Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015

Lực lượng thứ ba trong phong trào đô thị miền Nam Việt Nam từ sau Hiệp định Paris(27.1.1973) đến Đại thắng mùa xuân 1975

Tôi nhớ lâu rồi, có đọc một bài viết (hay còm) liên quan tới “thành phần thứ 3″ – Người viết kể (sau 1975) có tham dự nghe ông Trần bạch Đằng giảng bài – Tới chỗ ông nói “Cái thành phần thứ 3 đứng ở đâu….” – ông chỉ một tay xuống “giữa háng” của ông.

VHNA

Hoàng Chí Hiếu
Được công nhận là một thành phần trong tiến trình hòa giải, hòa hợp dân tộc ở miền Nam Việt Nam, sau Hiệp định Paris (27-1-1973), lực lượng thứ ba nổi lên với nhiều phe nhóm và xu hướng chính trị khác nhau [1]: “Những người thực sự có tinh thần dân tộc, mong muốn hòa bình, trung lập, hòa giải dân tộc và thực sự muốn chấm dứt chiến tranh. Những người cơ hội, ‘đón gió’ tạo thế xuất hiện trên chính trường với tham vọng cá nhân. Số tay sai của Mỹ và các thế lực ‘ngoại bang’ còn giấu mặt, đóng vai lực lượng thứ ba để thực hiện mưu đồ của chủ khi cần thiết và được sự tài trợ của chủ” [2].


Trong quá trình vận động, nhiều nhà hoạt động dần quy tụ xung quanh tướng Dương Văn Minh [3]. Tuy không có cơ sở sâu rộng trong quần chúng nhưng nhóm này thường xuyên có những tuyên bố đấu tranh, gây tiếng vang lớn. Ngày 5-4-1973, các thành viên của nhóm (gồm 7 nghị sĩ, 31 dân biểu [4], 10 luật sư, giáo sư, kỹ sư và tướng lĩnh) đã gửi thư cho Tổng thống Nixon, Chủ tịch Thượng và Hạ nghị viện Mỹ, yêu cầu Mỹ thúc đẩy các bên áp dụng Điều 11 Hiệp định Paris [5]. Ngày 1-5-1973, trả lời phỏng vấn của Tạp chí Độc lập, Dương Văn Minh nhận định phần lớn các điều khoản của Hiệp định Paris đã không được thi hành, ngoại trừ 2 điều được thực hiện khá trọn vẹn là việc triệt thoái quân đội nước ngoài và phóng thích tù binh Hoa Kỳ [6]. Tiếp đó, Dương Văn Minh kêu gọi các bên “thi hành nghiêm chỉnh và kiểm soát hữu hiệu theo đúng các điều khoản của Hiệp định Paris và các Nghị định thư, các quyền tự do dân chủ phải được đảm bảo, tất cả các tù dân sự và tù chính trị phải được trả tự do” [7]. Giữa tháng 5-1973, 5 nghị sĩ và 28 dân biểu (nhóm thân Dương Văn Minh và Phật giáo Ấn Quang) lên án gay gắt chính quyền đã vi phạm những quy định của Hiến pháp và Hiệp định Paris liên quan đến quyền tự do công dân. Ngoài ra, nhóm dân cử này cũng tố cáo Nguyễn Văn Thiệu có “ý định nhằm làm suy yếu lực lượng thứ ba” [8].
Ngày 4-6-1973, Dương Văn Minh ra tuyên bố, đòi hỏi hai bên miền Nam trả tự do tức khắc cho tù chính trị và đòi Nguyễn Văn Thiệu “hủy bỏmọi sắc luật và mọi biện pháp xúc phạm đến những quyền tự do căn bản của con người, những gì ngược lại với Điều 11 của Hiệp định Paris” [9]. Ông cũng lên án gay gắt “Sắc lệnh 0900 ngày 12-5-1973 về an ninh ngược lại với tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, ngược lại Hiến pháp và hoàn toàn trái với Điều 11 Thỏa hiệp Paris” [10].
Ngày 5-10-1973, lực lượng thứ ba công khai ra mắt nhân dân và báo chí quốc tế dưới hình thức một cuộc “chiêu đãi’ tại khách sạn Continental (Sài Gòn), do bà dân biểu Kiều Mộng Thu tổ chức để “chào mừng bà Ngô Bá Thành ở tù về”. Bất chấp lệnh cấm của chính quyền Sài Gòn, buổi lễ vẫn được tiến hành với sự tham dự của khoảng 100 người. Tại buổi lễ, bà Ngô Bá Thành đọc diễn văn bày tỏ quan điểm chính thức của lực lượng thứ ba trong tình hình mới và kêu gọi “hai bên miền Nam Việt Nam tôn trọng thành phần thứ ba ngang nhau vì đó là một thực thể chánh trị” [11]. Từ đây, lực lượng thứ ba nhanh chóng phát triển, với sự xuất hiện của nhiều tổ chức mới.
Ở Sài Gòn, ngày 14-2-1974, Tổ chức nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris (tiền thân là Lực lượng quốc gia tiến bộ) thành lập, do Luật sư Trần Ngọc Liễng làm Chủ tịch. Tham gia tổ chức này có nhiều nhân sĩ trí thức, tu sĩ các tôn giáo, đại diện các giới đồng bào, kể cả nhiều người là công chức, sĩ quan trong chính quyền Sài Gòn. Thành viên của tổ chức có: Ủy ban chống sa thải, Ủy ban chống đàn áp bất công, Mặt trận nhân dân cứu đói, Ủy ban bảo vệ các bạn hàng chợ, Ủy ban bảo vệ quyền lợi sinh viên, Ủy ban bảo vệ tự do báo chí, …
Ngày 18-8-1974, Hội bảo vệ Nhân quyền và Dân quyền Việt Nam, trong buổi ra mắt Chi hội ở Sài Gòn – Gia Định, đã quyết định thành lậpỦy ban Nhân quyền vận động hòa bình để “tích cực góp phần vào công cuộc vận động chung của dân tộc, thực hiện nhân quyền và dân quyền” [12]. Ngày 18-9-1974, Ủy ban ra tuyên bố, tố cáo chính quyền Sài Gòn tiếp tục bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ: “Người dân sống dưới sức ép của thống trị, trên danh nghĩa là hạn chế mà trong thực tế là tước hết những quyền dân chủ của người dân. Những sắc luật thay thế các đạo luật thủ tiêu quyền tự do hoạt động chính trị, giết chết quyền tự do báo chí, đặt đời sống an ninh của dân chúng vào trong bất cứ một cấp bậc hành chính nào” [13].
Ở miền Trung, hàng năm chính quyền Sài Gòn phải hỗ trợ vận chuyển lúa gạo ở miền Nam ra. Tuy nhiên, do nạn tham nhũng trầm kha của bộ máy quan chức nên năm 1974 đã xảy ra “nạn đói miền Trung”. Để góp phần khắc phục nạn đói và tập hợp lực lượng tham gia đấu tranh chống Nguyễn Văn Thiệu, ngày 22-9-1974, Mặt trận Nhân dân cứu đói được thành lập, do Đại đức Thích Hiển Pháp làm Chủ tịch, Linh mục Phan Khắc Từ làm Phó chủ tịch và Dân biểu Nguyễn Văn Hàn làm Tổng thư ký. Mặt trận thu hút nhiều thành phần có ảnh hưởng trong nhân dân tham gia, như Tổng vụ trưởng vụ cư sĩ Giáo hội Phật giáo thống nhất, Thượng tọa Thích Quảng Long, Ni sư Huỳnh Liên, các dân biểu Kiều Mộng Thu, Hồ Ngọc Nhuận, Giáo sư Lý Chánh Trung, Luật sư Ngô Bá Thành, … Tại buổi ra mắt, Mặt trận Nhân dân cứu đói cho rằng “chiến tranh từ 20 năm, nền kinh tế lệ thuộc, đồng bạc mất giá hằng tuần, thuế khóa nặng nề, gian thương tham nhũng” [14]là nguyên nhân dẫn đến nạn đói của đồng bào miền Nam. Mặt trận nêu rõ muốn cứu đói thì phải “đòi hỏi hòa bình, đòi hỏi công bằng, chống tham nhũng, chống gian thương”[15]. Bà Ngô Bá Thành tố cáo việc Mỹ can thiệp vào miền Nam đã tạo nên cảnh chết chóc và làm cho nhân dân Việt Nam đói khổ. Quyết liệt hơn, Dân biểu Kiều Mộng Thu đã trích máu viết thư đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức nếu không đem lại cơm no áo ấm cho đồng bào [16].
Ngày 31-10-1974, 44 nghị sĩ và dân biểu đã đồng ký tên vào bản kiến nghị lên án Nguyễn Văn Thiệu “tự bịt tai, bịt mắt, dùng biện pháp đàn áp báo chí, bóp nghẹt tự do dân chủ và các nhân quyền căn bản đã được Hiến pháp minh định, để ngăn cản người dân không được tự do phát biểu ý kiến”[17]. Bản kiến nghị cũng chỉ rõ đời sống của nhân dân miền Nam“chưa bao giờ cơ cực như hiện nay, với nạn lạm phát phi mã và sự phá giá kinh khủng của đồng bạc” mà nguyên nhân là do “kết quả của một chính sách độc diễn, độc tài, đảng trị, kéo bè phái để xây dựng một nền dân chủ giả tạo, từ thượng tầng đến thôn ấp, không đại diện quyền lợi cho dân và không bảo vệ quyền lợi của dân” [18]. Kết thúc bản kiến nghị, các nghị sĩ và dân biểu kêu gọi Nguyễn Văn Thiệu “hãy nghe lời kêu gọi thiêng liêng của sông núi và của dân tộc, đừng kéo dài vô ích thảm cảnh hiện tại, hãy tự xử bằng cách tổ chức ngay cuộc Tổng tuyển cử ngõ hầu quốc dân có thể tự do chọn lựa một vị lãnh đạo xứng đáng trong hoàn cảnh và giai đoạn lịch sử này” [19].
Ngày 26-1-1975, 18 đoàn thể chính trị (Lực lượng hòa giải dân tộc, Phong trào nhân dân chống tham nhũng, Hội chủ báo, Tổ chức nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris, Ủy ban vận động cải thiện chế độ lao tù, …) ký chung một bản kiến nghị đòi Mỹ chấm dứt viện trợ cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và lên án Thiệu “là một cản trở cho hòa bình và cho sự hòa giải hòa hợp dân tộc, cũng như cho sự thi hành Hiệp định Paris” [20], đồng thời đòi Thiệu phải từ chức.
Ngày 1-2-1975, 23 tổ chức (Phong trào nhân dân chống tham nhũng, Hội đồng lãnh đạo tranh đấu đòi tự do báo chí và xuất bản, Lực lượng Luật sư tranh đấu, Lực lượng sinh viên, học sinh, các chính đảng và đoàn thể nhân dân, …) công bố chung một bản cáo trạng, tố cáo Nguyễn Văn Thiệu sau 8 năm cầm quyền “đã đưa xã hội miền Nam tới vực thẳm mạt vong, ông đã nuôi dưỡng và kéo dài chiến tranh bất tận” [21]. Bản cáo trạng chỉ rõ: “Còn ông Thiệu, không thể có hòa bình, vì ông là sản phẩm của chiến tranh, tăng trưởng bằng chiến tranh, tồn tại bằng chiến tranh” [22]. Vì vậy, thay mặt toàn thể nhân dân miền Nam, những tổ chức này đòi Thiệu phải từ chức.
Ngày 4-3-1975, ta bắt đầu đòn tiến công chiến lược Tây Nguyên, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Sau khi để Tây Nguyên rơi vào tay Quân giải phóng, tại Sài Gòn, không những các nhân vật thuộc phe đối lập mà những người thuộc phe ôn hòa cũng yêu cầu Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Tuy nhiên, Thiệu vẫn cố bám quyền lực. Cho đến khi “cánh cửa thép” Xuân Lộc bị xé toang trước sức tấn công của Quân giải phóng, ngày 21-4-1975, Nguyễn Văn Thiệu mới chịu từ chức. Sau khi lên thay, Trần Văn Hương tuyên bố: “Không có cách gì hơn là chúng ta cứ việc chiến đấu đến cùng … Chừng đó, dầu Sài Gòn này sẽ biến thành một biển máu … chúng ta sẽ cùng nước Việt Nam này (tức chế độ Sài Gòn) mà chết, chớ không thể đầu hàng được” [23]. Trong lúc đó, Nguyễn Cao Kỳ có những cuộc tiếp xúc với các tướng lĩnh, ráo riết vận động nhằm nắm giữ quân đội, thực hiện “tử thủ” nếu Sài Gòn bị quân Giải phóng tấn công.
Để ngăn chặn âm mưu này, các dân biểu đối lập trong ban Trí vận của ta đã tố cáo Trần Văn Hương âm mưu kéo dài chiến tranh và đòi hạ bệ Hương. Nhiệm vụ của cơ sở nằm vùng lúc này là tìm một nhân vật vừa được Mỹ ủng hộ vừa tán thành hòa bình để thay thế Trần Văn Hương. Trong hoàn cảnh này, đối tượng tỏ ra thích hợp nhất là Dương Văn Minh. Các cán bộ tình báo, điệp báo, binh vận, trí vận như Kỹ sư Tô Văn Cang, Thẩm phán Triệu Quốc Mạnh, Nhà báo Huỳnh Bá Thành, Nguyễn Văn Cước, …; những người gần gũi cách mạng hoặc cơ sở của ban Trí vận Thành ủy Sài Gòn – Gia Định như Luật sư Trần Ngọc Liễng, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Luật sư Ngô Bá Thành, nguyên Phó Chủ tịch Hạ viện Sài Gòn Hồ Văn Minh (cố vấn của Dương Văn Minh), những dân biểu đối lập, … đều nhất trí ủng hộ phương án Dương Văn Minh nhận làm tổng thống để chấm dứt chiến tranh. Những cốt cán và cảm tình cách mạng hoạt động trong “nhóm Dương Văn Minh” như Huỳnh Bá Thành, Dương Văn Ba và Lý Quý Chung đã cùng nhau thảo tuyên cáo chống chính phủ Trần Văn Hương, tố cáo Hương là tay sai Mỹ, lập một “chính phủ Thiệu không có Thiệu”. Bản tuyên cáo được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp và in ronéo phân phát cho báo chí Sài Gòn. Việc làm này đã gây chấn động dư luận, tạo cho Dương Văn Minh một thế đứng chính trị, công khai làm chỗ dựa cho lực lượng thứ ba và cơ sở của ta trong Chính quyền Sài Gòn, đồng thời cũng gây áp lực với Mỹ để Mỹ nhanh chóng buộc Hương trao quyền cho Dương Văn Minh. Tuy nhiên, Trần Văn Hương cố kéo dài quyền lực bằng cách trì hoãn khi tuyên bố chỉ ra đi khi quốc hội đồng ý. Như vậy, cuộc đấu tranh nhằm đẩy Trần Văn Hương ra khỏi Dinh Độc Lập đã hướng sang quốc hội.
Ngày 26-4, Quốc hội Sài Gòn được triệu tập để nghe tình hình quân sự và quyết định người thay thế Trần Văn Hương. Mặc dù, các đại biểu đều biết mục đích phiên họp là đưa Dương Văn Minh lên thay Trần Văn Hương nhưng cuộc thảo luận có lúc dẫm chân tại chỗ và rơi vào bế tắc do sự chống đối của những dân biểu, nghị sĩ thân Nguyễn Văn Thiệu nắm đa số trong cả Thượng nghị viện lẫn Hạ nghị viện. Số này lo sợ nếu phe Dương Văn Minh lên cầm quyền một mặt sẽ trả thù họ, mặt khác việc này sẽ khiến quân Giải phóng vào Sài Gòn nhanh hơn và họ không kịp di tản ra nước ngoài. Nắm được tâm lý đó, Dân biểu Lý Quý Chung với tư cách đại diện cho Dương Văn Minh đã khẳng định: “Thứ nhất, sẽ không có ai trong phe thân chính quyền bị trả thù vì hoạt động ủng hộ Thiệu hoặc chống phe đối lập. Thứ hai, những ai muốn rời khỏi Việt Nam thì sẽ được chính quyền mới cấp hộ chiếu ra đi chính thức” [24]. Với những hoạt động của lực lượng thứ ba trước và trong cuộc họp của Lưỡng viện Sài Gòn đã góp phần đưa Dương Văn Minh chính thức lên làm tổng thống với số phiếu gần như tuyệt đối: 147/151 phiếu.
Trong nội các Dương Văn Minh, ta vận động đưa người của ta hoặc ít ra là những người có xu hướng trung lập vào nắm các chức vụ quan trọng trong quân đội, cảnh sát và chính quyền, để góp phần làm chính quyền Sài Gòn từ mất hiệu lực đến nhanh chóng tan rã. Luật sư Nguyễn Văn Huyền (trí thức Công giáo) làm phó Tổng thống, Nghị sĩ Vũ Văn Mẫu giữ chức Thủ tướng, Lý Quý Chung làm Bộ trưởng Bộ Thông tin, Thẩm phán Triệu Quốc Mạnh nắm Giám đốc Nha Cảnh sát Đô thành, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh giữ chức Phụ tá Tổng Tham mưu trưởng Sài Gòn. Đối với Bộ Quốc phòng, Dương Văn Minh đã mời một nhân vật trong Lực lượng hòa giải dân tộc thuộc ảnh hưởng Phật giáo Ấn Quang – ông Bùi Tường Huân (giáo sư Đại học Huế) – giữ chức Bộ trưởng. Lý giải về vấn đề này, Dương Văn Minh giải thích: “Chính phủ của mình đâu có mục đích tiếp tục chiến tranh. Một Bộ trưởng dân sự và là một giáo sư đại học làm Bộ trưởng quốc phòng thể hiện cụ thể ý muốn hòa bình của anh em mình”[25].
Trong diễn văn nhậm chức, Dương Văn Minh chính thức công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời với đề nghị ngừng bắn và họp hội nghị hòa bình trong khuôn khổ của Hiệp định Paris, tuyên bố thả hết tù chính trị, yêu cầu quân đội bảo vệ phần lãnh thổ còn lại, thực hiện ngừng bắn khi có yêu cầu [26]. Tiếp theo, ngay trong ngày 28-4, Dương Văn Minh đã gửi thư cho Đại sứ Mỹ Martin, yêu cầu cơ quan Tùy viên quân sự Mỹ phải rời khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ. Yêu cầu này khiến Martin hết sức bất ngờ và thất vọng, bởi “đó là một sáng kiến dại dột vì không còn bất kỳ sự có mặt nào của người Mỹ ở Nam Việt Nam trong lúc này có nghĩa là loại bỏ mọi kiềm chế còn lại đối với sự hiện diện của quân miền Bắc tại Nam Việt Nam” [27].
Bộ trưởng Bộ Thông tin Lý Quý Chung yêu cầu Đài phát thanh và truyền hình Sài Gòn ngưng phát những bài hát “chống Cộng” và lời kêu gọi binh sĩ tiếp tục chiến tranh. Đồng thời, trấn an tinh thần của một bộ phận nhân dân đang hoảng loạn khi Mỹ tung tin nếu Sài Gòn thất thủ, ở miền Nam sẽ có “tắm máu”, ông kêu gọi đồng bào bình tĩnh, ở yên tại chỗ. Bên cạnh đó, sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm cũng xuất hiện trên truyền hình với tư cách là một trí thức yêu nước, kêu gọi mọi người hãy ở lại.
Chiều ngày 29-4, Triệu Quốc Mạnh ra lệnh cho thuộc cấp khẩn trương làm hai việc quan trọng là vô hiệu hóa hệ thống cảnh sát và thả tù chính trị. Ông cho giải tán các F (tức tổ chức cảnh sát đặc biệt), bộ chỉ huy cảnh sát quận và các cuộc cảnh sát (tổ chức cảnh sát ở cơ sở). Bộ máy kìm kẹp của chính quyền Sài Gòn tan rã, tạo điều kiện cho đồng bào nội đô nổi dậy. Trước khả năng tù chính trị có thể bị giết hàng loạt bởi những thành phần “chống Cộng” cực đoan bị dồn vào thế chân tường (như Lâm Chính Nghĩa, chỉ huy hành quân đang liên tục hăm he bắn tù chính trị), Triệu Quốc Mạnh đã “nhân danh Tổng thống” lệnh thả hết tù chính trị. Ở một diễn biến khác, nhằm tạo điều kiện cho Quân Giải phóng vào Sài Gòn nhanh hơn trước âm mưu của những phần tử hiếu chiến, định phá các cầu ở phía Bắc thành phố, Nguyễn Hữu Hạnh ra lệnh không được phá cầu.
8 giờ sáng 30-4-1975, Dương Văn Minh họp nội các chủ trương “Tuyên bố thành phố bỏ ngỏ”, giao chính quyền lại cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. 9 giờ 30 phút sáng 30-4, Đài phát thanh Sài Gòn phát tuyên bố của Dương Văn Minh: “Đường lối, chủ trương của tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sanh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ cộng hòa hãy bình tĩnh, ngưng nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận bàn giao chính quyền trong vòng trật tự, tránh sự đổ máu vô ích cho đồng bào” [28]. Đồng thời, Dương Văn Minh đồng ý để Nguyễn Hữu Hạnh ra “Nhật lệnh” cho quân đội Sài Gòn án binh bất động. Sau đó, các tuyên bố này đã liên tục phát đi phát lại nhiều lần nhằm ngăn chặn sự chống đối của những binh sĩ ngoan cố.
Trưa 30-4-1975, sau khi ta chiếm dinh Độc lập, theo yêu cầu của đại diện quân Giải phóng, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên đài phát thanh. Tiếp đó, Vũ Văn Mẫu kêu gọi “tất cả các tầng lớp đồng bào vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc, và quay trở lại sinh hoạt bình thường. Các nhân viên của các cơ quan hành chính quay trở về vị trí cũ theo sự hướng dẫn của chính phủ cách mạng” [29]. Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi.
Hòa chung trong phong trào chung của nhân dân đô thị miền Nam, từ sau Hiệp định Paris, lực lượng thứ ba đã có nhiều hoạt động tích cực đòi chính quyền NguyễnVăn Thiệu thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định, lập lại hòa bình, trả tự do cho tù chính trị, thực hiện các quyền dân sinh dân chủ. Ngoài ra, lực lượng này đã tấn công trực diện vào NguyễnVăn Thiệu, khi vạch mặt bản chất độc tài, tham nhũng, hiếu chiến của Thiệu bằng những bản tuyên bố và cáo trạng nảy lửa. Dù không hình thành một mặt trận chung song lực lượng thứ ba đã bước đầu tập hợp được nhiều thành phần, giới và những cá nhân có vị trí nhất định trong xã hội miền Nam tham gia, làm cho chính trường Sài Gòn thêm “sôi động”, góp phần thúc đẩy phong trào đô thị phát triển. Qua lực lượng thứ ba, dư luận trong nước và thế giới thêm hiểu hơn về chính sách tiếp tục chiến tranh của Mỹ và Việt Nam cộng hòa, từ đó càng làm cho chính quyền NguyễnVăn Thiệu bị cô lập trên trường quốc tế.
Góp phần vào thắng lợi nhanh chóng của chiến dịch Hồ Chí Minh, với một Sài Gòn hầu như nguyên vẹn, không thể không nhắc đến vai trò của lực lượng thứ ba trong nỗ lực đưa Dương Văn Minh lên nắm quyền tổng thống Sài Gòn vào buổi hoàng hôn của chính trường miền Nam Việt Nam. Về vấn đề này, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận xét: “Bản thân tôi cùng với anh em được giao tiếp quản Sài Gòn năm 1975, một Sài Gòn nguyên vẹn sau một cuộc chiến tranh như vậy, tôi nghĩ không thể không nói đến vai trò của các lực lượng chính trị đối lập với Mỹ – Thiệu, có quan hệ với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ … Sự xuất hiện trở lại trên chính trường của ông Dương Văn Minh chính là kết quả hoạt động tích cực của lực lượng thứ ba, lực lượng những người đấu tranh với Mỹ – Thiệu ngay trong lòng chế độ Sài Gòn bấy giờ” [30]. Gần 28 năm sau ngày Sài Gòn giải phóng (năm 2002), Trung ương Đảng đã đánh giá về Dương Văn Minh như sau: “Tuyên bố của Dương Văn Minh và nhật lệnh của Nguyễn Hữu Hạnh cũng đã có tác dụng nhất định làm giảm ý chí đề kháng của đại bộ phận quân ngụy vào những giờ phút chót của chiến tranh, tạo thuận lợi để quân ta tiến nhanh vào Sài Gòn” [31]. Rõ ràng, những việc làm của DươngVăn Minh và nội các của ông vào giờ phút quyết định của chiến tranh đã tránh được bao máu đổ và tang tóc cho nhân dân Sài Gòn cũng như các tỉnh còn lại. Đó không phải là hành động của kẻ bị dồn vào thế chân tường, mà là kết quả tổng hợp tác động của sự hợp đồng tác chiến của ba mũi đấu tranh quân sự, chính trị và binh vận; là kết quả của quá trình vận động lâu dài từ năm 1962 của người em trai Dương Văn Minh – Trung tá Dương Thanh Nhựt – và những người trong “nhóm Dương Văn Minh”; là truyền thống yêu nước tiềm ẩn của con người Việt Nam ở nhiều mức độ khác nhau, đến lúc có điều kiện thể hiện. Thắng lợi vĩ đại Xuân 1975 là công lao của cả dân tộc, như lời Thượng tướng Trần Văn Trà tuyên bố ở Dinh Độc lập (ngày 2-5-1975): “Đối với chúng ta, không có kẻ thua, người thắng mà chỉ có dân tộc ta thắng Mỹ”.
Chiến tranh đã đi qua bốn thập kỉ, đây là lúc chúng ta nhìn nhận lại đóng góp của mỗi cá nhân, tổ chức trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung, giai đoạn 1973-1975 nói riêng. Với những hoạt động sau Hiệp định Paris như đã trình bày, thiết nghĩ việc nghiên cứu và đánh giá lại vai trò của lực lượng thứ ba trong tiến trình cách mạng miền Nam là một vấn đề hết sức cần thiết.

[1]. Có thể kể một số tổ chức tiêu biểu sau: Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống (do Ngô Bá Thành sáng lập); Phong trào thi hành Hiệp định Paris; Mặt trận nhân dân cứu đói (tổ chức lớn nhất có sự tham gia của các nhóm Công giáo, Phật giáo, Hòa Hảo và Cao Đài. Linh mục Phan Khắc Từ là một trong 3 phó Chủ tịch); Mặt trận các tôn giáo vì hòa bình, hòa hợp và hòa giải (do Dương Văn Minh sáng lập); Lực lượng hòa hợp hòa giải dân tộc (tổ chức Phật giáo do Vũ Văn Mẫu lãnh đạo); Tổ chức nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris (do Ngô Bá Thành sáng lập); Ủy ban tranh đấu cho tự do báo chí và xuất bản (Dân biểu Nguyễn Văn Binh đứng đầu); Ủy ban đòi trả tự do cho tù chính trị của lực lượng thứ ba; Ủy ban bảo vệ quyền lợi người lao động (Linh mục Phan Khắc Từ lãnh đạo); Nhóm các nhà lập pháp tranh đấu cho tự do, dân chủ và hòa bình, …
[2]Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (2000), Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, tập 2 (1954-1975) Sơ thảo, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 330.
[3]Như: Huỳnh Bá Thành, Dương Văn Ba, Lý Quý Chung, Nguyễn Hữu Hạnh, Nguyễn Đình Đầu, Vũ Văn Mẫu, …
[4]. Ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, Nghị sĩ là đại biểu của Thượng nghị viện, còn Dân biểu là đại biểu của Hạ nghị viện.
[5]. Điều 11 của Hiệp định Paris: Ngay sau khi ngừng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ:
– Thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia.
– Bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do đi lại làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh.
[6]&2. “Dung hòa đề nghị 16 điểm của hai bên công bố tại Hội nghị St Cloud ngày 25-4-1973 của Big Minh”, Tạp chí Độc lập, ngày 3-5-1973, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh, ký hiệu PTtg 3.679.

[8],4&5.Văn phòng Phụ tá đặc biệt về Ngoại vụ, Báo cáo tình hình chính trị Quốc nội ngày 31-3-1973 đến ngày 14-4-1973, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh, ký hiệu Đệ II CH 1.193.


[11]. “Cuộc họp báo của bà Ngô Bá Thành”, Báo Hòa bình, ngày 7-10-1973, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh, ký hiệu Đệ II CH 6.698.
[12]&3.Tuyên ngôn của Ủy ban nhân quyền vận động hòa bình, ngày 18-9-1974, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh, ký hiệu Đệ II CH 1.272.

[14],2&3.Tài liệu về Mặt trận nhân dân cứu đói, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh, ký hiệu Đệ II CH 1.333.


[17],5&6.Bản kiến nghị đòi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức ngày 31-10-1974, Trung Tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh, Ký hiệu tài liệu Đệ II CH 6.723.


[20]. Quyết định của các lực lượng, phong trào, mặt trận và đoàn thể nhân dân tranh đấu cho hòa bình, dân chủ, tự do và công bằng xã hội yêu cầu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh, Đệ II CH 6.723.
[21]&3.Cáo trạng chánh trị, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh, Đệ II CH 7.669.

[23]. Hội đồng Chỉ đạo biên soạn lịch sử Nam Bộ kháng chiến (2007), Biên niên sự kiện lịch sử Nam Bộ kháng chiến chống Mỹ nước 1954-1975, tr. 419.

[26]. Theo Lý Chánh Trung: “Dương Văn Minh tuy có ý định bàn giao chính quyền cho cách mạng nhưng để tránh đổ máu, phải cân nhắc nên dùng từ ngữ gì trong thời điểm này để không tạo cớ cho Nguyễn Cao Kỳ, Trần Hữu Thanh kích động quân sĩ Sài Gòn đảo chính vào giờ chót” [Hội đồng Chỉ đạo biên soạn lịch sử Nam Bộ kháng chiến (2011), Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Tập 2 (1954-1975), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 941].
[27]. Nguyễn Phú Đức (2010), Những cuộc đàm phán về hòa bình Việt Nam, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội, tr. 626.
[28]. Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Sđd, tr.953.
[29]. Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Sđd, tr. 962.
[30]. Kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975/2011): Đóng góp của “thành phần thứ ba” cho ngày chiến thắng, Nguồn: http://daidoanket.vn/PrintPreview.aspx?ID=28937.
[31]. Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Sđd, tr. 988.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét