Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Dân Campuchia phản đối công ty VN cưỡng chế đất trồng cao su?

Quốc Việt, thông tín viên RFA

P-12-305.jpg
Người dân bị cưỡng chế đất biểu tình phản đối công ty Việt Nam trước Sứ quán VN tại Campuchia ngày 16/5/2014.  -RFA PHOTO/Quốc Việt

Chiếm đất?

Tại campuchia, hơn 400 gia đình khẳng định bị ảnh hưởng bởi dự án trồng cây cao su của công ty Việt Nam đã khiếu nại phản đối, và gọi hành động của công ty phát triển cao su từ Việt Nam đã và đang chiếm đất.


Hơn 300 người dân tỉnh Kratie của Campuchia giáp biên giới tỉnh Bình Phước của Việt Nam đã kéo nhau lên thủ đô Phnom Penh gần một tháng nay để phản đối Công ty Cổ phần Cao su Bình Phước 2 Kratie với cáo buộc đã cấu kết với chính quyền địa phương dùng xe xúc đất tấn công phá hủy 261 căn nhà, cưỡng chế đất đai và đốt phá nhà cửa của họ hồi đầu tháng 5 năm 2014.
Hiện người dân đã kiến nghị thư lên các Đại sứ quán nước ngoài tại thủ đô Phnom Penh như Úc, Mỹ, Pháp, và Việt Nam nhằm cầu xin can thiệp với cáo buộc công ty vừa nói đã cưỡng chế nhà cửa của 405 gia đình, chiếm đất với tổng diện tích khoảng 2.025ha cho dự án trồng cao su tại huyện Snoul, tỉnh Kratie.
Ông Nung Viboul, 38 tuổi, người đại diện của các gia đình nói trên cho biết người dân đã bắt đất, khai hoang rừng và định cư tại khu vực tranh chấp vào năm 2008. Đến năm 2009, chính quyền địa phương đã cấp giấy phép sử dụng đất tạm thời, chờ chính phủ đo đạt cấp đất chính thức sau khi kết thúc cuộc bầu cử Quốc hội khóa V, trong tháng 7 năm 2013.
Theo ông Viboul, sau khi bầu cử xong, công ty của Việt Nam đã dùng xe xúc đất tấn công phá hủy nhà cửa của họ, chính quyền địa phương thì dùng bạo lực, hãm hiếp bắt bớ những người biểu tình phản đối.
Chúng tôi sẽ không về nhà nếu không có sự giải quyết. Chúng tôi sẽ biểu tình, tuần hành đến nhà Thủ tướng để xin giúp can thiệp, tìm công lý vì chúng tôi không có đất, không có nhà cửa.
-Bà Chorn Pao
Ông Nung Viboul nói: “Những diện tích đất mà chính quyền tỉnh tước đoạt của dân đều để giao cho công ty Bình Phước 2. Chúng tôi lên thủ đô để khiếu nại, yêu cầu can thiệp từ Thủ tướng, các sứ quán nước ngoài do công ty Việt Nam đe dọa nghiêm trọng đến đời sống chúng tôi.”
Công ty Cổ phần Cao su Bình Phước 2 Kratie (Binh Phuoc Kratie Rubber 2 Co, Ltd) hay gọi tắc Công ty Bình Phước 2 đã được chính phủ Hoàng gia Campuchia cấp đất tô nhượng kinh tế với tổng diện tích 4.940 ha cho dự án trồng cao su trong năm 2013. Tính đến nay, Công ty này đã trồng xong 100% tại huyện Snoul, tỉnh Kratie của Campuchia giáp biên giới tỉnh Bình Phước của Việt Nam.
Tuy nhiên Bình Phước 2 cũng không nằm ngoài sự cáo buộc của người dân địa phương. Phần lớn người dân nước sở tại và Global Witness – một tổ chức phi chính phủ lớn trên thế giới có trụ sở tại Anh tố rằng các công ty trồng cao su Việt Nam đã gây thiệt hại nặng nề về môi trường và xã hội tại các khu vực trồng cao su, bao gồm việc chiếm đất của người dân địa phương và khai hoang rừng trên bình diện rộng hơn sự cho phép.
Bà Chorn Pao, 45 tuổi nói với RFA: “Chúng tôi sẽ không về nhà nếu không có sự giải quyết. Chúng tôi sẽ biểu tình, tuần hành đến nhà Thủ tướng để xin giúp can thiệp, tìm công lý vì chúng tôi không có đất, không có nhà cửa.
Chúng tôi rất buồn vì người Việt sang sống ở Campuchia nhiều. Còn dân lại bị tịch thu đất.”
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Thành, Trưởng đại diện của Công ty Cổ phần Cao su Bình Phước 2 Kratie khẳng định với RFA rằng sự bức xúc và tranh chấp đất đai của người dân nói trên không liên quan đến công ty.

P-9-250.jpg
Người dân bị cưỡng chế đất biểu tình phản đối công ty Việt Nam trước Sứ quán VN tại Campuchia ngày 16/5/2014. RFA PHOTO/Quốc Việt.

Ông Thành cho biết: “Dự án của tôi thu hút khoảng 2.000 công nhân. Chúng tôi làm đường sá, cầu cống chúng tôi bắt qua sông rất tốt. Nhưng tôi chỉ buồn thế này, dự án cấp cho công ty làm ngày xưa chỉ là hoang sơ, chúng tôi làm tới đâu thì người dân họ theo và chiếm đất, chúng tôi rất khổ. Còn các thế lực khác lại tổ chức biểu tình chống công ty. Thật ra các nhà đầu tư Việt Nam sang đầu tư vì có sự kêu gọi của chính phủ hai nước hợp tác đầu tư.”
Còn Phó tỉnh trưởng tỉnh Kratie là ông Khan Chamnan, người phụ trách giải quyết vấn đề đất đai nói rằng người dân đã vi phạm luật đất đai. Họ đến khai hoang rừng, canh tác tại khu vực cấm cho nên nhà nước phải mạnh tay di dời, thu hồi đất.
Phó tỉnh trưởng nói việc cáo buộc công ty Bình Phước 2 chiếm đất là sự cáo buộc trắng trợn, vu khống thay vì công ty đầu tư hợp pháp.
Ông Khan Chamnan cho biết thêm: “Tại tỉnh Kratie không thiếu đất để cấp cho dân không có đất để canh tác nhưng chúng tôi không thể làm theo sự mong muốn của họ. Chính phủ đã có kế hoạch rõ ràng để cấp đất tô nhượng cho dân sau khi thu hồi từ một số công ty. Cách giải quyết tốt nhất là người phải về nhà, chúng tôi sẽ giải quyết vì chính phủ luôn quan tâm đến dân.”

Việt hóa?

Trước đó, ông Sam Rainsy, Chủ tịch đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) phát biểu trước đám đông ngày 27/5 tại tỉnh Ratanakiri giáp tỉnh Gia Lai của Việt Nam rằng Việt Nam đã và đang đưa các công ty sang đầu tư tại Campuchia, đặc biệt ở các tỉnh lân cận giáp biên giới để thực dân hóa Campuchia và biến vùng đất đó thành thuộc địa của Việt Nam.
Ông Sam Rainsy cáo buộc các công ty Việt Nam sang đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đã và đang phá hoại rừng thiên nhiên, đưa lao động người Việt sang bất hợp pháp, thành lập làng xóm người Việt, trường học Việt Nam, chiếm đất dân dịa phương, và dần dần thực dân hóa Campuchia.
VN không bao giờ có ý nghĩ thi hành chế độ thực hiện áp đặt cái gì ở đâu cả. VN sang đầu tư ở nước ngoài cho đến bây giờ là 56 lãnh thổ và quốc gia trên thế giới, trong đó có Campuchia.
-Ô. Trần Văn Thông
Ông Sam Rainsy nói: “Tỉnh Ratanakiri và Mondulkiri đang biến thành thuộc địa của Việt Nam. Họ thực dân hóa Campuchia bởi các công ty hưởng đất tô nhượng làm kinh tế hàng vạn hécta. Những người Việt sang sống ở đây sẽ không về Việt Nam, rồi một ngày nào đó Việt Nam sẽ biến hai tỉnh này thành thuộc địa của Việt Nam bằng cách trưng cầu dân ý.”
Phản bác phát biểu trên, ông Trần Văn Thông, Tham tán phụ trách chính trị đối ngoại và người phát ngôn của Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh nói rằng tất cả các công ty Việt Nam đang đầu tư tại Campuchia đều chấp hành tốt luật đầu tư và luật lao động của nước sở tại.
Chính phủ Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam đã hướng dẫn cho các công ty Việt Nam đầu tư vào Campuchia phải tôn trọng và thực hiện đúng luật pháp của Campuchia; chấp hành luật pháp quốc tế, và tôn trọng các lợi ích hợp pháp chính đáng của những người dân địa phương.
Ông Trần Văn Thông gọi lãnh đạo đối lập Campuchia phát biểu theo quan điểm cá nhân, chủ quan khi đề cập đến Việt Nam. Ông nói: “Những lời tố cáo của ông Sam Rainsy ở Ratanakiri hoàn toàn không có cơ sở gì cả. Ông chỉ tố cáo một cách vu vơ, theo quan điểm, suy nghĩ, chủ quan cá nhân của ông thôi. Ông nói Việt Nam đưa các công ty sang đầu tư ở Campuchia để thực dân hóa Campuchia, rồi biến vùng đất đó thành thuộc địa của Việt Nam. Cái đó là lời tố cáo, sự vu cáo, bịa đặt, không có cơ sở nào cả.
Vì Việt Nam không bao giờ có ý nghĩ thi hành chế độ thực hiện áp đặt cái gì ở đâu cả. Việt Nam sang đầu tư ở nước ngoài cho đến bây giờ là 56 lãnh thổ và quốc gia trên thế giới, trong đó có Campuchia. Sang đầu tư là cùng hợp tác, phát triển cùng có lợi. Còn cái tố cáo của ông Sam Rainsy thì hoàn toàn vu vơ không có cơ sở gì cả.”
Vấn đề cưỡng chiếm đất đai tại Campuchia đang xảy ra nghiêm trọng, đặc biệt tranh chấp với các công ty của Trung Quốc, Việt Nam, người giàu có, quyền lực, khiến người dân nước này thường xuyên tổ chức biểu tình, và các nhà hoạt động thường bị sách nhiễu.
Còn 310 người dân đại diện cho 405 gia đình bị chưỡng chế ở tỉnh Kratie cho biết họ sẽ tiếp tục ở lại Phnom Penh biểu tình, tuần hành chống công ty Việt Nam nếu không được chính quyền giải quyết cấp đất, và chính quyền không cam kết đảm bảo an toàn cho họ sau khi trở về nhà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét