Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Khái niệm ‘chủ nghĩa xã hội’ (socialism) qua Emile Durkheim

Vietstudies

Nguyễn Thị Kim Quý
Sinh viên Tiến Sĩ ngành Giáo Dục Đại Học
Đại học Melbourne

Mở đầu
Nhắc tới chủ nghĩa xã hội người ta nghĩ ngay tới Karl Marx, vì học thuyết của ông đã trở thành một biểu tượng nền tảng cho hệ tư tưởng của nhiều nước trên thế giới trước thời Chiến Tranh Lạnh và một số quốc gia hiện nay. Trên thực tế có thể nói Karl Marx (và cộng sự đắc lực của ông là Friedrich Engels) là người đã phát triển một hệ thống tư tưởng khá đồ sộ về chủ nghĩa xã hội trong bộ Tư Bản, nhưng cần nhớ là ngay trước và sau khi Marx hoàn thiện lý thuyết này đã có vô số tác giả khác nhau cùng bàn về chủ nghĩa xã hội. Emile Durkheim, nhà xã hội học kinh điển người Pháp, là một trong số ấy.

Emile Durkheim là một trong 3 ‘nhà sáng lập’ ngành xã hội học cổ điển (cùng vời Karl Marx và Max Weber), một môn khoa học non trẻ mới xuất hiện từ thế kỉ 19. Marcel Mauss, nhà nhân học nổi tiếng (tác giả của ‘Luận về biếu tặng’/‘The Gift’), người ủng hộ chủ nghĩa xã hội, đồng thời là cháu họ của ông, nhận xét như sau về Durkheim trong tập bài giảng ông bàn về chủ nghĩa xã hội (Chủ nghĩa xã hội và Saint-Simon/ Socialism and Saint-Simon, những bài giảng được thực hiện năm 1895-1896, được in thành sách trong Durkheim, Emile. 1959[1895-1896]. Socialism and Saint-Simon. (trans., Sattler Charlotte). London: Routledge & Kegan Paul):
‘Durkheim hiểu khá rõ về chủ nghĩa xã hội qua những tác gia đã khai sinh ra nó, như Saint-Simon, Schaeffle, và Karl Marx- nhà tư tưởng mà một người bạn Phần Lan, tên Neiglick, đã khuyên ông đọc khi ông ở Leipzig. Trong suốt cuộc đời mình, Durkheim không hào hứng với việc gắn mình vào chủ nghĩa xã hội, vì ông thấy mình không phù hợp với một số đặc điểm của phong trào này: tính bạo lực, tính giai cấp mà chủ yếu là của giai cấp công nhân, cùng với giọng điệu chính trị của nó. Durkheim là người chống đối mạnh mẽ mọi hình thức chiến tranh, dù là đấu tranh giai cấp hay chiến tranh giữa các quốc gia’. (tr.2)
Trong phần giới thiệu cho lần tái bản những bài giảng về chủ nghĩa xã hội của Durkheim bằng tiếng Anh năm 1959, nhà xã hội học người Mĩ Alvin Gouldner cho rằng nhiều người sử dụng lý thuyết xã hội học hay tìm hiểu tư tưởng của Durkheim thường ít chú ý tới tập bài giảng này của ông về chủ nghĩa xã hội. Điều đặc biệt ở Durkheim là ở chỗ, không như những nhà bình luận hay phân tích chủ nghĩa xã hội khác, Durkheim không đi sâu vào nghiên cứu một hệ thống lý thuyết riêng nào (chẳng hạn, chỉ nghiên cứu về lý thuyết của Karl Marx), tức là, ông không tiếp cận chủ nghĩa xã hội như là một kết quả của khoa học, mà coi nó là một đối tượng của nghiên cứu. Chính vì thế, ông cất công tìm lại nguồn gốc của chủ thuyết này, vạch ra những điều kiện xã hội nào đã phát sinh ra nó, cũng như xu hướng hiện tại của nó. Định hướng này đã đưa ông về lại với toàn bộ công trình của Saint-Simon (Xanh Xi-mông), người mà Karl Marx coi là một nhà ‘chủ nghĩa xã hội không tưởng’. Khác Marx, Durkheim nhận xét như sau về tư tưởng của Saint-Simon:
Nó phức tạp vô cùng bởi nó hàm chứa phôi thai cho tất cả những dòng tư tưởng lớn của thế kỉ 19; cho phương pháp mà Augustin Thiery, học trò của Saint_Simon, và của tất cả những nhà sử học lớn sử dụng để khôi phục ngành khoa học lịch sử; cho triết học thực chứng mà Comte, một học trò khác của Saint-Simon đã phát triển thành hệ thống triết học mới mẻ ở thời đại của chúng ta; cho chủ nghĩa xã hội mà ở đó ta đã thấy những hình thái đặc trưng nhất của nó. (tr.122).
Bài viết này trình bày định nghĩa về chủ nghĩa xã hội của Durkheim thông qua việc tóm tắt cách tiếp cận của ông. Việc đi sâu phân tích quá trình Durkheim tìm hiểu tư tưởng của Saint-Simon và các học thuyết xã hội chủ nghĩa đương thời như một đối tượng của khoa học (và qua đó giúp ông phân biệt rõ ‘chủ nghĩa xã hội’ và ‘chủ nghĩa cộng sản’ là hai lý thuyết trái ngược nhau), cùng với những nhận định và kết luận của ông, vượt quá phạm vi bài viết này.
Hi vọng sau bài viết này sẽ có nhiều người quan tâm tới tư tưởng của Emile Durkheim về các vấn đề như xã hội dân sự, dân chủ, tôn giáo, sự phân chia lao động, v.v…Để thấy rằng, khi những vấn đề của thế kỉ 21 vẫn còn phải đặt ra những câu hỏi đã có từ cách đây gần 2 thế kỉ, thì có lẽ cần phải chiêm nghiệm lại tư tưởng của những người đã bắt đầu những câu hỏi đó.

Tóm tắt cách tiếp cận nghiên cứu chủ nghĩa xã hội của Emile Durkheim
 
Những nhà nghiên cứu thời Durkheim coi chủ nghĩa xã hội là hệ lý thuyết về bản chất và sự tiến hóa của xã hội nói chung, đặc biệt của xã hội đương thời. Với tư duy đó, họ sẽ phân tích một học thuyết chủ nghĩa xã hội cụ thể (như của Karl Marx chẳng hạn) bằng việc trừu tượng hóa nó khỏi thời gian, không gian và tương lai của lịch sử, bóc tách những khẳng định, lập luận, phương pháp, kết luận của học thuyết. Sau đó, người phân tích sẽ đánh giá xem học thuyết đó đúng hay sai, có phản ánh thực tại hay không.
Durkheim cho rằng làm như vậy là một việc dễ làm nhưng cũng rất rủi ro. Ông e ngại rằng làm như vậy đồng nghĩa với việc thực sự coi học thuyết này là một lý thuyết khoa học. Nói cách khác, những học thuyết chủ nghĩa xã hội lại không được Durkheim coi là một khoa học thực sự. Vì sao vậy?
Thứ nhất, theo Durkheim, một học thuyết khoa học chỉ nghiên cứu những gì đã và đang xảy ra. Trong khi đó, chủ nghĩa xã hội là học thuyết hoàn toàn hướng tới tương lai, là một đề cương tái tổ chức xã hội – cái xã hội vẫn còn nằm trong sự hình dung. Nói cách khác, đó là một ‘lý tưởng’. Tất nhiên, ở hình thức không tưởng nhất, các học thuyết này vẫn sử dụng những cứ liệu thực tế cho lập luận của mình. Nhưng Durkheim cho rằng các nhà xã hội chủ nghĩa, vì rất nôn nóng muốn tìm ra liều thuốc điều trị căn bệnh tập thể làm thống khổ quần chúng thời bấy giờ, đã ‘ép’ khoa học xã hội phục vụ học thuyết của mình, thay vì dựa vào khoa học để tìm ra căn nguyên của căn bệnh. Rất dễ thấy một khoảng cách quá lớn giữa những dữ liệu mà một học thuyết xã hội chủ nghĩa mượn từ khoa học và những kết luận thực tiễn mà nó rút ra, để rồi chính những kết luận thực tiễn ấy, thay vì những phát hiện nghiên cứu, lại trở thành trung tâm của học thuyết.
Thứ hai, Durkheim e ngại rằng, để tiên liệu xem những hiện tượng xã hội, như gia đình, tài sản, chính trị, luân lý, luật pháp hay kết cấu kinh tế của các dân tộc châu Âu ra sao đòi hỏi phải nghiên cứu những thể chế và tập tục này trong quá khứ, nghiên cứu cách mà nó thay đổi trong lịch sử, và nghiên cứu những điều kiện chính quyết định những biến đổi đó. Chỉ đến khi đó ta mới có thể đặt câu hỏi một cách lý tính rằng chúng sẽ cần phải ra sao trong điều kiện của xã hội hiện tại. Nhưng mỗi vấn đề này lại là một thế giới riêng, và giải pháp thì không thể nào có thể tìm thấy ngay lập tức được cho dù nhu cầu có là vậy chăng nữa. Những cơ sở chặt chẽ để rút ra kết luận về tương lai, nhất là ở một tầm vĩ mô như vậy, chưa được thiết lập ở điều kiện khoa học xã hội còn quá non trẻ như hồi thế kỉ 19. Durkheim nêu ví dụ về bộ Tư Bản của Marx: tác phẩm này mong muốn giải quyết vô số những vấn đề phức tạp, đòi hỏi sẽ cần rất nhiều số liệu thống kê, so sánh lịch sử, và mỗi câu hỏi có khi là cả một công trình. Tuy vậy, ngay cả thuyết giá trị của Marx cũng chỉ được trình bày trong một vài đoạn. Durkheim nhận xét rằng những dữ kiện và quan sát mà các lý thuyết gia này thu thập còn thiếu rất nhiều, nhưng các tác giả đó lại háo hức muốn đưa ra kết luận nhằm thiết lập một học thuyết đã được hình dung trước, thay vì một học thuyết là một kết quả của nghiên cứu. Trong khi đó, thái độ duy nhất mà khoa học cho phép khi đối diện những vấn đề này là sự dè dặt và hoài nghi. Ông kết luận: chủ nghĩa xã hội đã không bình tĩnh, hay cũng có thể nói nó không có đủ thời gian để bình tĩnh. Những học thuyết chủ nghĩa xã hội chưa đủ cấu thành khoa học mà
…nó là tiếng kêu đau khổ, đôi khi là sự giận dữ của những con người cảm nhận sâu sắc căn bệnh tập thể của xã hội. Chủ nghĩa xã hội đối với cái thực tế sinh ra nó cũng giống như những tiếng kêu của người bệnh đối với căn bệnh mà mình phải chịu đựng (tr.5)
Durkheim cũng có nhận xét tương tự đối với lý thuyết kinh tế tự do lúc bấy giờ, vốn là đối trọng với chủ nghĩa xã hội: khi các nhà kinh tế đòi hỏi môi trường kinh doanh tự do tuyệt đối, để mặc cho sự cạnh tranh diễn ra, và chống sự kiềm chế của nhà nước (qua thuế má hay độc quyền nhà nước dưới bất kì hình thức nào), thì những lập luận của họ cũng không dựa trên những quy luật mà khoa học tìm ra. Khoa học xã hội vẫn còn quá non trẻ để mang lại cơ sở cho những học thuyết thực hành mang tầm vóc lớn như vậy.
Tuy nhiên những học thuyết thực hành như vậy có sức sống mãnh liệt, và sự ảnh hưởng to lớn, bởi đặc điểm chung của chúng là sự nhiệt thành, sự khao khát muốn công lý hoàn hảo, sự thương cảm với tầng lớp lao động, và niềm cảm thông mơ hồ với tình trạng xã hội đương đại.
Vậy, nếu thấy rằng không nên tiếp cận chủ nghĩa xã hội khoa học bằng cách coi nó như một công thức khoa học, thì Durkheim sẽ làm thế nào? Hướng làm của Durkheim là: một mặt, không coi nhẹ việc tìm hiểu tư tưởng của các học thuyết (cũng giống như một bác sĩ khi chẩn đoán bệnh cũng cần hiểu những than phiền của bệnh nhân), nhưng thay vì chỉ nghiên cứu một hệ tư tưởng, một công trình riêng biệt, thì ông so sánh mọi lý thuyết liên quan tới chủ nghĩa xã hội. Mặt khác, quan trọng hơn, là ông nhìn ra xa hơn, xem nó có nguồn gốc từ đâu, những điều kiện xã hội nào đã phát sinh ra nó, và xem nó sẽ đi tới đâu. Lý do ông đưa ra là: để tìm ra căn nguyên căn bệnh tập thể xã hội đã dẫn tới chủ nghĩa xã hội, thì phải chắc chắn rằng cách chữa trị cho nguồn gốc của bệnh không thể dựa trên những học thuyết này. Tương tự, khi dễ dàng phủ nhận những học thuyết của Saint-Simon, Fourier, hay Karl Marx thì người ta chưa thấu hiểu được những điều kiện xã hội nào đã tạo ra chúng – mà những điều kiện đó vẫn là cái lý do cho sự tồn tại của chủ nghĩa xã hội. Chính cái nguyên nhân mới là cái cần phải làm sáng tỏ để hiểu được hậu quả của nó. Do đó cần tìm hiểu lịch sử của học thuyết này, thay vì chỉ thảo luận một cách hình thức.
Nhưng trước tiên, cần phải có sự thống nhất xem: chủ nghĩa xã hội là gì?

Định nghĩa ‘chủ nghĩa xã hội’ qua Durkheim

Durkheim bắt đầu thảo luận những định nghĩa thông thường về khái niệm này và chỉ ra những thiếu sót trong đó, sau đó đi tìm những dấu hiệu đặt trưng của chủ nghĩa xã hội bằng cách so sánh một cách cẩn trọng và khách quan nhất có thể những học thuyết khác nhau cùng nghiên cứu về những vấn đề xã hội.

Những thiếu sót trong những cách hiểu thông thường về khái niệm chủ nghĩa xã hội
 
Chủ nghĩa xã hội thường được hiểu là (1) sự phủ nhận hoàn toàn sự tư hữu; (2) sự phục tùng của cá nhân trước xã hội; (3) sự cải thiện tình trạng của giai cấp công nhân bằng cách mang lại công bằng hơn trong quan hệ sản xuất.
Nhưng với Durkheim, tất cả những điểm trên đều không thực sự nếu được bản chất của chủ nghĩa xã hội.
Quan niệm thứ nhất (chủ nghĩa xã hội là sự phủ nhận hoàn toàn sự tư hữu) không áp dụng được với bất kì học thuyết xã hội chủ nghĩa nào. Ví dụ trong học thuyết sở hữu tập thể của Karl Marx, mặc dù quyền sở hữu cá nhân về phương tiện sản xuất không được thừa nhận, học thuyết này vẫn công nhận quyền tuyệt đối của cá nhân đối với sản phẩm anh ta làm ra. Trong khi đó, trên thực tế, tình trạng nền kinh tế thời Durkheim cũng có những đặc trưng về giới hạn quyền tư hữu như vậy, chỉ khác về mức độ so với chủ nghĩa Marx mà thôi. Chẳng phải tất cả những gì thuộc về độc quyền của nhà nước, bao gồm bưu điện, đường sắt, sự sản xuất tiền tệ, v.v. đều là sự giới hạn đối với quyền tư hữu cá nhân? Vậy có thể nói rằng ở đâu có độc quyền nhà nước về bất cứ phương diện gì thì ở đó có chủ nghĩa xã hội? (liên hệ: chính vì thế mà Obama cũng bị coi là một nhà xã hội chủ nghĩa khi ông chủ trương phát triển hệ thống y tế công). Durkheim cho rằng nếu như vậy thì ở đâu và thời nào cũng có sự độc quyền của nhà nước. Không có một xã hội nào (cho tới thời điểm của Durkheim) mà không có sự độc quyền của nhà nước về một lĩnh vực công nào đó. Như thế, khái niệm này rất mơ hồ. Thậm chí, cách hiểu này còn đi tới một nghịch lý: Đó là vì, một trong những khẳng định của chủ nghĩa xã hội là sự từ bỏ quyền thừa kế. Khi bỏ quyền thừa kế, thì sự tư hữu bắt đầu từ một cá nhân và cũng kết thúc bởi chính cá nhân đó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc yêu cầu tài sản mà cá nhân có được nhất thiết phải là công trình của riêng anh ta. Như thế thì, thay vì phủ nhận quyền tư hữu cá nhân, có thể suy ra rằng chủ nghĩa xã hội chính là sự khẳng định triệt để nhất thứ quyền này.
Quan niệm thông thường thứ hai coi chủ nghĩa xã hội là sự phục tùng , hi sinh của cá nhân đối với xã hội tập thể. Durkheim bác lại rằng, chưa từng có xã hội nào mà những mối quan tâm cá nhân lại đứng lên trên mục đích xã hội mà không gây nhiễu loạn xã hội. Mặt khác, không thể nào xác định được độ ‘phục tùng’ hay ‘hi sinh’ của cá nhân đối với xã hội. Điều này thậm chí còn gây ra hai hình dung trái ngược nhau về một xã hội xã hội chủ nghĩa: một đằng là một nhà nước toàn trị, nơi không thực sự có chỗ cho quyền của cá nhân; một đằng là một nhà nước ‘dân chủ’ kiểu vô chính phủ. Ví dụ, trong học thuyết của Marx, xã hội chủ nghĩa sẽ dẫn tới cái chết của nhà nước, vì nhà nước với hệ tư tưởng của nó là bảo vệ giai cấp thống trị. Khi xã hội được tổ chức lại theo cách Marx hình dung thì nó sẽ tự động điều chỉnh mà không cần có sự ràng buộc nào vì nhà nước đã chết.
Ở quan niệm thông thường thứ 3, chủ nghĩa xã hội được coi là sự cải thiện tình trạng của giai cấp công nhân bằng cách mang lại công bằng hơn trong quan hệ sản xuất. Nhưng Durkheim cho rằng xu hướng này không đủ để coi là đặc điểm của chủ nghĩa xã hội, bởi vì nó không chỉ có riêng ở học thuyết này. Chính các nhà kinh tế học cổ điển cũng mong muốn giảm thiểu những bất công trong xã hội, mặc dù họ tin rằng cách này chỉ có thể thực hiện bằng cách để cho cung và cầu tự động trung hòa nhau, còn mọi can thiệp của nhà nước đều vô ích. Như vậy, mục đích đem lại công bằng trong xã hội không chỉ có riêng nơi học thuyết chủ nghĩa xã hội. Mối quan hệ giữa nhà nước và các ngành công nghiệp lớn, những hoạt động kinh tế lớn mà tầm quan trọng của nó liên quan tới vận mệnh của cả quốc gia, như khoáng sản, đường sắt, ngân hàng, v.v… đều có mục tiêu nhằm bảo vệ lợi ích chung khỏi những ảnh hưởng cá nhân, chứ không phải chỉ nhằm để cải thiện số phận người công nhân.
Nếu cả 3 quan niệm thông thường này vẫn chưa nói lên cái gì là đặc trưng của chủ nghĩa xã hội, thì có thể coi sự thống nhất về một khái niệm bằng cách lấy ‘trung bình hóa’ tất cả những cách hiểu khác nhau này, tức là cóp nhặt ở cách hiểu một ý rồi sau đó tổng hợp lại để có được một khái niệm mà ai cũng ‘thấy phần của mình trong đó’? Durkheim không đồng ý với cách làm ‘cào bằng’ như vậy đối với một khái niệm. Theo ông, cách làm đó sẽ vấp phải vô vàn khó khăn: chín người thì mười ý, mà quan niệm của mỗi người thì thường rất kinh nghiệm, ít tính logic và phương pháp. Kết quả là nếu đi theo cách này nhiều khi sẽ dẫn tới cách hiểu mâu thuẫn nhau như đã thấy, và tệ hơn là loại bỏ mất những định nghĩa có đặc điểm cơ bản nhất mà số đông không coi đó là ‘chủ nghĩa xã hội’.

Định nghĩa khái niệm  ‘chủ nghĩa xã hội’ của Durkheim
 
Durkheim giải quyết vấn đề này giống như cách ông nghiên cứu về các hiện tượng khác trong công trình của mình (như nguồn gốc của gia đình, tài sản, giáo dục, sự tự tử, hay tôn giáo): (a) quan sát và so sánh những hiện tượng xã hội được thể hiện qua nhiều lăng kính khác nhau, nhiều lý thuyết gia khác nhau; (b)Nhóm những hiện tượng có chung đặc điểm. (c)Trong quá trình phân loại, nếu thấy ở các học thuyết có những đặc trưng riêng biệt khiến ta có thể liên hệ tới khái niệm chủ nghĩa xã hội, thì ta sẽ áp dụng cái đặc trưng đó vào khái niệm này. Lúc đó, mọi học thuyết xã hội chủ nghĩa sẽ được là những hệ thống có những đặc trưng này.
Trong quá trình quan sát, đối chiếu các học thuyết, Durkheim nhận thấy các lý thuyết xã hội luôn được chia ra làm hai phạm trù lớn. Một loại diễn đạt những gì đã và đang diễn ra. Loại thứ hai thì ngược lại: nhằm thay đổi cái nguyên trạng, nhằm đưa ra cải cách thay vì đưa ra những quy luật. Loại thứ hai là những học thuyết mang tính thực hành. Những hiểu biết cơ bản về chủ nghĩa xã hội giúp ông kết luận học thuyết ‘chủ nghĩa xã hội’ liên quan tới nhóm thứ hai.
Tiếp đó, ông nhận thấy trong những học thuyết thực hành gồm những ‘loài’ (species) nhỏ hơn. Có những cải cách liên quan tới giáo dục, tới quản trị, tới đời sống kinh tế. Có chủ nghĩa xã hội về giáo dục, về chính trị v..v…Tuy nhiên, các học thuyết về chủ nghĩa xã hội đều nhằm chỉ tình trạng kinh tế hiện thời và đòi hỏi nó phải thay đổi. Nhưng chưa thể coi đây là một đặc trưng của chủ nghĩa xã hội, bởi vì các nhà kinh tế tự do cũng phản đối tình trạng hiện tại của nền kinh tế và đòi hỏi nó phải được phát triển tự do. Do vậy cần đi thêm một bước là tìm hiểu kĩ trong những học thuyết cải cách xã hội liên quan tới kinh tế xem có những quan niệm nào về cải cách kinh tế mang tính đặc trưng hơn nữa nơi chủ nghĩa xã hội hay không.
Theo ông, trong số các học thuyết về kinh tế, có một số đòi hỏi có sự liên kết giữa các hoạt động công nghiệp và thương mại với một cơ quan đầu não của xã hội. Ông nhận thấy tất cả mọi học thuyết xã hội chủ nghĩa đều có yếu tố này, dù chỉ khác nhau về mức độMột số học thuyết đòi hỏi sự liên kết giữa nhà nước và kinh tế là trực tiếp và toàn bộ. Một số khác thì hình dung rằng sự kết nối chỉ diễn ra ở một vài ngành kinh tế nhất định, và thông qua các trung gian có độ tự chủ nhất định như các nghiệp đoàn, các đoàn thể. Durkheim cho rằngnhững khác biệt này chỉ là thứ yếu. Do đó ông đi tới định nghĩa như sau về chủ nghĩa xã hội:
 …chủ nghĩa xã hội là những học thuyết khẳng định cần phải có sự kết nối mọi hoạt động kinh tế, hoặc một vài trong số đó, mà ở xã hội hiện tại chúng đang rất phân tán, tới những trung tâm đầu não điều hành của xã hội (tr.13)
Durkheim không gọi là ‘nhà nước’ vì theo học thuyết của những tác giả nổi tiếng (như Marx), nhà nước như ta vẫn biết cuối cùng sẽ biến mất và không còn trở thành trung tâm của đời sống kinh tế. Chính vì thế thuật ngữ ‘nhà nước’ không được dùng mà thay vào đó là một cụm từ ‘cơ quan tư duy và điều hành của xã hội’.
Durkheim nhấn mạnh một vài lưu ý ở định nghĩa này.  Thứ nhất, chủ nghĩa xã hội đòi hỏi tới ‘sự kết nối’ chứ không phải là ‘sự phục tùng’ của đời sống kinh tế với đời sống chính trị. Các nhà xã hội chủ nghĩa không hô hào nền kinh tế phải nằm trong tay nhà nước, mà phải liên lạc với nhà nước. Trái lại, nền kinh tế cũng tác động tới nhà nước như nhà nước tác động vào nó. Trong tư duy của họ, mối liên hệ này không có nghĩa là các lợi ích kinh tế và thương mại phải phục tùng các lợi ích chính trị, mà đúng ra là nâng tầm quan trọng của lợi ích kinh tế lên ngang hàng với lợi ích chính trị.
Thứ hai, những lý thuyết đề xướng phát triển các thể chế từ thiện (cả công lẫn tư) đều không được gọi là học thuyết xã hội chủ nghĩa – dù những người gọi nó là bạn hay thù của chủ nghĩa này. Tạo các quỹ công ích nhằm để giảm bớt tình trạng đói khổ của những người kém may mắn không làm giảm đi tình trạng phân tán của các hoạt động kinh tế, không có nghĩa là hòa nhập đời sống kinh tế vào đời sống cộng đồng. Chủ nghĩa xã hội thực chất là một trào lưu tái lập xã hội, trong khi sự từ thiện không nhằm mục đích như vậy. Từ thiện vẫn giữ xã hội nguyên trạng và chỉ làm giảm sự thống khổ gây ra do sự thiếu tổ chức xã hội gây nên.
Thứ ba, chủ nghĩa xã hội là khái niệm không liên quan gì tới đấu tranh giai cấp, hay những mục đích nhằm cải biến quan hệ kinh tế sao cho công bằng hơn và có lợi hơn cho giai cấp công nhân. Đây chỉ là xu hướng phái sinh từ nguyên lý của chủ nghĩa xã hội – tức là sự kết nối kinh tế với nhà nước.
Durkheim lý giải điều này bằng cách minh họa chủ nghĩa Marx: Marx cho rằng sự phục tùng của giai cấp công nhân và những bất công mà họ phải chịu là do họ phụ thuộc trực tiếp vào một nhóm người có quyền lực (‘nhà tư bản’), thay vì phụ thuộc vào xã hội nói chung. Công nhân không làm kinh tế trực tiếp với xã hội; họ không được xã hội trả công trực tiếp mà công lao của họ lại do các nhà tư bản định đoạt. Nhưng nhà tư bản chỉ là một cá nhân chỉ biết nghĩ tới bản thân thay vì lợi ích xã hội. Những dịch vụ mà anh ta mua và trả giá không phải thông qua giá trị xã hội của chúng mà bằng giá cả thấp nhất có thể. Trong tay anh ta có một vũ khí cho phép anh ta ép buộc những người khác phải sống bằng sức lao động của mình để bán cho anh ta sản phẩm có giá trị ít hơn giá trị đích thực của nó. Đó là tư bản của anh ta. Anh ta có thể sống thoải mái lâu dài trên tài sản tích lũy được, và anh ta chỉ tiêu dùng nó mà không phân chia cho những người lao động. Anh ta chỉ mua sức lao động của người khác khi anh ta muốn, trong khi đó những người công nhân thì không thể chờ được. Họ cần bán sức lao động của mình vì họ không còn phương tiện tồn tại nào khác. Do đó người công nhân phải chiều theo yêu cầu của ông chủ, và giảm nhu cầu của chính mình thấp hơn lẽ ra nó phải thế nếu những lợi ích chung được dùng để đo lường giá trị, và cuối cùng chính anh ta tự ép mình làm tổn thương mình.
Như vậy, theo tư tưởng chủ nghĩa xã hội, xã hội đương thời hiện có một bộ phận của đời sống kinh tế không được hòa nhập trực tiếp vào xã hội. Đó là giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân gồm những thành viên chưa thực sự là thành viên của xã hội. Họ tham gia vào đời sống cộng đồng bằng sự ép buộc và điều này đã ngăn không cho họ có tiếng nói trong xã hội và sự cung ứng dịch vụ của họ không nhận được giá trị xã hội đích thực của nó.
Vậy làm sao để cải thiện hay thay đổi tình trạng này? Nếu để một cá nhân hay một lực lượng riêng tư khác can thiệp vào cơ chế kinh tế sẽ không giải phóng được sự nô lệ mà người vô sản phải hứng chịu; nó chỉ là sự thay thế một loại này với một loại khác chứ không phải là trấn áp sự nô lệ mà người vô sản phải hứng chịu. Chủ nghĩa xã hội cho rằng cách duy nhất là làm trung hòa quyền lực của tư bản bằng một lực khác ngang bằng hoặc mạnh hơn có thể khiến hành động của kẻ đối trọng theo những lợi ích chung của xã hội. Vai trò điều hòa này phải là nhà nước, cần phải làm sao để nền kinh tế không nằm ngoài lãnh địa của nhà nước. Qua sự truyền thông liên tục, nhà nước cần phải biết những gì đang diễn ra và làm cho hoạt động của mình được biết đến.
Nếu đi xa hơn nữa, không chỉ xoa dịu mà chấm dứt ngay tình trạng xã hội này, thì cần phải dập tắt phương tiện của nhà tư bản khi anh ta ngáng đường giao thiệp giữa người công nhân và nhà nước. Điều này có nghĩa là giá trị lao động cần phải được đo lường trực tiếp bởi cộng đồng hoặc ít nhất một cơ quan đại diện cho cộng đồng. Khi đó, giai cấp tư bản sẽ biến mất, và nhà nước sẽ thực hiện những chức năng này và trở thành tâm điểm của đời sống kinh tếNhư vậy, sự cải thiện số mệnh giai cấp công nhân chỉ là một mục tiêu mà chủ nghĩa xã hội hướng tới khi đòi hỏi tổ chức nền kinh tế, và cũng như đấu tranh giai cấp là một trong những phương tiện mà sự tái thiết lập xã hội có thể dẫn tới, chỉ là một khía cạnh của sự phát triển lịch sử của chủ nghĩa xã hội.
Đối với Durkheim, chủ nghĩa xã hội không chỉ được hiểu đơn giản là vấn đề lương – tức là vấn đề của ‘cái dạ dày’. Trên hết nó là một khát vọng tái tổ chức cấu trúc xã hội bằng cách dịch chuyển hệ thống sản xuất vào trong tổng thể xã hội, đưa ra ngoài ánh sáng những bộ phận còn hoạt động tự phát và dùng lương tâm xã hội điều chỉnh nó. Có thể thấy khát vọng này không chỉ là của các tầng lớp nghèo khổ mà còn là khát vọng của cả nhà nước. Chính vì hoạt động kinh tế trở thành một yếu tố ngày càng quan trọng trong đời sống hàng ngày, nhà nước buộc phải điều chỉnh các hoạt động đó. Giống như tầng lớp lao động có xu hướng tiến tới gần nhà nước, nhà nước cũng đồng thời có xu hướng tiến gần tới họ, vì nhà nước luôn có xu hướng tăng cường sự ảnh hưởng của mình một cách sâu rộng hơn. Hai xu hướng này không dẫn tới hai hệ thống tư tưởng khác nhau, mà do điểm nhìn của nhà lý thuyết, nếu ông ta gần người công nhân hơn thì ta có chủ nghĩa xã hội của giai cấp công nhân (worker’s socialism), hay nếu ông ta chú ý hơn tới lợi ích chung của xã hội, thì ta có chủ nghĩa xã hội nhà nước (state socialism). Sự khác nhau chỉ là ở mức độ, bởi vì không có chủ nghĩa xã hội của giai cấp công nhân nào mà không đòi hỏi sự phát triển của nhà nước, và không có chủ nghĩa xã hội nhà nước nào lại hờ hững với đời sống công nhân.
Một lưu ý cuối cùng trong định nghĩa mà Durkheim đưa ra: mặc dù các học thuyết chủ nghĩa xã hội đều đề cập tới vấn đề kinh tế, hầu hết chúng còn đi xa hơn nữa và thảo luận về các lĩnh vực khác, như chính trị, gia đình, hôn nhân, đạo lý, văn học và nghệ thuật, v.v..Có thể hiểu được điều này, bởi vì hệ thống sản xuất có các mối quan hệ phức tạp của với các lĩnh vực khác, và khi tái cấu trúc nền kinh tế thì chắc chắn sẽ kéo theo sự thay đổi của các lĩnh vực khác. Các nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa háo hức muốn tìm hiểu các hậu quả của việc tái thiết này, đôi khi là cực đoan, và đã dẫn tới những kết luận vượt qua lĩnh vực kinh tế. Theo Durkheim, những cải cách riêng biệt này nhiều khi không hoàn toàn trùng khớp với toàn bộ một hệ thống, nhưng đều xuất phát từ cùng một khát vọng và do đó cần được tính đến trong định nghĩa về chủ nghĩa xã hội. Do đó, Durkheim thêm một phần nữa vào định nghĩa khái niệm ‘xã hội chủ nghĩa’ như sau:
ta vẫn gọi coi tư tưởng xã hội chủ nghĩa là những tư tưởng dù không trực tiếp liên quan tới trật tự kinh tế nhưng vẫn có quan hệ với trật tự này’ (tr.18)

Đôi lời kết
 
Bài viết này chỉ xin được kết luận bằng việc đưa ra định nghĩa về chủ nghĩa xã hội trong ‘giáo trình chủ nghĩa xã hội khoa học’ do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, do nhà xuất bản chính trị quốc gia xuất bản năm 2004, hiện được dùng cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng hiện nay ở Việt Nam, qua đó người đọc tự so sánh với phân tích của Durkheim.

Định nghĩa chủ nghĩa xã hội (tr.13-14)
 
‘tư tưởng xã hội chủ nghĩa là một hệ thống những quan niệm về những nhu cầu hoạt động thực tiễn và những ước mơ của các giai cấp lao động, bị thống trị; về con đường, cách thức và phương pháp đấu tranh nhằm thực hiện một chế độ xã hội mà trong đó, tư liệu sản xuất là thuộc về toàn xã hội, không có áp bức và bóc lột, bất công, mọi người được bình đẳng về mọi mặt và đều có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc, văn minh’.

Những đặc điểm của chủ nghĩa xã hội (tr.14):
 
(a) Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là các quan niệm về một chế độ xã hội mà mọi tư liệu sản xuất thuộc về mọi thành viên, thuộc về toàn xã hội;
(b) Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là tư tưởng về một chế độ xã hội mà ở đó ai cũng có việc làm và ai cũng lao động;
(c) Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là những tư tưởng về một xã hội, trong đó mọi người đều bình đẳng, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Mọi người đều có điều kiện để lao động, cống hiến, hưởng thụ và phát triển toàn diện.

Tài liệu tham khảo
Durkheim, Emile. 1959[1895-1896]. Socialism and Saint-Simon. (trans., Sattler Charlotte). London: Routledge & Kegan Paul.
Bộ GD-ĐT. Giáo trình chủ nghĩa xã hội khoa học (dành cho các trường đại học, cao đẳng). Hà Nội: NXB Chính Trị Quốc Gia, 2004.

Tác giả gửi choviet-studies ngày 5-9-2014
______________________________________________________
Tiếp theo
Nhập nhằng hai khái niệm ‘chủ nghĩa cộng sản’ và chủ nghĩa xã hội’
Như đã trình bày ở phần trước, Durkheim cho rằng để nghiên cứu lịch sử của chủ nghĩa xã hội thì cần hiểu chính xác định nghĩa của khái niệm này. Bằng cách coi chủ nghĩa xã hội là một đối tượng của khoa học thay vì là một sản phẩm của khoa học, ông đã đi đến một định nghĩa diễn đạt những đặc điểm có chung ở mọi học thuyết xã hội chủ nghĩa, giúp ta phát hiện đâu là biểu hiện của chủ nghĩa xã hội mỗi khi bắt gặp (nhớ lại: đặc trưng của chủ nghĩa xã hội là sự kết nối các hoạt động kinh tế với nhà nước, hay chính xác hơn là ‘trung tâm tư duy và  điều hành của xã hội’). Bước tiếp theo là trả lời câu hỏi: chủ nghĩa này xuất hiện ở thời điểm nào trong lịch sử?
Theo Durkheim, khi trả lời câu hỏi này thì nhiều người đẩy nguồn gốc của chủ nghĩa xã hội tới tận thời nguyên thủy sơ khai của tiến trình lịch sử, xa xưa như loài người.  Họ tìm về những tư tưởng của Thomas More (tác giả của cuốn ‘Xã hội không tưởng’/’Utopia’ xuất bản năm 1518), Tommaso Campanella (tác giả của ‘Thành phố mặt trời’/ ‘City of the Sun’ xuất bản năm 1621), xa hơn nữa là tác phẩm ‘Nền Cộng Hòa’ của Plato (xuất hiện khoảng năm 380 TCN), thậm chí còn cho rằng những xã hội công xã nguyên thủy sơ khai với nguyên lý ‘cộng sản’ là tiền thân của ‘chủ nghĩa xã hội’. Ông cho rằng cả những người ủng hộ hay phản đối thuyết chủ nghĩa xã hội đều hay lẫn lộn hai khái niệm ‘chủ nghĩa cộng sản’ và ‘chủ nghĩa xã hội’.
Trong giáo trình ‘Chủ nghĩa xã hội khoa học’ (dành cho các trường đại học và cao đẳng) do Bộ Giáo Dục và Đào tạo biên soạn năm 2004, hai thuật ngữ này được hiểu đồng nhất như sau:

Các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác-Lênin đã sử dụng hai thuật ngữ: “chủ nghĩa xã hội khoa học” hoặc “chủ nghĩa cộng sản khoa học” cơ bản là thống nhất về ý nghĩa. Hiện nay, chúng ta dùng thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội khoa học”. (tr.2)
Vậy với Durkheim, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản: đó là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, hay chỉ là một? Bằng phương pháp lịch sử-so sánh, ông lập luận rằng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội là hai lý thuyết hoàn toàn khác nhau cả ở hình thức lẫn bản chất.
Sự khác nhau về hình thức của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội
Durkheim nhận thấy hai lý thuyết này khác nhau từ tần suất xuất hiện của chúng trong lịch sử, đặc điểm và động cơ của những lý thuyết gia đề xướng các chủ thuyết này, và hình thức truyền tải của chúng.
Thứ nhất, những tư tưởng về chủ nghĩa cộng sản xuất hiện rất thưa thớt, cách nhau rất xa trong lịch sử. Từ Plato tới Thomas More là gần 10 thế kỉ. Thomas More viết ‘Xã hội không tưởng’vào năm 1518, nhưng phải tới gần 100 năm sau mới có ‘Thành phố mặt trời’ của Tomasso Campanella. Trong khi đó chủ nghĩa xã hội lại có quá trình phát triển khác hẳn. Chủ nghĩa xã hội lại gắn với một xã hội có cấu trúc phát triển ở một mức độ nhất định, nó xuất hiện như là một xu hướng xã hội liên tục và sôi động. Durkheim lưu ý rằng thuật ngữ ‘chủ nghĩa xã hội’ mới chỉ xuất hiện lần đầu vào năm 1835, do Robert Owen tạo ra. Trong nửa đầu thế kỉ 19, các lý thuyết mang tên chủ nghĩa này xuất hiện liên tục, và sau 1850 thì còn mạnh mẽ hơn. Không những trường phái này kế tiếp trường phái khác mà chúng còn xuất hiện đồng thời, như một cách phản hồi một áp lực, là chứng cứ rằng chúng cùng phản hồi một nhu cầu tập thể nào đó. Ví dụ, chúng ta thấy có Saint-Simon và Fourier ở Pháp, Robert Owen ở Anh.
Thứ hai, tác giả của lý thuyết cộng sản thường là những triết gia xuất hiện thưa thớt trong lịch sử. Họ thường đặt những câu hỏi về luân lý nói chung khi khép mình trong thư phòng. Nguồn gốc của sự ích kỉ và vô đạo đức là gì? Đây là câu hỏi bất biến và các nhà tư tưởng có quyền tự do đặt ra và tự tìm câu trả lời cho mình. Tư tưởng của họ thường phản ánh tính cách con người họ, hầu như không phản ánh thực trạng xã hội mà họ đang sống. Trái lại, các lý thuyết gia xã hội chủ nghĩa thường là những con người hành động chỉ tư duy nhằm để giảm đi nỗi đau mà họ cảm nhận được xung quanh. Họ là những người thiên về hành động.
Thứ ba, các lý thuyết gia cộng sản thường thể hiện quan điểm của mình ở hình thức hư cấu, mang tính nghệ thuật và biểu cảm. Tác phẩm của họ nói về những quốc gia chỉ tồn tại trong tưởng tượng, đứng ngoài lịch sử, và nội dung thường phản ánh rất ít thực trạng xã hội. Vấn đề mà họ đặt ra không nhằm đề giải quyết những vấn đề thực tiễn mà nhằm để thỏa mãn trò chơi tư duy nội tâm của tác giả. Ví dụ, câu hỏi về sự ích kỉ (egoism) là câu hỏi bất biến về bản chất con người.  Nó là căn bệnh trầm kha của nhân loại, và chỉ biến mất nếu loài người biến mất mà thôi. Do vậy, khi nêu lên câu hỏi thì cũng đồng nghĩa với việc đặt vấn đề này ra ngoài xã hội cụ thể. Trái lại, những học thuyết xã hội chủ nghĩa lại không mang tính nghệ thuật hay biểu đạt vì tác giả của chúng mong muốn những kết luận thực tiễn. Các lý thuyết gia xã hội chủ nghĩa tư duy không phải với cảm xúc riêng tư mà bằng những nỗi đau của xã hội, và họ mong muốn những tư tưởng đó phải được hiện thực hóa. Vấn đề là, tình trạng xã hội được phản ánh nơi những lý thuyết này quá mới mẻ và trầm trọng và không thể ngay lập tức chữa trị được. Nói cách khác, con người chưa tìm cách thích nghi được với những điều kiện hiện đại. Đó không phải là căn bệnh mãn tính. Tuy vậy, dù chưa tìm ra phương thuốc điều trị, các nhà xã hội chủ nghĩa luôn đòi hỏi nó một cách dai dẳng.
Sự trái ngược về bản chất giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội
Chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội trái ngược nhau về bản chất: xã hội cộng sản loại trừ chức năng kinh tế khỏi đời sống xã hội, trong khi xã hội xã hội chủ nghĩa lại hòa nhập nó vào cộng đồng, và chính xu hướng này là cái định nghĩa nó. Ở mô hình cộng sản, nhà nước chỉ đóng vai trò điều hòa luân lý, và chỉ tồn tại nếu nó tách khỏi đời sống kinh tế. Ở mô hình xã hội chủ nghĩa, nhà nước làm cầu nối giữa những mối liên hệ công nghiệp và thương mại.
Với lý thuyết cộng sản, cả Plato, More hay Campanella đều coi kinh tế, vật chất là phản xã hội, là nguồn gốc của sự suy đồi đạo đức, do vậy cần phải được tách biệt triệt để với trung tâm của đời sống. Ví dụ, thành phố mà Plato hình dung bao gồm 2 phần riêng biệt: một phần dành cho tầng lớp lao động và thợ thủ công; một phần dành cho các quan tòa và các chiến binh. Những chiến binh có nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng của cộng đồng, còn các quan tòa thì đảm bảo trật tự đời sống trong xã hội. Hai bộ phận này cấu thành nhà nước, bởi chỉ có họ mới có quyền hành động nhân danh cộng đồng. Trái lại, những người lao động và thợ thủ công thì có nhiệm vụ bảo đảm cái dạ dày của xã hội. Nguyên lý cơ bản trong thuyết chính trị của Plato là tầng lớp làm kinh tế thấp kém này phải được tách biệt triệt để với hai tầng lớp kia. Nói cách khác, đơn vị kinh tế bị đặt ra ngoài phạm vi nhà nước, không có mối liên hệ gì với nó. Ngược lại, những chiến binh và quan tòa cũng hoàn toàn xa lại với đời sống kinh tế. Họ không được phép tham gia cũng không được quan tâm tới những gì xảy ra ở đó. Bản thân họ cũng bị cấm không được sở hữu bất kì thứ gì; họ không có quyền tư hữu vì quyền này chỉ dành cho những người lao động. Ngay từ thuở thơ ấu, chiến binh và quan tòa đã được huấn luyện phải khinh ghét đời sống xa xỉ vật chất, nhưng họ luôn đảm bảo được có những nhu yếu phẩm đủ để tồn tại. Để hai thành phần này của thành bang có sự tách biệt triệt để nhất, họ buộc phải sống càng xa nhau càng tốt. Như vậy, nếu chủ nghĩa xã hội đặt đời sống kinh tế vào trung tâm của xã hội, thì trái lại chủ nghĩa cộng sản kiểu Plato lại đặt nó ở bên lề cộng đồng, vì Plato tin rằng của cải và những gì liên quan tới nó đánh thức sự ích kỉ của con người, khiến các công dân tấn công nhau và tạo ra những mâu thuẫn làm đảo lộn trật tự xã hội.
Khác với Plato, More không chấp nhận sự tồn tại của giai cấp trong xã hội. Mọi công dân đều tham gia vào đời sống cộng đồng; ai cũng có quyền bầu cử các nhà lập pháp đồng thời tất cả đều có quyền được ứng cử. Tương tự, ai cũng phải làm việc và đóng góp vật chất vào xã hội với tư cách là nông dân hoặc thợ cơ khí. Tuy nhiên, giống Plato, More tuân thủ theo đúng nguyên lý tách biệt triệt để đời sống kinh tế với đời sống cộng đồng. Trong khi Plato tách biệt hai hoạt động kinh tế và chính trị bằng không gian, thì More làm như vậy thông qua thời gian: đời sống mỗi công dân được chia thành hai phần riêng biệt: một phần dành cho lao động nông thôn và công nghiệp; phần kia dành cho những vấn đề công cộng.Nếu Plato ngăn những người quản lý nhà nước tham gia vào đời sống kinh tế bằng cách không cho họ quyền sở hữu thì More mở rộng sự ngăn cấm này tới tất cả công dân, vì trong hệ thống của ông mọi công dân đều tham gia vào quản lý nhà nước.
Chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội còn trái ngược nhau ở mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ. Trong xã hội cộng sản, người lao động không được giành sản phẩm lao động về cho riêng mình mà phải cùng chia sẻ việc tiêu thụ sản phẩm ấy với cộng đồng. Anh muốn làm gì thì làm, và nhất định không được phép lười biếng, nhưng cái anh làm ra phải do tập thể quyết định và cùng tiêu thụ. Với xã hội xã hội chủ nghĩa, trong khi hoạt động công nghiệp và thương mại phải được xã hội tổ chức, thì sự tiêu thụ là chuyện riêng tư. Durkheim khẳng định không có học thuyết xã hội chủ nghĩa nào lại khước từ quyền sở hữu và sử dụng mà cá nhân đoạt được một cách hợp pháp.
Như vậy, nguyên lý cộng sản lấy một nguyên lý đạo đức trừu tượng làm cơ sở thẩm quyền để coi tư hữu là nguồn gốc của sự ích kỉ và sự suy đồi đạo đức. Nhưng nguyên lý này đúng ở mọi nơi, mọi lúc trong lịch sử, dù ở xã hội sơ khai hay xã hội công nghiệp phát triển. Nó không hướng tới một thực tế kinh tế nào, bởi vì thể chế về tài sản là thể chế luật pháp và luân lý, tuy có ảnh hưởng tới đời sống kinh tế nhưng không là một phần của đời sống này. Chủ nghĩa xã hội, trái lại, không hướng tới hậu quả về mặt đạo đức của sự tư hữu nói chung, mà hướng tới hiệu quả của cách tổ chức kinh tế nhất định nào đó như chủ nghĩa xã hội. Hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau: một bên phán xét giá trị đạo đức của vật chất một cách trừu tượng; Bên còn lại đắn đo liệu loại hình thương mại hay công nghiệp nhất định có phù hợp với những điều kiện tồn tại của một xã hội hay không, và liệu nó có bình thường, lành mạnh hay không.
Durkheim cho rằng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội có một điểm thoạt nhìn thì giống nhau: đó là cái xu hướng coi xã hội có uy quyền lớn hơn mỗi cá nhân. Cả hai đều lo sợ mối nguy từ lợi ích tư lợi có thể gây ra đối với lợi ích cộng đồng. Cả hai đều đối lập với chủ nghĩa cá nhân triệt để và thái quá. Chính vì hai điều này khiến người ta hay nhầm lẫn đánh đồng hai khái niệm này làm một. Nhưng ngay ở sự giống nhau mơ hồ này vẫn tồn tại sự khác nhau căn bản: Một bên coi tất cả những gì tư hữu là phản xã hội, trong khi bên còn lại cho rằng sự chiếm đoạt tư nhân về các tư liệu sản xuất lớn chỉ nguy hiểm ở một giai đoạn nhất định trong lịch sử. Bên cạnh đó, động cơ của hai lý thuyết cũng khác nhau: động cơ của chủ nghĩa cộng sản mang tính đạo đức và bất biến, trong khi đó chủ nghĩa xã hội chú ý tới một loại hình kinh tế cụ thể (nền công nghiệp bước đầu quy mô lớn nhưng còn phân tán). Một đằng cho rằng cần phải loại bỏ tư hữu vì nó là nguồn gốc của sự vô đạo đức, trong khi ở lý thuyết còn lại cho rằng nhà nước không thể hoàn toàn dửng dưng để cho ngành công nghiệp và thương mại khổng lồ vận hành tràn lan bởi chúng có thể gây ảnh hưởng lên toàn xã hội (như trường hợp nhà tư bản bóc lột công nhân mà nhà nước không biết tới để can thiệp). Kết luận của hai lý thuyết này cũng rất khác nhau: một lý thuyết chỉ nhìn thấy giải pháp bằng cách trấn áp, dập tắt những lợi ích kinh tế, còn lý thuyết kia thì quan tâm tới việc xã hội hóa hoạt động kinh tế.
Như vậy, để giải thích chủ nghĩa xã hội và đi tìm lịch sử của nó, ta không cần đi xa về nguồn gốc cộng sản. Coi chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là một cũng có nghĩa là đánh đồng những thứ có bản chất trái ngược nhau, và sẽ dẫn tới mở rộng ý nghĩa của nó đối với những lý thuyết về luân lý, chính trị, giáo dục, kinh tế coi lợi ích xã hội đi trước lợi ích cá nhân – và như vậy kết quả là thuật ngữ này sẽ mất đi ý nghĩa cụ thể. Đặc biệt, Durkheim phát biểu rằng:

‘Đúng là ta có thể nghĩ rằng các nhà tư tưởng của lý thuyết cộng sản đã hình dung ra trong trí tưởng tượng của mình những kết quả tương lai của sự phát triển lịch sử; rằng bằng tư duy của mình họ mường tượng được một xã hội khác với xã hội trước mắt họ (và chỉ có thể được hiện thực hóa sau này trong lịch sử). Nhưng chấp nhận khả năng đó không chỉ phi khoa học, bởi những dự đoán đó được tạo ra từ hư vô. Có thể các lý thuyết gia cộng sản không hướng tư duy của mình tới tương lai, mà hướng về quá khứ. Như vậy họ quay ngược lại thời gian. Chính vì thế mà xã hội của Platon không là gì khác là sự tái bản của mô hình nhà nước Sparta, một nhà nước cổ đại nhất của Hi Lạp. Và từ điểm này có thể thấy, những người thừa kế Plato chỉ nhại lại người thầy của mình. Mô hình mà họ đề xuất là mô hình của người nguyên thủy’ (tr.28).

Đôi lời kết
Những nghiên cứu của Durkheim về nhiều vấn đề xã hội thường luôn khẳng định sức mạnh không thể coi thường của ‘sức mạnh tập thể’. Trong bầu không khí sôi sục của đám đông, ví dụ như trong các bộ lạc nơi xã hội nguyên thủy, một vật tầm thường như chiếc răng cá sấu, hòn đá cuội, hay một con vật tầm thường cũng có thể trở thành ‘vật tổ’ thiêng liêng, thành ‘cái thiêng’ được cả xã hội bộ lạc đó thờ tụng và bảo vệ như chính mạng sống của họ. Niềm tin tôn giáo thường ngự trị vào những khoảnh khắc ấy. Nhưng ranh giới giữa ‘cái thiêng’ và ‘cái phàm’ cũng mong manh – do lịch sử và do sự giao tranh giữa hai thế lực của niềm tin huyền thoại và niềm tin nơi lý trí – hai xu hướng mà Durkheim khẳng định luôn tồn tại trong lòng mọi xã hội.
‘Chủ nghĩa cộng sản’ và ‘chủ nghĩa xã hội’ đều đơn thuần là hai khái niệm. Nếu xét về mặt khái niệm, chúng hoàn toàn trung tính. Nhưng có phải khi gắn chúng vào ‘niềm tin’, chúng lại bất giác trở thành đối tượng của việc đánh giá giữa ‘thiêng’ và ‘phàm’? Vấn đề là, ‘niềm tin’ nào?

Tài liệu tham khảo
Durkheim, Emile. 1959[1895-1896]. Socialism and Saint-Simon. (trans., Sattler Charlotte). London: Routledge &Kegan Paul.
Bộ GD-ĐT. Giáo trình chủ nghĩa xã hội khoa học (dành cho các trường đại học, cao đẳng). Hà Nội: NXB Chính Trị Quốc Gia, 2004.

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 5-9-14

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét