Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Về Hành động hợp Hiến của công dân và cử tri

Nguyễn Thanh Tùng

18-4-2016

Kính thưa toàn thể các ứng cử viên và cử tri cả nước,
Trong phạm vi lá thư ngỏ này tôi chỉ xin nêu ra với tất cả quý vị những suy tư của cá nhân tôi về thực trạng có chăng các quyền Hiến định của Công dân trong các lĩnh vực đời sống chính trị xã hội, một trong những quyền cơ bản đó là Quyền Tự do Ứng cử của Công dân và Quyền tự bầu cử của Cử tri đã và đang tiếp tục bị ngăn cản và bị tước bỏ trên thực tế hay không? Nếu có thì trách nhiệm thuộc về tổ chức hay cá nhân nào?
Cũng trong phạm vi lá thư ngỏ này tôi chỉ xin nêu ra với tất cả quý vị những suy nghĩ cá nhân việc Cử tri và các Ứng cử viên có nên và cần có những việc làm hay hành động hơp Hiến gì để đảm bảo quyền tự do ứng cử của Công dân và quyền tự do lựa chọn người Đại diện của Cử tri trên thực tế chứ không chỉ là trên giấy như từ trước cho đến nay.
1- Quyền Hiến định- Quyền tự do Ứng cử của Công dân và Quyền tự do Bầu cử của Cử tri có được tôn trọng và tạo điều kiện thực thi đầy đủ trên thực tế bởi Chính phủ của đảng cầm quyền hiện nay hay không?


1.1 – Trước hết chúng ta cần phải thống nhất và khẳng định Quyền tự do Ứng cử và Bầu cử là quyền Hiến định của  mọi Công dân và Cử tri Việt Nam. 
Các quyền này đã được quy định rất cụ thể và rõ ràng trong tất cả các bản Hiến pháp từ năm 1946 cho đến nay (1946, 1959, 1980, 1992 và 2013). Điều 27 của Hiến pháp 2013 quy định:
Điều 27: Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.”
– Hiến pháp được gọi là đạo luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước, các quy định của Hiến pháp là cơ sở pháp lý để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất; đồng thời là cơ sở cho việc tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước. 
– Mặc dầu còn nhiều ý kiến không đồng tình hay còn rất nhiều điều còn cần phải làm sáng tỏ những điều ghi trong mục 1 của
Điều 4 Hiến pháp Việt Nam 2013 như:
+ Liệu đảng Cộng sản Việt Nam với nền tảng tư tưởng và phương châm hoạt động thì có còn xứng đáng là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam hay không?
+ Liệu đảng Cộng sản Việt Nam với chủ thuyết Mác-Lê và phương châm hoạt động đặt Cương lĩnh của Đảng lên trên Hiến pháp thì có còn xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và Xã hội Việt Nam hay không? 
– Tuy nhiên đảng Cộng sản Việt Nam đã tự giác tuyên bố và tự nhận trước quốc dân đồng bào cả nước như ghi trong mục 2 và mục 3 của Điều 4, Hiến pháp năm 2013 đang có hiệu lực là: Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. “
Do vậy nhân dân Việt Nam đều hiểu rằng đảng cầm quyền (đảng Cộng sản) và chính quyền của họ cam kết tôn trọng các quyền Hiến định trong đó bao gồm các quyền tự do Ứng cử và Bầu cử này là quyền cơ bản của Công dân và Cử tri như đã được Hiến pháp quy định và bảo đảm. Các quyền cơ bản này không bị hạn chế hay mất đi bởi bất cứ điều Luật hay thông tư và chỉ thị nào khác của Đảng và Chính quyền Cộng sản Việt Nam.
1.2- Các quyền Hiến định – tự do Ứng cử của Công dân và tự do Bầu cử của Cử tri trên thực tế có được đảng Cộng sản Việt Nam và Chính quyền của họ tôn trọng hay không?
Để trả lời một cách trung thực và khách quan câu hỏi trên đây, chúng ta hãy cùng ghi nhận và phân tích kỹ những diễn biến thực tế trong suốt các năm vừa qua mà ró ràng nhất là những chủ trương và việc tổ chức thực hiện trong cuộc bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021 hiện nay.
a- Quan điểm của các lãnh đạo đảng CS Việt Nam hay Chủ trương của đảng CS Việt Nam:
Mở đầu là tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng TBT đảng Cộng sản Việt nam trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 8/3/2016: “Không để lọt vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước những phần tử thế này thế khác”. – vietnamnet.vn
Đây là thái độ không còn gì có thể rõ ràng hơn của người đứng đầu đảng CSVN bày tỏ thái độ trước sự kiện nhiều người không do đảng giới thiệu ra ứng cử mà tự nộp đơn tranh cử vào quốc hội – một cơ quan vẫn bị coi là của đảng CS và chỉ vì đảng CS. Chúng ta có thể coi tuyên bố trên đây là CHỦ TRƯƠNG cố hữu và nhất quán của đảng CS Việt nam: Không để bất cứ người nào không do đảng CS giới thiệu ra ứng cử có thể trở thành Đại biểu Quốc hội cho dù đó chỉ là Quốc hội bù nhìn chỉ đại diện quyền lợi cho đảng CS chứ không đại diện cho quyền lợi của đất nước và Nhân dân.
b- Tổ chức thực hiện- biến chủ trương thành hiện thực:
– Một tuần sau khi có chủ trương rõ ràng đó của TBT Nguyễn phú Trọng, ngày15/3, tại một cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội, một đoàn giám sát do ông Nguyễn Xuân Phúc – ứng cử viên cơ cấu cho chức vụ thủ tướng trong tương lai rất gần, đã làm việc với thành phố Hà Nội.Nội dung lập tức gây sốc trong cuộc họp là “Theo một thành viên đoàn giám sát, Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng bầu cử Quốc gia nhận định kỳ bầu cử lần này phức tạp hơn, đã hình thành phong trào tự ứng cử. Trong 47 người tự ứng cử tại Hà Nội, “một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài đứng ra vận động bầu cho họ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động”, ông cho hay, tuy nhiên ông không nêu cụ thể trường hợp nào”(báo điện tử VnExpress, ngày 15/3/2016 bài “Tổ chức phản động đứng sau một số người ứng cử  Quốc hội). Chúng ta có thể hiểu và xem việc một quan chức của cái gọi là Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng bầu cử Quốc gia tung tin thất thiệt, vu khống các ứng cử viên tự do như trên đây là nhằm gây hoang mang nghi ngờ trong xã hội và cử tri cả nước. Bước đầu tạo ra dư luận xã hội không tốt về các ứng cử viên tự do để nhằm thực hiện chủ trương của đảng CS là loại bỏ cho bằng được tất cả các ứng cử viên tự do này. Nhân đây tôi cũng muốn giải thích với tất cả quý vị là tại sao tôi dùng chữ ứng cử viên tự do mà không sử dụng chữ ứng cử viên độc lậpĐó là vì các ứng cử viên này của chúng ta đã và đang thực hiện quyền Hiến định của mình (quyền Tự do Ứng cử).
 – Các cơ quan hành pháp bằng mọi cách cố tình tạo chứng cớ vi phạm pháp luật của các ứng cử viên tự do:
Bắt cóc quay phim chụp hình các ứng cử viên tự do trước Tòa án khi đến tham dự phiên tòa xét xử anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh rồi sau đó ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về cái gọi là “Tụ tập đông người trái phép” hay “gây rối trật tự công cộng” như trường hợp ứng cử viên Nguyễn Quang A và một số người khác.
– Ngụy tạo ra cái gọi là dư luận quần chúng và xã hội:
Tổ chức, khuyến khích và làm ngơ cho các cá nhân và nhóm dư luận viên tuyên truyền nói xấu, vu khống các ứng cử viên tự do. Cụ thể như trường hợp Nguyễn Văn Bái ngụy tạo và phân phát các tài liệu nói xấu và vu khống ứng cử viên Nguyễn Quang A; Nhóm Viet Vision dàn dựng  làm phóng sự phỏng vấn một vài cá nhân đã được đạo diễn trước, bới móc đời tư và nói xấu các ứng cử viên tự do khác….
– Gây khó dễ về thời gian và thủ tục đăng ký:
Lợi dụng việc xác nhận lý lịch cho hồ sơ đăng ký ứng cử để cố gắng loại ứng cử viên từ bước ban đầu càng tốt. Còn nếu như chưa loại ngay được họ từ bước đầu thì chí ít cũng với mục đích là gây khó dễ, để làm nản lòng các ứng cử viên tự do để họ tự bỏ cuộc.Tiêu biểu như trường hợp ứng cử viên Nguyễn Trung Tôn khi yêu cầu khai bổ sung lý lịch chỉ vì không khai 2 con vị thành niên của ông có là đảng viên CS hay không trong lúc thời gian để chấp nhận hồ sơ đã sắp kết thúc. Ngoài ra còn nhiều kiểu gây khó dễ hèn hạ khác mà hầu như tất cả các ứng cử viên tự do đều đã phải chịu đựng.
– Tổ chức hội nghị cử tri phi pháp và phi dân chủ:
+ Phi pháp: 
Gợi ý những lập luận phản đối ứng cử viên tự do cho một số cử tri được lựa chọn để họ phát biểu ý kiến theo mong muốn của đảng CS Việt Nam. Thậm chí là dùng cả hành vi đe dọa của công an đói với cử tri như trường hợp của ứng cử viên Nguyễn Tường Thụy.
Hạn chế số lượng cử tri tham dự “Hội nghị tiếp xúc cử tri” trong phạm vi số lựợng và danh sách cử tri cụ thể do chính quyền và đại diện Hội đồng Bầu cử lựa chọn sau khi đã tuyên truyền và thuyết phục họ sẽ phát biểu theo gợi ý trước của chính quyền và cơ quan Bầu cử. Việc này trên thực tế đã tước đoạt trắng trợn trái pháp luật quyền giới thiệu ứng cử viên (có thể là người đại diện trong tương lai) của phần đông  cử tri trong đơn vị bầu cử địa phương đó.
+ Phi dân chủ:
Ngăn cản các ứng cử viên tự do được trình bày cương lĩnh tranh cử của mình trước cử tri để giành sự đồng tình và ủng hộ của cử tri cũng như giải đáp được những thắc mắc hay hiểu sai của cử tri về cá nhân ứng cử viên tự do.
Cách tổ chức hội nghị cử tri không công khai minh bạch: không cho quay phim, chụp hình, ghi âm. Thậm chí có trường hợp còn không thông báo cho ứng cử viên tự do biết để tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri như trường hợp của ứng cử viên Ngô Anh Tuấn.
Kiểm đếm phiếu bầu cử của các cử tri một cách mờ ám không công khai minh bạch và có dấu hiệu gian lận. Như trường hợp của các ứng cử viên: Nguyễn Xuân Diện (Kiểm phiếu trong phòng kín không có sự chứng kiến của những cử tri và ứng cử viên có mặt và thời gian quá lâu một cách vô lý 30 phút cho việc kiểm đếm 58 phiếu bầu); hay như trường hợp ứng cử viên Ngô Xuân Phúc đã có đơn tố cáo người trong ban tổ chức cố tình làm sai lệch kết quả phiếu bầu và trường hợp của ứng cử viên Võ An Đôn thì không kiểm phiếu tại phòng họp mà đem ra miếu hoang để ban tổ chúc tự kiểm không có ai chứng kiến.
Qua xem xét chi tiết từng tuyên bố, việc làm cụ thể của người đứng đầu đảng CS Việt Nam và các cán bộ nhân viên trong các cơ quan chính quyền và Hội đồng bầu cử có liên quan đến các ứng cử viên tự do nói chung và từng ứng cử viên tự do cụ thể, chúng ta buộc phải có nhận xét hay kết luận là: Quyền Hiến định – Tự do ứng cử của Công dân và quyền tự do bầu cử của Cử tri đã và đang không được thực thi đầy đủ trong thực tế và có lúc có nơi bị trà đạp một cách toàn diện và thô bạo bởi đảng Cộng sản và Chính quyền của họ? 
2- Ứng cử viên và Cử tri  nên và cần phải làm gì để bảo vệ và thực hiện quyền Hiến định (Quyền tự do Ứng cử của Công dân và Quyền tự do Bầu cử của Cử tri) của mình?  
2.1- Các ứng cử viên tự do nên và cần làm gì? Câu hỏi “Nên chăng” được đặt ra cho mỗi chúng ta và cho tất cả chúng ta là:
NÊN CHĂNG:
– Tất cả các ứng cử viên tự do từng người một gửi đơn tới Hội đồng bầu cử Quốc gia ở từng địa phương đồng thời gửi tới Hội đồng bầu củ Quốc gia Trung ương để thứ nhất tố cáo việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri không dân chủ thể hiện ở ít nhất ba việc: Số lượng cử tri quá ít, không đủ để đại diện cho ý kiến và nguyện vọng của số đông cử tri trong địa bàn dân cư của mình; thành phần cử tri đã được lựa chọn bởi những người trong ban tổ chức buổi họp tiếp xúc cử tri, do đó những ý kiến của những cử tri không khách quan và không thể là ý kiến của số đông cử tri khác; không cho Ứng cử viên tự do được giải đáp các chất vấn hay thắc mắc của cử tri để cho cử tri hiểu đúng, rõ ràng và đầy đủ về những gì họ muốn tìm hiểu về ứng cử viên mà họ đang tiếp xúc và góp ý. Nếu có bằng chứng rõ ràng, cụ thể và thuyết phục cho việc tổ chức hay cá nhân nào đã gây áp lực để các cử tri phải có ý kiến vu khống hay không đúng về các ứng cử viên tự do dẫn đến việc cử tri loại ứng cử viên trong cuộc tiếp xúc cử tri này thì kèm theo nội dung tố cáo đề nghị điều tra hình sự, đồng thời chính thức tuyên bố bác bỏ kết quả bỏ phiếu của buổi tiếp xúc cử tri một cách hợp pháp.
– Công bố tất cả các đơn tố giác của từng ứng cử viên tự do như đề cập ở phần trên, trên các phương tiện thông tin xã hội cho mọi người có thể đọc được, biết rõ và hiểu đúng thực chất của vấn đề xảy ra cho các ứng cử viên tự do. Đây cũng sẽ là biện pháp thông tin dến mọi tầng lớp trong xã hội để từng bước nâng cao nhận thức về quyền con người, quyền công dân và quyền của cử tri của đông đảo người dân trong xã hội vì tiến bộ trong tương lai.
– Kiến nghị tập thể hay thu thập chữ ký của đông đảo các tầng lớp nhân dân để làm rõ sự cần thiết bãi bỏ việc tổ chức cái goi là Hội nghị tiếp xúc cử tri trong tương lai. Hoặc nếu chưa thể bãi bỏ được việc này thì có thể đưa kiến nghị sửa đổi các quy định về việc tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri theo hướng đảm bảo đúng pháp luật và dân chủ hơn.
NÊN CHĂNG CẦN KIẾN NGHỊ:
+ Sau khi hồ sơ đăng ký ứng cử được chấp nhận là hợp lệ bởi văn phòng đại diện của Hội đồng bầu củ Quốc gia ở các địa phương, các ứng cử viên được các tổ chức giới thiệu ra ứng cử hay các ứng cử viên tự do đều được bắt đầu công khai thực hiện việc: phổ biến lý lịch, công khai tài sản, cương lĩnh tranh cử và chương trình hành động nếu trúng cử của mình đến tất cả các cử tri và cư dân nơi mình làm việc và cư trú (cả nơi tạm trú lẫn nơi thương trú) Tất cả các ứng cử viên đều có trách nhiệm tiếp thu và giải đáp những thắc mắc hay chất vấn của cử tri và cư dân nơi làm việc và cư trú. Trước khi hội nghị tiếp xúc cử tri bắt đầu và trong khi hội nghị đang diễn ra tất cả các ứng cử viên đều có trách nhiệm và quyền lợi được công bố công khai khả năng và cương lĩnh tranh cử của mình đồng thời tiếp tục giải đáp và làm rõ thêm tất cả những thắc mắc của củ tri trước khi bỏ phiếu tin nhiệm.
+ Tất cả các cử tri trong phạm vi đơn vị dân cư nơi ứng cử viên ra ứng cử đều phải được thông báo và có quyền được đến tham dự buổi tiếp xúc lấy ý kiến cử tri mà không bị căn trở.  Đồng thời mỗi cử tri đều được nhận một phiếu bầu kèm danh sách những ứng cử viên sẽ được lấy ý kiến cử tri trong buổi tiếp xúc cử tri đó. Cử tri sẽ đem theo phiếu bầu đã được phát trước này đến tham dự buổi họp và sử dụng phiếu bầu đó để bầu cho ai mình tín nhiệm vào cuối buổi tiếp xúc cử tri.
+ Tổng số cử tri tham dự và tổng số phiếu bầu (trực tiếp và vắng mặt) của cử tri phải bằng hoặc nhiều hơn 50% tổng số cử tri của nơi làm việc hay khu vực bầu cử nơi cư trú của từng ứng cử viên mới được chấp nhận  là  hợp lệ. Đây là căn cứ để xác định ứng cử viên đó có được vào tiếp vòng sau hay không.
+ Để đảm bảo tính dân chủ và đúng pháp luật thì việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri phải được tổ chức và diễn ra công khai minh bạch. Các phóng viên của các cơ báo và đài truyền hình chỉ cần xuất trình thẻ phóng viên hợp pháp là có thể tham dự, ghi âm, ghi hình và thực hiện phỏng vấn ứng cử viên và cử tri. Việc bỏ phiếu tín nhiệm phải diễn ra công khai ngay tại phòng họp trước sự chứng kiến của các cử tri, ứng cử viên và các phóng viên (nếu có). Tương tự như thế việc kiểm phiếu phải do một Ban kiểm phiếu gồm một đại diện ban tổ chức buổi họp, một đại diện của cử tri do cử tri có mặt trong buổi tiếp xúc bầu ra bằng cách giơ tay biểu quyết. và một đại diện của mỗi ứng cử viên cử ra. Người đai diện của cử tri sẽ làm nhiệm vụ thư ký của ban kiểm phiếu. Sau khi Thư ký lập xong biên bản ghi nhận kết quả kiểm phiếu thì đưa cho tất cả các thành viên khác trong Ban kiểm phiếu xem nếu tất cả đồng ý với Biên bản kiểm phiếu thì cùng ký tên vào xác nhận để Biên bản kiểm phiếu có giá trị pháp lý và sẽ được đại diện của ban tổ chức buổi họp công bố cho toàn  thể cử tri có mặt được biết sau đó sẽ được gửi lên Hội đồng Bầu cử có thẩm quyền để đưa vào danh sách của giai đoạn  kế tiếp. Biên bản ghi nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm này cần được công bố trên các phương tiện thông tin của UBND và HDBC và cũng được phép công bố ở nơi làm việc và cư trú của các ứng cử viên và các trang thông tin cá nhân của cử tri và các ứng cử viên hay các báo và đài truyền hình nếu họ muốn.
2.1- Các cử tri nên và cần làm gì? Câu hỏi “Nên chăng” cũng được đặt ra cho mỗi chúng ta và cho tất cả chúng ta là:
NÊN CHĂNG:
 Làm đơn tố cáo đến các cơ quan hữu quan của Hội đồng bầu cử Quốc gia địa phương mình làm việc và cư trú và Hội đồng bầu cử Quốc gia Trung ương để tố cáo việc làm thiếu dân chủ của các ban tổ chức hội nghi tiếp xúc cử tri ở nơi mình làm việc hoặc cư trú đã cố ý không thông báo và gửi giấy mời để các cử tri đến tham dự buổi tiếp xúc cử tri với các ứng cử viên để các cử tri thực hiện quyền Hiến định của mình trong việc lựa chọn và giới thiệu ứng cử viên mà mình tín nhiệm. Các cử tri kiên quyết thể hiện rõ quan điểm của mình không chấp nhận cho một số ít người mà mình không biết và không lựa chọn có quyền đại diện hay thay mặt mình trong buổi tiếp xúc cử tri vừa qua. Tuyên bố không công nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của các buổi tiếp xúc cử tri mất dân chủ và có yếu tố vi phạm pháp luật đó.
– Tất cả các cử tri hãy nêu cao trách nhiệm và thực hiện đầy đủ có hiệu quả quyền Hiến định- Tự do bầu cử của mình để sáng suốt lựa chọn và bầu những ứng cử viên nào mà mình tin tưởng họ sẽ có ĐỨC, TRÍ, DŨNG và NHÂN vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân địa phương. Làm sao để có thể lựa chọn và bầu được những người như thế hay có vẻ sẽ như thế trong tình hình mà hầu như tất cả ứng cử viên có tên trong danh sách bầu cử đều là người của đảng CS hay it nhất thì cũng do đảng CS lựa chọn trước.
NÊN CHĂNG:
+ Trước hết hãy bầu cho những người nào có cương lĩnh tranh cử rõ ràng, công khai mà cương lĩnh của họ đặt lợi ích của đất nước và người dân lên trên hết. Cương quyết không bầu cho bất cứ ứng cử viên nào không công bố công khai cương lĩnh và trương trình hành động nếu trúng cử. Đặc biệt đối với các quan chức thì nhất quyết không bầu cho những người không công khai tài sản của cá nhân và gia đình họ cho dù họ có cương lĩnh hay chương trình hành động hay không vì những người này không dám công khai những thông tin này sẽ có nhiều nguy cơ họ sẽ đồng lõa hay che giấu và bao che cho tham nhũng.
+ Ưu tiên bầu cho những người chưa từng là đại biểu lần nào nếu họ có đủ những điều kiện khác vì ít nhất là họ chưa bao giờ là nghị gật. Chưa bao giờ có điều kiện để thể hiện phục vụ và bảo vệ quyền lợi của đất nước và nhân dân với tư cách là người đại diện của dân nên cần cho họ một cơ hội cống hiến và phục vụ đất nước và nhân dân. Bầu cho những người này ít nhất là tạo ra không khí mới cho các cơ quan dân cử khi có nhiều gương mặt mới.
+ Bầu cho những người đã từng được bầu làm đại diện cho cử tri mà người đó đã có những phát biểu công khai hay những việc làm phù hợp với lợi ích của đất nước và của người dân ít nhất là trong phạm vi đơn vị hay địa phương mình phụ trách.
+ CUỐI CÙNG là CÓ CẦN VÀ CÓ NÊN CHĂNG tất cả cử tri hãy thể hiện là một cử tri có trách nhiệm trong cuộc bầu cử sắp diễn ra lần này sử dụng quyền lực hợp Hiến của mình: 
* Kiên quyết không bầu cho các ứng cử viên không có cương lĩnh và chương trình hành động nếu trúng cử mang lại lợi ích cho đất nước và nhân dân;
* Kiên quyết không bầu cho các ứng cử viên không công khai tài sản của cá nhân, vợ con và người thân trong gia đình;
* Kiên quyết không bầu cho các ứng cử viên đã từng là nghị gật chỉ biết bảo vệ cương lĩnh và lợi ích của đảng CS mà coi nhẹ bảo vệ Hiến pháp va lợi ích của đất nước và của cử tri và người dân;
* Kiên quyết không bầu cho các ứng cử viên không dám lên án hành động của bọn bành trướng Trung quốc xâm lược biển đảo và bức hại ngư dân Việt Nam ta trong thời gian qua; 
* Kiên quyết không bầu cho các ứng cử viên đã ra lệnh hay làm ngơ và dung túng cho hành động đàn áp các cuộc biểu tình chống bọn bành trướng Trung quốc xâm lược biển đảo và bức hại ngư dân Việt Nam ta trong thời gian qua đặc biệt là những ứng cử viên có trách nhiệm về việc này; 
* Kiên quyết không bầu cho các ứng cử viên đã để cho việc người dân bị oan ức hay bi tra tấn đánh đập hoặc gây ra chết người trong giam giữ xảy ra thuộc phạm vi trách nhiệm lãnh đạo và quản lý của họ trong thời gian đã qua;
* Kiên quyết không bầu cho các ứng cử viên đã không tiếp dân và giải quyết khiếu nại của người dân dẫn đến tình trạng khiếu kiện đông người và kéo dài.
Trên đây là những ưu tư và suy nghĩ mà tôi muốn chia sẻ cùng toàn thể quý vị cử tri, ứng cử viên và toàn thể đồng bào yêu thương. Người viết luôn mong ước rằng tất cả cử tri và ứng cử viên cùng toàn thể các bạn những người còn nặng lòng lo lắng cho lợi ích của đất nước và nhân dân Việt Nam hãy chung sức chung lòng bằng những hành động có trách nhiệm thực tế và hợp Hiến của mình từng bước làm cho những quyền Hiến định trên giấy trở thành quyền thực tế để đưa đất nước ta tiến lên trên con đường xây dựng một nước dân chủ, công bằng và văn minh.
https://anhbasam.wordpress.com/2016/04/18/7865-ve-hanh-dong-hop-hien-cua-cong-dan-va-cu-tri/#more-164097

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét