Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc phải kiểm soát quân đội

Đaikynguyen

Leo Timm, Epoch Times
Trong những năm gần đây, quân đội Trung Quốc đã trở thành một mảnh đất tham nhũng đầy màu mỡ khi mà nó nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Đảng Cộng sản và ít chịu ảnh hưởng của sự giám sát dân sự (ảnh: cnr.cn)
Trong những năm gần đây, quân đội Trung Quốc đã trở thành một mảnh đất tham nhũng đầy màu mỡ khi mà nó nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Đảng Cộng sản và ít chịu ảnh hưởng của sự giám sát dân sự (ảnh: cnr.cn)


Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) là lực lượng vũ trang của Ðảng Cộng sản Trung Quốc, trong khi lẽ ra nó phải là lực lượng của chính quyền dân sự. Thực trạng này đã cản trở nghiêm trọng hiệu quả thực thi nhiệm vụ của lực lượng này mặc dù chính quyền Trung Quốc ra sức nỗ lực nhằm cải thiện khả năng tham chiến của quân đội.
Trong khi quân đội Trung Quốc lệ thuộc vào Đảng, cả hai lực lượng này đều được hưởng những đặc quyền mà trên thực tế cho phép chúng hoạt động ngoài vòng pháp luật và giám sát của quốc gia.
Kết cục tất yếu của điều này là vấn đề lạm dụng quyền lực diễn ra tràn lan. Cũng như trường hợp của chính Đảng Cộng sản, nạn tham nhũng trong quân đội đã bộc lộ một lề thói hủ bại phổ biến trong giới quan chức Trung Quốc, đặc biệt trong những năm gần đây.
Được sản sinh từ vị thế đặc biệt của quân đội và Đảng, nạn tham nhũng có hệ thống cho đến ngày nay vẫn là một vấn đề chưa được giải quyết. Các chuyên gia cho rằng điều này có thể cản trở nghiêm trọng năng lực của quân đội trong việc thực thi các mục tiêu chiến lược, chiến thuật của nó.

Kiểm soát “nòng súng”

Một cuốn sách mang tên “Quyển sách đỏ – Little Red Book”,  đã trích dẫn lời của ông Mao Trạch Đông rằng “Quyền lực sinh ra từ nòng súng”. Ông ta nhấn mạnh rằng Đảng Cộng sản cần phải duy trì quyền kiểm soát của mình đối với khẩu súng, tức là lực lượng quân đội.
Theo một báo cáo gần đây của Phòng Nghiên cứu An ninh Quốc gia của tổ chức RAND, một cơ quan tư vấn của Hoa Kỳ, quân đội Trung Quốc ít chịu sự giám sát của chính quyền dân sự do nó là lực lượng vũ trang của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Quân đội Trung Quốc ít chịu sự giám sát của chính quyền dân sự .

Khi phân tích cơ cấu quân sự của quân đội Trung Quốc, báo cáo này nhận định rằng so với các quốc gia phương Tây, quân đội Trung Quốc tương đối tách biệt khỏi các cơ quan chính phủ dân sự. Mối liên kết lỏng lẻo giữa các lĩnh vực dân sự và quân sự có thể gây trở ngại cho công tác hậu cần và hỗ trợ trong trường hợp xảy ra xung đột hoặc khủng hoảng, bên cạnh thực trạng thiếu giám sát và minh bạch đã tạo điều kiện thuận lợi cho nạn tham nhũng.

Quân đội chạy theo tư lợi

Tương tự các ngành công nghiệp và các ngân hàng lớn do nhà nước điều hành, quân đội Trung Quốc và các tài sản của nó được quản lý bởi các quan chức chính quyền cấp cao và các thành viên gia đình như là một công cụ truy cầu cá nhân không ngừng về quyền lực và tài sản.
Với thực tế được hưởng nhiều ưu đãi và ít chịu quản lý từ các cơ quan dân sự, quân đội Trung Quốc đã trở thành một mảnh đất màu mỡ cho nạn tham nhũng và kinh doanh bất hợp pháp dưới thời ông Đặng Tiểu Bình, người lãnh đạo Trung Quốc nổi tiếng với quyết định áp dụng kinh tế thị trường tại đất nước Trung Quốc dưới thời kỳ cải cách và mở cửa. Tình trạng tham nhũng càng trở nên tồi tệ khi người kế nhiệm của ông Đặng Tiểu Bình, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Giang Trạch Dân, lên nắm quyền.
Nạn đút lót và tham ô trong lực lượng vũ trang Trung Quốc đã đạt đến mức độ tràn lan dưới thời của ông Giang. Tại một hội nghị được tổ chức vào tháng 9 năm 1998, ông Chu Dung Cơ, Thủ tướng lúc đó đã có mô tả về tình hình này.
Ông Chu nói: “Gần đây, 800 tỷ nhân dân tệ (129,537 tỷ USD) đã bị vận chuyển lậu hàng năm, trong đó quân đội đóng vai trò rất lớn, với ít nhất 500 tỷ nhân dân tệ. Tiền từ việc trốn thuế là khoảng 160 tỷ nhân dân tệ, số tiền này không hề được sử dụng cho quân đội. Hơn 80% số tiền này rơi vào túi riêng của các tướng tá quân đội.”
Trong và sau thời gian ông Giang nắm quyền lực, đội ngũ nhân sự trong Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Chính trị, và các phòng ban khác của quân đội Trung Quốc thường xuyên đắm chìm trong tình trạng bao người tình và gái mại dâm. Theo các báo cáo từ phương tiện truyền thông Trung Quốc đại lục, Tổng cục 3 của Bộ Tổng tham mưu đã từng thuê 476 phụ nữ đi cùng với các cán bộ để tiệc tùng và quan hệ tình dục.
Quân đội Trung Quốc đã trở thành một mảnh đất màu mỡ cho nạn tham nhũng và kinh doanh bất hợp pháp dưới thời ông Đặng Tiểu Bình, người lãnh đạo Trung Quốc nổi tiếng với quyết định áp dụng kinh tế thị trường tại đất nước Trung Quốc.
Ngoài ra, kể từ khi ông Giang Trạch Dân phát động cuộc đàn áp đối với môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công vào năm 1999, nạn mổ cướp nội tạng đã trở thành một hoạt động thường xuyên được thực hiện tại các bệnh viện quân đội Trung Quốc. Một lượng lớn người bị giam giữ vì tu luyện Pháp Luân Công là một nguồn cung cấp nội tạng sống sẵn có cho quân đội. Theo một quan chức Trung Quốc, hoạt động tội phạm này đã được chính nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản dung túng.

Tướng tá của ông Giang Trạch Dân

Sự hủ bại trong các lực lượng vũ trang của Trung Quốc đã bám rễ sâu hơn khi ông Giang dùng thẩm quyền của mình cài cắm tay chân vào các vị trí quyền lực, bao gồm cả những vị trí trong quân đội. Vào tháng 10 năm 1997, ông Giang đã thăng chức cho 152 đại tướng trong cùng một ngày. Giữa năm 1993 và 2004, ông ta đã thăng chức cho 79 người lên cấp đại ướng và vài trăm người lên cấp thiếu tướng và trung tướng.
Ông Giang Trạch Dân vẫn tiếp tục có ảnh hưởng đối với lĩnh vực nhân sự và chính sách trong ít nhất một thập kỷ sau khi ông ta chính thức rời nhiệm sở vào năm 2002. Mạng lưới cá nhân của cựu lãnh đạo này trong chính quyền và cơ cấu quân đội vẫn đang được bộc lộ qua các cuộc thanh trừng được phát động bởi ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản hiện nay của Trung Quốc.
Mới đây, ông Tập tuyên bố rằng các quan chức quân đội phải sống bằng vào tiền lương của mình và không được có “thu nhập đen” nào.
Vào khoảng thời gian ông Tập đưa ra tuyên bố này, đã có 16 đại tướng Trung Quốc bị tiến hành điều tra.
Thượng tướng Từ Tài Hậu và Thiếu tướng Quách Bá Hùng của Quân đoàn 47 là hai ví dụ nổi bật trong số các sĩ quan cao cấp bị bắt trong chiến dịch kỷ luật của ông Tập Cận Bình. Ông Từ Tài Hậu cho đến gần đây vẫn là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương của Đảng Cộng sản. Được thăng chức bởi ông Giang Trạch Dân, ông Từ và ông Quách đã tích lũy được những khối tài sản khổng lồ và thậm chí còn mua bán chức vụ với các quan chức quân đội khác.
Ông Cheng Xiaonong, một nhà phân tích chính trị từng làm việc trong một cơ quan tư vấn của Trung Quốc tại đại lục cho biết: “Ông Từ Tài Hậu đã được ông Giang Trạch Dân thăng chức, và dưới quyền của mình, ông Từ đã tự mình thăng chức cho rất nhiều quan chức quân đội. Nhiều quan chức quân đội không muốn theo trình tự thăng chức đã được thăng chức bởi ông Từ Tài Hậu”.

Không có giải pháp khả thi

Nhiều ý kiến, chủ yếu là những ý kiến được nêu trong giới truyền thông ở nước ngoài, cho rằng cần quốc hữu hóa quân đội Trung Quốc. Theo ông Chen Kuide, trưởng ban biên tập của tạp chí China in Perspective, Đảng Cộng sản Trung Quốc là cơ quan cầm quyền duy nhất trên thế giới phủ nhận rõ ràng việc quân đội là lực lượng bảo vệ đất nước.

Chiến tranh quy mô lớn, kéo dài có thể bùng phát trong nước và tràn qua biên giới.

 - Đại tướng Liu Yazhou, Quân đội Giải phóng Nhân dân 
Ông Chen chỉ ra rằng, ngay cả ở Trung Quốc, cái quan điểm như vậy cũng đã là vi phạm hiến pháp, khi mà hiến pháp quy định rằng các lực lượng vũ trang là thuộc về người dân Trung Quốc.
Ngay cả những người trong chính quân đội Trung Quốc cũng đang trở nên ý thức hơn về vai trò của họ. Trong một cuộc phỏng vấn với đài Phoenix TV có trụ sở tại Hồng Kông được tổ chức hồi cuối tháng 11/2014, Thiếu tướng quân đội Trung Quốc Luo Yuan đã mô tả những thách thức mà quân đội Trung Quốc sẽ phải đối mặt khi có sự thay đổi trong dân chúng. Theo ông Luo, người dân hy vọng rằng quân đội Trung Quốc phải tách khỏi chủ nghĩa Mao và ý thức hệ cộng sản.
Đó không phải là điều mà chính quyền Trung Quốc sớm có thể đạt được.
Ngày 06/8/2014, một tờ báo của quân đội Trung Quốc đã cảnh báo rằng “các thế lực thù địch” đang cố gắng dùng việc “quốc hữu hóa quân đội” để làm lung lạc quyết tâm của quân đội, Ngày 11/8/2014, một bài báo của tờ Quân đội Giải phóng Nhân dân Nhật báo đã trích lời kêu gọi của Tổng cục Chính trị  yêu cầu quân đội phải “kiên quyết ngăn chặn chủ nghĩa tự do chính trị.”
Mặc dù Đảng nhận định rằng vai trò như hiện nay của quân đội là điều không thể bàn cãi, một số người cho rằng chính sách này không bền vững và ẩn chứa nhiều thảm họa.
Ông Zheng Jiwen, biên tập viên tạp chí Quốc phòng Quốc tế, một tạp chí khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Đài Loan, đã phát biểu với một phóng viên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng “Nếu quân đội không tránh xa khỏi cuộc đấu đá giữa các phe phái chính trị mà thay vào đó lại đáp ứng yêu cầu của một vài cá nhân hay một đảng, thì điều này sẽ tạo ra nhiều chướng ngại và các vấn đề không thể tưởng tượng nổi khi đất nước này đấu tranh hướng tới dân chủ hóa và hiện đại hóa.”
Theo một bài báo của Đại tướng quân đội Trung Quốc Liu Yazhou được đăng vào tháng 7/2014 trên một ấn phẩm của nhà nước, quân đội đã bị kìm hãm bởi sự tuân thủ mù quáng vào thông lệ quá khứ. Ông Liu đã viết rằng sự mù quáng như vậy từng góp phần vào sự sụp đổ của nhà Thanh, triều đại quân chủ cuối cùng của Trung Quốc vào năm 1911, và nó có thể dẫn đến một “kết cục còn tồi tệ hơn.”
Đại tướng Liu cảnh báo “Chiến tranh quy mô lớn, kéo dài có thể nổ ra trong nước và tràn qua biên giới.”

Phụ trách Việt ngữ bởi: Nguyên
Để đọc bản gốc trên Epoch Times, vui lòng click vào đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét