Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Chuyên chế độc tài & Dân chủ đa nguyên: Mô hình nào tốt nhất cho Việt Nam? – Phần 1: Thực chất mô hình XHCN

VNTB

Thiên Điểu
(VNTB) - Nền tảng lý luận CNCS đã bị biến tướng ngay từ đầu, làm nảy sinh một thế hệ các lãnh đạo với mô hình tổ chức nhà nước nửa phong kiến độc tài, nửa quân chủ nghị viện.
Nhắc lại một vài quan điểm về CNCS


Trong Tuyển tập Mark- Engels (Mác-Ăng ghen), luận thuyết cơ bản để hình thành hệ ý thức Chủ Nhĩa Cộng sản  (CNCS – xã hội sở hữu tài sản chung) được giải thích rằng: Con đường phát triển đi lên CNCS được hình thành dựa trên các tiến bộ vượt bậc về mặt khoa học. Khi nhân loại đạt đến đỉnh cao của khoa học, mọi quy trình sản xuất hàng hóa đều được tự động hóa. Khi đó, con người không cần phải thực hiện bất kỳ hình thức lao động chân tay nào nhằm tạo ra của cải, vật chất. Sản phẩm dư thừa đủ cho con người “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”.
Trong quá trình soạn thảo học thuyết của mình, Các-Mác khi luận giải về các hệ tư tưởng, cơ sở giải quyết quan hệ giữa con người với con người bị bế tắc trong nội dung giải quyết các mâu thuẫn trong quản lý xã hội, đặc biệt là trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo và đời sống tinh thần trong chế độ cộng sản nên ông đã phải dừng lại một khoảng thời gian khá dài cho đến khi gặp Ăng-Ghen.
Trên thực tế, chính Ăng-Ghen mới là người hoàn thiện học thuyết về CNCS khi đưa ra thang bậc phát triển nhu cầu về tinh thần của con người: Nhu cầu tự thỏa mãn (làm theo sở thích của mình). Lý giải này được Ăng-Ghen phát triển và lý giải rằng: Do tâm lý con người không còn nhu cầu về vật chất để thỏa mãn các nhu cầu thông thường (nhu cầu thông thường – nhu cầu sinh lý), nên sẽ tự phát triển tới nhu cầu làm để đạt được mục đích thỏa mãn theo sở thích cá nhân. Sự tích lũy tư bản trở thành vô nghĩa khi mọi thứ đều dư thừa bởi tiến bộ của tự động hóa, vượt qua nhu cầu của con người. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: Để đạt được xã hội cộng sản. Nhân loại phải đạt được hai điều kiện cơ bản tiên quyết: Văn hóa cộng đồng và trình độ khoa học, công nghệ tự động hóa hoàn toàn. Nghĩa là con người phải có nhận thức và văn hóa thích hợp với lối sống có trách nhiệm, sẵn sàng chia sẻ với người khác và một nền kỹ thuật tự động hóa toàn diện.
Đề cập về văn hóa, Ăng-ghen đã phân tích khá sâu về vấn đề tôn giáo. Ông cho rằng tôn giáo vẫn tồn tại trên vai trò là công cụ giải quyết các mâu thuẫn trong xã hội trên góc độ “là một chuẩn mực đạo đức tích cực, một ước mơ vươn tới sự hoàn thiện tuyệt đối  mà con người hướng tới” (Friedrich Engels). Cũng ở phần này, ông chỉ ra rằng: CNCS chỉ  hình thành khi nhân loại đã đạt đến đỉnh cao của Chủ nghĩa tư bản (CNTB) – Mô hình xã hội mà trong đó con người chú trọng tạo ra thặng dư (tư bản) bằng sự phát triển của khoa học. Văn hóa cộng đồng được xây dựng và đề cao sự tôn trọng đối với mọi cá nhân trên mọi phương diện.
Trong đó, Mark và Engels có nói tới việc hình thành quan hệ các nước giàu – phát triển – sẽ tác động, giúp đỡ các nước nghèo (chậm phát triển) hướng tới thịnh vương chung, còn gọi là giai đoạn quá độ.
Sai lầm khi vận dụng học thuyết CNCS
Khi phong trào Quốc tế cộng sản (QTCS) ra đời, cuộc cách mạng tháng 10 Nga đặt dấu chân hình thành chế độ theo tư tưởng cộng sản đầu tiên trên thế giới và sau đó kéo theo sự hình thành khối Cộng sản (Xã hội chủ nghĩa sau này). Sự bùng nổ phong trào cộng sản xuất phát từ khao khát với cái mới, sự thỏa mãn trong mong muốn về một thay đổi trong mối quan hệ còn nhiều bất công của xã hội phong kiến, chủ nghĩa đế quốc… đang trong giai đoạn chuyển  sang xã hội tư bản đã mang lại cho QTCS sự thành công mạnh mẽ ở khía cạnh thay thế quyền lực -“phong trào giải phóng dân tộc”.
Việc thay đổi chế độ, dẫn đến một lực lượng khác, một ý thức hệ khác lên cầm quyền. Trong bối cảnh văn hóa cộng đồng và nền văn minh nhân loại chưa đạt đến một nhận thức và chuẩn mực phù hợp, nền tảng lý luận CNCS đã bị biến tướng ngay từ đầu, làm nảy sinh một thế hệ các lãnh đạo với mô hình tổ chức nhà nước nửa phong kiến độc tài, nửa quân chủ nghị viện.
Nét tư tưởng phong kiến độc tài thể hiện ở chính sách độc tôn về chính trị. Áp đặt xã hội lệ thuộc vào quan điểm duy ý chí – ở mô hình XHCN là một nhóm lãnh đạo (Bộ chính trị). Không cởi mở trong việc tiếp nhận cái mới. Đố kỵ với các quan điểm tự do, quan điểm đối lập…
Mô hình nửa quân chủ nghị viện thể hiện trong cấu trúc bộ máy quản lý nhà nước. Mặc dù có Quốc hội là cơ quan lập pháp, trên danh nghĩa là cơ quan quyền lực cao nhất, nhưng định hướng, quyết sách thực thi cả trong lập pháp lẫn hành pháp (các cơ quan nhà nước) lại chịu sự chi phối của Đảng, là tổ chức chính trị đại diện cho một nhóm mang một hệ ý thức trong xã hội.
Vô hình chung, quyền lực thật sự tập trung vào tay một nhóm lãnh đạo là Bộ chính trị (tương tự Vua trong chế độ quân chủ). Từ đó, mô hình nhà nước XHCN thay vì chỉ có một lãnh đạo tối cao (trong chế độ quân chủ độc tôn) lại là một nhóm quyền lực chi phối cả lập pháp lẫn hành pháp. Đây chính là nguyên nhân xâu xa nhất, căn bản nhất dẫn đến vấn nạn tham nhũng, tạo nên các hệ thống quyền lực mà người ta gọi là “lợi ích nhóm”, khiến cho giai cấp lãnh đạo trong các nhà nước XHCN sa vào tham nhũng dễ ràng và tham nhũng bậc nhất trong tất cả mọi mô hình nhà nước khác.
Tại nước Nga, sau này là Liên bang Xô-Viết (Liên Xô) – cái nôi của chủ nghĩa cộng sản, sau khi giành được quyền lực, tham vọng quyền lực nhanh chóng khiến các lãnh đạo cộng sản sớm nhận ra việc nếu tiếp tục trung thành với học thuyết Mác-Ăng Ghen thì bắt buộc sẽ hình thành nền chính trị gần giống với mô hình cộng hòa, dân chủ, làm chia sẻ hoặc mất đi ngôi vị quyền lực tối cao, nên đã từng bước thay vào các tư tưởng tiến bộ của Ăng Ghen. Người ta biến thành Mác-Ăng Ghen – Lê Nin, và cuối cùng chỉ còn là Mác-Lê Nin như ngày nay. Nó thể hiện cả ra ngoài khá rõ khi hàng loạt các nước phe cộng sản lúc đầu lấy tên là Cộng hòa Dân chủ nhân dân (Việt Nam, Trung Quốc, Bungari, Triều Tiên..) Hoặc đơn giản là Cộng hòa nhân dân ..A,B,C (Ba Lan, Anbani, Séc, Slovakia…). Sau này lại đồng loạt đổi thành Xã hội chủ nghĩa.
Để che giấu lỗ hổng trong việc giải thích mối quan hệ nhà nước pháp quyền với công dân, quan hệ phân chia quyền lợi kinh tế  và giá trị thực tế hình thành trong thời kỳ quá độ, khái niệm “Xã hội chủ nghĩa” ra đời, nhằm tạo ra ảo giác rằng nó là một mô hình mới, hợp lý… Tuy nhiên, ngay cụm từ XHCN vô hình chung đã thể hiện một chế định không rõ ràng khi nó không chỉ ra cấu trúc cụ thể là gì, cấu trúc và các quan hệ giữa nhà nước pháp quyền và người dân ra sao…, từ đó dẫn đến việc điều hành nhà nước rơi vào hỗn loạn, lúng túng và thụ động. Các cấu trúc phân chia quyền lực, quyền lợi trong xã hội bị phá vỡ, bất bình đẳng, dẫn đến việc thực thi chính sách theo kiểu ngẫu hứng, đụng đâu làm đó. Không có nền tảng vững chắc và cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu, các tác động bởi khủng khoảng kinh tế, lòng tin và nhận thức xã hội là nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ mang tính tất yếu của khối XHCN mà nhân loại đã chứng kiến trong hơn 30 năm qua.
Việc một số nước vẫn cố giữ danh nghĩa cộng sản, CNXH, thực chất là sự thể hiện mong muốn níu giữ quyền lực của giai cấp lạnh đạo đương quyền. Sợ thay đổi, từ bỏ danh nghĩa chính trị thì sẽ mất hết quyền lợi đang có, nhưng thay đổi theo hệ tư tưởng dân chủ, đa nguyên thì không theo kịp, không nhận thức đầy đủ được nền tảng lý luận của một thể chế khác hoàn toàn với nhận thức hiện tại. Vô hình chung, nhà nước XHCN trở thành lực cản, là trở ngại ngăn chặn con đường phát triển. Các nhà nước XHCN – trong đó có Việt Nam – về thực chất không phải là mô hình đúng hoặc gần đúng với mô hình nhà nước cộng sản. Có chăng, ngay cả cái tư tưởng chính trị cũng chỉ còn là gắn cái danh nghĩa cộng sản vì không có danh nghĩa nào khác hợp lý mà thôi.
(Phần 2: CNXH  ở Việt Nam – Thụ động và mù quáng )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét