Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

MỘT BẢN ÁN “KINH HOÀNG” CỦA TÒA TP. TÂY NINH VÀ, HÀNH TRÌNH KÊU OAN CHO CHỒNG CỦA NGƯỜI VỢ TRẺ

LS Lê ngọc Luân


Tôi buộc phải gọi đây là một bản án kinh hoàng bởi, không chỉ riêng tôi mà tất cả người tham dự phiên tòa đều không tin vào mắt mình. Về nội dung vụ án, mời các bạn đọc bài của Báo Pháp luật TP. HCM, một tờ báo uy tín, luôn có những bài viết phân tích sâu sắc về mặt luật pháp.
Dù khung hình phạt của điều khoản này là 7 năm tù nhưng với mức án 3 năm mà tòa TP. Tây Ninh đã tuyên, bất chấp hàng loạt sai phạm cho thấy hai từ “công lý” vốn là điều gì đó mơ hồ và viễn vong.
Tôi chỉ nêu lên một số điều đọng lại ở phiên tòa cấp sơ thẩm khiến tôi day dứt nhất.

1) Khi VKS đọc xong bản luận tội, đến phiên bào chữa của mình, tôi đã nói rằng, tôi không hiểu tại sao với hồ sơ và kết quả điều tra như vậy mà CQĐT và VKS lại có thể truy tố một con người ra tòa dễ dàng đến thế. Ngay sau đó, tôi phân tích và chứng minh hàng loạt sai phạm. Sau khi dứt lời, VKS không tranh luận lại mà yêu cầu tòa dừng phiên tòa để chiều tranh luận. Tôi không đồng ý và đề nghị tòa cho tiếp tục vì, thời gian còn sớm và, ông chủ tọa đã đồng ý. Tuy nhiên, sau khi VKS đứng lên nói khoảng mười (10) giây thì, chính ông chủ tọa lại th
ay đổi, chấp thuận dừng phiên tòa dời ra buổi chiều. Quả là một phen “cứu cánh ngoạn mục” cho VKS.
2) Khi tòa án cho bị cáo nói lời sau cùng, người đàn ông này không thể thốt thành lời mà nước mắt đã rơi trên khuôn mặt khắc khổ ấy. Có lẽ, thân chủ của tôi không khỏi bàng hoàng khi “bị treo tay lên tường và bị điều tra viên đánh đập vào vết mổ năm 2015” của mình (lời khai của bị cáo tại tòa). Và, cũng có lẽ, bị cáo không ngờ và quá đau đớn khi bị bắt giam một cách vô lý đến như vậy.
3) Đặc biệt, khi ông chủ tọa tuyên án, hình ảnh của một bà hội thẩm không nhìn thẳng xuống phòng xét xử mà nhìn ra cửa sổ với ánh mắt và khuôn mặt lộ rõ nét đau đớn. Bằng linh cảm cảm nghề nghiệp, tôi đoán, trong gần hai ngày nghị án, bà là người đấu tranh để trả tự do cho bị cáo nhưng bà “bất lực” bởi một mình bà không thể làm được gì.
Nhận lời tham gia bào chữa vụ án này, tôi không khỏi xúc động về hình ảnh người vợ tiều tụy nhưng với tấm lòng thủy chung son sắt vẫn luôn cháy bỏng, không lúc nào chị ấy thôi niềm tin rằng chồng mình bị oan, chính điều này làm tôi thực sự xúc động. Và, tôi quyết định tìm mọi cách để minh oan cho thân chủ, hy vọng ngày đoàn tụ sẽ sớm đến với họ.
Vụ án chắc chắn được xét xử phúc thẩm, tôi sẽ có văn bản đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giám sát chặt chẽ cho phiên tòa phúc thẩm. Nếu không, ở Việt Nam không có đủ buồng giam để giam giữ cho lối xét xử kiểu này.
P/s: Trong các bài viết sắp tới, tôi cũng công bố những thông tin đang nằm trong vòng bí mật để dư luận thấy được những “oan khuất” và, tôi tin rằng, khi thông tin này được hé lộ, mọi người chỉ có lắc đầu ngao ngán phẫn nộ.
*****************************************************
Sài Gòn, ngày 18/04/2016
LS Lê Ngọc Luân
Đường link bài báo, mọi người có thể mua báo Pháp luật TP. HCM số ra sáng nay (18/04/2016). Và, báo Pháp luật Việt Nam cũng có bài viết nêu rất chi tiết về vụ án này.
http://plo.vn/…/17-diem-chua-ro-trong-mot-vu-an-ma-tuy-6238…

17 điểm chưa rõ trong một vụ án ma túy

PHƯƠNG LOAN – Thứ Hai, ngày 18/4/2016
(PL)- Luật sư nêu 17 điểm chưa rõ trong vụ án nhưng VKS vẫn bảo lưu quan điểm và tòa kết tội bị cáo ba năm tù.
Chiều 13-4, sau thời gian nghị án kéo dài, TAND TP Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Tú ba năm tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Tại tòa, bị cáo luôn kêu oan và cho rằng mình bị ép cung, nhục hình.
Bị bắt khi đang uống cà phê
Theo cáo trạng, 15 giờ 30 ngày 24-11-2015, Tú và Lê Thanh Được đang ngồi tại một quán cà phê ở TP Tây Ninh thì công an ập vào kiểm tra. Tú bị quy buộc cất giấu một bịch ma túy trong chui cắm sạc pin điện thoại di động để dưới chân nơi Tú đang ngồi. Tại cơ quan điều tra, Tú thừa nhận đã mua ma túy để dành xài, đến quán thì lấy cục sạc có giấu ma túy ra bỏ dưới nền đất rồi để dép lên. Cục sạc do Tú lấy từ nhà Được khi ngủ ở đây.
Biên bản phạm tội quả tang ghi nhận Tú bị bắt quả tang cất giấu một gói ma túy trong vỏ cục sạc. Ba nhân chứng gồm Được, ông Trần Duy Thông (chủ quán) và ông Dương Thanh Sang (khách uống cà phê) cùng khai công an thu ở dưới chân Tú một vỏ cục sạc, mở ra có gói ma túy… Trong biên bản này, Tú khai: “Khi vào quán, lấy bịch ma túy đang bỏ trong vỏ cục sạc ra và để dưới chân. Công an vào, thu dưới chân một vỏ cục sạc trong có gói ma túy”… Biên bản ghi nhận tang vật thu giữ có một vỏ cục sạc trong có gói ma túy. Công an niêm phong bịch ma túy.
Như vậy không rõ bịch ma túy khi bị phát hiện nằm trong vỏ cục sạc điện thoại hay là đã được tháo ra khỏi vỏ rồi. Lời khai của Tú trong hồ sơ cũng bất nhất ở chi tiết cục sạc. Lúc thì lấy cục sạc rỗng, lúc thì lấy cục sạc hư gỡ mạch… để bỏ gói ma túy vào.
Bị cáo Nguyễn Thanh Tú tại phiên tòa. Ảnh: PLOAN
Cục sạc chứa ma túy của ai?
Tại tòa, Tú khai: “Ngày 23-11, bị cáo đi xe tốc hành lên Tây Ninh, lấy xe đã cầm ra hẹn bạn đi chơi nhưng không gặp nên ra khách sạn ngủ. Hôm sau, bị cáo chạy đến nhà Được rủ đi lấy hai con cá lóc về nhậu, do không gặp bạn nên qua quán cà phê kế bên chờ. Dưới chân bị cáo không có vật gì. Công an vào kiểm tra người không có gì. Khi bị cáo đứng lên bước ra khỏi bàn, công an tìm kiếm phía dưới thì thấy một cục sạc. Bị cáo kêu không phải của tui thì bị tát hai cái và bảo “của mày mà mày còn chối hả””.
Tú khai quá trình điều tra, Tú ký vào các bản xác nhận cục sạc có gói ma túy là của mình vì muốn an toàn tính mạng. “Bị cáo bị trói và treo hai tay lên cửa sổ, bị đánh đau quá chịu không nổi” – Tú khai.
Còn nhân chứng Được thì khai: “Từ khi vào quán, tôi không thấy Tú có bất cứ hành động nào như lấy cục sạc ra bỏ dưới đất. Đang ngồi thì công an vô, bắt đứng lên xét người nhưng tôi và Tú không có gì. Sau đó, công an nhặt dưới đất lên một cục sạc trong có gói ma túy. Tôi không rõ cục sạc mà công an lượm lên xuất hiện khi nào. Tú bị tát mấy cái vì nói không phải của mình. Sau đó tôi và anh Tú bị đưa về công an TP”.
“Mấy ảnh hỏi cục sạc của ai. Tôi nói không biết, cũng không thấy Tú cầm bỏ xuống đất. Mấy ảnh dẫn tôi vô phòng khác, kêu tôi nói cái đó của Tú đi thì cho về. Tôi ký vào một tờ giấy trắng, một tờ có nội dung nhưng gấp phần nội dung. Tôi ký bên hông, ký vào giữa… Tôi run quá, ký quá chừng luôn, không nhớ đã ký vào những bản gì” – Được trình bày.
Trước ngày mở phiên tòa, Được đã gửi cho tòa một bản tường trình có nội dung như lời trình bày tại tòa.
Tòa hỏi: “Tại sao sau khi có cáo trạng thì anh mới gửi bản tường trình?”. Được nói: “Vợ Tú có nói tôi viết bản tường trình nhưng chị không hướng dẫn nội dung, chỉ nói nhờ tôi viết đúng sự thật. Sự việc có sao thì tôi viết y chang vậy”.
Được cũng khẳng định Tú không ngủ lại nhà Được nên không thể lấy ma túy bỏ vào cục sạc Samsung lấy ở nhà Được. Hơn nữa, nhà Được cũng không có cục sạc này.
Không có dấu vết của bị cáo trên tang vật
Tại tòa, luật sư Lê Ngọc Luân (Đoàn Luật sư TP.HCM, bào chữa cho Tú) đã chỉ ra 17 điểm sai sót và chưa rõ trong hồ sơ buộc tội và đề nghị tòa xem xét thấu đáo.
Thứ nhất, VKS truy tố bị cáo tội tàng trữ trái phép chất ma túy nhưng ngoài lời nhận tội của Tú tại CQĐT thì không có chứng cứ nào chứng minh tang vật (cục sạc chứa gói ma túy) là của Tú. Đặc biệt, dù gói ma túy được sử dụng làm chứng cứ quan trọng để kết tội Tú nhưng lại không giám định xem có dấu vết, dấu vân tay của Tú trên cục sạc hay gói ma túy đó hay không. Trong khi đó, theo quy định của BLTTHS, lời khai của bị cáo chỉ được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án; không được dùng lời nhận tội của bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội. Nếu lời khai của bị cáo, người làm chứng mâu thuẫn thì phải suy luận có lợi cho bị cáo.
Thứ hai, Tú bị cho rằng do nghiện nên mua ma túy để dành sử dụng. Tuy nhiên, CQĐT lại không thực hiện giám định máu, nước tiểu để xem Tú có sử dụng ma túy hay không. Trong khi đó, hồ sơ bệnh án khi Tú mổ ruột thừa vào năm 2015, trước lúc bị bắt, thể hiện Tú không nghiện ma túy.
Thứ ba, lời khai của ông Sang (khách uống cà phê) bất nhất về thời gian xảy ra sự việc: Lúc thì 15 giờ, lúc thì 15 giờ 30, lúc thì 17 giờ. Ngoài ra, lúc thì ông khai “đang uống nước ở quán thì thấy công an bắt giữ hai thanh niên” nhưng lời khai khác thì khẳng định “đến quán để lấy xe thì thấy”. Đặc biệt, trong bản khai gửi tòa, ông trình bày rằng “không biết sự việc, ký vào biên bản quả tang là do bị yêu cầu”.
Thứ tư, vụ án này có ba người được cơ quan tố tụng xác định là người làm chứng, đó là Được, chủ quán cà phê và người khách uống cà phê. Chỉ có Được có mặt tại tòa.
Lời khai của chủ quán cà phê trong hồ sơ xác định “đem nước ra thì công an tới, kiểm tra phát hiện bắt quả tang một thanh niên đang cất giấu ma túy trong chui sạc điện thoại để dưới chân nơi anh ta đang ngồi”. Còn theo bản khai mà ông gửi tòa thì “thấy công an giữ hai người, vì ngại va chạm nên đứng xa nhìn. Sau đó công an kêu ký vào văn bản gì đó để xác nhận sự việc xảy ra trong quán. Vì có mấy anh công an ở phường, lại rất đông nên tôi an tâm ký vào”. Từ đó, luật sư cho rằng chủ quán cà phê không thật sự biết Tú có tàng trữ ma túy hay không.
Ngoài ra, luật sư còn đưa ra hàng loạt điểm chưa rõ khác trong vụ án.
“Không phải của mình thì ký làm chi” (!)
Tranh luận lại, đại diện VKS cho rằng: “Thu giữ cục sạc dưới chân bị cáo thì đó chính là của bị cáo vì bị cáo đã xác nhận. Khi bị cáo vào quán thì trời sáng rõ, quán sạch sẽ, không bị che khuất tầm nhìn. Học đến lớp 11 mà không hiểu biết pháp luật? Ma túy không phải của bị cáo thì bị cáo ký làm chi? Dù lời khai của bị cáo và lời khai của người làm chứng mâu thuẫn về thời gian xảy ra sự việc nhưng tại tòa, bị cáo cũng đã thừa nhận thời gian xảy ra sự việc có mặt tại quán. Do tang vật được thu giữ ngay phía dưới chân Tú nên việc giám định nước tiểu xem có dương tính với ma túy hay không là không cần thiết”.
Những vấn đề khác, đại diện VKS bảo lưu quan điểm truy tố.
Cuối cùng, tòa cho rằng những lời khai có mâu thuẫn là do các nhân chứng khai lại, việc khai lại này là do được hướng dẫn. Quá trình điều tra, lời khai của Tú và các nhân chứng đều đã được chính họ ký tên xác nhận nên họ phải chịu trách nhiệm về những lời khai này. Về việc Tú tố cáo bị đánh đập, tòa cho rằng không có cơ sở do Tú không có chứng cứ chứng minh… Từ đó, tòa tuyên bị cáo có tội và phạt ba năm tù.
Một “án lệ” cần tham khảo Luật sư Lê Ngọc Luân dẫn ra một vụ án ở Ninh Bình mà bị cáo cũng bị truy tố về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Tòa đã tuyên bị cáo vô tội vì không có chứng cứ gì chứng minh dấu vết của người này trên gói ma túy cất giữ ở dưới mặt nạ đầu xe máy… Từ đó, luật sư Luân đề nghị TAND TP TâyNinh cẩn trọng kẻo làm oan bị cáo NguyễnThanhTú.
Những điểm sai sót khác Ngoài những điểm nêu trong bài, luật sư nêu ra hàng loạt sai sót khác trong vụ án. Đó là bản thống kê vật chứng được lập từ trước khi xảy ra vụ án gần 10 tháng. Nhiều bản tự khai của bị cáo không ghi ngày, tháng, năm. Tú bị bắt ngày 24-11-2015 nhưng kết luận điều tra ghi Tú mua gói ma túy ngày 24-12-2015. Tại bản đề nghị phê chuẩn gia hạn tạm giữ (lần thứ nhất), phần trên ghi tên Nguyễn Trung Hiếu, phần dưới mới ghi tên bị can Tú…
Luật sư Lê Ngọc Luân (phải) cùng người nhà bị cáo. Ảnh: PLOAN
Đặc biệt, trong biên bản bắt người phạm tội quả tang, lời khai của người làm chứng bị gạch, xóa, chỉnh sửa nhưng không có chữ ký xác nhận của họ. Đáng nói là nội dung phần gạch đi lại là phần có lợi cho bị cáo.
PHƯƠNG LOAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét