Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

Những người tôi đã gặp 2: “Trong Vũng Nước Cuộc Đời”*

THĐP

 
1. Một em bé bán vé số khác:
Chiều nắng rát da, không khí hanh khô và trời đứng gió. Hạn hán gì mà khủng khiếp. Tôi ngồi hút thuốc trong quán quen, thả hồn thờ thẫn trên ngọn cây để giải toả đi những mệt mỏi căng thẳng của một ngày dài lao động bình dân. Hơn bốn giờ rồi, mặt trời vẫn còn chói chang, cao chót vót trên cả nóc của những căn nhà đối diện đường, ánh sáng xiên làm tôi thấy rất khó chịu và mỏi mắt. Một thằng nhóc chợt từ đâu nhảy xổ ra trước tôi, gương mặt đỏ bừng, mồ hôi chảy thành dòng ròng ròng trên mặt, tóc và bụi đất đen bết lại trên trán. Nó vụt ra trước mặt tôi một xấp vé số dày cộm, chắc khoảng hơn một trăm tờ, lí nhí gì đó không nghe được. Tôi lắc đầu theo thói quen, nó chợt oà khóc rồi ngồi phịch xuống đất nức nở… Tôi thấy xót trong lòng lắm, nhưng nếu mua hết vé số cho nó thì tôi không có khả năng. Nó biết sẽ chẳng ai làm thế, vì giờ đó đã xổ số gần xong rồi. Có lẽ sẽ có nhiều người tốt bụng, gặp trường hợp như thế thì cho thằng nhóc chút tiền và rồi họ thấy nhẹ nhõm hoặc vui vì đã làm được việc tốt dù chẳng thay đổi được gì.


Thằng nhóc cũng khá mạnh mẽ, khóc chừng vài chục giây, liền đứng dậy chạy đi. Có mấy người trong quán kêu nó lại mua một hai tờ, rồi thôi… Có thể nó đang tuyệt vọng, nhưng chắc chắn nó sẽ không chết vì xấp vé số này. Cuộc sống khắc nghiệt như thế đó, và bài học nào cũng rất đắt giá, chỉ như vậy, chúng ta mới lớn khôn.
Tôi đi theo sau lưng thằng nhóc, nó ngồi trong công viên, tay bóp chặt nắm vé số, gương mặt đờ đẫn… Một người đàn bà son phấn loè loẹt tiến tới nhìn xấp vé số rồi la hoảng: “Trời ơi! Chết! Chết rồi!”. Thằng nhỏ khóc oà, vừa khóc vừa nói: “Mẹ ơi con xin lỗi, tại con ghé hội sách…”

Tôi hỏi thăm thì biết, thằng nhỏ không cha, mẹ nó làm cave và thường “đứng” trong công viên này. Lúc nhỏ nó được gởi trong trường bà phước nên biết đọc chữ chứ không có đi học trường nhà nước. Mẹ nó lãnh vé số cho nó bán để phụ thêm tiền mua thuốc cho bà ngoại nó uống. Hơn trăm tờ số ế nghĩa là hơn một triệu bạc thành giấy lộn, đúng là thảm hoạ!

Một cách nào đó, người chủ đại lý vé số đồng ý cho nó nợ số tiền kia và cho “trả góp” mỗi ngày mười ngàn, nhưng mỗi buổi chỉ còn cho nó lãnh vé ít lại một nửa, để dành thời gian … đi học. Có một nhóm thanh niên tốt bụng đã dạy lại cho nó những kiến thức căn bản và giới thiệu nó cho một quỹ học bổng đặc biệt để nó được tới trường như những đứa khác.
Chiều hôm ấy, có lẽ thằng nhóc chỉ tuyệt vọng trông chờ một phép lạ để cứu nó, nhưng không có phép lạ nào xảy ra cả. Sau đó, mẹ nó vẫn làm cave, bà nó vẫn bệnh, nhưng tôi thấy có một tia sáng đã loé lên trong mắt họ, họ vẫn ở trong đường hầm nhưng bắt đầu có hy vọng về một ngày tươi sáng…
2. Mười ba năm tuổi đảng
Nhậu với một anh bạn, đang làm việc cho nhà nước, rượu vào lời ra. Mình kiếm chuyện chọc:
– Mười ba năm anh theo đảng, anh thủ đắc được gì về vật chất và tinh thần, nói cho anh em nghe chơi?! Em thấy người ta vô đảng rần rần thấy thích quá!
Ảnh nốc ly rượu cái ực, rồi trợn mắt nhìn mình dò xét:
– Hỏi chơi hỏi thiệt mậy? Bộ muốn theo nữa hả?
– Dạ, em thấy giờ làm cái giống đách gì mà có đảng tịch là ngon, làm cha thiên hạ, không ai dám đụng tới, mà con đường nào cũng rộng thênh thang!
– Tao lạy mầy, làm ơn làm phước bỏ giùm tao. Mẹ bà, hết chuyện mầy rồi?!
Mình bắt đầu mắc cười trong bụng, mà vẫn giả ngộ:
– Ông này lạ, hỏi đường tiến thân mà cũng không chỉ em út gì hết trọi, nản!
– Đ.m, mày nhìn tao, đảng viên khố rách áo ôm vầy, tiến thân cặc gì mà ham?
Ổng lại uống, rồi nhìn xa xăm, trầm ngâm. Mình thấy có vẻ căng thẳng rồi, nên cũng không giỡn nữa, phân bua:
– Em thấy tánh tình anh tốt, mà đảng thì người ta mặc định là tốt, vậy thì anh phải lên cao và sướng lắm chớ. Em nghĩ vậy nên hỏi thôi, ai dè anh quạu?
– Chỗ tốt thì dành cho con cháu mấy thằng bự, miếng ngon thì dành cho thủ trưởng, họp nội bộ thì như bầy chó cắn lộn, bình thường thì bè phái đấu đá. Làm việc mẫn cán, nai lưng trâu ngựa ra thì suốt đời cho người ta cỡi, còn mắng nhiếc roi vọt kỷ luật các kiểu. Mầy nghĩ tài cáng hay năng lực của mày hơn được vị thế con ông cháu cha sao? Mày cực khổ, mày hi sinh cả đời, tự dưng có thằng ất ơ con ông nào đó từ đâu nhảy ra làm sếp mầy!? Mầy làm mọi cho một thằng, tưởng sẽ được lên, rồi cái mầy phải làm mọi tới đời con đời cháu nó nữa. Đ.m! Sướng hông?
– Anh nói cái gì em nghe rối nùi hết trọi! Hỏng hiểu?
– Tao nói tóm lại vầy, đi theo đảng là ‘đang theo đĩ’, chấm hết!

Câu chuyện càng ngày càng nóng, nói một hồi ông này chửi đảng như hát hay, toàn là chửi tục, cố dùng những từ bẩn thỉu nhất để chửi. Mình không ghi lại, cũng không muốn nhớ, chỉ thấy cuộc đời ông anh bi kịch quá. Sự trung thành gương mẫu hăng hái cuồng nhiệt vì đảng của ảnh trước đây, mình dám cá cỡ cái đám ba trợn mát dây Quang lùn Lệ lé ở Hanoi chưa đáng xách dép cho ảnh. Nhưng ảnh cứ lẹt đẹt, mình nghĩ tương lai hoạn lộ của các bạn dlv cũng chẳng khá hơn mấy đâu, thậm chí còn bi kịch hơn nhiều. Và ai dám phủ nhận việc “cha truyền con nối” hiện nay, kể cả các dlv bẩn nhất cũng phải ngầm ngậm ngùi cho cái thân dê chó của mình, mãi là nô tài thái giám của người ta.
Sự khốn khổ của ông anh rất đáng cảm thông, nhưng sự cam chịu của ổng thì đáng kiếp. “Theo đĩ” mười ba năm, mới một con giáp lẻ một năm thôi mà, nhận ra mình sai rồi làm lại cuộc đời đâu có muộn…
Cuối cuộc nhậu, ổng lè nhè tuyên bố: “Ngài mai, tao bỏ đĩ!”, chẳng biết đĩ nào?
3. “Đĩ cũng có đĩ yêu nước” **
Trước đây khi ở trọ ở quận XYZ, sát vách phòng trọ tôi là phòng trọ của một chị tự giới thiệu là làm gái. Chị luôn tự hào về nghề của mình, chẳng giấu diếm hay dùng từ gì khác để nói tránh đi. Ngày tôi mới dọn tới, sang chào làm quen và sẵn cho chị mấy trái cam nhà trồng để giao hữu. Chị nghe gõ cửa, mở cửa ra nhìn. Sau mấy phút giây đầu tôi bỡ ngỡ thì sự nhiệt tình của chị làm tôi thấy thân thiết như đã quen biết từ đời ông cố ông sơ nào.
Chị sống về đêm, ban ngày thì ngủ vùi; tôi thì ngược lại, giờ giấc quy củ như thầy tu. Khi đó tôi vừa đi học vừa đi giữ xe ở quán cà phê để có tiền sinh sống, gia đình chỉ cần chu cấp gạo và tiền học phí. Một lần, có lẽ chị nghe tôi kho thịt thơm mùi hành tiêu dân dã, nên dù là đang mười giờ sáng, là giờ ngày thường chị ngủ ngon nhất, chị vẫn lót tót qua chơi, chẳng ý tứ mẹ gì, cứ nằm bừa lên chỗ ngủ của tôi. Rồi chị than:
– Mẹ, bữa nay chị bệnh quá, mày làm phước nấu cho chị gói cháo bịch được hông? Đừng để bịch bột nêm với bịch dầu của nó, cứ để trắng rồi cho chị miếng thịt kho khô luôn nghen.
– Giờ em có mì Hảo Hảo không hà, chị đợi em ra mua chút xíu.
– Ừ đi đi, có tiền hông mày? Qua phòng chị lấy đi!
– Gói cháo bịch có nhiêu đâu, em mua được!
– Ừ, vậy nhanh đi, đói thấy mẹ rồi!
Tính chị ngay thẳng, không quanh co khách sáo, kiểu người miền Nam với máu anh hùng hảo hớn hay hiệp nữ trong tuồng tích. Sau lần đó, chị thường qua phòng tôi ăn cơm. Để sòng phẳng, chị mua gạo và thỉnh thoảng đưa tôi vài trăm để đi chợ. Tôi thì ra công nấu và cũng góp tiền đồ ăn, tất nhiên chị luôn giành trả nhiều hơn. Ngày qua ngày, tôi quý chị như người chị ruột. Chị cũng thương tôi như thằng em thất lạc nay mới tìm lại được. Có đôi lần chị vác bia và vài thứ đồ ăn về để hai chị em nhậu. Tôi không uống được nhiều, chỉ uống một hai lon và ngồi nhìn chị uống, nghe chị kể chuyện đời. Chị từng học hướng dẫn viên du lịch, tiếng Anh lưu loát, thân hình người mẫu, gương mặt tuyệt đẹp. Khi mới ra trường, ngơ ngáo kiểu gì bị người ta gài làm mồi cho khách vip. Chị đã sợ hãi và bị người ta tiếp tục dùng như một công cụ. Nhưng dần dần, chị khôn lên, lật ngược tình thế và trả được thù. Tôi hỏi sao chị trả thù rồi không nghỉ làm và đi nơi khác sống cuộc đời mới. Chị chỉ cười và nói:
– Muốn hạ bệ một thằng quan chức chó đẻ, cách tốt nhất là nhờ một thằng chó đẻ khác cấp trên của nó. Chị cặp với một tay bự, nó yêu chiều chị đủ thứ, giúp chị rửa hận, cho chị nhiều tiền, giúp cho ba má chị lên đời. Chị làm đĩ từ đó đó em, một con đĩ cao cấp, qua tay nhiều thằng chó đẻ, chó nhỏ thì dâng chị cho chó lớn. Có mấy con chó già, chỉ bóp vú là thôi không làm ăn gì được nữa, vậy mà cũng bày đặt cặp đào đĩ với đời nữa!
– Nhưng mà chị có sống hoài như vậy được không? Mai mốt già rồi sao?
– Biết, mày khỏi lo, chị thấy tính thanh khoản của bản thân sẽ thấp dần, chị đổi giá trị của mình ra đô la và để dành đó. Chung cư chị mày còn không ở, mà ở nhà trọ rẻ tiền vầy mày không thấy sao.
– Thanh khoản là cái gì?
– Mẹ, học tới đại học mà hỏi ngu như con thú vậy?

Chị kể tôi nghe nhiều về đời sống bí ẩn của bọn tham quan, về những dự án lớn khủng khiếp, về nợ công, về chuyện tham nhũng, về cách mà chúng nhìn người dân và lính tráng… Chị nói, trước bọn chúng, chị tỏ ra đầu đất như những cái bình hoa vô dụng khác, nên mặc sức mà nghe bọn chúng nói với nhau về những chuyện động trời.
Khi nghe chị giải thích những điều ấy, tôi mới thực sự hiểu được thân phận dân đen cùng đinh, thân phận những đứa sinh viên mang đầy ảo tưởng, thân phận bọn doanh nghiệp hạng trung trở xuống, thân phận mấy anh lính lác… là bi đát và mỏng manh đến mức nào. Lời khuyên của chị tôi luôn nhớ mãi:
– Đi khỏi đất này mới khá nổi mày ơi!
Rồi có lần tôi về quê mấy hôm, trở lên thì thấy phòng chị trống hoác. Chị đã đi không lời từ biệt. Mở khoá cửa phòng mình, tôi thấy dưới đất là một bao thơ được dán cẩn thận, có lẽ thơ của chị nhét vào qua khe cửa. Trong thơ là mấy dòng chữ nắn nót, cùng với hai trăm € và một tấm tiền một trăm đồng của VNCH còn mới tinh. Chị nói cho tiền € cho biết, thích xài gì thì xài, tấm một trăm tiền xưa cứ cất, dặn giữ gìn sức khoẻ, cố gắng học ngoại ngữ và nên sớm tìm cách ra nước ngoài. Không chữ nào nói về chị.
Giờ này, khi viết những dòng này, đã gần ngấp nghé mười năm từ ngày biết chị. Chẳng biết chị đang viết sách ở Tân Tây Lan nơi đủ bốn mùa hoa thơm cỏ lạ, hay đang săn Kangaroo ở Úc Châu dưới trời thênh thang đầy nắng gió? Đó là hai nơi mà chị từng nói muốn tới sống quãng đời mới. Những dự án điên rồ và vô cùng xa xỉ mà chị nói cho tôi nghe trước đây, bây giờ quả thật đã diễn ra sờ sờ trước mắt, nợ công tăng lên gần ba mươi triệu trên một người dân, còn nhiều điều khác nữa đều xảy ra như lời chị nói. Rốt cuộc thì chị là ai, những thông tin về bản thân chị có phần trăm nào là sự thật? Hay, chị là An Tư công chúa?
4. Cô Bí
Khi ấy, tôi còn nhỏ lắm, áng chừng mới lớp hai lớp ba gì đó. Ký ức về cô Bí vụn vỡ như những mảnh ngói phế tích rơi sót lại từ hoàng thành vua Lý Thái Tổ. Tôi nhớ cô Bí thường mặc đồ cũ rách, dường như bất cứ thứ gì che thân được thì với cô đều là y trang rực rỡ, cô phải thấy lộng lẫy và kiều diễm lắm thì mới mặc thường những bộ đồ kỳ quái như vậy. Giờ nhớ lại, mới biết tại cô nghèo khổ quá, ai cho gì mặc nấy, mặc đến cũ nát mới thôi. Lúc nhỏ, thú thực tôi ghét cô Bí, người gì đen thui thùi lùi, lúc nào mặt mũi cũng lấm lem, xương gò má cao nhọn hoắc, tóc thì cắt vuông vức như đàn ông, lại có tên là Bí.
Có một lần, tôi thấy cô vừa đi vừa khóc trên đường lộ. Trời nắng chang chang, con lộ nhựa làm từ thời Cộng Hoà đã bị lở lói nát nhiều chỗ, phần lớn là đá bốn sáu nằm gối lên nhau phơi mình trong nắng trưa, nóng đến mức tưởng chừng để miếng thịt sống lên một chút là sẽ chín. Cô Bí đầu trần, tóc rối loà xoà, áo màu gì không biết nhưng cũ thành màu vàng đất, quần xăn lên khỏi đầu gối, bàn chân trần trụi đen bóng đi lủi thủi trên lộ. Cô khóc, rên la như nhà có ai vừa chết. Tôi hỏi bác Ba Cù có chuyện gì, thì bả nói rằng cô Bí mua chai thuốc sâu hiệu Hai Lúa giá tám ngàn, xịt được nửa chai còn nửa chai thì cất sau nhà, bị ai đó lấy mất, nên khóc đi nghêu ngao vậy. Tôi rất ngạc nhiên và tỏ ra vẻ khi thị:
– Trời ơi có bốn ngàn bạc mà gì dữ vậy?
– Người ta nghèo mày ơi! – bác Ba Cù đáp, trong giọng đầy sự trách móc tôi.
Câu chuyện sau đó thế nào tôi cũng không còn nhớ nữa, nhưng câu nói của bác Ba Cù đọng lại rõ nét trong đầu tôi. Tôi cũng nhớ mang máng lúc đó năm chín mấy, bốn ngàn tuy có giá hơn bây giờ, nhưng cũng không phải nhiều lắm, với bốn ngàn, có thể ăn hai tô hủ tiếu, hoặc uống bốn ly cà phê đá, hoặc mua tám miếng đậu hũ. Nếu tính hạo hạo, thì bốn ngàn khi đó tương đương khoảng hai ba chục ngàn bây giờ. Điều gì khiến người nước tôi trở nên cùng đinh khốn khổ như vầy?
Tôi lớn lên và dần tìm ra được đáp án cho câu hỏi đó. Tôi chợt nhớ về cô Bí và chạy đến nhà cô để xem cuộc sống của cô bây giờ ra sao. Chỉ còn thấy bụi tre và cái hồ cũ, nền nhà cũng đã không còn. Hỏi thì biết, cô và ông chồng say rượu đã bỏ xứ đi tha hương cầu thực nhiều năm, không còn nghe tin tức gì về họ từ lâu lắm.

*”vũng nước cuộc đời”: lời bài hát Khúc Thuỵ Du của nhạc sĩ Anh Bằng.
**”đĩ cũng có đĩ yêu nước”: một câu nói trong phim Tế Công của Châu Tinh Trì, US lồng tiếng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét