Đặng Thế Hải – RFA
Công dân Việt Nam, Du học sinh Việt Nam tại Đài Loan
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (giữa) đi cùng với các thành
viên cùng đoàn đến dự lễ bế mạc hội nghị thượng đỉnh ASEAN 24 tại Trung
tâm Hội nghị quốc tế Myanmar hôm 11/5/2014. -AFP photo
Kính gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,
Trước tiên, kính mong Thủ tướng thứ lỗi cho sự đường
đột và mạo muội của cháu. Vì Thủ tướng quá bận rộn khi phải lo giải
quyết nhiều công việc quốc gia đại sự, và nhất là khi những căng thẳng
xung quanh giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu
lắng dịu.
Đầu thư, cháu xin được chia sẻ câu chuyện liên quan
tới thảm họa hạt nhân Fukusima, tháng Ba năm 2011 tại Nhật Bản: đó là
bức thư tâm tình của Ashwin Cresswell, một cậu bé Úc 9 tuổi, gửi tới bà
Julia Gillard, thủ tướng Úc. Trong thư, Ashwin bày tỏ sự cảm thông của
mình với sự mất mát của Toshihito, một câụ bé Nhật Bản, mới chỉ 8 tuổi
nhưng đã mất cả gia đình sau thảm họa kinh hoàng đó. Những lời trong bức
thư của cậu bé Ashwin hồn nhiên như sau:
“Gửi bà Julia Gillard,
Mẹ cháu bảo các Thủ tướng có thể nói chuyện với những
Thủ tướng khác. Xin bà hãy gửi bức thư này đến Thủ tướng Nhật Bản giúp
cháu được không ạ?
Cháu không nói được tiếng Nhật Bản nhưng cháu hy vọng Thủ tướng Nhật sẽ nói được tiếng Úc.
Cháu đã nhìn thấy bức ảnh của cậu bé người Nhật
Toshihito Aisawa trên báo. Mẹ cháu đã đọc cho cháu nghe câu chuyện của
bạn ấy và mẹ cháu kể, bạn ấy đã mất hết cả cha mẹ trong trận sóng thần.
Bà có biết bạn Toshihito không ạ? Bạn ấy có được ăn
và uống những thứ mình thích không ? Bạn ấy có chiếc áo thun đẹp để mặc
không? Nếu bạn ấy không có, cháu sẵn sàng cho bạn ấy mượn.
Nếu bạn ấy không thể tìm được cha mẹ, bạn ấy có thể ở
với gia đình cháu. Bạn ấy cũng có thể chơi đồ chơi của cháu và đi học
với cháu. Không biết bạn Toshihito có thích ở với gia đình cháu không
nhỉ?”
Có lẽ bất cứ ai cũng sẽ cảm động khi đọc bức thư đó
và tấm lòng của Ashwin Cresswell đã được đích thân bà Julia Gillard
chuyển tới tận tay người đồng nhiệm Nhật Bản, khi đó là thủ tướng Naoto
Kan. Ngoài khía cạnh nhân văn và tinh thần chia sẻ, điều thường thấy ở
những xã hội tiến bộ, đang ở những vị trí rất cao trong nấc thang văn
minh của nhân loại như Úc, Nhât Bản, vv … ta còn thấy ở đó là cái ý thức
“dân sự” khi tâm nguyện của một cậu bé 9 tuổi có thể tới được tay lãnh
đạo quốc gia để được xem xét.
Trên tinh thần đó, với tư cách là một công dân Việt
Nam và đã từng hai lần đi “bỏ phiếu bầu cử tại địa phương” cháu cũng xin
được chuyển tâm thư của mình tới Thủ tướng Việt Nam với nội dung “chính
trị” liên quan tới sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vi
phạm chủ quyền của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế và mối trăn trở
về những vấn đề của đất nước. Cách đây vài tháng, ông Algore, cựu phó
Tổng thống Mỹ, trong bài nói chuyện với sinh viên của đại học Oxford,
Anh Quốc có nhắn gửi: “Người trẻ tuổi cần biết quan tâm tới chính trị để
làm cho xã hội tốt đẹp hơn” Và cũng rất mừng là mới đây thôi, trong kì
thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2014, đề thi môn Văn học Việt Nam đã
chọn giàn khoan Hải Dương 981 là chủ đề cho một câu hỏi chiếm 3 điểm
trên tổng 10. Nhưng cũng đáng buồn là trong cuộc thi Hoa hậu Biển cách
đây không lâu, một thí sinh đã vô tư hồn nhiên đáp: “Em mong Trung Quốc
sẽ mở giàn khoan để cho đất nước Việt Nam của em ngày càng tươi đẹp
hơn”.
Như một công dân Việt Nam bình thường; cháu sinh ra
và lớn lên, đi học 12 năm phổ thông và tốt nghiệp đại học tại Việt Nam
rồi có điều kiện để đi du học nước ngoài. Hiện tại, cháu đang là sinh
viên cao học tại Đài Loan, một hòn đảo rất gần với Việt Nam và có nhiều
mối liên hệ về lịch sử, văn hóa, chính trị với chúng ta và cũng có một
số “vấn đề” đối với nhà nước Trung Quốc. Chỉ mới đây thôi, ngay trong
tháng Ba, hàng trăm ngàn sinh viên của hòn đảo này đã tuần hành, biểu
tình và chiếm đóng cả tòa nhà của Viện Lập Pháp tại Đài Bắc để phản đối
hiệp định Hợp tác Thương mại dịch vụ mà Chính quyền Quốc dân Đảng của
Tổng thống Mã Anh Cửu đã kí kết với Bắc Kinh và đơn phương thông qua bất
chấp sự phản đối của đảng đối lập trong Quốc hội.
Những sinh viên đã hành động như vậy vì họ cho rằng:
hiệp định này sẽ ngày càng gia tăng sự phụ thuộc của Đài Loan vào thương
mại với Trung Quốc, lo ngại rằng Đài Loan sẽ bị Trung Quốc thôn tính,
và họ nghi ngại rằng bên trong nội dung của bản hiệp định có những điều
khoản không rõ ràng; điều mà họ đòi hỏi ở chính quyền là tính minh bạch
và muốn tổng thống ra đối chất với họ. Sự kiện đó đã xảy ra trong hơn 20
ngày, nằm trong trật tự và tầm kiểm soát của an ninh, không có nhiều sự
đàn áp, bắt bớ. Truyền thông quốc tế khi đó gọi sự kiện là Phong trào
sinh viên Hoa Hướng Dương. Một điều đáng tiếc là gần 700 cơ quan báo chí
truyền thông của Việt Nam lại không hề đưa tin về sự kiện này?
Với một chút kiến thức thu được cùng những trải
nghiệm khi quan sát và học hỏi nơi xứ người, cháu có ước muốn sau này có
thể đóng góp môt phần nhỏ bé sức của mình cho sự thay đổi của đất nước.
Theo nhận xét của bản thân, cháu thấy rằng Đài Loan còn rất nhiều việc
phải làm để có thể bắt kịp phương Tây hay Nhật Bản nhưng họ thực sự đã
phát triển hơn Việt Nam rất xa và họ là một trong những vùng lãnh thổ có
mức sống cao nhất châu Á. Tại hòn đảo này, hiện đang có tới 100 ngàn cô
dâu Việt lấy chồng xa xứ với gần 150 ngàn đứa con lai Việt – Đài và
quãng gần 100 ngàn lao động xuất khẩu tới từ những vùng quê nghèo của
Việt Nam, trong số đó có hàng ngàn người hiện đang cư trú và làm việc
trái phép, có thể bị bắt giam và trục xuất bất cứ lúc nào, vậy mà cơ
quan ngoại giao của chúng ta vẫn chưa có sự quan tâm tới họ một cách
thỏa đáng … Hiện tượng này đã và đang gây ra một số vấn đề cho xã hội
của Đài Loan.
Những sinh viên đi du học như cháu chỉ chiếm một con
số khiêm tốn là gần 4000 người so với những nhóm kể trên. Trong cuộc
sống thường nhật, tiếp xúc và giao tế với người Đài, cháu nhận thấy rằng
phần đông dân ở đây không coi trọng người Việt cho lắm, đúng hơn là còn
có một chút coi thường; và có một chút xấu hổ khi ở nhiều nơi công
cộng, người ta dán những bảng thông báo như “Cấm ăn cắp”, “Cấm băng
ngang qua đường tàu” và “Cấm gây ồn” bằng tiếng Việt. Trong thâm tâm,
cháu luôn khao khát một điều rằng đất nước Việt Nam của mình sẽ có ngày
vươn lên, thật văn minh, thịnh vượng để không còn thua kém Đài Loan hay
Mã Lai và những thanh niên nam nữ người Việt cũng sẽ không cần phải xuất
ngoại để mưu sinh nữa, và người ta cũng sẽ không dám coi thường Việt
Nam nữa.
Xa hơn nữa, cháu mơ rằng thế hệ trẻ của Việt Nam sau
này sẽ được hưởng một nền giáo dục thật tốt với trường lớp và cơ sở vật
chất phong phú hiện đại (những khuôn viên rộng và đẹp, có thư viện, hồ
bơi và sân bóng, vv); khi đó bằng cấp do Việt Nam đào tạo sẽ được các
quốc gia tiên tiến coi trọng và Việt Nam cũng sẽ tự ươm cho mình được
một nguồn nhân lực cạnh tranh, giải quyết được tình trạng “chảy máu chất
xám” đang gây hại nghiêm trọng cho sự phát triển của đất nước. Làm sao
để đất nước và cuộc sống của con người Việt Nam cũng tươi đẹp như núi
rừng và biển trời của chúng ta. Vì sao mà một em bé mồ côi, nạn nhân của
chiến tranh như Phillipne Roesler, rời Việt Nam qua Đức khi còn nằm nôi
lại có thể trở thành phó Thủ tướng Đức ? Và tại sao chúng ta lại quá dễ
dãi để cho truyền thông tung hô sự kiện đôi vợ chồng siêu sao Brad
Pitt và Angelina Jolie tới Việt Nam nhận cậu bé Pax Thiên làm con nuôi
và coi đó là một niềm vinh hạnh?
Đã một tháng trôi qua kể từ khi Trung Quốc mang giàn
khoan Hải Dương 981 và đặt nó trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Cùng tâm trạng như rất nhiều người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới,
cháu nghe ngóng và cập nhật tình hình về cái giàn khoan “ngang ngược” đó
liên tục mỗi ngày. Mối quan tâm của cháu đối với sự kiện thậm chí còn
lớn hơn cả việc học; và làm sao có thể học được khi chủ quyền và an ninh
lãnh thổ của đất nước mình đang bị đe dọa. Mỗi khi đọc tin tức, xem
hình ảnh lẫn những đoạn phim, cháu đã khóc khi thấy lực lượng cảnh sát
biển Việt Nam và những ngư dân trung kiên quyết tâm bám biển và đương
đầu với một thế lực áp đảo có vũ trang của “một thực thể lạ” như lâu nay
truyền thông vẫn đưa tin. Vì sao “tàu lạ” lại có thể phun vòi rồng với
áp lực nước cao, có thể làm vỡ cả cửa kính vào tàu kiểm ngư của ta, “tàu
lạ” có thể ném đá gây thương tích cho ngư dân Đà Nẵng và đâm chìm cả
tàu cá của ta? Tại sao họ lại có thể thực hiện hành vi giết người Việt
Nam ở ngay trong vùng lãnh thổ và đặc quyền kinh tế của Việt Nam ? Tại
sao “nước lạ” có thể điều máy bay quân sự và tàu hộ vệ mang tên lửa vào
lãnh hải của Việt Nam với thái độ hung hãn, dẫn tới căng thẳng leo
thang, thậm chí súng có thể nổ bất cứ lúc nào. Tại sao lại như vậy? Nói
như những ngư dân Đà Nẵng thì “Biển là của mình cơ mà!”
Cuộc biểu tình dẫn tới bạo loạn với quy mô lên tới
hàng chục ngàn của người lao động trong những khu chế xuất, khu công
nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khắp trên cả nước đã gây ra rất nhiều hệ
quả và mối quan ngại về tương lai của Việt Nam. Không chỉ những doanh
nghiệp Trung Quốc, mà cả Đài Loan, Hongkong, Singapore rồi Hàn Quốc và
Nhật Bản, vv … cũng chịu thiệt hại. Nghiêm trọng hơn là tình trạng cướp
bóc, hôi của, ẩu đả và cả án mạng tại khu công nghiệp Formosa, Vũng Áng,
Hà Tĩnh. Tiếp đó là việc Trung Quốc đưa tàu tới sơ tán hàng ngàn công
nhân của họ về nước (chúng ta sẽ thấy giật mình là không ngờ người Trung
Quốc đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam nhiều đến thế, và vì sao Trung
Quốc lại trúng thầu quá nhiều dự án ở Việt Nam?) rồi giải phóng quân
Trung Quốc còn điều hơn 300 ngàn lính với phương tiện hùng hậu tới sát
biên giới phía Bắc, tuyên bố tình trạng chiến tranh cấp 3 … làm cho
người Việt phải lo âu, mất ăn mất ngủ.
Đất nước Việt Nam đã chịu đựng quá nhiều cuộc chiến
tranh trong phần lớn thời gian của thế kỷ 20 rồi, nên giờ đây không mấy
ai lại mong muốn có binh đao loạn lạc nữa. Chiến tranh Việt Nam là một
cuộc chiến dài, đẫm máu, đau thương nhất và gây chia rẽ, hận thù nhiều
nhất trong lịch sử nhân loại. Cho tới hôm nay, dù đã gần 40 năm kể từ
khi chiến tranh kết thúc, nhưng hai khối người Việt ở quốc nội và hải
ngoại dường như vẫn chưa cùng nhau nhìn về chung một hướng, dù đất nước
đang nguy ngập. Câu chuyện hòa giải, hòa hợp dân tộc vẫn còn rất xa vời
vì đôi bên chưa có ai thật sự mở lòng và thực tâm chìa tay ra.
Vụ bạo loạn của tầng lớp công nhân Việt Nam đã gióng
lên một hồi chuông cảnh tỉnh về những vấn nạn xã hội trên đất nước hôm
nay. Theo như nhiều cơ quan báo chí truyền thông trong nước, cho rằng có
những “thế lực xấu” đứng đằng sau tổ chức, giật dây kích động những
người nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết, và kêu gọi tinh thần yêu nước phải
dựa trên lý trí và sự tỉnh táo. Nhưng đằng sau đó có những căn nguyên
khác mà chúng ta không mấy ai quan tâm tới: Vì sao những người công nhân
lại hành xử như vậy ? Phải chăng vì họ bất mãn với đồng lương ít ỏi và
cuộc sống khó khăn ? Đã có nhiều bài báo, viết về những cảnh đời trong
những khu công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Thật xót xa làm sao khi
biết nhiều nam công nhân phải chạy xe ôm ngoài giờ và nhiều nữ lao động
thậm chí phải hành nghệ mại dâm để có thêm tiền trang trải cuộc sống và
giúp đỡ gia đình. Đối với họ, tương lai là một cái gì đó mơ hồ. Tình
trạng bất bình đẳng và những bất công trong xã hội Việt Nam hôm nay đã
dẫn tới những ức chế tâm lý rồi đè nén thành một khối chỉ trực bộc phát
khi bị châm ngòi… Và giàn khoan Hải Dương 981 chính là một mồi lửa.
Trong vụ bạo loạn này, rất nhiều doanh nghiệp của Đài
Loan bị ảnh hưởng, và thực tế là họ chịu thiệt hại nặng nhất. Theo như
tin tức mà báo đài đã đưa, có hàng trăm nhà máy của Đài Loan tại Việt
Nam bị hư hỏng, phải đóng cửa, chủ thuê thì kinh hãi bỏ về nước, đã có
những cuộc biểu tình của người Đài Loan phản đối Việt Nam tại Văn phòng
Ngoại giao của Việt Nam tại Đài Bắc; chính quyền Đài Loan lên án, chỉ
trích và yêu cầu Việt Nam phải bồi thường cho những doanh nghiệp; trên
truyền hình của Đài Loan có chiếu cảnh ông Bùi Trọng Vân, đại diện ngoại
giao của Việt Nam tại Đài Bắc phải lên truyền hình xin lỗi phía Đài
Loan với những lời lẽ khẩn khoản: “Chúng tôi rất xin lỗi người dân Đài
Loan … Mong các doanh nghiệp Đài Loan đừng rời bỏ Việt Nam” Cô dâu,
người lao động và sinh viên chúng cháu đã phải đối diện với những ánh
mắt và thái độ không mấy thân thiện từ người bản xứ, cùng với những câu
hỏi, thắc mắc nhạy cảm và rất khó trả lời, đại loại như: “Vì sao người
Việt Nam lại hành động như thế?” “Chúng tôi là người Đài Loan, không
phải Trung Quốc” Một vị cô giáo dạy tiếng Hoa còn nói rằng “Xin đừng
giết chúng tôi, chúng tôi là người Đài Loan”
Bản thân cháu cũng đã phải đối mặt với những áp lực
tương tự, trong giờ học của một ông giáo sư có lập trường thân thiện với
Bắc Kinh, nằm trong Ủy ban Hiệp Thương giữa hai bờ eo biển Đài Loan,
ông ta thường xuyên hỏi cháu, sinh viên Việt Nam duy nhất trong lớp bên
cạnh những bạn học Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Séc, Romani, Nhật Bản, vv … những
câu hỏi khó trả lời như là: “Vì sao người Việt Nam lại hành động điên
cuồng như vậy?” “Đài Loan chúng tôi luôn coi trọng đầu tư vào Việt Nam
và đối xử tốt với công nhân Việt Nam” và “Vì sao Việt Nam lại phản ứng
dữ dội như vậy với Trung Quốc?” và “Vì sao Việt Nam lại không chịu ngồi
vào bản đàm phán để giải quyết vấn đề song phương cùng với Trung Quốc?”
Cháu đã rất khó chịu và phải cố gắng để giữ bình tĩnh, đối đáp với ông
ta rằng: “Xin lỗi Đài Loan nhưng đó là vùng đặc quyền kinh tế biển và
chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam theo công ước quốc tế, một phần biển đảo
của Việt Nam hiện đã bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trong quá khứ
và chúng tôi có đầy đủ những bằng chứng lịch sử lẫn pháp lý để có thể
khởi kiện Trung Quốc. Việt Nam không thể nhượng bộ về vấn đề chủ quyền,
dù đối phương là Trung Quốc, một cường quốc”.
Đó cũng chính là cái tinh thần trong những tuyên bố
mới đây của Thủ tướng: “Không thể đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển
vông, lệ thuộc”, “Việt Nam sẽ làm hết sức để bảo vệ chủ quyền” hay
“Không thể vì tình hữu nghị mà im lặng”, vv. Tuyên bố dứt khoát, đầy bản
lĩnh của Thủ tướng đã đem lại một niềm tin cho khối cộng đồng 90 triệu
người dân Việt Nam và 4 triệu kiều bảo ở hải ngoại. Nhưng rõ ràng là
chúng ta cần phải làm nhiều việc khác hơn nữa thì mới có thể bảo vệ được
chủ quyền biển đảo.
Trong suốt thời gian qua, những phản ứng và bước đi
của Chính phủ vẫn khiến người dân Việt Nam không khỏi lo lắng. Hội nghị
cấp cao ASEAN đã không đạt được sự đồng thuận mong muốn giữa các nước
thành viên về vấn đề biển Đông; những tuyên bố của bộ ngoại giao Việt
Nam khi bác bỏ công hàm 1958, theo nhiều chuyên gia nghiên cứu về luật
biển là không có lợi cho Việt Nam nếu đưa tranh chấp pháp lý ra giải
quyết tại tòa án (vì tính chính danh của 2 nước Việt Nam sau năm 1954);
trong lúc đó Trung Quốc vẫn luôn tìm cách bôi xấu và hạ thấp hình ảnh
của Việt Nam với dư luận quốc tế, tìm mọi cách ngăn cản sự can thiệp từ
đa phương; mà song phương thì chúng ta hoàn toàn yếu thế. Nhiều nước như
Mỹ, Nhật, Pháp rồi Phillipines đều lên tiếng ủng hộ Việt Nam, nhưng
chúng ta thực ra vẫn đang đơn độc vì không thể kì vọng nhiều hơn. Chúng
ta có quan hệ ngoại giao, làm bạn với tất cả các nước, nhưng lại không
có đồng minh chiến lược cùng chia sẻ lợi ích.
Bài phát biểu vài ngày trước của Bộ trưởng quốc phòng
Việt Nam tại diễn đàn đối thoại an ninh Shang-ri La lại mâu thuẫn với
những phát ngôn mạnh mẽ, cứng rắn của Mỹ và Nhật Bản. Vì sao mà “Chuyện
Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam như mâu thuẫn nội bộ GIA
ĐÌNH và cần giải quyết song phương: “Những vấn đề có liên quan đến hai
nước thì cần giải quyết SONG PHƯƠNG… Trên thực tế, ngay ở trong quốc
gia, hay mỗi gia đình cũng còn có những mâu thuẫn, bất đồng, huống chi
là các nước láng giềng với nhau còn tồn tại tranh chấp về biên giới,
lãnh thổ, hoặc va chạm là điều khó tránh khỏi” ? Lập luận này của chúng
ta vô tình đã đặt Mỹ và Nhật Bản vào thế việt vị và khiến Việt Nam lại ở
vào thế tự cô lập mình với những thiện chí của quốc tế.
Vì sao mà trước đó, trong năm 2011 trong chuyến thăm
và làm việc của lãnh đạo 2 đảng, chúng ta lại đặt bút kí vào: “Thỏa
Thuận Về Những Nguyên Tắc Cơ Bản Chỉ Đạo Giải Quyết Vấn Đề Trên Biển
Giữa Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và Nước Cộng Hòa Nhân Dân
Trung Hoa”. Trong thỏa thuận này có 1 nguyên tắc rất bất lợi cho Việt
Nam, đó là “Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc, hai
bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị.” Và vì
sao khi chúng ta đã là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an
Liên Hiệp Quốc, đã từng giữ cả ghế chủ tịch, nhưng lại không tranh thủ
tận dụng nhiệm kỳ đó để đưa vấn đề biển Đông ra với thế giới?
Hiện giờ Trung Quốc vẫn đang tăng cường lực lượng và
uy hiếp chúng ta trên biển lẫn trên đất liền. Điều gì sẽ xảy ra nếu căng
thẳng leo thang dẫn tới không thể kiểm soát và có bên nổ súng trước ?
Nếu chiến tranh xảy ra, đó thật sự sẽ là một thảm họa. Như các diễn đàn
quân sự phân tích, Việt Nam hiện có lực lượng quân sự hùng hậu nhất Đông
Nam Á, thời gian gần đây chúng ta cũng đã tăng cường mua sắm nhiều khí
tài và hiện đại hóa quân đội … chúng ta đã sở hữu thêm máy bay chiến
đấu, tàu chiến, tàu ngầm và tên lửa phòng thủ thế hệ mới, vv … nhưng
những gì chúng ta có do mua được từ Nga hay Do Thái thì Trung Quốc cũng
có thể mua được và còn có nhiều hơn ta nhờ vào tiềm lực kinh tế hùng hậu
và chi tiêu quân sự khổng lồ. Trong trường hợp xấu nhất khi có xung
đột, liệu chúng ta có thể bảo vệ được chủ quyền và an ninh của đất nước ?
Về lâu về dài, khi kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó
khan do tham nhũng yếu kém, liệu chúng ta có thể đứng vững khi có xung
đột và chúng ta hiện nay bị lệ thuộc quá nhiều vào nhập siêu từ Trung
Quốc ? Tuy có phần cay đắng, nhưng có một sự thật mà chúng ta cần phải
nhìn nhận là: Đất nước Việt Nam đang hết sức nguy ngập. Lối thoát nào
cho Việt Nam?
Trong thời đại thông tin tự do và sự phát triển của
internet như ngày nay, sẽ không quá khó để có thể tham khảo bài học lịch
sử của rất nhiều quốc gia trên thế giới.
– Vì sao chỉ vài quả đạn pháo từ hạm đội của Đô
đốc Matthew C. Perry nã vào thành Edo (Tokyo ngày nay) mà nước Nhật đã
bừng tỉnh để thực hiện một cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân toàn diện, sâu
rộng, nhanh chóng trong nửa sau của thế kỷ 19, biến Nhật Bản từ lạc hậu
trở thành cường quốc, đánh thắng Nga và Trung Quốc, cạnh tranh ngang
ngửa với những đế quốc phương Tây đầu thế kỷ 20? Và vì sao một nước Nhật
bại trận trong thế chiến thứ 2, từ đống đổ nát lại có thể vươn lên mạnh
mẽ, trở thành cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới chỉ trong một thế hệ
(23 năm tính từ khi tuyên bố đầu hàng vô điều kiện sau khi bị Mỹ ném 2
quả bom nguyên năm 1945 cho tới khi tổ chức Thế vận hội Tokyo 1968)? Và
ngày nay nước Nhật đang trở lại mạnh mẽ với vị thế của một cường quốc
quân sự đích thực để duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực trước
những mối đe dọa mới.
– Vì sao chỉ hơn 20 năm sau khi Liên Xô và Đông
Âu tan rã, một số quốc gia Soviet cũ như Balan hiện đã đạt được mức phát
triển gần ngang với Tây Âu, xã hội dân chủ, nhân văn và có thể tự tin
đứng vững trước một nước Nga to lớn và hùng mạnh về quân sự.?
– Năm 1971, khi bị mất ghế ở Liên Hiệp Quốc;
trước nguy cơ bị Bắc Kinh sát nhập. Đài Loan và nhất là Tưởng Kinh Quốc
đã có những bước đi sáng suốt như thế nào để Mỹ thông qua đạo luật Đài
Loan và ngầm hộ trợ về quốc phòng? Và vì sao Tưởng Kinh Quốc dám từ bỏ
cả lợi ích của gia tộc để Đài Loan có một nền dân chủ và nhân quyền đáng
ngưỡng mộ ở châu Á, điều làm cho Đài Loan khác biệt với Trung Quốc và
vẫn có thể đứng vững trước những mối đe dọa.?
– Vì sao Thổ Nhỹ Kỳ cũng nằm ngay trên bờ Hắc Hải
như Ukraine, nhưng nước Nga to lớn lại không thể mang quân vào Thổ dễ
dàng như Crimea ? Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ lại có một lực lượng mạnh trong
NATO, có thể tự sản xuất cả những khí tài hiện đại như máy bay chiến đầu
F-16 (mà nếu có chúng, Việt Nam sẽ bảo vệ biển đảo hữu hiệu hơn) trong
khi trước Thế chiến thứ 2 Thổ cũng là một nước lạc hậu và phải liên tục
thay đổi chính sách ngoại giao, khi ngả về Đức Quốc Xã, lúc thiên về
Liên Xô, rồi cuối cùng lại tin tưởng theo Anh-Mỹ ?
– Và bên cạnh đó cũng là những bài học về sự thất
bại trong việc bảo vệ chủ quyền như trường hợp của Tiệp Khắc những năm
1930, trong Thế chiến thứ Hai. Vì sao Tiệp Khắc khi đó có nền kinh tế,
quân sự và khoa học hùng mạnh, là 1 trong 10 cường quốc ở châu Âu lại dễ
dàng bị sát nhập và chiếm đóng bởi Đức Quốc Xã mà không tốn sức giao
tranh? Vì sao những lãnh đạo của Tiệp Khắc khi đó lại để cho Hitler dễ
dàng mang quân vào tiếp quản nước mình ?
Giáo sư Lê Xuân Khoa, một trí thức Việt Nam nổi tiếng
ở hải ngoại có viết: “Trong quan hệ quốc tế, chỉ có lợi ích quốc gia là
quan trọng hơn cả. Cũng như trong sự giao thiệp giữa các cá nhân, quyền
lợi vị kỷ hay gia đình của mỗi người luôn luôn là ưu tiên được bảo vệ,
mọi hình thức liên minh giữa các quốc gia đều chỉ tồn tại chừng nào mỗi
thành viên còn thấy sự hợp tác đó có lợi ích cho xứ sở của mình …” Và
cũng có một câu châm ngôn trong chính trị học quốc tế : “Không có bạn bè
và kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có đồng minh giai đoạn và lợi ích vĩnh viễn là
quan trọng”.
Theo dõi tình hình và những biến động của chính trị
quốc tế trong thời gian gần đây như: diễn biến tại Ukraina và Thái Lan,
căng thẳng và tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông Á và biển Đông Nam Á,
với chính sách xoay trục của Hoa Kỳ khi chuyển trọng tâm về khu vực Châu
Á-Thái Bình Dương … Sau hơn nửa thế kỷ, vị trí của Việt Nam hôm nay lại
trở nên quan trọng và được quan tâm hơn bao giờ hết, nhưng mặt khác, đó
cũng lại là một nguy cơ. Nhận thức được tầm quan trọng của tuyến hàng
hải huyết mạch đi qua biển Đông, dự án kênh đào Kra của Thái Lan nối
liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương thay cho sự quá tải của eo Mallaca
sẽ được khởi động trong nay mai … tự nhiên Phú Quốc, Kiên Giang, Sài
Gòn, Cam Ranh và vịnh Vân Phong của Việt Nam có tiềm năng sẽ trở thành
những điểm sáng trên bản đồ địa chính trị và kinh tế thế giới nếu có thể
tận dụng được cơ hội từ những sự vận động chuyển dịch này, vừa có thể
thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa đất nước vừa bảo đảm an ninh quốc
phòng.
Nhưng có thể chỉ 10 năm nữa thôi, tầm quan trọng đó
và cả cơ hội đó có thể sẽ qua đi nếu chúng ta không thể tận dụng. Biết
chủ động chiến lược hóa, quốc tế hóa, quan trọng hóa vị trí của quốc gia
cũng như biết khai thác mối lo của các cường quốc sẽ làm cho vị trí của
quốc gia quan trọng hơn trong tranh chấp quốc tế. Chính sách BA KHÔNG
mà hiện nay chúng ta theo đuổi, có phải là một lựa chọn có lợi cho quốc
gia và dân tộc?
Trước những đòi hỏi cấp bách đó của thời đại và vận
nước đang lâm nguy, rõ ràng là chúng ta CẦN PHẢI THAY ĐỔI như câu khẩu
hiệu, trong cuộc biểu tình chống giàn khoan Hải Dương 981 của Trung
Quốc: “Vì một quốc gia cường thịnh, cần phải thay đổi” Nhưng thay đổi
như thế nào? Làm sao để thay đổi? Thủ tướng với quá nhiều kinh nghiệm
trong chính phủ, trên nhiều lĩnh vực từ quốc phòng, an ninh cho tới tài
chính, vv. và guồng máy giúp việc cho thủ tướng hoàn toàn biết rất rõ.
Vấn đề chỉ còn là: LIỆU CHÚNG TA CÓ DÁM THAY ĐỔI HAY KHÔNG?
Cũng theo một ý đúc kết của Giáo sư Lê Xuân Khoa:
“Bài học cho Việt Nam về lợi ích quốc gia trong quan hệ hợp tác quốc tế
là mọi hoạt động đều phải hưổng về sự xây dựng và duy trì một hệ thông
chính quyền dân chủ thích hợp, và sự hội nhập thành công vào cộng đồng
thế giới để có thể vừa bảo vệ được những quyền lợi chính đáng của mình
vừa tranh thủ được sự tôn trọng, hợp tác và giúp đỡ của các nước.” …
“Những nhà lãnh đạo thật tâm yêu nước và có tài là những người biết rút
ra được những bài học của quá khứ, những kinh nghiệm hay, dở của mình và
của người để áp dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, đem lại
an ninh, thịnh vượng và hạnh phúc cho nhân dân.”
Thư đã dài, tới đây cháu xin dừng bút,
Thưa Thủ tướng,
Trong đời người, được chứng kiến lịch sử thay đổi là
một điều may mắn và nhất là lại còn có khả năng để kiến tạo cho sự thay
đổi đó. Thủ tướng đang là người thuyền trưởng có trách nhiệm lèo lái con
thuyền quốc gia trong cơn bão tố mà tất cả thủy thủ cũng như hành khách
trên tàu sẵn sàng chịu chung số phận. Tiếng kèn đang thúc giục để lịch
sử sang trang. Người dân Việt Nam ở hải ngoại cũng như quốc nội sẽ đồng
hành cùng với Thủ tướng. Cháu mong rằng những bạn trẻ Việt Nam, cùng thế
hệ như cháu, càng ngày càng quan tâm tới chính trị, hiểu và nắm bắt
được thời cuộc, để có sự đồng tình và ủng hộ đối với những bước đi của
Thủ tướng.
Xin Thủ tướng hãy đi đầu và dẫn dắt cho sự thay đổi
của đất nước Việt Nam, để chúng ta có thể vươn lên, có thể mở mày mở
mặt, để những thế hệ tương lai có quyền: “Tự hào vì là người Việt Nam”
Dù còn rất nhiều khó khăn, trở ngại và vẫn còn đó
những thế lực ngăn cản “chống phá” nhưng cháu có một niềm tin mãnh liệt
là Thủ tướng SẼ THÀNH CÔNG và sẽ mang lại một cuộc ĐỔI ĐỜI cho dân tộc
Việt Nam; và người dân của chúng ta có ngày sẽ có thể kiêu hãnh mà gọi
tên Tổ quốc mình.
Và chúng ta cần phải bảo vệ chủ quyền thiêng liêng
của Tổ Quốc, bằng bất cứ giá nào. Và chắc chắn rằng, giàn khoan Hải
Dương 981 sau này sẽ đi vào lịch sử Việt Nam như là một sự kiện, bước
ngoặt cho sự đổi thay của dân tộc.
Kính chúc Thủ tướng sức khỏe để đi trọn vẹn chặng đường này,
Kính thư,
Đài Bắc, ngày 4 tháng 6 năm 2014 (*) [1]
Đặng Thế Hải,
Công dân Việt Nam,
Du học sinh Việt Nam tại Đài Loan
Tái bút:
Bức tâm thư được viết trong tâm trạng lo âu và tấm
lòng khi nghĩ về Tổ quốc và biển đảo. Đã có quá nhiều những lá thư ngỏ
từ những trí thức nổi tiếng và nhân sĩ yêu nước ở cả trong và ngoài
nước. Người viết chỉ mong muốn được góp một tiếng nói, nhằm khơi dậy
tinh thần yêu nước của người Việt và nhất là thế hệ trẻ: Chúng ta hãy
cùng quan tâm và biết lo những vấn đề hệ trọng của đất nước, để có một
nước Việt Nam tốt đẹp hơn trong tương lai.
Cái nhà là nhà của ta
Công khó ông cha lập ra
Cháu con phải gìn giữ lấy
Muôn năm với nước non nhà
Xóm làng là làng của ta
Xương máu ông cha làm ra
Chúng ta phải gìn giữ lấy
Muôn năm với nước non nhà
Cánh đồng đơm đầy hương hoa
Công khó dân ta làm ra
Quyết tâm ta gìn giữ lấy
Nuôi nhau chung sống một nhà
Xóm giếng ta là tình quê hương
Chung sống vui bên ruộng nương
Có nhau để cùng chung sức
Vươn lên non nước hùng cường
Cõi đời là đời của ta
Nuôi dưỡng công lao mẹ cha
Lớn khôn để gìn giữ nước
Thay nhau xây đắp sơn hà
[1] (*) Ngày 4 tháng 6, Tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn, Trung Quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét