Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Muốn thoát Trung Quốc, phải vượt qua chính mình

Song Chi  -RFA

000_Hkg6745338-600.jpg
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến tham dự một cuộc họp của thanh niên Việt Nam và Trung Quốc tổ chức tại Hà Nội hôm 22/12/2011. -AFP photo
Cổ nhân có câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Lịch sử mấy ngàn năm sống bên cạnh nước láng giềng lớn mạnh hơn gấp bao nhiêu lần, từng bị Trung Hoa đô hộ cả ngàn năm, nhưng chưa bao giờ ông cha ta chịu sống hèn, chưa bao giờ ông cha ta chịu mất một tấc đất vào tay quân bành trướng. Để xảy ra tình trạng Trung Cộng ngày càng ngang nhiên lấn lướt, hành xử như thể chúng muốn gì được nấy như ngày hôm nay, một phần lớn là do lỗi của nhà cầm quyền VN.


Có thể thấy suốt bao nhiêu năm là “bạn bè, đồng chí” môi hở răng lạnh, rồi là kẻ thù, sau đó lại quay lại bắt tay nhau, dường như nhà cầm quyền VN đối với tập đoàn Trung Nam Hải vẫn chưa thoát ra được những điểm yếu sau:
1. Không học được những bài học cũ.
Không phải đợi đến bây giờ bộ mặt thật của Bắc Kinh với Hà Nội và với nhân dân VN mới lộ ra. Nhưng dường như đảng và nhà nước cộng sản VN vẫn không chịu thấy, hoặc có thấy mà vẫn ru ngủ mình bằng thứ “tình hữu nghị viễn vông” (dùng đúng từ của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng), hoặc vẫn không tìm cách thoát ra, trái lại, ngày càng lún sâu, lệ thuộc thêm.
Cứ cho như trong giai đoạn đánh Pháp rồi đánh Mỹ, mục tiêu của đảng cộng sản VN lúc bấy giờ là bằng mọi giá phải chiếm cho được miền Nam, thống nhất toàn bộ đất nước vào tay mình nên bỏ qua những lấn cấn trong mối quan hệ với các nước cộng sản “đàn anh”. Hơn nữa, giai đoạn đó Liên Xô và Trung Cộng giúp đỡ, chi viện cho Bắc Việt rất nhiều, vì món nợ đó mà đảng cộng sản VN mê muội không nhìn ra dã tâm của Trung Cộng giúp miền Bắc đánh Mỹ cũng chính là làm lợi cho Trung Cộng. Tuy vậy, quan hệ hai bên đã không phải hoàn toàn tốt đẹp, bằng chứng là miền Bắc từ từ ngả dần về phía Liên Xô.
Nhưng đến khi Trung Cộng bắt tay với Mỹ, đem quân đánh Việt Nam trong cuộc chiến biên giới Việt-Trung 1979 thì lẽ ra sau đó tình hữu nghị giữa hai bên phải hoàn toàn chấm dứt. Và thực tế đã chấm dứt nhiều năm sau đó, nếu như không vì hoảng sợ trước sự sụp đổ của Liên Xô và khối XHCN ở Đông Âu 1990-1991, VN lại tự chui đầu vào thòng lọng lần thứ hai khi bình thường hóa quan hệ với Trung Cộng trong thế yếu, qua Hội nghị Thành Đô 1990, mở đầu cho một thời kỳ Hán thuộc mới.
Chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế, bao nhiêu năm qua báo chí, dư luận đã lên tiếng rất nhiều về những mối nguy lệ thuộc nặng nề vào kinh tế Trung Quốc.
Từ cán cân chênh lệch ngày càng cao giữa nhập siêu và xuất siêu với Trung Quốc.
Từ việc Trung Quốc trúng thầu đến 80% các dự án lớn ở VN, trong đó phần lớn là xây dựng, khai thác khoáng sản, thủy điện…Ai cũng biết, chất lượng, kỹ thuật cho đến tay nghề của các công ty Trung Quốc thua xa các nước phương Tây, chỉ vì họ bỏ thầu thấp, biết “chung chi, lại quả” đậm mà trúng thầu, sau đó hậu quả thường là công trình bị kéo dài, chất lượng kém, phải sữa chữa, đội vốn lên rất nhiều. Trong quá trình thực hiện dự án, TQ đem sang tất cả nguyên vật liệu cho đến con ốc, cây đinh, VN không được lợi gì, về nhân lực họ mang theo từ kỹ sư, chuyên viên cho đến công nhân lao động phổ thông, người VN cũng không có thêm công ăn việc làm từ những dự án này.
Từ việc Trung Quốc tuồn hàng hóa kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả, hàng độc hại, thực phẩm không an toàn sang nước ta bằng con đường buôn lậu, phá hoại nền kinh tế, đầu độc sức khỏe người VN. Thương lái Trung Quốc thường xuyên qua VN, vơ vét thu mua nông ngư sản, đánh bẫy nông dân, ngư dân Việt bằng những chiêu lúc đầu hét giá cao, nông dân đua nhau trồng, nuôi mặt hàng mà thương lái cần, sau đó họ hạ giá hoặc không mua nữa, nông dân lại lỗ chổng gọng, nền sản xuất bị xáo trộn.
Đó là chưa nói những chiêu đi tìm mua những mặt hàng không giống ai, không biết để làm gì, từ móng trâu, móng bò, ốc bươu vàng…, vài năm trở lại đây thì đỉa, lá điều khô, dừa khô, rễ tiêu, rễ sim, lá khoai mì, lá khoai lang, ong bầu, gián đất v.v…Trước mắt là làm xáo trộn sản xuất, gây thiệt hại cho người dân, về lâu dài là làm mất cân bằng sinh thái, gây hại cho môi trường, phá hoại nền kinh tế.
Câu hỏi là những chiêu trò này có phải chỉ mới xảy ra? Không, đã từ hàng chục năm nay. Cái hại đã quá rõ. Vậy tại sao nhà nước vẫn không thể kiểm soát, ngăn chặn? Song song bên cạnh đó, tại sao trong hàng chục năm qua không âm thầm, tích cực tìm cách chuyển đổi, thay thế dần sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc bằng cách nỗ lực xây dựng quan hệ đối tác làm ăn với các nước khác, đồng thời tháo gỡ mọi khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp trong nước làm ăn hầu kinh tế nội địa mạnh lên?
Để đến hôm nay khi quan hệ giữa hai bên căng thẳng, VN còn phải đối diện với nỗi lo sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề về kinh tế nếu Trung Quốc cắt quan hệ, hoặc tìm cách trả đũa, “trừng phạt” bằng các biện pháp kinh tế.
Về mặt chính trị, quân sự, quốc phòng, sau cuộc chiến biên giới 1979 cũng như hàng loạt sự kiện mất đất, mất đảo, mất biển, VN đã rút ra bài học gì đề phòng một ngày nào đó Trung Cộng lại chơi xấu, tấn công chiếm thêm vài hòn đảo hay nổ ra một cuộc chiến mới?
Có người sẽ bảo VN ta cũng mua sắm vũ khí rất nhiều, mở rộng quan hệ với bao nhiêu nước trên thế giới v.v…Nói thật, VN sắm được một thì Trung Cộng sắm mười, so sánh về chuyện đầu tư quốc phòng với một nước lắm tiền thì làm sao cho lại. Còn mở rộng quan hệ theo kiểu làm bạn với tất cả các nước cũng có nghĩa không có ai là bạn thật sự cả, nhất là khi VN khăng khăng giữ nguyên tắc Ba không trong quốc phòng: “Không tham gia liên minh, đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào; không cho nước nào đặt căn cứ quân sự ở VN và không dựa vào nước này để chống nước kia.”
Chỉ riêng với Hoa Kỳ, VN đã bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ từ năm 1995, nhưng từ đó đến nay quan hệ giữa hai bên, chỉ trừ trong lĩnh vực thương mại, phải nói là phát triển hết sức dè dặt.
2. Luôn luôn trong thế bị động, đỡ đòn, phản ứng thì vô cùng chậm chạp.
Chỉ một ví dụ, giàn khoan “khủng” HD-981 của Trung Cộng không phải được lắp ráp ngày một ngày hai, mà đã lắp ráp có nghĩa là sẽ có ngày chúng đưa ra biển thăm dò dầu khí (chính thức giàn khoan này được Trung Quốc đưa vào hoạt động ngày 9 tháng 5 năm 2012). Lẽ ra ngay từ lúc đó, tập đoàn lãnh đạo VN đã phải ngồi lại tính toán xem nếu một ngày nào đó nó kéo giàn khoan vào nước mình thì mình sẽ đối phó cách nào chẳng hạn.
Đến khi Trung Cộng cho kéo giàn khoan vào vùng biển VN vào ngày 2.5.2014, ba ngày sau, báo chí VN mới loan tin. Ngày 10 tháng 5, Hội nghị Trung ương 9 Đảng CSVN đang họp cùng lúc nhưng không bàn công khai và tuyên bố về vụ giàn khoan. Chỉ đến khi kết thúc phiên họp, vào ngày 14 tháng 5, Hội nghị ra thông báo trong đó có đề cập về vấn đề này.
Ở cấp lãnh đạo cao nhất, mãi đến ngày 11 tháng 5, thủ tướng VN mới lên tiếng công khai tố cáo Trung Quốc và kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế, nhưng là ở ngoài nước, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 ở Myanmar.
Ngày 21 tháng 5, trả lời qua email cho phóng viên của các hãng thông tấn AP và Reuters, ông Thủ tướng có có đề cập đến việc sẽ sử dụng khía cạnh pháp lý theo luật pháp quốc tế, để đấu tranh với Trung Quốc vụ giàn khoan, nhưng cũng chưa chính thức lên tiếng là sẽ kiện TQ ra tòa án quốc tế, và bao giờ kiện, trong khi ai cũng biết một vụ kiện như thế sẽ mất thời gian hàng năm như thế nào.
Ngoài ra, không thấy các ông lãnh đạo khác có lời tuyên bố cứng rắn tương tự hay có công hàm chính thức phản đối gửi đến Tập Cận Bình. Ngược lại, trong nhiều phát biểu, từ ông Vũ Mão-nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Phùng Quang Thanh, ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho tới ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang… đều cho thấy hoặc trong nhận thức vẫn còn mơ hồ về tình “hữu nghị” đôi bên, hoặc hèn nhát, hoặc không đủ mạnh mẽ, đanh thép.
Suốt hơn 3 tuần qua, VN vẫn chỉ dám cử đội tàu chấp pháp, số lượng ít, nhỏ và yếu hơn hẳn lực lượng tàu bảo vệ giàn khoan của Trung Cộng, chạy vòng vòng bên ngoài phản đối, chưa có thêm “miếng võ” nào khác, trong lúc giàn khoan của Trung Cộng cứ ì ra đó và chắc chắn đã thực hiện việc khoan thăm dò dầu khí, mặt khác tàu TQ vừa tấn công tàu chấp pháp, tấn công đánh chìm tàu cá VN như chốn không người!
3. Có hai nhược điểm trên là vì không có tầm nhìn chiến lược.
Phải nói thật, so với các lãnh đạo đảng cộng sản Trung quốc từ trước đến nay, các lãnh đạo đảng cộng sản VN nhìn chung có tầm nhìn kém hẳn. Ngay từ khi còn đang quan hệ thắm thiết như “môi với răng” với VN, Mao Trạch Đông đã khẳng định trong cuộc họp của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng 8 năm 1965 rằng: “Chúng ta phải giành cho được Đông Nam châu Á, bao gồm cả miền nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore… Sau khi giành được Đông Nam châu Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô-Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây…”. (“Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua”, NXB Sự Thật, 1979)
Cách họ chọn thời cơ tiến chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, bắt tay với Mỹ v.v…càng chứng tỏ điều đó. Còn VN, chỉ riêng chuyện Hoàng Sa, bản công hàm của Phạm Văn Đồng hay những suy nghĩ của một số lãnh đạo Bắc Việt thời đó “Quần đảo Hoàng Sa thà để cho Trung Quốc đồng chí anh em của ta giữ giùm còn hơn nằm trong tay bọn “ngụy quân ngụy quyền” là đủ thấy tầm nhìn kém, chỉ biết quyền lợi của đảng mà không biết đặt quyền lợi đất nước, dân tộc lên trên.
Đến hôm nay, Hà Nội lại bị Bắc Kinh làm nhục một lần nữa qua sự kiện giàn khoan, đồng thời khả năng mất biển, thậm chí mất nước lại trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Khắp nơi, lòng dân kêu gọi hãy “thoát Trung, thoát Hán”. Muốn vậy, có lẽ nhà cầm quyền phải tận tâm tận lực, quyết liệt gỡ thế khó trên cùng lúc nhiều mặt trận chính trị, quân sự, quốc phòng, ngoại giao, kinh tế…
Đã bao nhiêu lần đảng cộng sản VN đi sau, bị động, làm cái bóng của đảng cộng sản TQ. Lần này, lối thoát cho họ mà cũng là lối thoát cho dân tộc VN là phải đi trước TQ một bước, phải nhanh, bất ngờ, quyết liệt, làm những điều mà Trung Quốc sợ hoặc chưa dám làm, hoặc không nghĩ là VN sẽ làm. Chẳng hạn, thay đổi thể chế chính trị, bắt tay với phương Tây, ký kết là đồng minh của Hoa Kỳ và các nước dân chủ.
Về kinh tế, thay vì chờ bị Trung Cộng chơi xấu, trừng phạt về kinh tế phải tìm cách chuẩn bị, đặt ra hết mọi tình huống xấu nhất sẽ xảy ra và tính trước v.v…
Như nhiều người cũng đã bàn, sự kiện giàn khoan lần này có thể là nguy cơ mà cũng có thể lại là một cơ hội tuyệt vời cho dân tộc VN thoát Trung, chuyển mình bước hẳn sang dòng chảy của các nước tiến bộ. Giống như sự kiện đập Myitsone là giọt nước làm đầy tràn cái ly phẫn nộ của người dân Myanmar, buộc Tổng thống Thein Sein phải ra lệnh dừng xây đập, từ chối TQ, mở đầu hành trình thoát Trung, cải cách dân chủ, hướng về phương Tây.
Tất cả tùy thuộc: với nhà cầm quyền là vượt qua chính mình, với người dân VN là thực sự thức tỉnh.
Song Chi, 28/05/2014
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét