Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Từ xứ sở tự do trở về mất tự do (Kỳ 2) &(3)

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

Hai máy quay chĩa vào tôi ở hai góc độ: trước mặt và bên trái ở cự ly rất gần. Ngoài việc ghi hình, có lẽ họ cũng muốn tạo ra không khí đe dọa.
Giới thiệu xong, sợ tôi không nhớ, Vũ nói lại một lần nữa rằng cậu ta từng làm việc với Nguyễn Quốc Quân, Trịnh Hội. Không biết cậu ta khuất phục được Nguyễn Quốc Quân và Trịnh Hội không nhưng tôi hiểu ngầm ý rằng, đến “cỡ” ấy cậu ta còn “trị” được thì tôi chẳng là cái “đinh” gì.
Cậu ta bảo, tôi 35, chỉ bằng tuổi con anh thôi nhưng ở đây, tôi hơn anh tất cả các mặt. Tôi có 5 mặt hơn anh là….

Ba cái hơn kia thì tôi không nhớ cụ thể, hình như cậu ta bảo cậu ta ở tư thế người của Bộ, đang thi hành công vụ và gì gì nữa. Tôi chỉ nhớ rõ hai cái hơn là “trình độ của tôi hơn anh” và “tôi khỏe hơn anh”
Tôi lạ vì câu “tôi chỉ bằng tuổi con anh” và kinh ngạc vì câu “tôi khỏe hơn anh”. Câu này cậu ta còn nhắc thêm mấy lần nữa. Liệu câu ta có ngầm ý đe dọa sẽ đánh tôi?. Giả sử như cậu ta không khỏe hơn tôi thì cậu ta còn có sự giúp sức của cả cái ê kíp làm việc hôm ấy cơ mà. “Mãnh hổ nan địch quần hồ” (hổ dù khỏe cũng khó mà thắng nổi bầy cáo đông).
Cả một thời tuổi trẻ của tôi đã bỏ lại trong quân ngũ, từ năm 1970 cho tới khi về hưu. Nếu tôi còn sức thanh niên thì cũng chẳng thể nào đánh lại được đám đông công an ấy. Đó là chưa kể họ đánh tôi thì không sao chứ tôi khẽ động vào người họ là tôi bị tống vào tù vì tội chống người thi hành công vụ ngay.
Cậu ta nói tôi chỉ bằng tuổi con anh, như vậy, người sinh thành ra cậu ta cũng trạc tuổi tôi, và cũng như tôi, ông yếu hơn con trai ông. Không biết ông có bao giờ lo sợ vì con trai nó khỏe hơn mình không. Còn với tôi, tôi chẳng bao giờ sợ thằng con trai cao 1m75 của mình vì nhà tôi có trật tự, các con tôi được giáo dục tử tế. Tôi không bao giờ đánh giá giá trị của con người bằng cơ bắp hay bằng khối lượng của xác thịt.
Tôi giữ thái độ bình thản, mặc cho cậu ta nói. Càng nói, tôi càng thấy nhận thức của tôi và cậu ta rất trái ngược nhau.
Cho tới khi Vũ khoe mình là tiến sĩ thì tôi còn kinh ngạc hơn. Thì ra tiến sĩ của ngành công an như thế này đây.
Vũ nói rất nhiều (cậu ta cũng thừa nhận như vậy) còn tôi thỉnh thoảng chen vào một câu. Tôi không thể nhớ được hết, chỉ nhớ đại ý. Ngoài ra, có những ý tôi quên hẳn vì tôi đang trong tình trạng rất mệt mỏi. Bảo chúng tôi sang Mỹ nhận tiền của Việt Tân, bảo Lê Quốc Quân bị bắt rồi thì tôi là nhà dân chủ hàng đầu…
Tôi nói, tôi không có khả năng hoạt động dân chủ (đánh giá về tôi như vậy là quá cao, tôi làm sao sánh được với Lê Quốc Quân kia chứ). Tôi chỉ phản ánh xã hội và bày tỏ thái độ chính trị của mình, điều này nằm trong khuôn khổ của hiến pháp.
- Anh sang Mỹ với tư cách gì, anh đại diện cho ai? Anh mà dám đại biện cho báo chí VN?
- Bà Sanchez mời tôi. Tôi đi với tư cách cá nhân, tôi phát biểu hay hoạt động gì của tôi cũng với tư cách cá nhân.
- Anh gặp những ai ở Việt Tân?
- Tôi gặp những người trong ban tổ chức. Ban tổ chức có 5 thành viên mà Việt Tân là một trong 5 thành viên ấy. Tôi không quan tâm đến ai là Việt Tân nhưng tôi có biết cô Li, cô Hồng Thuận và ông Đỗ Hoàng Điềm.
- Ông Điềm là chủ tịch Đảng Việt Tân, Hồng Thuận, Li cũng là Việt Tân đấy anh không biết à
-Thế à, nghe anh nói tôi mới biết. Tôi có biết cô Hồng Thuận, cô Li là trợ lý của bà Sanchez lo việc liên lạc và tổ chức cho khách mời sang Mỹ.  Nếu tôi biết họ là Việt Tân, tôi còn tìm hiểu kỹ hơn nữa ấy chứ, để xem Việt Tân như thế nào. Nếu họ là Việt Tân thì tôi thấy ai cũng sáng sủa, đàng hoàng, tử tế, có học vấn, có tâm huyết và đặc biệt năng lực làm việc rất tốt.
- Anh bảo anh không biết ai là Việt Tân cơ mà, sao anh lại nhận xét về họ như thế?
- Về nguyên tắc, tôi không phải là cán bộ tổ chức của Việt Tân nên tôi không thể khẳng định mặc dù có ai đó bảo họ là Việt Tân. Còn anh chẳng vừa nêu ra mấy người, bảo là Việt Tân đó sao. Nếu những người đó là Việt Tân thì họ đúng như vậy thật.
- Anh biết ông Đỗ Hoàng Điềm trong trường hợp nào?
-Ông ấy mời chúng tôi đi ăn. Mời thì tôi đi, tôi không quan tâm người đó là ai. Tôi thấy bữa ăn diễn ra vui vẻ, nói chuyện vui, hỏi thăm lẫn nhau chứ chẳng nói chuyện chính trị gì. Sau tôi được cho biết ông Điềm là trung ương Việt Tân do một người nào đó ở RFA nói. Thực ra ông Điềm không nói, có lẽ vì ông ấy khiêm tốn chứ không việc gì ông ấy phải giấu.
27/5/2014
*******************************************************

Từ xứ sở tự do trở về mất tự do (Kỳ 3)

NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Vũ hỏi:
- Anh có biết Hoàng Tứ Duy không?
- Không, có thể tôi gặp rồi mà không biết tên hoặc quên tên.
- Hoàng Tứ Duy là người cao cao ấy.
- À có phải là cái anh cao ráo đẹp trai đó không (mấy hôm nay đọc tin, tôi mới biết Hoàng Tứ Duy là người phát ngôn của Đảng Việt Tân)
- Anhh có gặp Hoàng Cơ Định không?
- Không.
Một viên công an đưa ra 1 ảnh chụp chung in từ máy ra:
- Có phải hình anh đây không?
- Ảnh in bằng giấy đen trắng làm sao tôi xác nhận được.
- Nhưng anh có chụp ảnh với mọi người chứ?
- Tôi chụp với rất nhiều người. Ai rủ vào chụp tôi cũng chụp hết.
Một người đưa ra cho tôi bản in 6 bài điều trần từ facebook của tôi:
- Đây có phải là phát biểu của anh không?
- Anh in ra từ đâu thì hỏi chủ trang ấy. Tôi nhớ làm sao được
- Không, anh chỉ cần xác nhận bài phát biểu của anh thôi.
- Tôi không thể xác nhận vì in ra có thể không còn nguyên văn. Nhưng ý tôi như thế nào thì tôi nhớ. Mỗi người chúng tôi chỉ có 1 phút 20 giây đến 1 phút 30 giây nên không nói được nhiều.
- Anh có nói rằng Nhà nước VN độc quyền quản lý báo chí?
- Vâng, đấy là sự thật.
- Anh cho rằng, cần phải có đa nguyên, đa đảng?
- Đúng thế. Tôi nêu lên quan điểm của tôi chứ chưa đòi nhưng rồi tôi sẽ đòi.
Vũ tiếp tục công việc tuyên truyền, rằng Việt Tân bây giờ tan tác, trước đây bao nhiêu giờ chỉ còn bấy nhiêu (tôi không nhớ con số cậu ta nói). Việt Tân đòi chia sẻ quyền lãnh đạo. Cậu ta bảo cậu ta là đảng viên, sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ đảng, cậu căm thù bọn phản động…
Thấy tôi không mặn mà gì với những lời lẽ hùng hổ của cậu ta, độc thoại chán, cậu ta khiêu khích:
-Sao, anh không nói được gì à, nhà dân chủ nổi tiếng mà như thế này sao.
Tôi bảo:
- Anh không bao giờ thuyết phục nổi tôi đâu và tôi cũng chẳng có ý định thuyết phục anh. Anh nên bỏ giọng qui chụp, khiêu khích đi. Tôi thấy không cần thiết phải tranh luận với anh. Tôi sẽ tranh luận khi ra tòa.
Cậu ta dằn giọng:
- Ra tòa là quyền của chúng tôi nhé.
Tôi nói tiếp:
-Mặt khác, nếu thích thì tôi chỉ tranh luận với tỉ lệ 1/1 (về số người và hoàn cảnh cũng phải như nhau, chứ không phải tôi đang bị bắt giữ trong đồn công an như thế này) Tốt nhất anh nên chấm dứt lối nói như thế này và chuyển sang làm việc chính thức. Anh muốn hỏi tôi điều gì thì hỏi đi.
Cuối cùng thì cậu ta bỏ đi, chẳng biết về hay ngồi phòng nào khác nhưng từ đó tôi không thấy cậu ta nữa. Xem ra, lối nói của cậu ta là tùy hứng chứ không có hệ thống.
Tôi ngồi trong phòng, biết là vợ con tôi và các bạn tôi đang ở bên ngoài đấu tranh đòi người. Sau đây là lời kể của vợ tôi:
Chúng tôi hơn 10 người đến sân bay Nội Bài trước giờ máy bay hạ cánh.
 
Đợi cho hành khách của chuyến bay ra hết, không thấy anh Thụy ra, chúng tôi kéo đến phòng quản lý xuất nhập cảnh.
 
Đòi chồng tại Phòng quản lý xuất nhập cảnh
 
Tôi vào phòng nói về việc chồng tôi đi trong chuyến bay ấy nhưng giờ không thấy đâu. Họ bảo vậy thì chị làm đơn trình báo chồng chị mất tích. Tôi bảo, không phải mất tích. Chồng tôi báo máy bay đã hạ cánh đúng 9 giờ 30 nhưng giờ là 10 h 30 rồi không thấy chồng tôi ra. Chồng tôi đang gọi điện cho tôi thì bị công an cướp điện thoại.
 
Họ cầm đơn đi hỏi. 1 giờ sau quay lại bảo chồng chị đang ở đồn công an cửa khẩu. Cơ quan công an còn làm một số việc về an ninh quốc gia. 

Vẫn là cái giọng qui chụp. Việc làm của chồng tôi mà ảnh hưởng đến an ninh quốc gia? Có mà ảnh hưởng đến quyền lợi ích kỷ của họ thì có.
 
Chúng tôi giăng biểu ngữ đòi trả tự do cho chồng tôi. Họ bảo không được giăng biểu ngữ nhưng chúng tôi cứ giăng, cứ chụp.
 
 
Chúng tôi thuê tắc xi đến đồn công an cửa khẩu. Lái xe tắc xi đòi đúng 100 nghìn đồng chứ không chịu tính theo cây số như qui định. Khoảng 12 giờ thì chúng tôi đến được cổng đồn.
 
Cổng đóng. Đợi cho đến lúc có một chiếc xe 24 chỗ vào, nhân lúc đó tôi mới xông vào hỏi. 
 
Một tên đẩy tôi ra. Tôi nói:
 
- Tôi đi tìm chồng tôi.
 
Hắn bảo:
 
- Không chồng con gì ở đây hết
 
Tôi nói:
 
- Thế vợ con ông không có tội gì mà bị bắt giam ông cũng nói như thế à? Ông là ác thú à?
 
Mọi người bảo chụp lấy ảnh nó.
 
Hắn bảo:
 
- Chụp đi, chụp 10 kiểu cũng được
 
Rồi hắn lẩn vào trong
 
Tôi quan sát cổng đồn công an lúc này rất nhộn nhịp. Xe lớn, xe bé, xe máy, người đi bộ náo loạn cả lên. Sao có một chồng tôi mà họ huy động lực lượng đông như thế này.

Chúng tôi đứng ở cổng đồn hô khẩu hiệu đòi người rồi chụp ảnh. Mọi phẫn nộ:
 
- Quân hèn với giặc, ác với dân. Có giỏi thì ra Biển Đông mà nhổ giàn khoan của giặc đi, đừng bắt nạt dân.
 
Tôi thấy công an Việt Nam làm những điều thật vô lý và vô ích, tự nhiên đẩy tôi vào thế đối nghịch. Tôi thấy chồng tôi chẳng làm điều gì sai trái mà vẫn bị bắt tới 8 lần. Tôi đã đến bao nhiêu đồn công an để đòi chồng. 

Tôi nói to với hy vọng chồng tôi trong ấy nghe thấy:
 
- Anh Thụy ơi! Em chờ anh ngoài này. Chờ đến bao giờ cũng được.
 
Cháu Trần Bùi Trung, con trai cô Bùi Thị Minh Hằng nói vọng vào: 
 
- Bác Thụy ơi! Vững lòng nhé bác, mọi người luôn bên bác.
 
Mọi người cũng hô to tên chồng tôi
 
Hai cháu công an ra bảo:
 
- Các bác đừng hô nữa, để cho người ta còn ngủ.
 
Đài RFA gọi điện phỏng vấn tôi. Sự việc diễn ra như thế nào thì tôi trả lời như vậy. 
 
Liên tục những cuộc điện thoại của bạn bè gọi đến, nói là ngày mai sẽ đến sân bay sớm tiếp sức. Tôi nhẩm tính, như vậy là sớm mai sẽ có 2 xe nữa tới sân bay.
 
Nhưng rồi 4 giờ 30 họ thả chồng tôi ở nhà ga. Chúng tôi ào đến với một niềm vui khôn xiết. Chúng tôi bảo nhau đưa ngay tin lên và gọi điện để cho ai sáng sớm định lên thì đừng lên nữa.
 
 
29/5/2014
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét