Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

ĐÁNH GIÁ THÀNH QUẢ ĐẠT ĐƯỢC SAU 39 NĂM XÂY DỰNG XÃ HỘI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM – Bài 4

Basam

Bài 4: Cái Nhìn Tổng Quát Về Tám Đặc Trưng

Trần Quí Cao
20-11-2014
Trong ba bài trước, chúng ta đã cùng xem xét các thành quả đã đạt được theo các tiêu chí của đặc trưng thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư (1). Và chúng ta cũng đã thấy nước Việt Nam không đạt được một tiêu chí nào của các đặc trưng nói trên. Nếu phân tích từng tiêu chí cho 4 đặc trưng còn lại, chúng ta cũng sẽ thấy thành quả đạt được rất kém.


Mục tiêu của bài này là phân tích nhanh về đặc trưng thứ 5 và đặc trưng thứ 7, để từ mở đầu đó, trình bày một cái nhìn tổng quát về tám đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà đảng Cộng Sản đang ép dân chúng phải xây dựng theo ý muốn riêng của đảng.

Đặc trưng thứ năm: con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện
Ấm No: Dân không giàu sao cuộc sống có thể ấm no? Và càng không thể ấm no khi sự phân phối của cải trong xã hội quá thiếu công bằng như đã thấy trong đánh giá về đặc trưng thứ nhất.
Hãy về nông thôn nhìn hàng vạn gia đình cha mẹ nắng mưa, con cái nheo nhóc, thu nhập trung bình hàng tháng khoảng 1,5 triệu/gia đình, hãy nhìn hàng trăm lượt người hằng ngày vượt sông bằng dây đu đánh cuộc với tính mạng; hãy quay lại thành phố ngồi ở một quán cà-phê vĩa hè để thấy hàng trăm lượt người tới van vỉ mua một tấm vé số, một cái bánh tráng nướng; hãy đến các khu nhà trọ không xa trung tâm Tp HCM, trong đó mỗi gia đình 3-4 người chen chúc trên 6-8 mét vuông, hàng chục gia đình dùng chung một nhà vệ sinh; hãy nhìn cảnh nhếch nhác đói nghèo ngay trung tâm hay rất gần trung tâm thành phố…
Tự Do: Nước Việt Nam bị đặt dưới một chính thể độc tài, không có tự do. Và số rất đông dân chúng thì nghèo khổ. Chính thể đã không có tự do, cuộc sống cá nhân lại bị trói trong vòng nghèo đói, làm sao cuộc sống có tự do?
Có Điều Kiện Phát Triển: Kinh nghiệm thế giới chỉ rằng chỉ có xã hội dân chủ tự do mới có tính khai phóng, do đó mới tạo điều kiện phát triển toàn diện cho người dân. Không ai có thể phát triển toàn diện trong điều kiện mất tự do. Hơn nữa, mất cả tự do tìm tòi học hỏi và suy nghĩ vì bị bịt mắt bởi dãy khăn đen dầy của chủ nghĩa xã hội.
Đặc trưng thứ bảy: có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo
Hai mươi bốn chữ diễn tả đặc trưng thứ bảy này chứa các mâu thuẫn không thể dung hòa nhau được.
Mâu thuẫn nội tại của cụm từ: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Nhà nước pháp quyền: là nhà nước ít nhất phải có hai đặc trưng: các cá nhân, các pháp nhân bình đẳng trước pháp luật, và Tam Quyền Phân Lập (2).
xã hội chủ nghĩa: khi có tính từ này, có nghĩa là: a) Chỉ có một đảng chuyên chính, nghĩa là độc tài, và kèm theo nó là toàn trị. Từ đó không hề có bình đẳng trước pháp luật. Người đảng viên, trên thực tế, khi chưa bị đảng khai trừ thì không thể bị đưa ra xét xử, và b) Không có Tam Quyền Phân Lập.
Có nghĩa là một đảng cai trị trên tất cả các mặt của chính quyền, cả Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp. Và quốc gia cũng cũng chỉ có một đảng này chớ không có một đảng đối lập hay cạnh tranh nào hết.
Vậy thì hai tính từ Pháp Quyền và Xã Hội Chủ Nghĩa, khi dùng chung để bổ nghĩa cho danh từ Nhà Nước, là hoàn toàn mâu thuẫn với nhau. Không khác gì mâu thuẫn giữa Dân Chủ với Không Có Tự Do.
Và như vậy thì rõ ràng không thể có một Nhà Nước vừa có tính cách Pháp Quyền vừa có tính cách Xã Hội Chủ Nghĩa, hay không thể có một Nhà Nước Pháp Quyền có tính cách Xã Hội Chủ Nghĩa.
Mâu thuẫn nội tại của cụm từ: Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo
Đã nói Nhà Nước của Nhân Dân thì Nhân Dân có quyền tối thượng. Khi Nhân Dân không muốn nhà nước của mình bị đảng Cộng Sản lãnh đạo thì giải quyết như thế nào? Muốn biết rõ ý dân, phải Trưng Cầu Dân Ý. Các chủ trương, chính sách lớn như sửa đổi Hiến Pháp, sở hữu đất đai toàn dân, định hướng xây dựng và phát triển tổ quốc… được soạn thảo rồi thực thi vội vã, khuất tất, áp đặt mà không qua trưng cầu dân ý, bất chấp ý kiến phản đối của các thành phần khác nhau trong dân chúng, cho thấy rõ thực chất nhà nước này là nhà nước của đảng, không phải của dân.
Đã nói Nhà Nước do Nhân Dân thì Nhân Dân phải có quyền chọn người mình tin yêu, tín nhiệm làm thành viên nắm các vị trí chủ chốt của nhà nước. Việc ứng cử và bầu cử được tổ chức theo cách đảng cử là hoàn toàn tước đi của Nhân Dân quyền chọn người lãnh đạo. Nhà nước này thực chất là nhà nước do đảng Cộng Sản sắp đặt, không phải do dân bầu chọn ra.
Nhà nước của đảng, do đảng thì nhà nước đó vì dân hay vì đảng? Hiện nay lòng dân và ý đảng đã rất xa nhau. Dân muốn xây dựng chính thể theo hướng Dân Chủ Tự Do và Pháp Trị, đảng Cộng Sản Việt Nam kiên quyết bảo vệ chính thể Độc Đảng Độc Tài và Toàn Trị. Dân muốn bỏ điều 4 Hiến Pháp, đảng kiên quyết giữ lại. Dân muốn Đa Nguyên, đảng muốn Nhất Nguyên, áp đặt chủ nghĩa Cộng sản trên toàn dân tộc. Dân muốn quốc gia tự chủ, không bị lệ thuộc vào Trung Cộng, đảng muốn trói buộc Việt Nam vào vòng ảnh hưởng của Trung Cộng. Dân uất ức nhìn Trung Cộng xâm lấn đất liền biển đảo, xây dựng căn cứ quân sự trên mảnh đất, mà nó mới giết dân chiếm lấy hôm qua, để làm đà uy hiếp toàn bộ nước Việt Nam, đảng xun xoe xem giặc dữ là bạn, rước giặc dữ vào nhà, nhượng thêm chủ quyền cho giặc và đàn áp tàn nhẫn những thành phần dân chúng muốn Việt Nam tự chủ…
Những gì đã xảy ra từ năm 1975 liên tục tới hôm nay cho thấy khi lòng dân và ý đảng khác nhau, Nhà nước chỉ chọn giải pháp vì quyền lợi đảng. Việc sửa đổi Hiến Pháp trong năm 2013 là một thí dụ rõ ràng cho thấy nhà nước này không vì dân, chỉ vì đảng. Do đó không thể có Nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo mà lại của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân
Cái Nhìn Tổng Quát Về Tám Đặc Trưng
Như vậy, qua các từng tiêu chí của 6 đặc trưng đã phân tích, có thể tóm tắt rằng nước Việt Nam không đạt một tiêu chí nào trong 6 đặc trưng 1, 2, 3, 4, 5 và 7. Thật ra thì cả 8 đặc trưng đều không đạt được cả. Tại sao vậy?
Bởi vì các tiêu chí đó chỉ là khẩu hiện sáo rỗng, rất xa cách với thực tế. Chắc chắn rằng ngoại trừ một con số rất rất ít, đại đa số dân chúng Việt Nam, kể cả các đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam, không ai tin rằng xã hội Việt Nam hiện nay là Dân Chủ, Công Bằng, Văn Minh (đặc trưng thứ nhất) hay Do Nhân Dân Làm Chủ (đặc trưng thứ hai), trong đó con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện (đặc trưng thứ 5). Cũng không ai tin rằng quốc gia của mình có Nhà Nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Nhưng, hơn cả sáo rỗng, các đặc trưng trên mâu thuẫn nhau, hay các tiêu chí trong một đặc trưng mâu thuẫn nhau. Và đây là mâu thuẫn loại trừ, nghĩa là có cái này thì không thể có cái kia. Nói một cách khác, cái này diệt cái kia.
Các bài trước và phần trên của bài này đã đề cập tới một số mâu thuẫn loại trừ trong tám đặc trưng này. Nếu đi tới tận cội nguồn, ta sẽ thấy cái mâu thuẫn chung nhất, cái mâu thuẫn là nguồn gốc của các mâu thuẫn loại trừ khác chính là mâu thuẫn giữa:
Dân Chủ, Tự Do và Pháp Trị với Độc Đảng, Độc Tài và Toàn Trị
Trong tám đặc trưng trên, có những tiêu chí mà nhiều nước theo thể chế Dân Chủ, Tự Do và Pháp Trị đã đạt, dân chúng các nước đó từ lâu đã được hưởng như một quyền tự nhiên của con người sinh ra là có. Các quốc gia đó có nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dân chúng thực sự là Chủ Đất Nước sống trong xã hội Dân Chủ, Công Bằng, Văn Minh, trong đó con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Tại sao sau 39 năm kêu gọi toàn dân góp sức, trong vận hội hòa bình với các thời cơ phát triển rộng mở, nước Việt Nam không đặt được tiêu chí nào trong các tiêu chí đó?
Bởi vì chính thể Độc Đảng, Độc Tài và Toàn Trị đã loại trừ, tiêu diệt các nguồn lực quan trọng của dân tộc để xây dựng và phát triển. Không chỉ tiêu diệt nguồn lực hữu hình và vô hình thông thường, nó còn tiêu diệt cả ước mơ sống và phát triển của một phần lớn dân chúng.
Sau năm 1975, các chính sách bỏ tù công chức và quân nhân chế độ Sài Gòn, triệt hạ tư sản miền Nam, triệt hạ giới công thương nghiệp, đẩy dân thành phố về vùng kinh tế mới, chế độ lí lịch nghiệt ngã trong tuyển sinh đại học… là những thí dụ cho thấy tính loại trừ, tiêu diệt đó.
Các cuộc di tản của hàng triệu người Việt Nam đánh đổi sinh mạng cả gia đình mình nhắm đào thoát khỏi chế độ này những năm 1979-1983 là một thí dụ khác.
Những cơ hội cực kì lớn lao cho sự phát triển đất nước những năm 1978 (tái lập bang giao với Hoa Kì), 1990 (đưa đất nước vào hội những quốc gia tự do dân chủ văn minh giàu mạnh)… bị bỏ lỡ không hối tiếc là thí dụ khác.
Sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Cộng, cực kì nguy hiểm cho sự tồn vong của tổ quốc, là một thí dụ khác nữa.
Trong 40 năm, đã tận diệt bao nhiêu nguyên khí tổ quốc, bao nhiêu cơ hội phát triển? đã tròng lên đầu dân tộc này bao nhiêu nguy cơ?
Đó chính là nguồn gốc của vô vàn thất bại đắng cay của dân tộc!
————————–
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Lê Hữu Nghĩa. “Những Đặc Trưng Thể Hiện Tính Ưu Việt Của Chủ Nghĩa Xã Hội Mà Nhân Dân Ta Đang Xây Dựng”, Tham Luận tại tại phiên họp sáng 14/1 Đại hội XI của Đảng. (TTXVN/VIETNAM+) LÚC : 14/01/11 16:52.
  2. Pháp Quyền. http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C%Áp_quy%É%BB%81n
Wikipedia. Rule Of Law – http://en.wikipedia.org/wiki/Rule_of_Law

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét