Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

Trang Trần và mặt pháp lý hành xử của công an phường

Chân Như, phóng viên RFA

2015-03-04
trang-tran-622.jpg
Ảnh Trang Trần đăng tải trên Facebook sau khi xảy ra sự việc hôm 27/2. -Courtesy FB Trang Trần
Your browser does not support the audio element.
Trong tuần qua, sự việc “bắt khẩn cấp” nữ diễn viên Trang Trần, diễn viên chính trong bộ phim Hương Ga, khiến cộng đồng mạng quan tâm theo sát, và liên tiếp trên các trang báo mạng và cả báo giấy trong nước đều loan tải. Xét về mặt pháp lý, hành xử của phía công an và của Trang Trần là đúng hay sai, và mức độ tới đâu, đó cũng là chủ đề cho Diễn đàn bạn trẻ kỳ này cùng với sự chia sẻ của 3 bạn khách mời trong chương trình đó là bạn Hà Mi, Katy Trần và bạn Xuân.


Ai cũng có lỗi?

Chân Như: Trước hết chắc chúng ta ai cũng đã nghe và đọc những thông tin liên quan đến vụ việc của cô diễn viên Trang trần bị “bắt khẩn cấp” sau vụ việc taxi chạy trái đường, trước hết các bạn có suy nghĩ gì về vụ việc này?
Hà Mi: Em cũng biết, tại vì vụ này quá nổi và gây ra dư luận rất lớn. Hầu như là ai cũng biết. Em thấy trong vụ đó có nhiều điểm không hợp lý và em cũng thấy rất là bức xúc, bởi vì khi đọc những dư luận của những người họ comment mang tính chất hung hãn và chửi bới. Rất nhiều ý kiến đã không đồng ý với Trang Trần, cho rằng cô ấy làm sai, xứng đáng nhận với những cái đấy. Nhưng nhìn về một khía cạnh khác, thì em không đồng ý với cách hành xử trong điều luật pháp. Tất nhiên, em thấy rằng hành vi bên taxi, Trang Trần và bên công an phường đều có những cái sai.
Mình không hài lòng với bên công an. Mình cũng không hài lòng với cách dư luận tập trung đánh vào một người phụ nữ. Rõ ràng lỗi cũng không lớn, nhưng báo chí dư luận mổ sẻ phân tích một cách rất tàn nhẫn.
-Xuân
Xuân: Mình thấy rõ ràng, mình không hài lòng với bên công an. Mình cũng không hài lòng với cách dư luận tập trung đánh vào một người phụ nữ. Rõ ràng lỗi cũng không lớn, nhưng báo chí dư luận mổ sẻ phân tích một cách rất tàn nhẫn. Mình không hài lòng về việc đó.
Katy Trần: Với lỗi đi vào đường cấm, lỗi đó về luật giao thông cũng không có gì là nghiêm trọng, nhưng qua tay của báo chí của Việt Nam đã làm quá lên giống như cô phạm tội hình sự. Nói đi cũng phải nói lại, cô Trang Trần đã phạm luật trước cảnh sát giao thông mới có cớ để bắt phạt. Cái em không đồng ý là cô chửi tục.
Chân Như: Chúng ta cũng công nhận rằng, chiếc taxi đi vào đường cấm ngược chiều là sai ; lời nói và hành vi của cô Trang Trần trong khi say cũng không đúng mực. Đó là thực tế từ video clip và báo chí, ý kiến đã nói rất nhiều. Nhưng vấn đề những người thi hành luật, họ có vượt quá quyền hạn cho phép hay không? Các bạn nghĩ sao về phản ứng của phía Công An phường Hàng Buồm?
Hà Mi: Em nghĩ họ phản ứng hơi quá. Lực lượng công an phường lại đi xử lý những hành vi bắt lỗi, bình thường em thấy công an phường là lực lượng mà có thể hỗ trợ với cảnh sát giao thông qua việc giữ trật tự an ninh ở các khu phố. Ví dụ như đỗ sai quy định, hoặc gây rối trật tự thì công an phường mới hỗ trợ. Chứ em không nghĩ nửa đêm nửa hôm công an phường lại đi bắt lỗi xe, phạt hành chính rồi xử lỗi em thấy không hợp lý. Tiếp đến Trang không phải là người điều khiển phương tiện giao thông. Thứ ba, khi báo chí giật tít là bắt khẩn cấp, thì trường hợp bắt khẩn như em thấy phân tích thì trường hợp chị không thuộc giạng nguy hiểm để bắt khẩn cấp như thế. Còn về vấn đề nữa là hành vi quay của công an thật sự kích động đấy.
trang-tran-400.jpg
Trang Trần và công an phường Hàng Buồm đêm 27/2. Ảnh chụp từ video.
Qua quá trình đấy em có thể nói là cả một cái việc sử dụng truyền thông để gây dư luận, tức họ chỉ post phần video có đoạn chị ấy chửi chứ không có đầy đủ. Về sau, em xem được đoạn đầy đủ thì em thấy: tức là lúc đầu chị chỉ quay và nói chuyện với bạn chị ấy, nhưng sau có công an chỉ tay ra giống như hành động muốn xử lý – tức là khi công an giật điện thoại rồi chị ấy bắt đầu phản ứng, chửi bới, thì lúc đó họ có cớ để bắt giam về phường.
Xuân: Việc xử lý của công an, nó lạm quyền, vượt quá thẩm quyền. Ví dụ, anh taxi thì có lỗi còn cô Trang Trần thì rõ ràng là không, việc cô có chửi là hành vi về mặt đạo đức thôi, nhưng công an lại giật điện thoại, bẻ tay, có những hành động rất thô bạo, mà tôi thấy cô Trang trần đâu có một dấu hiệu nào vi phạm hình sự hoặc tội phạm đâu mà phải hành xử một cách thô bạo như vậy. Có thể là nhắc nhở, nhưng hành xử như thế là quá lạm quyền.
Katy Trần: Theo em phản ứng của phía công an phường Hàng Buồm đã vượt quá giới hạn của mình. Nhiệm vụ của họ là hỗ trợ, nhưng trong video clip thì họ xúm lại bắt nạt một cô gái – hành động đó không được hợp lý.

CA xã có quyền dừng phương tiện không?

Chân Như: Vậy theo các bạn, “thẩm quyền xử phạt hành chính” của trưởng công an phường có đồng nghĩa với “quyền dừng phương tiện” của Công an xã / phường hay không? Công an xã / phường căn cứ vào đâu để dừng chiếc xe taxi? Vì nhiều người nói công an phường có quyền chặn chiếc taxi theo điều 68 Nghị định 171/2013 – vốn ghi “thẩm quyền xử phạt hành chính” của Trưởng CAP cấp xã / phường.
Hà Mi: Bình thường em thấy theo quy trình, phải có thông báo văn bản từ bên trên gởi xuống, tức là trong trường hợp như thế nào thì hỗ trợ, quá tải hay thế nào đó, thì công an phường mới cùng hỗ trợ với các lực lượng khác. Còn trong trường hợp một ngày bình thường như thế này thì em nghĩ hành vi đi bắt lỗi giao thông này không hợp lý. Nó dường như vượt quá quyền hạn.
Mình chỉ nói với tư cách một người công dân nhìn vào, thì nếu công an phường và các công an khác đều có quyền dừng xe lại để xử phạt giao thông, tức là có quyền như một cảnh sát giao thông vậy chúng ta đặt ra cảnh sát giao thông để làm gì.
-Xuân
Xuân: Cái đó họ dựa theo văn bản pháp luật, mình chưa đọc kỹ về văn bản đó nên mình không có ý kiến. Mình chỉ nói với tư cách một người công dân nhìn vào, thì nếu công an phường và các công an khác đều có quyền dừng xe lại để xử phạt giao thông, tức là có quyền như một cảnh sát giao thông vậy chúng ta đặt ra cảnh sát giao thông để làm gì. Sao không gộp chung vô thành 1 cái gọi là công an ? Tại vì bây giờ công an phường vẫn xử phạt được y như cảnh sát giao thông vậy gộp chung cảnh sát với công an phường thành một lực lượng cho rồi.
Katy Trần: Theo như lời của anh Xuân, mình sẽ gộp hết tất cả các loại công an thành một loại, để người dân đỡ phải đóng thuế. Với lại cái thiếu xót ở đây là người dân không hiểu luật đến nơi đến chốn, thành ra dễ bị nhập nhằng cứ thấy công an là sợ. Phải hiểu rõ rằng về giao thông thì chỉ có công an giao thông mới có quyền xử phạt hành chính hoặc xử phạt theo quy định của pháp luật. Còn công an phường không có một nghĩa vụ gì ở đây. Đây cũng là một kinh nghiệm để cho mọi người tìm và hiểu thêm luật về xử phạt hành chính, xử phạt giao thông, để khi đối diện với công an mình không phải lo sợ bị bắt chẹp nữa.
Chân Như: Qua những gì mới trao đổi và những thông tin xung quanh vụ việc, các bạn thấy Trang Trần có đủ yếu tố cấu thành tội phạm “chống người thi hành công vụ” hay không ? hay chỉ là “gây rối trật tự công cộng”?
Hà Mi: Em không đồng ý việc bắt xử lý hành vi “chống đối người thi hành công vụ”, mà trong khi đó, chị ấy không phải là người điều khiển phương tiện giao thông và không phải là người vi phạm giao thông. Trong tình trạng say như thế, khi mà chị dùng những lời lẽ hơi xúc phạm đến lực lượng công an như vậy, thì nó chỉ thuộc phạm vi là gây rối trật tự và em nghĩ nó không phải là hành vi chống đối người thi hành công vụ. Lẽ ra với chức năng của người công an phường như thế, thì cùng lắm là họ sẽ can thiệp đến mức là ví dụ giam cho đến khi hết say, sau đó xử phạt về hành chính hoặc bên nước ngoài thì họ sẽ bắt lao động công ích. Và thực tế là ở đây lại toàn công an nam, trong trường hợp này là xâm phạm đến thân thể của người phụ nữ, dùng đến còng tay, rồi những hành vi xâm phạm đến thân thể người đàn bà. Em thấy rất bất bình.
Xuân: Mình coi trên clip và dựa theo thông tin, mình cũng chưa thấy điểm nào cô Trang Trần có hành vi chống người thi hành công vụ, mà chỉ là chửi bới thôi. Nói chống người thi hành công vụ thì rất là vô lý. Cô ta chửi bới thì có thể là vi phạm hành chánh hoặc xúc phạm. Với lại cách bắt khẩn cấp, thường vụ nào vào tội đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng theo diễn tiến xảy ra, thì cô Trang Trần đã được tại ngoại sau khi viết bản kiểm điểm. Thì mình thấy vô lý. Bắt khẩn cấp để viết bản kiểm điểm, thì việc sử dụng pháp luật hơi tùy tiện, vô lý.
Katy Trần: Hành động của cô Trang Trần không đủ để cấu thành tội chống người thi hành công vụ, bởi vì như câu trả lời trước là công an phường không có quyền hạn để dừng phương tiện giao thông, để kiểm tra, xử phạt hành chính. Trong trường hợp vi phạm của chiếc taxi cô đi, cùng lắm chỉ có thể là gây rối trật tự. Còn báo chí đưa tin kiểu bắt khẩn cấp cô Trang Trần hoặc buộc cô vào luật hình sự thì mọi chuyện hình như đang làm hơi quá. Bởi vì ngay từ đầu, cô đâu có chống người thi hành công vụ, bởi vì công an phường đâu phải là người thi hành công vụ, thi hành việc xử phạt phương tiện giao thông.
Chân Như: Nếu các bạn gặp phải trường hợp công an lạm quyền thì bạn sẽ ứng xử ra sao?
Hà Mi: Thực tế, mình phải rất bình tĩnh. Đối với người nóng tính, họ có thể dùng những chiêu như kích động để mình gây rối để lấy cớ bắt, nên mình thật sự phải bình tĩnh trong những trường hợp đó, để ứng xử với họ khéo léo. Tại vì ở Việt Nam, hầu như là không có luật lệ nào cả. Ví dụ như trong trường hợp công an phường, họ ra quân để họ đi bắt các lỗi vi phạm giao thông mà không có văn bản mà sau đó bị phanh phui ra, thì họ hoàn toàn có thể văn bản mồm trước, rồi văn bản giấy sau.
Xuân: Mình cũng cố gắng giữ bình tĩnh và học thêm về luật pháp, để khi gặp trường hợp tương tự, cố gắng ứng xử như một công dân biết luật pháp. Nếu họ lạm quyền quá mức, thì sẽ thu thập hết cách hành xử của họ đối với mình, đưa lên công luận để tìm sự bảo vệ.
Katy Trần: Theo em nếu gặp những trường hợp như cô Trang Trần, nếu có lỗi nên nhẹ nhàng, đừng nên nổi nóng, vì có khi còn thiệt vào thân, vì họ là người nắm luật, mà lại ngồi trên luật. Nên bình tĩnh đọc và hiểu luật, để nói chuyện một cách có logic, có hợp tình hợp lý. Có thể họ sẽ nghe và thỉnh thoảng trên facebook cũng có những bài chia sẻ khi đối mặt với cảnh sát giao thông. Mọi người có thể đọc để tham khảo, để có trang bị cho mình kiến thức, sẵn sàng để khi mình rơi vào tình huống đó, mình có thể xử lý một cách ổn thỏa. Vả lại trong trường hợp này, thì công an phường đứng ra phạt mình thì mình nên giữ hết sức bình tĩnh, vì công an phường không có nghĩa vụ gì trong việc xử lý vi phạm giao thông. Cảnh sát giao thông mới là người có quyền hạn làm việc đó.
Chân Như: Cám ơn 3 bạn Hà Mì, Katy Trần và Xuân đã dành thời gian để đến với chương trình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét