Quyền Phân Lập,
Nước đó có làm gì có Dân Chủ!
Bình Đẳng:
Một nước chỉ có một đảng độc tài và toàn trị, và danh sách ứng cử viên vào Quốc Hội phải được đưa ra bởi đảng độc tài đó, người dân trong nước có Bình Đẳng trong việc tiếp cận quyền lực không? Một nước mà, trong thực tế, người đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam không thể bị đưa ra tòa án (ngoại trừ khi đảng viên đó đã bị khai trừ khỏi đảng), thì dân chúng có Bình Đẳng trước Pháp Luật không?
Công Bằng:
Chính thể Độc Tài và Toàn Trị khiến quốc gia suy thoái mọi mặt, tầng lớp cầm quyền tham nhũng “không thứ gì không ăn” tạo thành một “bầy sâu tham nhũng lúc nhúc”, họ nắm hàng tỉ đô la trong một đất nước mà mức thu nhập trung bình trên đầu người khoảng hai ngàn đô la/năm. Đất nước có Công Bằng không? Một nước mà các cơ quan chính quyền cấp bộ nắm các Tổng Công ty hay Công ty rất lớn, hoạt động kinh doanh trong nhiều lãnh vực kinh tế không liên quan hay liên quan rất ít với các lãnh vực then chốt về an ninh, quốc phòng… dân chúng trong nước có được tiếp cận nguồn lực phát triển tổ quốc một cách Công Bằng không?
Một nước không Giàu Mạnh, không Dân Chủ, không Bình Đẳng, không Công Bằng, nước đó không thể gọi là Văn Minh!?
TÓM LẠI:
Nước Việt Nam không đạt một tiêu chí nào trong 5 tiêu chí của đặc trưng thứ nhất là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
————————–
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Lê Hữu Nghĩa. “Những Đặc Trưng Thể Hiện Tính Ưu Việt Của Chủ Nghĩa Xã Hội Mà Nhân Dân Ta Đang Xây Dựng”, Tham Luận tại tại phiên họp sáng 14/1 Đại hội XI của Đảng. (TTXVN/VIETNAM+) LÚC : 14/01/11 16:52.
  2. Wikipedia. List of ASEAN countries by GDP (nominal). http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_ASEAN_countries_by_GDP_(nominal)
  3. Wikipedia. Dân Chủ. http://vi.wikipedia.org/wiki/D%C3%A2n_ch%E1%BB%A7
____________________________________________

Đánh giá thành quả đạt được sau 39 năm xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (bài 2)

Bài 2: Về Đặc Trưng Thứ Hai và Đặc Trưng Thứ Ba

Trần Quí Cao – 141116
* Tác giả gửi bài cho VNTB
Tiếp theo bài 1 đánh giá các thành quả Việt Nam đã đạt được sau 39 năm xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, xét theo các tiêu chí của đặc trưng 1, bài này đánh giá theo các tiêu chí của đặc trưng 2 và đặc trưng 3 (1).
Đặc trưng thứ hai: do nhân dân làm chủ
Chúng ta đã minh định trong bài 1 rằng nước ta không Dân Chủ. Nay ta phân tích chi tiết hơn trong mục này.
Hiểu theo nghĩa thông dụng, Dân Chủ là Nhân Dân là Chủ của xã hội, của quốc gia. Khái niệm người chủ bao hàm ý: có các quyền tự do đương nhiên của người chủ.
Hiểu theo khía cạnh học thuyết chính trị thì:
Dân chủ là một hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội, trong đó thừa nhận Nhân Dân là nguồn gốc của quyền lực, thông qua một hệ thống bầu cử tự do. Có hai nguyên tắc mà bất kỳ một định nghĩa dân chủ nào cũng đưa vào. Nguyên tắc thứ nhất là tất cả mọi thành viên của xã hội (công dân) đều có quyền tiếp cận đến quyền lực một cách bình đẳng và thứ hai, tất cả mọi thành viên đều được hưởng các quyền tự do được công nhận rộng rãi (2).
Như vậy, hiểu theo cách thông dụng hay theo khía cạnh học thuyết chính trị, Dân Chủ luôn gắn liền với Tự Do. Không có các quyền Tự Do căn bản, Dân Chúng không thể thực hiện quyền, chức năng làm chủ của mình. Nói cách khác: nếu Dân Chúng không được hưởng các quyền tự do được công nhận rộng rãi trên thế giới thì quốc gia không có Dân Chủ. Các quyền Tự Do Ngôn Luận, Tự Do Báo Chí, Tự Do Ứng và Bầu Cử, Tự Do Lập Hội, Lập Đảng là các quyền Tự Do chính yếu trong một nền Dân Chủ.
Trên thực tế, dân Việt Nam không có bất kỳ một quyền nào trong các quyền kể trên.
Ngoài ra, các nhà chính trị học còn nêu lên một thuộc tính của thể chế Dân Chủ là Tam Quyền Phân Lập. Đây là một đặc điểm chính yếu của chính thể Dân Chủ, đặc điểm này phân biệt chính thể Dân Chủ xứng danh với chính thể Dân Chủ mạo danh.
Nhà cầm quyền Việt Nam luôn khẳng định không có Tam Quyền Phân Lập. Như vậy, rõ ràng là, cùng với các quyền tự do căn bản mà người dân không được hưởng, nước Việt Nam không có Dân Chủ, không do Nhân Dân Làm Chủ.
Đặc trưng thứ ba: có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu
Đặc trưng này nói về nền kinh tế với 2 tiêu chí: lực lượng sản xuất hiện đạichế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu.
Nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại.
Hãy so sánh với các nước có trình độ phát triển kinh tế xấp xỉ Việt Nam vài thập niên trước.
Chúng ta đã so sánh với Hà Quốc bên trên. Trong các tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc (SamSung, Hyundai, LG…), tập đoàn nào cũng có sản phẩm được sản xuất bởi công nghệ hiện đại, cạnh tranh ngang tay với các tập đoàn lừng danh của Nhật và Âu Mỹ… Các tập đoàn này là đối tác kinh doanh toàn cầu được nể trọng của các tập đoàn có truyền thống hùng mạnh của thế giới như General Electric (Mỹ), General Motor (Mỹ), DuPont (Mỹ), Exxon Mobile (Mỹ), BASF (Đức), Siemens (Đức), Total (Pháp)… Khi SamSung triển khai chương trình đầu tư vào Việt Nam, SamSung dành ưu tiên cho các ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam cung cấp cho họ 170 sản phẩm chưa phải là cao cấp, thì Việt Nam không thể cung cấp được một sản phẩm nào!
Hãy so sánh thêm với Thái Lan, một nước có nền kinh tế phát triển chưa cao lắm. Năm 2012, ngành công nghiệp xe hơi của họ đứng thứ 9 trên thế giới, một năm sản xuất khoảng 1 triệu rưỡi chiếc xe trong khi Việt Nam sản xuất khoảng 50,00 chiếc, chỉ khoảng ba bốn phần trăm của họ (3). Với Mã Lai, một nước có nền công nghiệp phụ trợ điện tử được ưa chuộng trong khu vực, với Đài Loan, vùng lãnh thổ kinh tế có vị trí thứ tư trên thế giới về nền công nghiệp phụ trợ cung cấp linh kiện cơ khí cho thế giới… So với các nước đó, thì vị trí Việt Nam chúng ta nằm ở đâu?
Trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chúng ta xuất khẩu ở dạng thô chứ không ở dạng tinh chế. Chúng ta xuất ở vị trí thấp, thậm chí rất thấp, chứ không ở vị trí cao trên chuỗi giá trị gia tăng. Theo những đánh giá về công nghệ cao, phần đóng góp của công nghệ cao vào nền sản xuất của Việt Nam là rất nhỏ, vài phần trăm.
Việt Nam đã có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại chưa?
Nền kinh tế phát triển cao dựa trên chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu
Trên lý thuyết, Việt Nam có chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu. Quả thật, các Tổng Công Ty, các Tập Đoàn Kinh Tế nhà nước bao trùm mọi mặt kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, trên thực tế, lợi nhuận từ các tổng công ty, tập đoàn đó rơi vào túi một thiểu số cá nhân quyền lực mà người ta thường gọi là “nhóm lợi ích”. Điều quan trọng là lợi nhuận tìm được bởi các biện pháp độc quyền (thí dụ trong các ngành Điện, Nước, Xăng Dầu, Than, Khoáng Sản…), bằng các biện pháp hành chánh ưu tiên hay cưỡng bức (thí dụ trong ngành Lúa Gạo), bằng các biện pháp tham nhũng, hối lộ (thí dụ được thấy rõ trong các vụ án Vinashin, Vinalines…) chứ không phải bằng cạnh tranh bình đẳng. Lợi thì vô túi riêng của nhóm lợi ích, Lỗ thì dân gánh chịu.
Có phải những sự việc kể trên chỉ là khuyết điểm của phân bổ không công bình, không quan hệ gì với tính công hữu? Thực ra thì mục tiêu của công hữu là nhằm lo cho số đông dân chúng, nếu công hữu chỉ để một thiểu số vơ vét tài sản của số đông thì chế độ công hữu đó chỉ là chiếc áo thầy tu khoác lên mình tướng cướp. Chế độ công hữu vận hành phối hợp với chế độ độc tài sẽ gây tai hại khủng khiếp cho số đông, người dân làm ra đồng nào sẽ bị gỡ tay lấy hết đồng đó.
Hiện nay, chính sách tư nhân hóa, cổ phần hóa các công ty nhà nước đang được đầy mạnh. Trong hoàn cảnh người dân không có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, không được tiếp cận quyền lực, rất nhiều người lo ngại rằng một phần lớn “tư liệu sản xuất chủ yếu” trước đây thuộc “công hữu” và đã được tận dụng tạo “giá trị thặng dư” cho “nhóm lợi ích”, nay sẽ được “tư hữu hóa” để cho “các nhóm lợi ích” chia chác thêm nữa tài sản quốc gia.
Và như vậy, mục tiêu của công hữu nhằm, như lý thuyết nói, ngăn cản, hạn chế sự bất công, lại có tác dụng đẩy bất công và bóc lột lên một mức cao chưa từng thấy.
Xét trên khía cạnh này, Việt Nam hoàn toàn không có chế độ công hữu xứng danh, nghĩa là không có sự công hữu được thực hiện và quản lý theo những chuẩn mực xã hội văn minh hiện đại.
TÓM LẠI:
Nước Việt Nam không đạt tiêu chí duy nhất trong đặc trưng thứ hai là do nhân dân làm chủ. Và cũng không đạt hai tiêu chí của đặc trưng thứ ba là có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu.
————————–
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Lê Hữu Nghĩa. “Những Đặc Trưng Thể Hiện Tính Ưu Việt Của Chủ Nghĩa Xã Hội Mà Nhân Dân Ta Đang Xây Dựng”, Tham Luận tại tại phiên họp sáng 14/1 Đại hội XI của Đảng. (TTXVN/VIETNAM+) LÚC : 14/01/11 16:52.
  2. Wikipedia. Dân Chủ. http://vi.wikipedia.org/wiki/D%C3%A2n_ch%E1%BB%A7

  1. Wikipedia. Automotive Industry In Thailand. http://en.wikipedia.org/wiki/Automotive_industry_in_Thailand

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét