Ông Murray Hiebert, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của CSIS, nhấn mạnh chuyến đi dự kiến vào tháng 11 của Tổng thống Obama sẽ mang nhiều thông điệp quan trọng.
Trà Mi-VOA
Năm 2015 là thời điểm tốt để Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sang thăm Việt Nam, theo phân tích của một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ (CSIS) tại thủ đô Washington DC.Có nhiều khả năng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ công du Việt Nam đánh dấu 2 thập niên bình thường hóa quan hệ hai nước nhân dịp ông có mặt tại Đông Nam Á tham dự các cuộc họp thượng đỉnh ở khu vực vào cuối năm nay.
Trong cuộc phỏng vấn với Trà Mi VOA Việt ngữ, ông Murray Hiebert, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của CSIS, nhấn mạnh chuyến đi dự kiến vào tháng 11 của Tổng thống Obama sẽ mang nhiều thông điệp quan trọng, giúp mở rộng phạm vi mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Hà Nội với Washington.
Ông Murray Hiebert: Nhiều người trong chính quyền Mỹ và cả ở Việt Nam cho rằng Tổng thống Obama nên đến thăm Việt Nam năm nay. Ông đã công du nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và chuyến công du Việt Nam, nếu có, sẽ đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Bang giao hai nước đã cải thiện nhiều trong những năm gần đây, nhưng chuyến thăm của Tổng thống Mỹ sẽ là sự kiện thúc đẩy hành động để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng giữa hai nước.
VOA: Nếu chuyến đi có diễn ra, theo ông, có là vì nhân dịp Tổng thống Mỹ có mặt tại khu vực Đông Nam Á vào lúc đó hay không?
Ông Murray Hiebert: Năm 2013 Chủ tịch nước Việt Nam, Trương Tấn Sang, và Tổng thống Mỹ, Barack Obama, đã quyết định mở ra mối quan hệ đối tác toàn diện, và sự hợp tác giữa đôi bên về mặt kinh tế, an ninh, giáo dục, môi trường đều cải thiện đáng kể trong vài năm qua. Chuyến thăm của ông Obama không phải chỉ vì nhân lúc ông có mặt tại khu vực mà là vì nó có tầm quan trọng thiết yếu đối với quan hệ song phương Việt-Mỹ.
VOA: Một cách cụ thể, hai nước có thể kỳ vọng trông thấy những gì trong và sau chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam?
Mỹ cũng đang tìm cách để Tổ chức Hòa
Bình Peace Corps được phép hoạt động ở Việt Nam. Hai bên cũng đã bàn tới
việc thành lập đại học Fullbright ở Việt Nam, một trường đại học độc
lập kiểu Mỹ đầu tiên tại Việt Nam có quyền tự do quyết định giáo trình
và tuyển lựa giảng viên.
Về phía Việt Nam, chính phủ Hà Nội trông đợi Mỹ nỗ lực hơn trong các vấn đề như tẩy dọn chất da cam, mìn bẫy. Rất nhiều việc đang được đôi bên bàn thảo ở nhiều cấp bậc khác nhau có thể được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nếu Tổng thống Obama thật sự tới thăm Việt Nam trong năm nay.
VOA: Còn về khả năng của mối quan hệ đối tác chiến lược hay đồng minh quân sự giữa đôi bên, ông đánh giá thế nào?
Ông Murray Hiebert: Tôi không thấy đang có khả năng về đồng minh quân sự Việt-Mỹ. Phía Việt Nam nói họ theo đuổi chính sách trung lập, đồng đều trong quan hệ với các cường quốc. Việt Nam lại nằm sát bên Trung Quốc cho nên Hà Nội hiểu là họ phải duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh. Tôi không nghĩ Việt Nam đang tiến tới mối quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ hay một mối quan hệ đối tác chiến lược. Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều nước khác kể cả với Trung Quốc dù hai bên Việt-Trung tranh cãi gay gắt về vấn đề chủ quyền từ vụ giàn khoan 981 mà Bắc Kinh đưa vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tháng 5 năm ngoái cho tới các áp lực từ việc Trung Quốc bắt bớ ngư dân Việt. Thế nên, cho dù có quan hệ đối tác chiến lược với nhau cũng có thể có nhiều vấn đề. Hoa Kỳ và Việt Nam hiện giờ có quan hệ đối tác toàn diện. Cái quan trọng của một mối quan hệ không nằm ở tính từ ‘chiến lược’ hay ‘toàn diện’ mà là ở những nội dung bồi đắp bên trong đó. Việt-Mỹ có thể đổi tên mối quan hệ thành ‘đối tác chiến lược’, tôi đã nghe các đồn đoán về việc này, nhưng vấn đề hoàn toàn tùy thuộc vào việc làm hơn là tên gọi.
VOA: Dù thương mại và đầu tư đóng vai trò chủ yếu trong mối quan hệ Việt-Mỹ, thành tích nhân quyền của Hà Nội là một yếu tố đòn bẩy có thể đẩy mạnh hay hạ giảm mối quan hệ này. Theo ông, Tổng thống Mỹ trong chuyến thăm Việt Nam năm nay sẽ làm gì hoặc nên làm gì để giữ vững cán cân thúc đẩy nhân quyền cho Việt Nam?
Tôi nghĩ ông Obama sẽ nhân cơ hội này
nhấn mạnh tới việc nên cho phép người dân nhiều quyền tự do hơn trong
việc thể hiện quan điểm một cách ôn hòa. Hoa Kỳ lâu nay đã kêu gọi Việt
Nam ngưng việc bắt bớ các blogger và phóng thích những người đang bị cầm
giữ vì thực thi quyền con người.
VOA: Theo ông, tính tới thời điểm này, khả năng Tổng thống Obama sẽ công du Việt Nam vào cuối năm nay chiếm bao nhiêu phần trăm?
Ông Murray Hiebert: Theo tôi, tới nay cơ hội này ít nhất là 75%, nhưng chúng ta chưa biết liệu tình hình chính trị của Hoa Kỳ và chuyển biến thời sự thế giới có làm thay đổi khả năng này hay không. Tuy nhiên, tôi cho rằng khả năng này là trên 50% . Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS chúng tôi kêu gọi thực hiện chuyến công du này vì chúng tôi cũng như nhiều nhà lập pháp trong Quốc hội Mỹ và nhiều giới chức trong chính quyền của Tổng thống Obama đều cho rằng chuyến đi là quan trọng và hữu ích.
VOA: Xin chân thành cảm ơn ông Murray Hiebert, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của CSIS, đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét