Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Bài thi viết “Cộng Sản & Tôi”: Cha tôi, tôi và thời kỳ quá độ tiến lên xã hội chủ nghĩa


Trần Văn Lang (Danlambao) – Cha tôi mất rồi! Ông ra đi là để giải thoát nỗi đau khổ cho ông. Nỗi khổ đau với những đêm dài cúp điện thường xuyên sau 75, cha tôi thường ngồi một mình với một chai rượu đế, một cái gạt tàn đầy ắp tàn thuốc, một ngọn đèn dầu hiu hắt. Ông ngồi thâu đêm suốt sáng để gặm nhấm nỗi đau một nền dân chủ non trẻ vừa bị chết oan uổng và đúc kết ra những vần thơ:
Mưa gió binh thư đã nát nhàu
Mình ta ngồi mãi những đêm thâu.
Nhớ xưa phong kiếm tung hồ thỉ
Trông lại giang sơn cúi mặt sầu…
Nỗi đau cứ dồn nén mỗi ngày một dày lên rồi cũng có ngày phải:
Khóc òa bưng mặt canh thâu
Tiếng kêu giữa phế hoang lầu nát tan…
Tiếng kêu này là tiếng kêu gì giữa quê hương hoang tàn:
Tiếng kêu tắt nghẹn trong cùng
Tiếng kêu như xé nát lòng mà ra
Điêu tàn đến cả xương da
Xòe tay năm ngón khóc oà quê hương…
Mỗi lần nhớ đến những vần thơ và hình bóng ông ngồi một mình thâu đêm là tôi không cầm được nước mắt. Ba ơi! Tội cho ba quá! Lúc đó ông chỉ mới ngoài ba mươi mà tất cả đã chấm dứt khi sinh mệnh chính trị đã chết. Ông ngồi đó với cái áo mi dô mốc meo, hoàn toàn bất động. Tôi cảm như người ba tôi nổi mốc, hôi mùi rêu mốc vì ông có hoạt động gì đâu.
Ngày tháng ấy lạnh buồn như rêu ngủ
Ai cho tôi chút lửa ấm cô hồn. 
*
Cha tôi là giáo viên dạy văn kiêm thêm môn công dân giáo dục. Biệt phái đi sĩ quan Thủ Đức, ông bị thương và trở về đi dạy lại. Sau cái ngày tháng tư đen, cái-ngày-mang-mặt trời-ảo-trên-đôi-cánh-đen-của-bầy-ác-điểu cha tôi không dạy nữa. Ông làm thợ sơn xe, sửa xe đạp, làm guốc, làm thuốc lá, công nhân cầu đường… phần nhiều là thất nghiệp.
Lịch sử đôi khi giống như người thợ khéo
Chạm trổ đời tôi lạ mặt lạ mày.
*
Cha tôi ghét và ghê tởm Cộng Sản. Ông bất hợp tác, đứng bên lề xã hội. Đến nỗi tôi là một đứa trẻ mới học lớp 2 phải dẫn thằng em học lớp 1 đi xin nhập học ngày khai trường sau 75. Con đường đến trường dài vô hạn, bơ vơ, lạc lõng, nước mắt chỉ chực tuôn ra. Rồi nó cũng tuôn ra thực, khi em tôi cứ nằng nặc đòi vào lớp tôi học chứ không chịu vào lớp của nó. May mà có cô giáo dịu dàng, ấm áp dẫn nó vào lớp của nó. Một phao cứu sinh cho tôi. Những năm tháng đó cha tôi cấm tôi không được đeo khăn quàng đỏ. Không đeo khăn quàng thì làm gì có chuyện vào lớp được nên khi gần đến cổng trường tôi đeo vào, khi ra khỏi cổng trường tôi vứt nó vào cặp. Cái khăn đó nó làm tôi phải dối trá. Tôi muốn vứt nó đi cho rồi nhưng lại nhét sâu vào trong cặp. Sợ ba tôi biết. Ông đánh thì không ai can được.
Ông còn cấm tôi không được đọc to bài lịch sử đảng, cấm không được chơi với con cán bộ, cấm không được mở ti vi những chương trình đảng tự sướng. Ông thường hay nói: đã thắng rồi còn nói láo lếu. Mẹ tôi thường nói: sao ông không đi dạy, ở đời phải cúi lông mày mới ngoan, ông cứ chửi hoài có làm được chi đâu. Mặc tui. Cha tôi nhất quyết cứng rắn thấy sợ.
Đêm nghe giục một hừng đông 
Gìn sao cho vững nỗi lòng nguyên xưa.
Trong hoàn cảnh khốn khó đó để giữ vững một tấm lòng trung trực không a dua, nịnh bợ tự hủy hoại mình để chạy theo cộng sản thì rất khó và hiếm vậy. Ông thường nói: giữa quê hương làm khách trú.
Nay, mi giữa quê hương cam tâm làm khách trú
Với từng đêm ngậm đắng nhớ quê nhà
Nhạc lòng réo rắt mi từ sinh đến tử
Vĩ thanh buồn ứa máu Trái Tim ra!
Trước đây cha tôi không biết uống rượu, sau 75 ông nghiện rượu thành gã ghiền. Bài thơ Gã Ghiền:
 
Khi giọt rượu trong đáy bình chờ khô
Gã ghiền ngồi nhắm mắt…
Bình rượu ấy trong đời tôi huyễn hoặc
Môi hồng em trổ đắng quả sai mùa
Tôi, gã ghiền, 
chưa phỉ cuộc say sưa
Mà non nước đã xoay chiều loạn gió
Hồn điên đảo chợt nghe mình tan vỡ
Trái tim buồn trên đỉnh tuyết thiên thu
Chén rượu chiều hôm
nhan sắc sương mù
Xót xa lắm một ngày cạn nắng!
Chút mộng sót trong miệng mình quá đắng!
Tôi, gã ghiền xin ngậm một đời say.
Dĩ nhiên cha tôi cũng muốn đi vượt biên. Mấy cậu mợ tôi vượt biên ra nước ngoài hết. Nhưng rồi ông quyết định không đi và làm bài thơ Quỉ Thi:
Bỏ núi sông này ta đi đâu?
Tình ta chôn xuống núi sông sầu
Nghe trong ruột đất thơ tình xướng
Ma mấy câu và quỉ mấy câu…!
*
Nhân cách sống của cha tôi đã ăn sâu vào trong máu và da thịt của tôi. Đến nỗi từ trong vô thức tôi viết một truyện ngắn Cái Gàn:
Hắn là người hay cãi. Chuyện lớn cãi đã đành, chuyện nhỏ nhoi hắn cũng cãi. Chuyện không liên quan đến hắn, hắn cũng cứ cãi. Đi đâu hắn cũng cãi cho ra lẽ. Cho nên thiên hạ bảo hắn gàn. Mặc thiên hạ, hắn chả gàn. Vì hay cãi thẳng thắn quá mà hắn sống ít bạn bè, cô đơn, xa cách. Một hôm hắn buồn quá lên núi dạo chơi, bỗng nghe tiếng cười sang sảng, vang vang. Hắn tiến tới gần thì gặp một ông già râu tóc bạc phơ, tiên phong đạo cốt. Hắn mới hỏi: Thưa cụ! Tại sao cụ ở đây? Chắc trốn bụi trần dưới đó lên đây sống? Không phải, ta ở đây là ở đây, không có lý do trăng sao gì cả. Hắn nghe lạ liền đem chuyện mình ra hỏi. Vì sao thiên hạ bảo hắn gàn? Con gàn là đúng rồi. Phải biết thời nay vì danh lợi mà luồn cúi, vì quyền lực mà tranh giành. Ngủ một đêm sáng mai thành tiến sĩ. Người ta ăn của dân không từ một thứ gì. Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu. Vậy mà con lại cương trực, thẳng thắn là gàn quá còn gì nữa. Con phải biết cúi đầu, ngậm miệng, bịt tai, nhắm mắt mà sống với những cái nghịch lý trêu ngươi. Ví như dân chủ tập trung, là dân chủ mỵ dân, là trò hề dân chủ. Sẽ không có nhân tài làm ra sản phẩm như chiếc nón bài thơ hay tà áo dài truyền thống cho dân tộc. Không phát huy được truyền thống, rồi dân tộc sẽ ra sao? Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Làm gái cho tư bản để nuôi thằng con hoang doanh nghiệp nhà nước hư đốn. Thật quái thai, với cái phần đầu tư bản còn phần sau đuôi là Cộng Sản. Tàn lụi là cái chắc. Cộng hòa xã hội chủ nghĩa theo Mác-lê-Mao-Hồ không chấp nhận tiếng nói đối lập, vậy cộng hòa với ai. Nền cộng hoà ngụy danh. Với quyền lực vô biên, tham nhũng sẽ như nấm mọc sau mưa.
Mà thôi sẵn tiền đây con có bán cái gàn của con không, lão mua cho. Cái gàn như cụ nói thì quý quá. Như ngọc lưu ly con cất giữ đem về nhà xài chơi. Không bán.
Ấy chết lão ở trên này xài thì được. Con đem về nhà mất mạng như chơi. Dạ con quyết đem về nhà xài chơi.
*
Cha tôi chết vì bị ung thư thanh quản và mang một khối u-sầu-không-chịu-chữa-không-chịu-lành. Tóm lại cuộc đời đau khổ của ba tôi thể hiện qua bài thơ Vẽ Tranh của ông:
Cõi miền vàng vọt chiêm bao
Ta ngồi vẽ mộng xanh nào tặng em?
Vẽ đời bút chấm màu đêm
Vẽ tình bút chấm ưu phiền tháng năm…!
 
Tay run vẽ nỗi đau thầm
Trên trang giấy bẩn tím bầm đời ta!
Vẽ tranh tang hải chơi mà!
Đặt tên tác phẩm: Thưa là VIỆT NAM.
Tôi vẫn thích và thấy rất đúng một câu nói của ai đó trên mạng. Thời kỳ quá độ tiến lên xã-nghĩa là thời kỳ nghiện rượu và ung thư. Tôi không thể nào quên được nỗi đau của ba tôi. Vậy thế hệ của tôi, bạn và con chúng ta thì sao? Không ai khó ba đời!
______________________________________________________
…Thời gian nhận bài xúc tiến từ bây giờ và sẽ tiếp tục chọn đăng trên diễn đàn Danlambao cho đến hết ngày 25/4/2015. Đóng góp tác phẩm dự thi xin gởi về: Congsanvatoi@gmail.com. Để biết thêm chi tiết, xin đọc:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét