Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Phụ nữ lương cao hơn chồng : Một cái tội ?

Mai Vân  -RFI

                       REUTERS
Ukraina vẫn chiếm nhiều trang báo Pháp hôm nay, 07/03/2014. Thế nhưng nếu Libération chạy tựa trang nhất « Crimée, leo thang », phần lớn các báo trở lại nếp cũ, dành tít mở đầu bản tin cho thời sự Pháp, tập trung trên kinh tế. Lý thú nhất tuy nhiên lại là hồ sơ xã hội Pháp, được Le            Figaro nêu bật ở trang trong dưới hàng tựa : « Những người vợ mà thu nhập cao hơn chồng ».

Gọi việc vợ lương cao hơn chồng là một vấn đề không sai chút nào, vì đây là một hoàn cảnh không phải là lúc nào cũng được các đương sự - nam cũng như nữ - chấp nhận một cách thoải mái.
Le Figaro trước hết nêu bật kết quả một nghiên cứu của Viện Thống kê Pháp INSEE, được công bố hôm qua 06/03/2014 cho thấy là tại Pháp, có đến gần 25% cặp vợ chồng trong đó bà xã có thu nhập cao hơn đấng phu quân. Đối với Le Figaro, đây không phải là kết quả của một cuộc cách mạng, mà là một sự tiến hóa.
Vấn đề là tình trạng này đã tạo ra một số xào xáo nhất định trong nhiều cặp, cho thấy rằng đây là một điều chưa được xã hội hoàn toàn chấp nhận, ngoại trừ nơi giới trẻ. Le Figaro trích lời bà Claire, 38 tuổi, lãnh đạo trong một công ty lớn công nhận rằng : « Điều đó làm cả tôi lẫn chồng tôi đau khổ. Trong số bạn bè tôi, không ai thoải mái với thực tế đó ».
Chồng mặc cảm mất nam tính, vợ mặc cảm tội lỗi
Tình cảnh của ông Thomas, 38 tuổi, chuyên viên cao cấp trong lãnh vực công nghệ cao, cũng tương tự : « Tôi cảm thấy khó chịu trước việc vợ tôi kiếm được nhiều tiền hơn tôi. Có lẽ tôi vẫn có một cái nhìn cổ hủ, thậm chí có xu hướng chồng chúa vợ tôi… Đối với tôi, đàn ông phải là một người thợ săn, vác trên vai những con lợn rừng về nuôi gia đình ».
Theo Le Figaro, khi không còn là trụ cột của gia đình, đôi khi đàn ông cảm thấy là nam tính của họ bị tổn thương. Mô hình gia đình của cha mẹ họ đã bị phá vỡ và họ tự hỏi là họ có ích lợi gì. Bị chới với, một số người trong tình cảnh này đã đến xin khám bệnh tại phòng mạch của bà Ghislaine Paris, chuyên gia về tình dục học.
Đối với bà Paris, tâm trạng nói trên là « tàn dư của quá khứ, trong đó người đàn ông đóng vai trò đầy nam tính của chủ hộ, và rút ra một số quyền lực từ vai trò này ». Nhưng tình hình xã hội đã thay đổi và nhiều người đàn ông đã bị mất phương hướng và dễ bị tổn thương về tâm lý.
Bà Ghislaine Paris đã nêu lên ví dụ về phản ứng rất dữ dội của một bệnh nhân, khi làm giấy tờ ly hôn, đã phát hiện ra rằng vợ của ông kiếm được nhiều tiền hơn ông. Bà ghi nhận : « Suýt nữa là ông ta đánh người vợ của mình, cứ như là ông ta không có cách nào khác để thể hiện sức mạnh nam tính của mình ».
Còn phản ứng của phụ nữ trước tình trạng mình lương cao hơn chồng thì ra sao ? Bà Ghislaine Paris cho biết : « Họ có mặc cảm tội lỗi, xin lỗi về tình trạng đó, và luôn sợ bị người khác đánh giá mình là hạng ăn hiếp chồng ».
Đối với Le Figaro, trong những đôi vợ chồng, tiền vẫn đóng vai trò tác nhân mang lại quyền lực. Một số nữ giám đốc, dù đã từng vật lộn để thành đạt, nhưng vẫn cảm thấy không thoải mái về ưu thế tài chính của mình, tựa như là thành công làm cho người chồng của họ bị mất giá, nhất là khi hai người cùng một trình độ học vấn.
Ngay cả khi giữa vợ chồng với nhau không có vấn đề, việc vợ lương cao hơn chồng vẫn là điều dị nghị trong bạn bè hay người thân. Đó là trường hợp của Veronica, một phụ nữ đã ngũ tuần. Bà nhận xét : « Đối với xã hội đó vẫn là điều khó chấp nhận. Người phụ nữ bị buộc phải luôn luôn tìm cách biện minh, và nâng cao giá trị của chồng mình... Vì vậy, bây giờ chúng tôi tránh đề cập đến chủ đề này. »
Khái niệm « ông nội trợ » trên đà được chấp nhận ?
Theo ghi nhận của Le Figaro, đối với những cặp vợ chồng có chênh lệch cao về lợi tức, giữa hai bên thường có một thỏa thuận : một người bảo đảm cuộc sống thường nhật, người kia thì lao vào mạo hiểm để tiến xa hơn. Đó là trường hợp của bà Violaine, 38 tuổi, tốt nghiệp trường kinh doanh ESSEC nổi tiếng, hiện là giám đốc phụ trách phát triển.
Chồng bà đã không ngần ngại bỏ việc để thành lập một công ty riêng, cho dù hai người có bốn đứa con để nuôi. Đối với bà Violaine : « Đây là thời điểm thích hợp… Chúng tôi tựa như hai chiếc bình thông nhau ». Tuy nhiên Violaine cũng rất tỉnh táo : « Tôi hy vọng là tình trạng này chỉ tạm thời mà thôi. Tuy nhiên, với thu nhập của tôi gấp đôi chồng tôi, và việc ông ấy tiếp tục sống nhờ trên đồng lương của tôi về lâu về dài sẽ đặt ra một vấn đề đối với tôi ».
Tuy nhiên, không phải cặp nào cũng nhức đầu về chuyện lương vợ cao hơn lương chồng. Le Figaro nêu thí dụ của Jerome, 40 tuổi, một nhà phê bình ẩm thực, thu nhập thấp hơn vợ ông, một kiến trúc sư, khoảng 30%. Cặp vợ chồng này đã tìm thấy một sự cân bằng và thậm chí đang đợi một đứa con thứ ba.
Bí quyết của Jerome ? Không nề hà công việc nội trợ như đưa con đến trường, mua sắm, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa... Ông chồng này vui vẻ thừa nhận : « Tôi nhận thức được rằng tôi không phải là loại người có tham vọng hay chạy theo sự nghiệp. Vì vậy, tôi cảm thấy không bực bội chút nào ». Ông tự coi mình là một « ông nội trợ » được xã hội công nhận : « Nội trợ cũng là một công việc. Mọi người đều biết rằng chúng tôi không phải là hạng lười biếng. »
Kinh tế Pháp khởi sắc trở lại ?
Về kinh tế Pháp, Le Figaro nêu bật : « 192 sắc thuế phi lý cần phải bỏ », trong khi Le Monde và Les Echos chạy những tựa lạc quan hơn,
Le Monde chú ý đến các tập đoàn hàng đầu của Pháp mà theo tờ báo, đang « tin tưởng vào sự vực dậy kinh tế ». Les Echos thì nhìn qua thị trường chứng khoán Paris : « Chỉ số CAC 40, những lý do để tin tưởng trở lại », với ghi nhận bên dưới : 2/3 các tập đoàn đã tăng lợi nhuận trong năm 2013 – tập trung trong tay gần 50 tỷ euro. Tiền lời chia cho cổ đông có thể tăng 6% ».
Trung Quốc biện minh cho việc tăng chi tiêu quân sự
Châu Á hôm nay hầu như vắng bóng trên các báo, ngoại trừ một bài trên Le Monde về Trung Quốc tựa đề : « Trung Quốc bảo vệ mức tăng liên tục chi phí quốc phòng », với ghi nhận bên dưới : « Ngân sách mới gần gấp đôi ngân sách 2008 ».
Tác giả bài báo trên Le Monde, nhận xét trước tiên là nếu ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng đều đặn cũng như các năm trước, thông báo ngày 05/03 nhân buổi khai mạc khóa họp Quốc hội, tăng 12,2% cho năm 2014 này, không khỏi gây phản ứng ở ngoại quốc ngoài do chủ nghĩa nước lớn của Trung Quốc trên biển Đông và Hoa Đông.
Trung Quốc đã phải vội vàng giải thích. Bài báo nêu mốt số trích dẫn phản ánh thâm ý của Trung Quốc. Trước tiên là lời giải thích của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc : « Quý vị cứ tuởng là quân đội nhân dân Trung Quốc gồm những hướng đạo sinh sử dụng các chiếc giáo mác hay sao ? Trong trường hợp đó thì làm sao bảo vệ an ninh quốc gia và hòa bình thế giới ? ».
Le Monde rất chú ý đến phát biểu của Thủ tướng Lý Khắc Cường, nhấn mạnh trong hôm thứ Tư, 05/03, đến tầm quan trọng của việc chuẩn bị năng lực tác chiến cho quân đội Trung Quốc, việc biến Trung Quốc thành một cường quốc hải dương.
Bài báo cũng trích lời nhắn nhủ của Thủ tướng Trung Quốc hướng về phía Nhật Bản : « Chúng ta phải bảo vệ thành quả cuộc chiến Thế giới Thứ hai và trật tự thời hậu chiến, không để một ai đảo ngược dòng lịch sử. »
Tờ báo còn trích dẫn báo giới truyền thông Trung Quốc đã nêu bật « thách thức an ninh » đối với Trung Quốc, vì phương Tây vẫn khó chịu với chế độ chính trị Trung Quốc... và « ý tưởng lật đổ chế độ Trung Quốc vẫn tồn tại trong đầu óc một số người. ». Báo giới Trung Quốc còn nêu vấn đề « tranh chấp với nhiều nước » cũng như việc phải « đối phó với phong trào ly khai ». Tóm lại quân đội Trung Quốc chưa đủ mạnh, càng chưa đủ mạnh để bảo vệ các quyền lợi của Trung Quốc ở hải ngoại nữa, do vị trí cường quốc thương mại của Trung Quốc.
Bài báo nhắc lại là sau mức tăng 11,2% năm 2012 và 10,7% 2013, với mức tăng mới, ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2014, lên đến 808 tỷ yuan – 96 tỷ euro -, là ngân sách quốc phòng đứng thứ nhì thế giới, sau Hoa Kỳ - 460 tỷ euro.
Tuy nhiên theo phía Mỹ, chi phí quốc phòng Trung Quốc có thể cao gấp đôi số liệu thông báo.
Crimée leo thang
Các báo hôm nay trở lại tình hình Ukraina, sau đề nghị của nghị viện Crimée sát nhập vùng này vào Nga : Tổng thống Putin đang suy nghĩ, phương Tây thì phản ứng mạnh hơn để ngăn chặn, cho nên các báo hầu như chạy một dòng tựa : Những trừng phạt đầu tiên nhắm vào Nga.
Libération, nói đến cuộc « leo thang » ở Crimée trong hàng tựa trang nhất, ở trang trong tờ báo nói một cách hình tượng : « Crimée ngả vào vòng tay của Nga ».
Trong bài xã luận, Libération thắc mắc về thái độ của Tổng thống Nga, và nêu câu hỏi : Ông Putin thật ra muốn gì ? Ông có thể khiêu khích đến đâu mà không gây lo ngại về một cuộc chiến bùng lên ngay trong lòng Châu Âu ? Đối với tác giả bài nhận định, nghị viện Crimée không thể đưa ra đề nghị sát nhập nếu không được người hùng ở điện Kremly bật đèn xanh.
Đề nghị này không có gì là ngẫu nhiên cả vì được đưa vào lúc Châu Âu còn do dự và cố gắng xem hình thức trừng phạt nào có thể áp đặt lên Nga. Và Putin đã trả lời bằng sự thách thức điên rồ.
Đối với Libération đây quả là một sự thay đổi giọng điệu đột ngột, trong lúc mà vào đầu tuần ngoại giao có vẻ thắng thế. Bây giờ ông Putin cho thấy ông không sợ ai cả. Ông có vẻ đang trong một lôgic duy nhất mà thôi : Khẳng định uy lực của mình trước cộng đồng quốc tế. Ông biết ông là người có thể gây nên thảm họa, nhưng có vẻ không quan tâm.
Trong mắt tác giả bài xã luận, ông Putin như bị cuốn trong vòng điên cuồng mà ông không thể - hay không còn biết - đo lường hậu quả.
Bài học từ Ukraina
Báo Le Monde cũng dành bài xã luận trên trang nhất để rút ra « những bài học từ Ukraina ». Bài báo cố tim hiểu lý do thức đẩy ông Putin « đọ sức » như thế. Le Monde nêu câu hỏi : « Có thể rút ra những bài học gì ở giai đoạn này của cuộc khủng hoảng ngoạn mục diễn ra trong lòng Châu Âu ? »
1/ Bài học đầu tiên : Ngoại giao Nga tiến mạnh mẽ - như một chiếc xe hủ lô, và không khác gì thời Gromyco vào những năm 1970, với mục tiêu đánh bạt Mỹ ở Châu Âu.
2/ Putin đã cảm nhận – đúng hay sai – một số điểm yếu nơi tổng thống Mỹ Obama, muồn tranh thủ tình thế, sử dụng biện pháp mạnh đối với láng giềng của mình. Trong những ‘'điểm yếu'’ Le Monde nêu thái độ thờ ơ hơn của ông Obama đối với Châu Âu, chính sách xoay trục của ông, nhìn về Châu Á, chủ trương – reset- thúc đẩy lại quan hệ với Nga không mấy có tính thuyết phục.
Còn phải kể thái độ do dự của ông Obama về Syria tháng 9/2013, không bảo vệ ‘làn ranh đỏ’ của ông về vũ khí hóa học và bị xem là một sự yếu đuối của ông.
Le Monde nêu câu hỏi là liệu hệ quả của những sự kiện kể trên này đối với ông Putin đã có được phân tích kỹ không ? vì 6 tháng sau, đã diễn ra vụ đọ sức ở Crimée.
Bài báo có vẻ cũng quy trách nhiệm cho Tổng thống Obama. Trong trí của ông, ông giữ lại hình ảnh một nước Nga rất yếu kém từ lúc ông còn là thượng nghị sĩ. Chuyến đi Nga duy nhất của ông trước khi làm Tổng thống là chuyến viếng thăm cơ sở trữ chất liệu hạt nhân, và ông đã bị shock trước tình trạng tồi tệ của cơ sở.
Đối với tổng thống Mỹ, Nga những năm gần đây là một đối tác khó khăn trên nhiều hồ sơ nhưng không phải là một mối đe dọa.
3/ Vấn đề khác là ưu tiên về an ninh ở Châu Âu. Không ai nghĩ có thể diễn ra xung đột giữa Ukraina và Nga mặc dầu đã có kịch bản Gruzia, không ai đo lường được thái độ của Putin, những phân tích « ngây thơ » của một số người trong quan hệ với Nga - nhìn khía cạnh tốt đẹp một nước Nga hữu hảo, quan hệ kinh tế, tài chính... - dẫn đến sai lầm chiến lược.
Thế vận hội Sotchi hồi hai : Paralympicques
Trong bối cảnh sôi sục, đối đầu hiện nay giữa phương Tây và Nga về Ukraina, thì Thế vận hội mùa đông của những vận đông viên bị khuyết tật paralympic, khai mạc tối nay. Báo La Croix nêu đến sự kiện trên trang nhất, ghi nhận trong hàng tựa : « Căng thẳng ở Crimée, hưu chiến thể thao ở Sotchi. »
La Croix cho biết có 45 đoàn, 600 vận động viên tham gia, một số quốc gia, Mỹ, Anh thông báo tẩy chay lễ khai mạc. Đoàn Ukraina chưa trả lời dứt khoát.
Tổng thống Putin dĩ nhiên là khai mạc thế vận, và dĩ nhiên ông cũng sẽ lờ đi mối căng thẳng hiên nay, nhưng các cặp mắt sẽ chăm chú theo dõi nhất cử nhất động của Tổng thống Nga, những thay đổi trên nét mặt, dò xem ông nghĩ gì.
Bài báo nhắc lại là vào lúc khai mạc thế vận ngày 23/02. Ồng Putin xuát hiện với nụ cười nhưng mặt đanh lại. Đôi mắt lộ sự bực tức. Vì ngày hôm trước, chính quyền ở Kiev mà ông nghĩ đã liên kết được và trung thành với ông đã đột nhiên sụp đổ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét