Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Hành trình của một lao động sang nước ngoài làm việc?

THĐP
joseptuat

Featured Image: Pixabay
Tiếp nối bài viết “Tại sao lại phải rời bỏ quê hương của mình để ‘tha hương cầu thực’ một cách khổ sở như vậy?” Hôm nay, tôi xin mạn phép tóm tắt lại quá trình của một lao động Việt muốn đi xuất khẩu lao động bên các nước tư bản. Với những nguồn tin đáng tin cậy, và từng có thời gian tiếp xúc lâu dài với một bộ phận những người Việt đã và đang làm việc tại nước ngoài theo con đường ‘xuất khẩu lao động’, tôi sẽ cố viết thật khách quan và trung thực như những gì đang xảy ra với hy vọng gửi đến cho những ai chưa hiểu rõ về vấn đề này có một cái nhìn chân thật nhất.


Các giấy tờ Pháp Lý

Bất kỳ ai muốn đi lao động nước ngoài đều phải qua giai đoạn này. Ngoài những giấy tờ cần thiết để có thể xuất cảnh như hộ chiếu, visa thì một bộ hồ sơ gồm nhân thân của người lao động do địa phương xác nhận, giấy chứng nhận không tiền án tiền sự do công an tỉnh hay thành phố cấp là điều không thể thiếu. Câu chuyện của những cái hộ chiếu, visa, giấy chứng nhận từ chính quyền đến công an là cả một câu chuyện dài của những chiếc phong bì, những tay môi giới.
Muốn được chính quyền địa phương chứng nhận các giấy tờ, người đi xuất khẩu lao động cần phải đóng các tiền thuế phí chưa hoàn thành từ trước tới nay. Đó là cách chính quyền thu thuế từ người dân. Đương nhiên, ngoài tiền lệ phí bắt buộc phải đóng cho các giấy tờ theo quy định, người làm các thủ tục giấy tờ xuất nhập cảnh muốn thuận lợi, còn phải có một khoản phí khác ngoài tiền thu đã được niêm yết giá. Nó được gọi những cái tên như: tiền cafe, tiền bồi dưỡng, tiền lót đường. Khi hoàn thành các giấy tờ cần thiết để được xuất khẩu, người lao động đến giai đoạn chính của công đoạn đi làm thuê xứ người tại các cty xuất khẩu lao động.

Đường dây môi giới của các trung tâm XKLĐ

“Cò” hay “môi giới” là tên gọi dành cho những người không thuộc nhân viên chính thức của các cty xkld, nhưng họ lại có mối liên hệ rất mật thiết trong đường dây tuyển người của các cty này.
Đường dây môi giới được chia làm hai cấp. Một là môi giới phụ vì họ không trực tiếp làm việc với các cty xkld. Họ chuyên kiếm người và giới thiệu cho môi giới chính.
Hai là môi giới chính, họ là những người liên hệ trực tiếp với các cty xkld, họ không thông qua bất kỳ một môi giới nào. Họ kiếm người và đưa thẳng ra các cty xkld.
Tiền chi phí của các lao động thường cao ngất ngưỡng so với quy định một phần là do phải trả cho các tay môi giới này. Theo nguồn tin từ các lao động đi làm ở Đài Loan: môi giới phụ sẽ nhận được số tiền từ 100-150 USD nếu lao động họ giới thiệu qua được nước ngoài làm việc, đương nhiên là nhận tiền từ môi giới chính. Còn môi giới chính, sẽ nhận được 1.000 USD nếu lao động của người này qua được nước ngoài làm việc, do TTXKLĐ trực tiếp trả. Đó là tiền chi phí dành cho các môi giới trong đường dây xuất khẩu qua Đài Loan với chi phí mà lao động phải trả từ 5.000-6.000 USD. Chắc chắn tiền chi phí phải trả cho các môi giới trong đường dây đưa người đi Hàn Quốc, Nhật Bản phải cao gấp hai, gấp ba lần, vì chi phí để được đi qua HQ, NB mà người lao động phải trả rất cao, thường dao động khoảng từ 10.000-15.000 USD.
Vậy câu hỏi đặt ra là: tại sao các lao động không trực tiếp đến thắng các cty xkld để đăng ký xuất khẩu, mà phải qua các môi giới?
Muốn đi xkld thuận lợi thì cần phải qua môi giới, còn nếu trực tiếp đến các cty thì họ cũng sẽ phân các lao động đó cho các môi giới ở trong đường dây của các cty. Đường nào lao động cũng phải có môi giới. Vậy
tại sao môi giới lại cần thiết như vậy?
Như đã nói môi giới là những người không thuộc biên chế của cty xkld, vì thế nếu có chuyện gì liên quan đến vấn đề pháp lý các cty xkld dễ dàng phủ nhận. Thứ hai, các môi giới là những người làm việc trực tiếp với lao động về tiền bạc, và họ có một nguyên tắc là không ký giấy tờ khi nhận tiền. Đây là đường dây lách luật, cũng như bóc lột, và khéo léo khá tinh vi từ môi giới đến cty xkld.

Sinh hoạt của các lao động ở các TTXKLĐ

Khi lao động đến các cty xkld, việc đầu tiên họ cần làm là đóng tiền học phí và tiền ăn nghỉ cho trung tâm, nếu lao động muốn ngủ lại trung tâm trong thời gian học tập và tuyển việc.
Một cty xkld có ít nhất từ hai trung tâm dạy và tuyển người, và ở mỗi trung tâm xkld thường có ít nhất ba lớp học cho ba đối tượng xuất khẩu: Đài, Hàn và Nhật. Số lượng lao động tập trung ở các trung tâm này luôn dao động từ 40-50 người. Phòng học rộng khoảng 35 m2, và cũng là phòng ngủ, mỗi phòng chen chúc không giới 15 người với cảnh nằm chen chúc chẳng khác nào cảnh sống tỵ nạn. Đóng tiền phòng hàng tháng cho trung tâm nhưng chỗ nghỉ ngơi và sinh hoạt thì tệ chẳng khác nào cái lò gạch của Chí Phèo.

Câu chuyện đơn hàng và tiền chi phí

Theo như tôi được biết các cty môi giới ở Việt Nam luôn cung cấp thiếu, hoặc sai về tình trạng làm ăn của các công cty tuyển người ở nước ngoài. Có nhiều trường hợp ở Việt Nam, cty mối giới bảo lao động qua làm điện tử nhưng khi tới nơi thì lại đi làm hàn xì. Hay bảo đi làm giày dép nhưng lại đi làm công xưởng cắt kiếng, vân vân. Và nữa, các thông tin về độ nguy hiểm, độc hại, cũng như tình trạng làm ăn kém cỏi của các công xưởng ở nước ngoài luôn bị các cty mối giới giấu diếm, và nói ngược. Họ luôn bảo cty bên ấy làm ăn được, phúc lợi tốt, rồi đưa ra vài ba ví dụ về người này người nọ để lừa lao động. Điều họ cần là móc càng nhiều tiền của lao động càng tốt. Hơn nữa họ luôn hét giá thật cao nếu công xưởng ở nước ngoài làm ăn nên và phúc lợi tốt.
Khi lao động đã trúng đơn hàng, họ sẽ phải đi khám sức khoẻ. Câu chuyện đi khám sức khoẻ của lao động cũng có nhiều chuyện để nói. Tiền khám sức khoẻ cũng bị đôn lên khá cao so với quy định, vì phải qua môi giới.
Các lao động nữ khi chụp x-quang, có nhiều trường hợp phải cởi hết áo, không như bên này họ có một chiếc áo chuyên biệt dành cho chị em phụ nữ.
Khi đã trúng đơn hàng, các lao động phải ký hai loại giấy tờ cần thiết. Một là giấy tờ xác nhận không trốn ra ngoài, nếu trốn ra ngoài sẽ bị phạt từ 80-100 triệu đồng. Tại sao lao động phải ký loại giấy tờ này? Tình trạng các lao động Việt khi qua bên Đài, Nhật, Hàn làm việc một thời gian thì thường hay ở lại đó luôn một cách bất hợp pháp. Lý do vì sao họ không muốn về Việt Nam và trốn lại đó làm việc thì xin đọc bài “tại sao lại rời bỏ quê hương..” trên, để hiểu rõ hơn. Vấn đề là các lao động hầu như bị ràng buộc rất lớn vào công việc bên nước ngoài, cho dù tình trạng làm ăn của các cty bên đó như thế nào? Và chế độ phúc lợi làm sao?
Hai là ký xác nhận cty xkld chỉ thu của lao động số tiền đúng như pháp luật quy định. Chẳng hạn, đối với một lao động đi làm việc Đài Loan, chi phí được cho phép thu dao động từ 4.000-4.500 usd, nhưng thực tế các cty xkld thu từ 5.500-6.000 usd.
So với các nước trong khu vực mức thu phí xuất khẩu lao động của Việt Nam là quá cao so với Philippines, Thái Lan, Indonesia. Theo các lao động làm việc ở Đài Loan, các lao động của những nước trên khi qua Đài, Hàn hay Nhật làm việc mức chi phí từ 2.000-3.000 usd. Những lao động Philippines, Indonesia, Thái Lan họ bảo số tiền họ đóng cho các trung tâm xkld phần lớn là tiền vé chi phí máy bay. Xét trên khia cạnh này, các lao động Việt Nam bị bóc lột từ hai đường dây. Một từ chính quyền, hai từ đường dây tuyển người của các cty xkld. Bởi tiền vé may bay (khứ hồi) của lao động đi qua Hàn, Nhật, Đài không bao giờ vượt quá 2.000 usd. Số tiền chi phí bỏ ra của các lao động Việt Nam là một trong những nguyên nhân khiến con đường xkld không phải là một con đường làm giàu, thực tế nó còn là nguyên nhân chính khiến không ít lao động phải ở lại làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài.
Đối với các lao động đi xkld Việt Nam mà nói, tất cả những chi phí họ phải trả đều phải vay mượn từ bên ngoài. Một số ít vay mượn từ người thân, phần lớn còn lại đều phải cầm sổ đỏ, hoặc vay từ các tay nợ nóng. Bởi tình trạng vay mượn từ người khác, ngân hàng hay chủ nợ nóng nên các lao động Việt Nam chỉ còn một đường là chấp nhận bị bóc lột để ít ra có thể kiếm đủ tiền trả nợ ở nhà. Có không ít trường hợp làm hết ba năm hợp đồng chỉ đủ để trả nợ cho ngân hàng.
Tất cả những gì được viết ra đây không đúng 100% thì cũng chính xác 99%. Bài viết chỉ hy vọng giúp một tiếng nói vào vấn nạn bất công mà các lao động xkld đang phải gánh chịu, hy vọng sẽ có nhiều tiếng nói hơn từ dư luận để làm thị trường tuyển dụng lao động đi làm việc nước ngoài ở Việt Nam công bằng và trong sạch hơn.
Thân.
Joseptuat.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét