Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Thư Gừi Ông Chủ Tịch TLĐLĐVN

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến   -RFA


Công đoàn độc lập không thể là một tổ chức hữu danh vô thực như Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) và các cấp công đoàn cơ sở của hệ thống nhà nước, khi các tổ chức này đã chỉ được biết đến như một khâu trung gian hưởng thụ 2% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp mà chưa hề đồng thuận với bất kỳ yêu cầu biểu thị chính đáng nào của công nhân trong gần 1.000 cuộc đình công tự phát hàng năm.
Tuyên bố ngày 8/6 của Các Hội Đoàn Dân Sự Về Công Đoàn Độc Lập Việt Nam
Tưởng gì chớ cái nghèo thì tôi quen lắm. Những cảnh đời nghèo/ khó, nghèo/ khổ, nghèo/hèn – tất nhiên – tôi cũng cũng đều rành tuốt luốt. Tôi sinh ra và trưởng thành trong một đất nước nghèo khốn mà. Người Việt chúng tôi không chỉ mang nỗi sầu vạn cổ mà còn đeo cái nghèo vạn cổ nữa cơ.

Nghèo triền miên cũng có điểm hay là nó giúp cho mình khỏi bị nao núng, hay sợ hãi trước những cảnh đời cùng quẫn. Tôi vẫn nghĩ như thế cho đến khi nhìn thấy bức ảnh chụp nơi cư trú của công nhân ở quận Bình Tân, Sài Gòn:
Dù đã trải qua nhiều trại lính, trại tù, và trại tị nạn nhưng tôi vẫn vô cùng ái ngại khi nghĩ đến gia đình, vợ chồng, con cái của những con người phải chui rúc dưới những mái tranh mục nát thế này? Họ sinh hoạt (ăn uống, giải trí, nghỉ ngơi, làm tình, và bài tiết) ra sao cạnh một nơi bùn lầy nước đọng như vậy?
Hiếm họa công luận mới được tiếng kêu thương lẻ loi (và vô vọng) về điều kiện sinh sống và làm việc của giới công nhân Việt Nam. Cách đây vài năm, báo Lao Động, số ra ngày 1 tháng 6 năm 2010, có đăng tải bức thư của bà Nguyễn Thị Thắm  gửi đến ông Đặng Ngọc Tùng – Chủ Tịch Tổng LĐLĐVN. Xin ghi lại một vài đoạn chính:
Kính gửi: Ông Chủ tịch Tổng LĐLĐVN
Tôi tên: Nguyễn Thị Thắm – Công nhân (CN) kiểm hàng (QC) của Cty TNHH Hansoll Đồng Nai – Khu công nghiệp (KCN) Bàu Xéo – Trảng Bom – Đồng Nai.
CN chúng tôi ở đây có rất nhiều bức xúc mà không biết đi đâu để tìm ra lẽ công bằng. Tôi cũng đã tìm sự giúp đỡ từ các tổ chức xã hội nhưng chưa thấy hồi âm. Sau thời gian tìm địa chỉ, tôi cũng đã suy xét kỹ càng và quyết định viết lá thư này gửi đến ông. Không! Tôi không “kiện” Cty, tôi viết ra tiếng nói của tôi – NLĐ, mong ông bớt chút thời gian để lắng nghe và thấu hiểu tiếng “than ôi” trong lòng chúng tôi. Mong ông đặt mình vào vị trí của tôi – NLĐ để cảm thông cho số phận CN, cương vị Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nhận xét xem công dân của nước Việt đang làm việc trong cảnh thế nào.
Trước khi viết ra những bức xúc, tôi có lời xin lỗi trước. Nói một cách chua chát thì Cty lấy “tiền” dán “miệng thiên hạ” để che đậy cho cái gọi là “áp bức, bóc lột sức lao động”. Sự thiếu tri thức và hiểu biết Luật Lao động đã xiềng xích quyền lợi hợp pháp của NLĐ. Chúng tôi đã phải vất vả lao động, trái lại đồng lương thì ít ỏi mà “luật” thì quá nhiều. Cty yêu cầu CN đi sớm để họp “trước giờ”, nhưng về trễ thì chẳng có thêm đồng nào, làm hành chính nghỉ trưa 1h mà cũng bị “chém đầu, chém đuôi” 20 phút.
Vào giờ là làm đến có chuông mới được rời vị trí đi ăn cơm, trong giờ đi tiểu hoặc uống nước còn bị dòm ngó, chửi bới. Chính tôi đây kiểm hàng một mình một làn, vội đi vệ sinh để trống bàn, chuyên gia người Hàn Quốc (tôi cũng chưa biết tên) la lối ầm lên, chưa được 5 phút tôi đã quay ra và được giội xối xả những câu chửi tiếng Hàn, bực quá tôi cũng nạt lại “đi vệ sinh mà cũng cấm sao” mặc bà ấy muốn nói thêm gì thì nói…
Ông Đặng Ngọc Tùng, ỦyViên Trung Ương Đảng, Chủ Tịch TLĐLĐVN. Ảnh: Dân Việt
Có người rơi nước mắt vì miếng cơm, lấy khay cơm mà như thể xin ăn. Phần ăn thì chẳng khác phần cho “mèo” ăn, không hiểu Cty có xem CN chúng tôi là “con người” hay không.
Thưa ông, ông cảm thấy thế nào khi các chuyên gia người Hàn chửi mắng CN chẳng tiếc lời và còn ném cả áo vào mặt CN? Chính bản thân các chuyên gia, quản lý họ chưa làm ra được sản phẩm tốt, họ ép CN may đạt 100%, không làm được thì họ chửi mắng chẳng cần biết đúng sai, có tình có lý. Quản lý bị chửi thì chửi lại các tổ trưởng, tổ trưởng lại trút cơn giận lên CN còn CN tức tưởi “nuốt” nỗi tủi nhục ấy...Bất công quá, CN bỏ việc nhưng họ cũng chẳng giải quyết với bất cứ lý do gì, CN đành bỏ ngang và chấp nhận mất mấy ngày lương và sổ bảo hiểm (nếu có). Còn và còn rất nhiều những bất công mà chúng tôi phải chịu đựng. Tôi nghĩ với cương vị Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, ông cũng từng nghĩ đến cảnh tình này của CN, nhưng ông có cảm nhận được cái uất nghẹn đang trào lên trong ruột gan chúng tôi, đã đấu tranh, có đình công nhưng chẳng thay đổi được gì.
Chính tôi đây không cam tâm, tôi tìm đến toà soạn báo Đồng Nai, báo Người Lao Động, báo Lao Động nhờ giúp đỡ về mặt pháp lý, nhưng chưa thấy hồi âm. Tôi nghĩ với bề dày kinh nghiệm ông sẽ hiểu những thứ đang “lung lay” trong lòng NLĐ, mong rằng nó sẽ không phải tiếng “oán trách”.
Tôi cũng như toàn thể CN ở đây mong ông hiểu được cái quyền bình đẳng, quyền được tôn trọng, quyền nhân sinh đang bị người sử dụng lao động chà đạp, chúng tôi không biết phải làm sao, đấu tranh hay không, nếu đấu tranh thì như thế nào là đúng đắn, dựa vào ai, tin vào ai? Tôi luôn chờ nghe lời hồi âm, ít ra tôi cũng tự hào rằng mình là người VN, thừa hưởng tinh thần kiên cường của cha ông mình.
Cuối thư xin cảm ơn vì ông đã lắng nghe!
Ông Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động VN (e) là chả có nghe ngóng gì ráo trọi, nói chi đến chuyện “lắng nghe” cho nó rườm rà. Bằng chứng là với thời gian cuộc sống của giới công nhân mỗi lúc một thêm thảm hại – theo tường trình của Các Hội Đoàn Dân Sự Về Công Đoàn Độc Lập Việt Nam, đọc được trên trang Dân Luận vào ngày 8 tháng 6 vừa qua:
“Không những không được cải thiện, mức thu nhập bình quân của công nhân còn bị giảm tương đối 25-30% trong khi mặt bằng giá cả tăng vọt từ 2-3 lần từ ít nhất năm 2011 đến nay. Tại nhiều nhà máy và xí nghiệp, công nhân phải làm việc ít nhất 10 giờ mỗi ngày và sáu ngày một tuần, nhưng mức thu nhập hoàn toàn không đủ sống. Tình trạng thảm thương đó vẫn tiếp tục tăng tiến bất chấp Việt Nam đã có cơ hội tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2007, nhưng đã chỉ trở thành cơ hội để hố phân hóa giữa 5% số người có thu nhập cao nhất với 5% người nghèo nhất ước tính lên đến ít nhất 60-70 lần.”
Trước đó, trên báo Dân Việt –  số ra ngày 16 tháng 02 năm 2014 –  cũng có bài viết với nhiều tình tiết hơn (“Nghiệt Ngã Phận Đời Làm Công Nhân”) của nhà báo Khánh Hoà:
“Rời bỏ quê lên thành phố lập nghiệp với mong ước có một cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng nghiệt ngã thay, nhiều bạn trẻ đi làm công nhân đã bị vướng cái vòng luẩn quẩn nơi phố phường hoa lệ là thu không đủ chi. Tiền lương công nhân trung bình khoảng trên dưới 3 triệu đồng/người/tháng dường như là quá ít so với cuộc sống thị thành, nhất là thời gian gần đây, mọi thứ đều tăng giá một cách chóng mặt…
Hiện nay, chuyện những người công nhân đi làm phải tăng ca ban đêm đã là rất bình thường, thậm chí nhiều người còn mong mỏi xin được tăng ca, được làm thêm để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống nhưng vì tình hình kinh tế chung đang trong giai đoạn suy thoái nên nhiều nơi, công ty chỉ hoạt động cầm chừng, có muốn tăng ca cũng không có.
Thế nên, những công nhân này, ban ngày đi làm, chiều tan ca về thì đàn ông lại xách xe đi chạy xe ôm ở mấy ngã ba, ngã tư hòng kiếm thêm vài chục ngàn đồng. Ngoài ra, nhiều người phải nhận hàng về nhà làm thêm ban đêm hoặc đi bốc vác, phụ bồi bàn ở các quán ăn, quán cà phê ban đêm với mong muốn kiếm thêm chút đỉnh. Riêng với những công nhân nữ, dù biết là tội lỗi, là nhục nhã nhưng nhiều người vì miếng cơm, manh áo vẫn nhắm mắt đưa chân để làm cái việc nhơ nhuốc là đi bán dâm, như một cứu cánh duy nhất trong cơn cùng quẫn…”
Ông Đặng Ngọc Tùng, ỦyViên Trung Ương Đảng, Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động VN chắc chắn không nghe, không thấy, không biết gì về những cảnh đời cùng quẫn như trên. Chỉ hai tuần lễ trước khi xẩy ra vụ hàng chục ngàn công nhân đình công và bạo động ở Bình Dương, vào ngày 13 tháng 5 năm 2014, ông vẫn lạc quan, mạnh miệng hô hào khẩu hiệu (như thể là kẻ đang từ  trên trời rớt xuống đất nước Việt Nam) theo như tường thuật của Người Lao Động:
“… phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về lịch sử ngày Quốc tế Lao động; 85 năm xây dựng, trưởng thành của tổ chức CĐ Việt Nam, truyền thống đấu tranh cách mạng của giai cấp CN; kết hợp các hoạt động với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong CNVC-LĐ, nhất là việc triển khai 4 chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI CĐ Việt Nam; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, nhất là ở trong các KCX-KCN, khu lưu trú nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết, gắn bó trong đoàn viên CĐ, CNVC-LĐ…”
Rồi ba tuần lễ sau, sau biến cố Bình Dương, chân của ông Đặng Ngọc Tùng (dường như) vẫn chưa chạm đất – theo lời của ký giả Lê Thanh Phong:
“Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tại Quốc hội vừa qua, liên quan đến giàn khoan Hải Dương 981, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng nhận định: “Hoàn toàn bất ngờ, không có trong dự báo, trong khi phản ứng, đối phó của chúng ta là không linh hoạt và chậm.”
Riêng cá nhân ông Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng, xem chừng, lại “linh động” quá. Ông có thể “tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết, gắn bó trong đoàn viên” ngay cả khi họ bán dâm hay bán máu để sống qua ngày.
Tôi không quan niệm rằng Đảng CSVN là mọi nguyên nhân, cũng như tác nhân, của tất cả những tội ác và tệ trạng xẩy ra ở xứ sở này. Tuy nhiên, tôi vẫn cam chắc rằng bao giờ mà giai cấp công nhân vẫn còn bị Đảng nắm chặt trong tay (như hiện nay) thì đời sống của họ vẫn còn khốn khổ và khốn nạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét