Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

Ngư dân Lý Sơn là những con cờ chính trị

Basam

Mongabay

Tác giả: Dominic Bracco II & Erik Vance
Người dịch: Ngọc Thu
17-04-2015

H1 
Một ngư dân trên một chiếc thuyền nhỏ giống như tách trà, được buộc vào một chiếc tàu lớn hơn, ở ngoài khơi bờ biển của đảo Lý Sơn. Căng thẳng với Trung Quốc buộc các ngư dân Việt Nam đánh bắt gần bờ, điều này đã làm cạn kiệt đáng kể nghề đánh cá ven biển.

Đảo Lý Sơn nằm cách bờ biển thành phố Đà Nẵng vài dặm và nằm ở giữa bờ biển dài ngoằn ngoèo của Việt Nam. Hầu hết những người dân ở đây là những ngư dân chất phác, họ đánh bắt các loại bạch tuộc, tôm và bất kỳ loại cá gì họ có thể đánh bắt được ở Biển Đông.


Đây là một hòn đảo nhỏ, hiếm khi khách du lịch đến thăm và chẳng có chỗ nào gần Trung Quốc. Tuy nhiên, bây giờ những ngư dân này lại thấy chính mình bị bắt trong một vụ tranh chấp quốc tế giữa nước của họ với một dân tộc muốn thống trị châu Á.
Trung Quốc – muốn thu tóm quyền lực trong khu vực và các nguồn protein quan trọng, cùng với nguồn dầu hỏa tiềm năng – đã tuyên bố chủ quyền ở hầu hết các vùng biển trải dài giữa Hồng Kông, Malaysia và Philippines. Khu vực rộng lớn nhưng không được xác định rõ ràng này bao gồm khoảng 90% của 1,35 triệu dặm vuông (3,5 triệu km vuông) ở Biển Đông. Khu vực này có trữ lượng đánh bắt thủy sản khoảng 10% trên toàn cầu và lượng hàng hóa vận chuyển qua lại hàng năm trị giá khoảng 5.000 tỉ Mỹ kim. Trung Quốc đòi chủ quyền trên toàn bộ vùng biển rộng lớn như thế, có thể so sánh với việc Mỹ đòi chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển ở khu vực Vịnh Mexico kéo dài tới các nước Trung Mỹ.
Đầu tiên, Trung Quốc đòi chủ quyền trên Biển Đông bằng “đường chín đoạn” trên bản đồ năm 1947, có lẽ để lấp vào khoảng trống quyền lực sau khi Nhật đầu hàng hai năm trước đó. Việc đòi hỏi chủ quyền này đã gây ra xung đột với các nước như Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Philippines và Brunei.
Trong khi “đường chín đoạn” của Trung Quốc, theo các luật sư hàng hải, ít có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế, nó lại được hỗ trợ bởi sức mạnh quân sự [của Trung Quốc]. Trên đảo Lý Sơn, những ngư dân phải đối mặt với lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc, ngư dân không được đánh bắt cá ở các ngư trường truyền thống của mình, họ đã không còn an toàn khi đi đánh bắt cá xa vài trăm dặm ngoài biển khơi, điều này cũng đã làm mất đi các bãi cạn quanh bờ biển Việt Nam.
Để thấy được các ảnh hưởng trực tiếp, chúng tôi đã bơi ra thăm một thuyền đánh cá làm việc ngoài khơi một hòn đảo khác ở gần đó. Các ngư dân, làm việc trên chiếc thuyền truyền thống có hình tách trà, buộc vào một chiếc thuyền lớn hơn, nói rằng hôm đó là một ngày thật thất vọng. Một ngày [thất vọng] trong nhiều ngày ở những năm gần đây.
Các bãi đá ngầm ven biển tràn đầy sức sống trước đây, nay đã tiêu điều. Các ngư dân nói rằng, đã có quá nhiều tàu thuyền cố gắng vét sạch để kiếm sống từ các ngư trường cạn kiệt gần bờ. Nhưng chắc chắn họ không muốn mạo hiểm đi xa hơn ra ngoài biển khơi.
Sự thận trọng của họ được bảo đảm. Nếu họ mạo hiểm đi đánh bắt quá sâu vào chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, thì họ sẽ bị một tàu tuần tra Trung Quốc tấn công họ bất thình lình, giống như trường hợp ông Nguyễn Phú, 46 tuổi. Ông Phú cho biết, một trong những tàu tuần tra [Trung Quốc], đã bắt ông cùng các ngư dân đi với ông vào một buổi sáng sớm, tịch thu tàu của ông và bỏ tù tất cả mọi người suốt một tháng. Ông đã phải chịu đựng sự đánh đập hành hạ mỗi ngày.
“Khi họ đến, chúng tôi có thể làm gì?” Ông Phú hỏi, cúi mình xuống như một con ếch với hai bàn tay đưa lên khỏi đầu. “Chúng tôi chỉ cần đưa tay lên như thế này và nói: ‘Đừng bắn! Đừng bắn’!”
Ông Phú không phải là nạn nhân duy nhất. Các ngư dân khác đã bị [Trung Quốc] giam cầm với sự tiên liệu trước rằng không rõ số phận của họ sẽ ra sao và họ vẫn đang nhẫn nhục chờ đợi. Một số người làm thơ. Về phần mình, ông Phú đã trải qua những ngày tháng trong tù bằng cách xăm vào cánh tay của mình dòng chữ: “Hãy yêu những người hàng xóm. Hãy trả những mối thù”.
____
Một bài thơ phản kháng
Mai Phuy Chải, một ngư dân Lý Sơn 51 tuổi, đã đọc bài thơ sau đây cho một người Việt là phiên dịch, sau đó người này kể lại cho nhà báo Erik Vance, lưu ý rằng vần điệu của bài thơ có thể đã không được chuyển hết trong bản dịch, nhưng ý nghĩa của bài thơ thì rất rõ.
Vô đề
Việt Nam là một đất nước anh hùng.
Rất lạ là vì sao nhiều nước muốn tấn công chúng ta.

Chúng ta đã thấy những bi kịch,

Cho nên tất cả chúng ta phải sẵn sàng chiến đấu ở tuyến đầu.

Chúng ta luôn phải chống lại kẻ thù,

Cùng lúc phải làm việc vất vả.

Nhiều năm trước Hoa Kỳ xâm chiếm nước ta,

Bây giờ Trung Quốc lại đến nữa.

Nếu Trung Quốc tấn công chúng ta,

Họ sẽ trở thành những hồn ma ở đây.

(Tương tự như “bị đánh đến chết”)

Mai Phuy Chai
Các tàu đánh cá Lý Sơn từ ngoài biển trở về lúc bình minh
Ông Nguyễn Phú bên ngoài ngôi nhà của mình trên đảo Lý Sơn. Năm 2007, ông Phú đã bị một tàu quân sự Trung Quốc bắt giữ, khi đang đánh bắt cá ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Ông Phú nói rằng ông đã phải chịu đựng sự đánh đập và hành hạ hết sức nghiêm trọng vì Trung Quốc nói rằng ông đã vi phạm vùng biển chủ quyền của họ.
Một người phụ nữ làm cá dọc bờ biển Lý Sơn
Các ngư dân chuyển lưới ra khỏi tàu để sửa chữa tại các bến cảng của đảo Lý Sơn
Những người phụ nữ sửa lưới trước khi chồng của họ đi biển
Một nhóm bạn cuốn lều khi một cơn bão thổi về phía đảo
Một người phụ nữ làm việc trên chiếc xe đạp của mình ở đảo Lý Sơn
Giặt quần áo lúc bình minh ở bờ biển Lý Sơn. Hòn đảo đã trở thành chiến trường cho cuộc xung đột hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhiều ngư dân địa phương đã bị bắt khi đang đánh bắt cá xa ngoài khơi.
Một người đàn ông trèo lên một tảng đá để nhìn rõ hơn đàn gia súc nhỏ của mình đang chăn thả bên dưới
Các ngư dân đang chơi cờ ở nhà một người bạn trên đảo Lý Sơn
Cư dân cúng kiếng tại một đền thờ trên đảo Lý Sơn
Một người đang đi dọc bờ biển Lý Sơn
Một ngư dân trẻ nhảy xuống nước để gỡ lưới rối của mình ở gần đảo Lý Sơn. Áp lực từ tàu tuần tra Trung Quốc đã buộc các ngư dân địa phương làm việc gần bờ, tàn phá quần thể cá gần bờ biển Việt Nam.
Bán cá tại các bến cảng của đảo Lý Sơn
Một người đàn ông vẽ lại chiếc tàu đánh cá của mình
Một tầm nhìn xa ra biển từ bờ biển Lý Sơn, Việt Nam
Một người đàn ông đi dọc cầu tàu và nhìn ra biển. Các cuộc tấn công của Trung Quốc vào các tàu đánh cá Lý Sơn đã làm cho tương lai của các ngư dân truyền thống trên hòn đảo bất định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét