BBC
“Tại một quốc gia độc
đảng, nơi Đảng Cộng sản xác lập quyền kiểm soát và tầm ảnh hưởng lên
đời sống hàng ngày và lên nền kinh tế, một quốc gia bị các nhóm vận
động quốc tế cáo buộc là thường xuyên bỏ tù những tiếng nói chỉ trích
trong nước, thì các nhà quan sát coi chương trình [Táo Quân] như một
cuộc đấu không chính thức, thể hiện dư luận công chúng Việt Nam,”
Mike Ives viết trên nytimes.com.
Là chương trình truyền hình được trông chờ và được đông đảo người xem theo dõi, từ lâu nay Táo Quân nổi tiếng về việc dám ‘đá xoáy’ các chính sách của chính phủ và phê phán, châm biếm một số vấn đề xã hội gai góc nhất của Việt Nam, từ tình trạng tham nhũng cho tới khoảng cách giàu nghèo.
“Nó thực sự đánh trúng tâm lý,” bài viết dẫn lời Jonathan London, một nhà xã hội học chuyên nghiên cứu về Việt Nam từ Đại học Thành thị Hong Kong nói.
Các diễn viên tham gia chương trình là một phần trong bộ máy nhà nước, do đó, bài viết đánh giá rằng cách họ tỏ thái độ thì dịu nhẹ hơn nhiều so với giới bất đồng chính kiển phản kháng trên các trang blog chính trị.
Cũng bởi vậy, theo tác giả, chương trình được đa số người dân rất háo hức đón chờ, những người chủ yếu xem tin tức chính thống, đã được truyền thông nhà nước sàng lọc, trong lúc các blog hầu như chỉ giới hạn trong giới trí thức quan tâm tới chính trị.
Trong chương trình năm nay, vấn đề khủng hoảng ngân hàng đã được đề cập đến. Nhiều nhà phân tích cho rằng đây là chuyện có liên quan tới hoạt động đầu cơ bất động sản của các doanh nghiệp nhà nước và nạn quản lý yếu kém trong lĩnh vực tài chính.
Giáo sư sử học Lê Văn Lan được dẫn lời nói quân đội và Đảng Cộng sản là các chủ đề không bao giờ bị nhắc tới trực tiếp trong các show Táo Quân, bởi tính nhạy cảm chính trị.
Nhìn lại quá trình hơn 10 năm phát sóng Táo Quân, bài viết bình luận chương trình là sự diễn giải sáng tạo những gì diễn ra khi các Táo lên Thiên Đình: Thay vì báo cáo về từng gia đình đơn lẻ, các Táo đánh giá tình trạng của cả quốc gia, và các Táo tuy được thể hiện dưới dạng này hay dạng khác nhưng người xem dễ dàng nhận ra hình ảnh biếm họa về các vị bộ trưởng nào đó trong chính phủ.
Thế nhưng Peter B. Zinoman, giáo sư chuyên về lịch sử Đông Nam Á tại Đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ, đồng thời là Chủ biên Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam, nói rằng ông thấy chương trình Táo Quân chả có gì sáng tạo, nhất là trong chương trình mới nhất này, khi đã có rất nhiều cây viết Việt Nam dám chỉ trích mạnh mẽ chính sách của chính phủ trên mạng.
Ông Zinoman cũng cho rằng các đồn đoán về việc chương trình vốn được phát sóng lần đầu tiên vào năm 2003 có thể bị dẹp bỏ chỉ là một chiêu marketing.
Tuy nhiên, ông đánh giá Táo Quân giữ vai trò như một “van an toàn” để xả bớt nỗi tức giận của người dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét