Tháng 9 21, 2014
Phạm Thị Hoài biên soạn
Sau đợt „vi phạm kỉ luật“ lần thứ nhất và bị giam kiểm thảo từ 13/6 đến 14/9/1955
[1],
nhà thơ Trần Dần được cử đi dự hội nghị tổng kết đợt 4 và tham quan Cải
cách Ruộng đất đợt 5 tại Bắc Ninh, đợt cuối cùng của cuộc cách mạng
„long trời lở đất“ ở nông thôn Việt Nam sáu mươi năm trước. Phổ biến với
tên gọi „đi thực tế“, đó là hình thức đưa các văn nghệ sĩ và trí thức
vào „thực tế cách mạng“ của công nhân, nông dân và binh sĩ, trụ cột của
liên minh quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, để thúc đẩy và
củng cố „giác ngộ giai cấp“ của tầng lớp trí thức, vốn được gắn với ý
thức hệ tiểu tư sản, hay dao động và thiếu „tinh thần cách mạng triệt
để“. Không chỉ riêng Trần Dần đi thực tế. Trong cuốn sổ ghi chép năm
1955 của mình, ông ghi: „Hoàng Yến
[2]
than phiền: Mình đi CCRĐ. Ai thấy mình cũng thành kiến là mình đả Tố
Hữu, đả Trung uơng. Thành thử khó làm ăn quá.“ Ngày 2/11/1955, ông ghi:
„Trước khi đi, Văn Phác
[3] họp một số anh em, những Văn Cao, Lương Ngọc Trác
[4],
[...], Đỗ Nhuận để dặn dò. Văn Cao: Tôi thấy đi có lợi lắm, [...] dĩ
nhiên là lợi lắm. Trước kia đồng chí Trần Dần hay tự do sinh hoạt, tôi
lo nhỡ ra đồng chí Trần Dần lại khuyết điểm thì bỏ mẹ chúng mình. [...]“