Thế giới tiếp thị
Năm 2015 mở ra bắt đầu bằng “quá khứ của tương lai”. Chúng ta nhìn lại những người Hoa phần đông đến Việt Nam với hai tay trắng. Lúc đó họ đã nắm lấy cơ hội và bây giờ chúng ta bước vào tương lai cùng với họ – một phần từ quá khứ ấy…Theo thống kê không chính thức, gần 30% doanh nghiệp tư nhân ở Sài Gòn, đặc biệt là mảng sản xuất, do cộng đồng người gốc Hoa nắm giữ. Họ đã đồng hOá mình thành người Việt, đã tự thân vận động để góp vào diện mạo kinh tế chung của nước Việt, đã ghi những dấu ấn quan trọng trong lịch sử kinh thương Việt Nam thời hiện đại.
Thời gồng gánh xuôi Nam
Trong tài liệu giảng dạy chính thức của đại học hàng đầu khu vực Đông Nam Á – SMU của Singapore, phần điển cứu về công ty Minh Long I có đoạn: “công ty bắt nguồn từ ngày ông nội của ông Lý Ngọc Minh rời khỏi Phúc Kiến (Trung Quốc) sang định cư tại Bình Dương. Đây cũng chính là khởi nguồn của một dòng tộc quyết định dấn thân vào nghề gốm sứ với định danh mới: gốm sứ Việt Nam trên bản đồ kinh thương toàn cầu”.
Dòng chảy xuôi Nam của những Hoa kiều không muốn sống trong chế độ cai trị của người Mãn Thanh đã mang theo rất nhiều những ngành nghề, bí quyết và chở theo cả một thế hệ những con người ghi dấu sâu sắc vào lịch sử kinh doanh Việt Nam. Từ điển bách khoa mở Wiki định nghĩa: Minh Hương (chữ Hán: 明鄉) là tên gọi người Hoa ở vùng Nam bộ. Tên Minh Hương có nguồn gốc từ tên triều đại mà những người này đã sinh sống: nhà Minh. Đến khi nhà Thanh thay thế nhà Minh ở Trung Quốc và bắt đầu có những thay đổi về quản lý đất nước, những người này đã chạy sang Việt Nam. Những người Hoa này khác rất nhiều so với người Trung Quốc đại lục, từ quan điểm chính trị, đến quan niệm sống và cách hành xử hàng ngày. Chính những người ly hương này là những người đầu tiên mang đến nhiều ngành nghề mới cho xứ Việt, cũng đồng thời tạo ra nhiều dấu ấn văn hoá đặc sắc mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp (Úc) đã kể ra, chẳng hạn vốn từ ngữ mới, cách hành xử mới, món ăn mới và quan trọng nhất là những con người mới.
Tiến sĩ Trần Đức Hiệp cũng cho rằng, trong lịch sử khẩn hoang ở Nam bộ, người Minh Hương và người Hoa từ xưa đến nay đã đóng góp về kinh tế, văn hoá rất lớn. Bao nhiêu danh nhân Việt Nam trong lịch sử có gốc Minh Hương, từ Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Châu Văn Tiếp, Phan Thanh Giản, Phan Xích Long… đến những nhân vật có tên tuổi trong văn hoá nghệ thuật gần đây như Hồ Dzếnh, Trịnh Công Sơn, Vương Hồng Sển, Lý Lan… Họ đã hoà nhập thành người Việt.
Trước năm 1975, người Minh Hương đã tạo ra những cái tên, cũng là những đỉnh cao của nghề nghiệp tại Sài Gòn: vua thép, vua gạo, vua bột giặt, vua xà bông, vua bột mì… Cho đến khúc quanh thời cuộc của ngày thống nhất thì những cái tên này mới dần bị suy tàn, nhưng lại chuẩn bị cho một cuộc tái sinh…
Và xuất phát điểm lại từ số không. Có người bắt đầu bằng việc bán một mớ đồ cũ trên vỉa hè để nuôi mộng lớn như ông Lương Vạn Vinh, ông chủ hiện thời của nước rửa chén Mỹ Hảo. Có người chuyển từ nghề đông y sang làm giày dép như ông Vưu Khải Thành của Biti’s. Cũng có người xoay xở với những bạn hàng nhỏ lẻ ở Campuchia như gia đình ông Trần Kim Thành của Kinh Đô. Hay cũng có người bắt đầu lại bằng việc đi làm thuê cho một hiệu bánh như ông Kao Siêu Lực, giờ có một chuỗi cửa hàng bánh hàng đầu là ABC…
Yêu nghề kính nghiệp
Ông Vưu Khải Thành, chủ tịch công ty giày Biti’s và ông Cổ Gia Thọ, chủ tịch công ty Thiên Long nói về một doanh nhân người Hoa khác trong cộng đồng của CLB Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) là ông Lý Ngọc Minh. Ngồi trong một nhà máy rộng bao la của Biti’s, ông Cổ Gia Thọ nhớ lại chuyện từ rất lâu của những con người này: “Chúng tôi gọi anh Lý Ngọc Minh và anh Vưu Khải Thành là những đại ca cổ thụ trong cộng đồng doanh nghiệp người Hoa không chỉ vì khả năng kinh doanh, mà còn là sự bảo bọc, hướng dẫn anh em làm ăn và luôn sẵn sàng chia sẻ những khó khăn của nhau nữa…”
“Hai mươi mấy năm trước, khi tôi còn bập bẹ làm một cơ sở bút bi nhỏ xíu thì anh Thành đã là người sáng lập và chủ tịch của hội công kỹ nghệ gia quận 6, như một kiểu hiệp hội doanh nghiệp bây giờ để làm điểm gặp gỡ, kết nối và chia sẻ công chuyện với nhau. Lúc đó tôi không quen anh Thành, nhưng xin đi sinh hoạt, và dần dần học được nhiều điều lắm. Chẳng hạn sự thẳng thắn, trung thực và cương quyết. Trước đây, tôi là người hay rụt rè để ra những quyết định quan trọng nhưng anh Thành khuyên phải biết nắm cơ hội và chấp nhận những rủi ro, thất bại nếu muốn làm chuyện lớn…”, ông Thọ kể.
Với ông Thọ, một trong những ân tình mà ông nhớ là việc ông Vưu Khải Thành hay tổ chức hội nghị khách hàng, chia sẻ những định hướng, thảo luận việc mở rộng thị trường… và sẵn lòng để những doanh nhân trẻ hơn, non nghề hơn như ông Thọ vào tham dự để nghe, để học, để tạo ra những kết nối kinh doanh. Người ta bảo “thà cho vàng chứ không chỉ đàng làm ăn” nhưng với cộng đồng người Hoa, sức mạnh tập thể và sự hướng dẫn là một trách nhiệm rất lớn. Câu chuyện của ông Thọ làm nhớ tới việc ông Kao Siêu Lực ABC, trong lúc khó khăn nhất thì được một người cùng nghề – có thể xem là đối thủ cạnh tranh cũng được – chìa tay ra trợ giúp: ông Trần Kim Thành của Kinh Đô.
Ông Thọ kể: “Trước đây tôi không khoẻ lắm đâu nhưng lần nào gặp, anh Lý Ngọc Minh cũng dặn dò. Sau tôi học theo anh, giờ thấy mình khoẻ, và làm việc cũng hiệu quả hơn nhiều…” Hai ông chia sẻ nhiều về cái tam giác của cuộc đời: gia đình, công việc và bản thân, tuỳ thời có thể đặt trọng tâm ưu tiên khác nhau, nhưng lúc nào cũng phải ráng giữ sự cân bằng của tam giác này thì cuộc đời mới thực sự có ý nghĩa.
Xong, họ lại nói chuyện về cách mà ông Minh theo đuổi sự tự học, để rèn giũa ra một bản lĩnh đáng ngưỡng mộ về kiến thức trong ngành gốm sứ. “Nhiều người hay thắc mắc là sao công ty Minh Long chưa cổ phần hoá, tôi cho rằng ngoài việc anh Minh muốn giữ cho đúng lời hứa là cả gia tộc họ Lý chỉ làm gốm sứ, thì có một lý do khác, đó là khi cổ phần hoá sẽ nhận được nhiều kinh nghiệm, kiến thức từ bên ngoài vô lắm, mà Minh Long thì đã có đủ những món này rồi. Chỉ có Thiên Long của tôi thì còn yếu nên chọn giải pháp mở cửa cho người ngoài vô tham gia để tăng sức mình lên thôi”, ông Thọ chia sẻ. Ông Thành nói ngay: “Đó chính là biết mượn thế để tạo thế – một trong những mấu chốt của binh pháp Tôn Tử. Cổ Gia Thọ thực sự là một con cá lớn giỏi tính chiến lược…” – “Ồ nếu nói về chiến lược thì còn chưa theo kịp anh Thành đâu, những năm 1990, khi chưa ai biết làm quảng cáo thì Biti’s đã mời công ty Mỹ để làm phim quảng cáo cho mình rồi. Khi mọi người quảng cáo chỉ chú trọng giới thiệu về sản phẩm, về chức năng, điểm nổi trội của sản phẩm thì anh Thành đã tính đường xa lắm, đã quảng cáo “Biti’s nâng niu bàn chân Việt”, tức là đã nói tới sứ mệnh, tầm nhìn rồi. Và thực sự, câu ấy đã trở thành một thứ gì đó ngấm vào lòng người đến giờ ai cũng nhớ…”
Bí quyết thành công của người Hoa theo hai ông: phải biết yêu nghề kính nghiệp.
Quả thật, nếu không dốc trọn cuộc đời cho một công việc mà mình đã chọn, thì không có cách nào tạo ra những đế chế vững vàng đến mực được gọi là vua của một nghề. Và hiện nay, đã lấp lánh những ông vua của từng ngành, mà đa phần đều là người gốc Hoa: vua gốm sứ Lý Ngọc Minh, vua giày dép Vưu Khải Thành, vua bánh Kao Siêu Lực, vua nước rửa chén Lương Vạn Vinh, vua nhựa Trần Duy Hy, vua vải Thái Tuấn Chí…
Trần Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét