Thứ Ba, 13 tháng 1, 2015

Giáo dục: Cải cách gì?

GS Nguyễn văn Tuấn

Qua 5 bài trước, tôi đã trình bày những tín hiệu về sự suy thoái của nền giáo dục, nhận dạng một số “bệnh” trong nền giáo dục, và cung cấp một khung nguyên lí giáo dục. Bước logic kế tiếp là suy nghĩ đến cải cách, cụ thể là phải làm gì. Chỉ ra những sai sót thì rất dễ, nhưng phải làm gì thì rất khó. Câu hỏi cụ thể: nếu một người được bổ nhiệm làm bộ trưởng giáo dục, thì người đó làm gì để cải cách giáo dục? Dĩ nhiên, câu hỏi chỉ là giả thuyết, và giả thuyết này không thể nào thành sự thật ở VN, nơi mà các chức như thế chỉ dành cho … đảng viên. Nhưng ở các nước dân chủ có bầu cử thì câu hỏi đó rất thực tế, vì nói theo một vị dân biểu Mĩ, tất cả công dân Mĩ đều có thể là một bộ trưởng. Do đó, dù biết không thể nào ở vào chức đó, nhưng chúng ta phải suy nghĩ làm gì, phải có quan điểm và lập trường (conviction) cá nhân về vấn đề chúng ta quan tâm. Đó không phải là “chém gió”, mà là một cách thể hiện trách nhiệm của công dân.


Tôi đã tham khảo tài liệu về cải cách giáo dục do Bộ GDĐT mới phổ biến thì không thấy những chương trình cụ thể. Tuy nói là cải cách triệt để, nhưng vấn đề cơ bản nhất của căn bệnh giáo dục là chính trị hoá thì tài liệu không nói đến. Do đó, tôi nghĩ đến những chương trình cải cách dưới đây.
1. Tháo dỡ chính trị khỏi giáo dục
Chính trị hoá giáo dục là một khái niệm hết sức lạc hậu và nguy hiểm. Trước đây vào thời Trung cổ bên Âu châu, nền giáo dục bị thống trị bởi tôn giáo, chủ yếu là Công giáo. Người ta ví von sự thống trị của tôn giáo trong thời đó là những “đêm dài tăm tối”. Ấy thế mà ngày nay, ở VN (và Tàu?) nền giáo dục chịu sự chi phối của chính trị và một chủ nghĩa hết sức sống. Qua phân tích trong những bài trước đây, chúng ta đã thấy tác hại của nền giáo dục bị chính trị hoá là thiếu tự do học thuật, suy thoái đạo đức, và đóng cửa con đường phát triển tự nhiên của giáo dục. Có thể nói rằng gần như 100% những người quan sát nền giáo dục VN, trong và ngoài nước, đều nhất quán chỉ ra rằng căn cơ sâu xa của tình trạng suy thoái giáo dục hiện nay là do chính trị hoá. Chính trị xâm nhập vào giáo dục như tôi đề cập ở phần trên là một “căn bệnh”. Do đó, cải cách giáo dục phải ưu tiên cho việc tháo dỡ chính trị và tuyên truyền khỏi nền giáo dục.
Phi chính trị hoá là tháo dỡ những thiết chế chính trị trong nhà trường; tháo dỡ những “cấp uỷ” trong nhà trường vốn kiểm soát tư tưởng và sự nghiệp của giáo viên và học sinh; xoá bỏ những áp đặt mang tính chính trị lên các môn học; ghi nhận quyền lập hội đoàn của học sinh, sinh viên; và xoá bỏ chế độ “lí lịch” hay “hồng hơn chuyên”.
Thay vì chính trị hoá giáo dục, cần phải giáo dục theo nguyên lí số 1 (bác ái), tức là giáo dục đạo đức, khích lệ tinh thần yêu nước, trách nhiệm công dân, và ý chí phấn đấu của tuổi trẻ. Phương Tây đã thế tục hoá giáo dục vài trăm năm nay và nhờ đó mà đã hiện đại hoá. Không có lí do gì nền giáo dục VN không phát triển theo chiều hướng tiến bộ, nhưng tháo dỡ chính trị phải là một việc làm đầu tiên.
2. Chấn chỉnh ngành sư phạm
Bất cứ ngành nghề nào tồn tại và phát triển nhờ vào nguồn “vốn” rất quí: con người. Ngành giáo dục cũng không phải là ngoại lệ, và vốn con người quan trọng nhất là thầy cô. Phải nói thẳng rằng không có thầy cô thì không có ngành giáo dục (cũng giống như không có bác sĩ, y tá thì không có ngành y tế). Đáng lí ra ngành sư phạm phải là một ngành đào tạo cao quí, thuộc hàng “elite”, nhưng rất tiếc do quan điểm lệch lạc “nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa” đã làm cho ngành sư phạm trở nên kém hấp dẫn, thậm chí bị xem thường. Gần đây đã có nhiều báo động về học lực của các thầy cô tương lai vì tiêu chuẩn chọn vào quá thấp (23). Kết quả điều tra mới nhất cho thấy một tỉ lệ khá lớn giáo viên không đủ sức đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục hiện hành. Chất lượng giáo viên còn thấp vì phần lớn sinh viên đang học tại các trường sư phạm chỉ là những học sinh phổ thông trung bình mà nội dung phương pháp đào tạo thì quá lạc hậu (24).
Do đó, một hướng cải cách giáo dục là phải vực dậy ngành sư phạm. Cần phải có những chính sách và khuyến khích để từng bước thu hút những học sinh tốt nhất theo đuổi sự nghiệp dạy học. Những chính sách đó có thể là hỗ trợ học phí, ưu đãi về chỗ cư trú, tiền lương hậu hĩ.
Ngoài ra, cần có những chính sách để ghi nhận công trạng của người thầy. Phải khôi phục lại hình ảnh và uy tín của người dạy học như là những bậc đáng được kính trọng trong xã hội, xứng đáng với chức danh “thầy”. Đồng thời phải xoá bỏ những hình thức như “chiến sĩ thi đua”, những tuyên dương mang tính chính trị như hiện nay vì vừa tốn kém thì giờ, tốn kém ngân sách mà lại không có hiệu quả (chưa kể đến những tiêu cực trong quá trình xin-cho vốn rất phổ biến). Cần thực chất chứ không cần những danh hiệu vô nghĩa.
3. Chương trình dạy và sách giáo khoa
Chương trình dạy trung học và đại học hiện nay khá lạc hậu. Rất nhiều chương trình từ thời bao cấp vẫn còn được giảng dạy. Ở cấp đại học, nhiều chương trình dạy mô phỏng hay copy từ Liên Xô cũ vẫn được sử dụng. Có người mô tả sách giáo khoa toán ở bậc phổ thông là “một thảm họa. Trong giới chuyên môn người ta nói với nhau nói rằng đó là đánh lừa thiên hạ. Ở trong đấy không có cơ hội tạo ra môi trường trải nghiệm hình thành và kiến tạo kiến thức” (25). Còn môn sinh học thì sách giáo khoa VN “không giống với SGK của bất cứ nước nào”. Li do là người ta soạn sách giáo khoa theo kiểu lấp ghép, tùy tiện, và thiếu tính hệ thống: “cứ đi tham khảo nước ngoài, thấy cái này, cái kia hay rồi nhặt về ghép lại thì không thể thành sách hay được” (26). Có nhiều sách giáo khoa sai, hay bị chi phối bởi ý thức hệ và chính trị. Đã có nhiều đợt sửa sách giáo khoa, nhưng càng sửa có vẻ càng sai. Do đó, một trong những cải cách giáo dục là phải soạn lại sách giáo khoa.
Tôi đề nghị mỗi môn học cần có một số sách giáo khoa. Ví dụ như môn toán có sách giáo khoa nhấn mạnh đến lí thuyết, nhưng có cuốn nhấn mạnh đến ứng dụng, và có cuốn cân đối giữa lí thuyết và ứng dụng. Sự đa dạng về sách giáo khoa cũng là một cách đáp ứng nhu cầu của nhiều lớp học hay nhiều thể loại trường.
Các tác giả sách giáo khoa nên được tuyển chọn từ các giáo viên có kinh nghiệm lâu năm, chứ không cần đến các giáo sư tiến sĩ. Bộ Giáo dục không nên tham gia soạn sách giáo khoa. Các tác giả soạn theo chương trình và định hướng của Bộ Giáo dục.
Sau khi đã có chương trình giảng dạy, bước kế tiếp là soạn sách. Có ba mô hình soạn sách giáo khoa. Mô hình I là Bộ GD&ĐT chọn một hay vài viện / đại học phụ trách; mô hình II là nhiều nhóm viết sách và Bộ GD&ĐT sẽ phê chuẩn; và mô hình III là các nhóm ngoài giáo dục (như các nhóm tôn giáo) soạn và Bộ GD&ĐT phê chuẩn. Dù là mô hình nào thì phải có 2 nhóm: nghiên cứu và soạn thảo. Nhóm nghiên cứu thường có khoảng 10 người, giáo sư về giáo dục, và 1-2 đại diện của Bộ GD&ĐT. Nhóm soạn thảo cũng có khoảng 10 người, trong đó có 1-2 giáo sư chuyên ngành làm cố vấn và giáo viên có kinh nghiệm soạn thảo. Sau khi soạn sách, bước kế tiếp là thử nghiệm, tiếp tục nghiên cứu và đánh giá trước khi triển khai đại trà.
4. Thi cử
Ở các nước tiên tiến, thi cử như thi tốt nghiệp trung học thường được tổ chức rất gọn và nhẹ nhàng. Nhưng ở VN từ đời này sang đời khác, và cho đến nay, mỗi lần thi tốt nghiệp trung học là một gánh nặng tinh thần và vật chất. Có rất nhiều người căng thẳng vì kì thi này. Nhưng trớ trêu thay, trong những năm gần đây, tỉ lệ học sinh đỗ kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) đều đạt 95-100% (27-30). Có những địa phương có năm tỉ lệ tốt nghiệp gần 0%, mà đùng một cái, tiến lên con số 90%! Thật khó tin những thành tích “vĩ đại” như thế. Trước đây, người viết bài này đã chỉ ra những địa phương đáng nghi ngờ trong thành tích tốt nghiệp trung học, và chiều hướng chung là vẫn … tiêu cực (29, 30).
Nhưng ở VN, học sinh không chỉ đau khổ vì thi tốt nghiệp THPT mà còn phải gian nan trong kì thi tuyển sinh đại học.
Sau một thời gian dài chuẩn bị, đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” đã được thông qua, và một trong những nội dung đáng chú ý là kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) sẽ được đổi mới theo hướng kiểm tra năng lực, và kết quả của nó sẽ được sử dụng như một trong những căn cứ để tuyển sinh, thay thế cho kì thi đại học hiện nay. Theo tôi thấy, đây là một quyết định khá vội vã, và hình như cơ sở khoa học cho quyết định này không được vững vàng lắm.
Theo tôi biết, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi tuyển sinh đại học không có tương quan cao. Có nhiều học sinh điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhưng điểm thi tuyển sinh thì lại thấp, và cũng có tình trạng ngược lại: điểm thi tốt nghiệp THPT thấp, nhưng điểm thi tuyển sinh cao. Phân tích của Giáo sư Dương Thiệu Tống (trong cuốn sách “Vài suy nghĩ về giáo dục”, Nhà xuất bản Trẻ, 2003) cho thấy mức độ tương quan giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi trong lúc theo học đại học cực kì thấp. Chẳng hạn như trong môn toán, phân tích trên 1.280 học sinh cho thấy hệ số tương quan giữa điểm lớp 12 và điểm thi tuyển sinh đại học là 0.17; giữa điểm lớp 12 và điểm lúc cuối chương trình đại học là 0.09; và giữa điểm thi tuyển sinh đại học và điểm lúc cuối chương trình đại học là 0.19. Nói cách khác, điểm học lớp 12 không phải là yếu tố tiên đoán cho điểm thi đại học và càng không có liên hệ gì đáng kể với điểm học trong năm cuối của chương trình đại học! Nói cụ thể hơn, các học sinh có điểm thấp khi học lớp 12 có thể có điểm cao khi đi thi đại học và khi tốt nghiệp đại học; ngược lại phần đông các học sinh có điểm cao khi học lớp 12 không phải là những sinh viên có điểm cao khi học đại học. Có nhiều cách diễn dịch con số thống kê này, nhưng trong những diễn dịch đó, có thể:
(a) điểm thi tốt nghiệp THPT không phân biệt được khả năng của người sinh viên lúc theo học đại học;
(b) đề thi tú tài không ăn khớp với nhu cầu khoa bảng ở bậc đại học;
(c) số phần của sinh viên, kiểu như “học tài thi phận”.
Tôi không tin ở số phần, nhưng với thực tế vừa trình bày trên, tôi thiên về (a) và (b), tức là hệ thống thi cử hiện nay không phản ánh trung thực trình độ và tiềm năng của học sinh. Nói cụ thể hơn, điểm thi tú tài (và thi tuyển vào đại học) hiện nay không thể dùng làm chuẩn để tuyển chọn sinh viên. Do đó, tôi có đề nghị:
Thứ nhất, soạn lại chương trình giáo khoa bậc trung học sao cho đáp ứng được sự khác biệt về khả năng của các học sinh. Chẳng hạn như chương trình toán cần phải được thiết kế lại với 3 bậc. Bậc 1 dành cho các em có khả năng trung bình về toán, những học sinh có thể xử lý các vấn đề toán căn bản (như đại số, phương trình bậc hai, tích phân và xác suất cơ bản v.v.); bậc 2 dành cho các em có khả năng trên trung bình (như ứng dụng lí thuyết tích phân vào các vấn đề vật lí); và bậc 3 dành cho các em chuyên toán, những học sinh có ý định học các ngành đòi hỏi khả năng toán cao cấp. Cách soạn chương trình học này chẳng những tạo cơ hội cho học sinh thực hiện tiềm năng thích hợp của mình, mà còn chuẩn bị cho học sinh một ngành học đại học mà các em thấy hợp với năng khiếu của mình.
Thứ hai là soạn một đề thi với 30 hay 40 câu hỏi nhằm kiểm tra tất cả những khía cạnh chính của chương trình học. Thật là khó tưởng tượng nổi cả chương trình trung học có thể tóm gọn trong 6 câu hỏi! Chẳng hạn như trong môn toán, ngoài những câu kiểm tra trình độ căn bản về đại số và phương trình/bất phương trình (trình độ lớp 9 hay lớp 10), cần phải có những câu hỏi về lí thuyết và ứng dụng của lượng giác, đạo hàm, tích phân và xác suất. Phương thức soạn đề thi như đề nghị có thể phản ảnh chính xác hơn tiềm năng và khả năng của người học sinh.
Thứ ba, về tuyển sinh, phải căn cứ vào kết quả kì thi thường kì trong thời gian theo học lớp 11 và 12, kết hợp với kì thi tuyển sinh (hay kì thi tốt nghiệp THPT) để quyết định tuyển sinh đại học. Nhiều nước trên thế giới đã có những mô hình thống kê cho cách tính điểm như tôi đề nghị, và không có lí do gì VN không tham khảo kinh nghiệm của họ. Đối với các ngành nghề quan trọng như y, sư phạm, luật khoa, thì không chỉ điểm thi mà thí sinh còn phải qua một cuộc phỏng vấn để đánh giá tiềm năng của thí sinh trước khi tuyển chọn vào học các ngành này. Dĩ nhiên, cách tuyển sinh như đề nghị sẽ rất khắt khe, sẽ loại rất nhiều thí sinh, nhưng sẽ chọn được những thí sinh thích hợp và có khả năng thật sự. Nhất định phải loại bỏ những chương trình “cử tuyển” và những gửi gấm.
(Còn tiếp)
====
(23) http://vov.vn/…/hoc-luc-cua-doi-ngu-nha-giao-tuong-laibao-d…
(24) http://www.thanhnien.com.vn/…/hoc-sinh-gioi-chua-me-nganh-s…
(25) http://www.thanhnien.com.vn/…/doi-moi-chuong-trinh-sach-gia…
(26) http://nguoidothi.vn/soan-sach-giao-khoa-da-thoi-coi-thi-du…
(27) http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-07-25-tinh-co-ti-le-t…
(28) http://tuanvietnam.net/2010-06-21-nhan-dien-cac-dia-phuong-…-
(29) http://tuanvietnam.net/2010-06-21-giao-duc-tiep-tuc-chuyen-…-
(30) http://tuanvietnam.net/2010-06-23-nhan-dien-dia-phuong-hoc-…-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét