Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Tương lai gần của đảng CSVN giữa cuộc khủng hoảng?

Kính Hòa, phóng viên RFA

Đại sứ Việt Nam tại LHQ Lê Hoài Trung
Đại sứ Việt Nam tại LHQ Lê Hoài Trung  -Vietnamplus
Đảng cộng sản Việt nam đang đối diện với nhiều thách thức lớn trong cuộc khủng hoảng biển Đông hiện nay. Kính Hòa tổng hợp một số nhận định về những thách thức này đối với sự tồn tại của đảng cộng sản Việt nam.
Cuộc khủng hoảng lớn
Xung đột giữa hai quốc gia cộng sản không có dấu hiệu dừng lại với việc một mặt Trung quốc cương quyết dùng lực lượng lớn bảo về giàn khoan của họ trong thềm lục địa Việt nam, mặt khác họ tấn công Việt nam trên phương diện quan hệ quốc tế khi cho lưu hành tại Liên Hiệp Quốc thư tố cáo Việt nam xâm phạm chủ quyền của Trung quốc.


Đảng cộng sản Việt nam đang phải đối đầu với một nan đề lớn kể từ khi phải quyết định cải tổ nền kinh tế hồi cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Vào thời điểm ấy đảng cộng sản cũng phải có những quyết định khó khăn, nhưng hầu như chỉ có sự phản kháng thụ động từ dân chúng, mà tiêu biểu nhất là bỏ nước ra đi, hoặc là tiến hành những hoạt động kinh tế tư nhân không được phép.
Cá nhân tôi cho rằng đây là lúc nhà nước Việt nam phải lựa chọn sự thay đổi về đường lối đối nội lẫn đối ngoại. Đối nội là thay đổi đường lối với chính sách với những tiếng nói phản biện trong nước. Đối ngoại là thay đổi sự quá phụ thuộc vào Trung Quốc
blogger Mẹ Nấm
Cuộc khủng hoảng biển Đông 2014 đưa đến cho đảng cộng sản những thách thức trực diện và chủ động hơn từ nhiều tầng lớp. Lớn tiếng nhất có lẽ là những lời yêu cầu Bộ chính trị phải từ bỏ quyền lực của những người bất đồng chính kiến cứng rắn như bác sĩ Nguyễn Đan Quế. Và có những tiếng nói ôn hòa hơn như những người biểu tình chống Trung quốc ngày 11/5/2014. Trong cuộc biểu tình lớn mà có người cho rằng đảng cầm quyền đã ngầm cho phép, những người biểu tình đã kết hợp chuyện chống Trung quốc với những yêu cầu cải tổ đất nước. Một trong những người đưa ra những đòi hỏi ôn hòa đó là blogger Mẹ Nấm nói với chúng tôi sau cuộc biểu tình:

Tàu cá Việt Nam bị chìm ngay sau khi tàu TQ đâm hôm 26/5/2014. Hình chụp từ video.
Tàu cá Việt Nam bị chìm ngay sau khi tàu TQ đâm hôm 26/5/2014. Hình chụp từ video.

Cá nhân tôi cho rằng đây là lúc nhà nước Việt nam phải lựa chọn sự thay đổi về đường lối đối nội lẫn đối ngoại. Đối nội là thay đổi đường lối với chính sách với những tiếng nói phản biện trong nước. Đối ngoại là thay đổi sự quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Cái câu vì một quốc gia cường thịnh thì tôi nghĩ là thông điệp ngắn mà ôn hòa.”
Ngoài ra còn có những yêu cầu cụ thể hơn trong chính sách đối ngoại như các nhà bất đồng chính kiến Cù Huy Hà Vũ, Bùi Tín, Nguyễn Thanh Giang cho rằng cần phải nhanh chóng thực hiện một liên minh quân sự với Hoa Kỳ để giữ vững nền độc lập.
Trên bình diện chính thức, Việt nam tuyên bố lúc nào cũng theo đuổi một chính sách “không liên kết.” Ngay trong những ngày cuộc khủng hoảng đang diễn ra hiện nay, giới chức quân sự Việt nam đều lên tiếng phủ nhận việc xích lại với Hoa Kỳ để chống Trung quốc. Bên cạnh đó những động tác ngoại giao của Việt nam lại cho thấy có sự xích lại gần ấy, ví dụ như Việt nam đề nghị Hoa Kỳ lên án mạnh mẽ hơn nữa hành động của Trung quốc trên biển Đông, cũng như phát triển những quan hệ xã giao với hải quân Philippines, một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ.
Tôi nghĩ là Đảng cộng sản Việt Nam chưa cho phép dân chủ xảy ra. Điều đó nó nằm ngòai những gì mà chúng ta biết về họ, về lịch sử của họ, và do đó họ sẽ làm mọi cách để không cho điều đó xảy ra
Tiến sĩ Vũ Tường
Song nhiều nhà quan sát chính trị nước ngoài trong đó có Tiến Sĩ Vũ Tường từ Đại học Oregon cho rằng thực ra Bộ ngoại giao trong lịch sử tồn tại của đảng cộng sản Việt nam chỉ thực thi đường lối của những nhân vật phụ trách đối ngoại của đảng mà thôi. Hiện nay, nhân vật đứng đầu Bộ ngoại giao không phải là thành viên của bộ chính trị nhiều quyền lực nhất nước mặc dù ông kiêm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng. Lời mời của phía Hoa Kỳ về một chuyến viếng thăm nước Mỹ ngay sau cuộc khủng hoảng bùng nổ vẫn chưa được thực hiện sau gần hai tuần lễ leo thang xung đột.
Tàu Hải cảnh của Trung Quốc chủ động đâm thẳng vào mạn trái tàu Cảnh sát biển Việt Nam. (Nguồn: Cảnh sát biển)
Tàu Hải cảnh của Trung Quốc chủ động đâm thẳng vào mạn trái tàu Cảnh sát biển Việt Nam. (Nguồn: Cảnh sát biển)

Dàn xếp phe phái hay mở rộng dân chủ?
Cuộc khủng hoảng hiện tạo ra nhiều đồn đoán hơn về những quan hệ phe phái hay những khuynh hướng thân phương tây hoặc thân Trung quốc trong nội bộ đảng cộng sản, theo đó nhóm có khuynh hướng chống Trung quốc sẽ mạnh hơn. Tuy nhiên một nhà quan sát thường xuyên theo dõi chính trị Việt nam từ Pháp là ông Nguyễn Gia Kiểng lại cho rằng vấn đề phe phái không có ý nghĩa gì vì những người cộng sản đều có chung một mục đích là bảo vệ sự độc tôn của đảng cộng sản. Nhận định này giống với phát biểu của Tiến sĩ Vũ Tường về những nhân sự cao cấp trong Bộ chính trị khi được hỏi rằng liệu họ có cho phép những cải cách dân chủ không sau khi có những khuôn mặt mới xuất hiện vào năm ngoái trong bộ phận quyền lực này:
Tôi nghĩ là Đảng cộng sản Việt Nam chưa cho phép dân chủ xảy ra. Điều đó nó nằm ngòai những gì mà chúng ta biết về họ, về lịch sử của họ, và do đó họ sẽ làm mọi cách để không cho điều đó xảy ra.”
Đây cũng là nhận định của ông David Brown một người từng làm việc ở bộ ngoại giao Hoa Kỳ về những người chủ trương bảo thủ trong đảng rằng họ ghét cay ghét đắng việc mở rộng dân chủ vì họ xem đó là bước đệm dẫn tới những cuộc cách mạng thách thức sự độc tôn của đảng cộng sản.
Song người ta cũng không phủ nhận là có những thành phần ôn hòa trong giới cầm quyền hiện nay, và dưới áp lực của của cuộc khủng hoảng, một hội thảo về việc làm cách nào thoát ra khỏi ảnh hưởng chính trị của Trung quốc, đồng minh ý thức hệ của đảng cộng sản Việt nam được công khai tổ chức tại Hà nội, tuy rằng cuộc hội thảo cũng bị những người như nhà bất đồng chính kiến Hà Sĩ Phu phê bình là bị giới hạn vì theo ông muốn thoát khỏi Trung quốc thì phải thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản.
Sự thách thức về việc từ bỏ ý thức hệ này đối với đảng cộng sản Việt nam là một thách thức dai dẳng từ khi khối cộng sản Đông Âu bị sụp đổ đến nay. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một nhà quan sát khác từ Đại học George Mason Hoa kỳ cho rằng chính sách dựa trên ý thức hệ để có những cư xử mềm dẻo với Trung quốc đã mất sự thuyết phục sau khi cuộc khủng hoảng giàn khoan nổ ra.
Tuy nhiên nếu từ bỏ ý thức hệ cũng có nghĩa là chia sẻ sự cầm quyền và không còn độc tôn được nữa.
Tóm lại hiện đảng cộng sản Việt nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức đến cùng một lúc.
Một mặt phải khắc phục sự yếu kém của nền kinh tế với những yêu cầu tư hữu hóa ngày càng cấp bách như chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nói ngay trong một cuộc gặp mặt với doanh nghiệp vừa qua. Và đương nhiên là một nền kinh tế mang tính tư nhân hơn cần có một môi trường xã hội dân chủ hơn để phát triển.
Thách thức thứ hai là đối diện với những yêu cầu mở rộng dân chủ của một số tầng lớp trong nước, mà những yêu cầu này luôn đi đôi với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, quốc gia duy nhất có khả năng cân bằng quyền lực quân sự với Trung quốc tại châu Á.
Thách thức thứ ba là sự chính danh của việc cầm quyền khi không thể đối đầu được với kẻ đồng minh ý thức hệ là Trung quốc.
Thời gian không còn nhiều từ nay cho đến đại hội đảng trong năm tới, và những thách thức trong vụ khủng hoảng giàn khoan cho thấy là phải có những giải pháp ngay lập tức. Đó là những thách thức lớn lao trong tương lai gần của đảng cộng sản, mà theo lời một bạn trẻ tham gia cuộc biểu tình ngày 11/5 là sự tồn tại của đảng cộng sản hay bất cứ đảng chính trị nào đều phụ thuộc vào việc đảng đó có giữ được độc lập chủ quyền của đất nước hay không.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét