Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Sài Gòn- Niềm nhớ mang tên Bắc Hải

Hoa Tran

* Chép từ phần còm của Trần mạnh Hảo FB

Thời đại học ở Sài Gòn, tôi thường ghé qua Cư Xá Bắc Hải. Là một sinh viên từ miền Trung xa xôi, tôi chẳng hiểu vì sao có chữ Cư Xá Bắc Hải, dù khi đọc truyện về miền Bắc thường hay thấy chữ “khu tập thể” chứ không phải “Cư Xá”. Và khi đó tôi cũng không biết có hai nhóm người Bắc Kỳ 54 hay 75, 9 nút hay 2 nút. Mà nếu có biết thì tôi cũng không nhận ra sự khác biệt. Ở miền Trung thời đó không bắt được đài miền Nam mà chỉ là đài VTV với giọng thuyết minh Bắc Kỳ mà chúng tôi được bảo là giọng chuẩn cho cả nước, vì Hà Nội vốn là Thủ Đô của văn hóa chính trị, là nơi nghìn năm văn vật và người Hà Thành thanh lịch. Tôi cũng đã từng yêu một giọng thuyết minh khá chuẩn của một phát thanh viên. Cô có dung mạo xinh xắn đoan trang. Không ngờ vài năm sau đó cô lại bị lên báo Thụy Điển khi bị bắt quả tang ăn cắp đồ lót phụ nữ khi đi theo phái đoàn Việt Nam qua Thụy Điển công tác. Một sự cố nho nhỏ khiến hình ảnh yêu kiều sang trọng của cô phát ngôn viên Bắc Kỳ trong tôi bị sứt mẻ khá nhiều. Nhưng tôi vẫn còn giữ ước mơ được một lần ra thăm Thủ Đô.


Trở lại Cư Xá Bắc Hải. Đây gần như là tổng hành dinh của sinh viên Đại Học Bách Khoa và sinh viên xa nhà từ miền Trung. Có lẽ vì vị trí địa lý của nó. Khu này chạy ra đường Tô Hiến Thành bên hông trường Đại Học Bách Khoa. Nói là bên hông nhưng cũng khó thấy vì nguyên hành lang của khuôn viên Đại Học đã được phân lô cho mấy cửa hành trang trí nội thất hay thiết bị y tế thuê. Nhiều khi đi nhanh quá tôi không thấy cái cổng bên hông ở đâu. Mà thời kinh tế thị trường nó thế. Ở miền Bắc thì có Vườn- Ao- Chuồng để thầy cô còn nuôi heo gà cải thiện đời sống, còn ở miền Nam buôn bán khá hơn nên cắt lô phân nền cho thuê. Âu cũng là cải thiện đời sống mà ngôi trường Kỹ Thuật Phú Thọ đầy tự hào trước năm 1975 trở thành ngôi trường có mặt tiền nham nhở mùi tiền.
Có hai thứ ở đây luôn hấp dẫn một sinh viên miền Trung như tôi: nhạc rock và phim hành động Mỹ. Cái thời nghe nhạc Rock của thập niên 80-90 trong quán cà phê đầy khói thuốc và những gương mặt gầy gò nghệ sĩ hay tỏ ra nghệ sĩ của đám sinh viên. Sau này tôi mới biết đây là cái bị chụp mũ đồi trụy, lai căng do các bác Bắc Kỳ 2 nút vào những năm đầu tiếp thu. Ba chục năm cách mạng 1945-1975 đã đưa miền Bắc về gần với cái thời ăn lông ở lỗ, nhạc chỉ có nhạc đỏ yêu nước gào thét thống thiết cùng với văn công áo xanh màu lá, kiểu “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” hay “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”… Chứ kiểu đung đưa theo điệu nhạc, mắt lim dim theo khói thuốc, ăn mặc tóc tai tự do như tuổi trẻ Sài Gòn thời nhạc rock-n-roll và heavy metal lên ngôi thì đúng là đồi trụy trong mắt mấy cán bộ. Không biết sao mà chút tàn dư của “Mỹ Ngụy” lại vẫn tồn tại ở khu này. Có khi nào vì chủ nhân mấy căn nhà cho thuê này là cán bộ cao cấp từ Bắc vào tiếp thu nên tui cán bộ văn hóa không dám tới dẹp văn hóa phẩm đồi trụy.
Sau này đọc “Bên Thắng Cuộc” của Huy Đức, tôi mới thấm thía cái góc nhìn từ hành tinh khác của phía bên kia sông Bến Hải. Nhắc tới “Bên Thắng Cuộc” tôi nhớ tới nhà thơ Đỗ Trung Quân với bài “Quê Hương”. Bài hát này quá nổi tiếng với câu “Quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người”. Bài hát này cũng thành nguyên nhân của những người nhất định không đi vượt biên để rồi chết trong ngục tù cải tạo và bị đì đến hết đường sống vì lí lịch “ngụy quân ngụy quyền” của mình, trong đó có một người trí thức tài ba là bạn của Đỗ Trung Quân. Bài hát này từng là công cụ tuyên truyền hữu hiệu trước làn sóng vượt biên lên tới hơn một triệu người miền Nam vì “bị giải phóng”. Tôi tự nghĩ, nếu vì lí do nào đó mà tôi không muốn nhớ về quê hương đọa đày thì tôi có “lớn nổi thành người” như ông nhà thơ này nói hay không ???
Đó là phần âm nhạc, giờ tới phần phim ảnh. Thời những năm 90, sở hữu một đầu máy VHS chiếu phim đã là xa xỉ đối với sinh viên ở trọ, nên tôi đành qua Bắc Hải ngồi đồng coi hết phim này tới phim khác, và vẫn mơ có ngày thấy được những tòa nhà cao tầng và tiện nghi trong đó, chưa kể những chiếc xe trong phim Điệp Viên 007 luôn hút hồn tuổi trẻ xứ của những chiếc xe trước năm 1975 còn sót lại, và những chiếc xe đò Hải Âu cũ kỹ, và những chiếc xe Dodge còn chạy bằng than. Thế giới tư bản bóc lột rất xấu xa nhưng sao trong phim ảnh thấy con người ta nhân văn, luôn có anh hùng bảo vệ người dân. Thời đó, xã hội Việt Nam cũng có anh hùng, ít ra cũng là nhóm SBC trong phim Tướng Cướp Bạch Hải Đường do tài tử Thương Tín đóng rất đạt. Hình ảnh tên tướng cướp trong phim truyện làm sau ngày “giải phóng” gợi lên hình ảnh miền Nam mất an ninh và không yên bình.Nhưng bây giờ ngẫm lại chẳng thấm vào đâu so với thành phố Hồ Chí Minh thời thống nhất. Công của Thương Tín rất lớn, nhưng sau này biết được anh cũng tìm cách vượt biên mấy lần nhưng không được.
Rồi đạo diễn tài hoa Lê Hòang Hoa với bộ phim huyền thoại “Ván Bài Lật Ngửa” đã đưa tài tử Chánh Tín lên đài danh vọng. Cùng theo với ông là một Thương Tín đóng vai một sĩ quan VNCH tàn ác rất đạt. Hai tài tử gạo cội này có công rất lớn quảng bá cho bên thắng cuộc nhờ nhục mạ và bôi bác bên đã thua trận và bị đánh tơi tả “trên bờ dưới ruộng”. 40 năm sau, một Chánh Tín mắc nợ như chúa chổm xin xỏ người hâm mộ tiền trả nợ, và một Thương Tín ăn chơi kết thúc trong nghèo túng không vợ con. Tôi giật thót mình và chỉ nghĩ tới 1 từ: QUẢ BÁO. Ông Lê Hoàng Hoa sau này cũng tìm đường vượt biên qua Mỹ nhưng không được, cuối cùng theo tình nhân là một Việt Kiều Ba Lan để sống buồn thảm bên đó. Gần đây ông về lại cố quốc muốn làm thêm một bộ phim để đời nhưng rồi cũng chết sớm, mang theo ước mơ chưa thành tựu. Họ không trực tiếp gây tội, nhưng tiếp tay giúp chính sách tuyên truyền phi nhân tính của bên thắng cuộc chà đạp bên thua cuộc cùng dòng máu tới tận cùng của lương tâm.
Cư Xá Bắc Hải của tôi lại hiện về với chút lưu luyến của Sài Gòn, cũng như đó là góc Sài Gòn nhớ về một thời chưa bị cướp đi cái tên.
Rồi bỗng như tôi nghe giọng của danh ca Khánh Ly vang lên: “Sài Gòn ơi, ta mất người như người đã mất tên”…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét