Trinhanmedia
Trần Văn Minh30-4-2014
Ngày 30-4 là một ngày u ám trong lịch sử dân tộc Việt Nam; một ngày đánh dấu cả nước bị cầm tù dưới ách độc tài cộng sản, mà tới thời điểm hiện tại chưa thấy đường ra. 39 năm trôi qua thiết nghĩ đã quá đủ để những tâm hồn yêu quê hương dân tộc đặt lại những câu hỏi và thẩm định lại con đường giải thoát dân tộc Việt Nam khỏi nhà tù cộng sản.
Con đường giải thoát đất nước thay vì là một đường thẳng hướng tới mục tiêu xóa bỏ chế độ cộng sản thì trong khoảng thời gian dài, đã chạy vòng vòng do những nỗ lực phá đám của nhà cầm quyền CSVN bằng cách đề ra chính sách hòa hợp hòa giải (HHHG), để kêu gọi người Việt hải ngoại cùng “góp sức” (hợp tác thay vì chống đối) xây dựng đất nước (có phải CSVN thực tâm xây dựng đất nước?).
Phải nhận định rằng CSVN rất khôn khéo khi đưa ra chiêu bài HHHG vì thoạt nghe lý thuyết thì có vẻ khá hữu lý như: Trình độ dân VN chưa ý thức dân chủ đầy đủ nên cần phải có một chính quyền độc tài để ổn định phát triển, như trường hợp các nước Nam Hàn, Đài Loan, Singapore…; Mọi người, mọi khuynh hướng nên hiệp lực xây dựng đất nước thay vì xâu xé nhau sẽ chẳng đem lại lợi ích gì; Hiện tại chưa có thế lực nào đủ mạnh để thay thế đảng CSVN để nắm chính quyền và vì thế cần phải có thời gian để tạo dựng đối lập; Cải tiến kinh tế trước vì là nhu cầu cấp thiết, sau đó mới tới chính trị thì tiến trình phát triển sẽ bền vững hơn và không xảy ra hỗn loạn làm gián đoạn phát triển; và cuối cùng, một lý do có lẽ khá chua sót cho giới đấu tranh: bao nhiêu người VN muốn tham gia công cuộc chống lại nhà cầm quyền cộng sản?
Chiêu bài HHHG này một thời đã gây khá nhiều hoang mang trong các cộng đồng VN ở hải ngoại và xu hướng thuận đã phải lùi bước trước xu hướng chống mạnh hơn. Tuy nhiên, lùi bước chưa có nghĩa là bị triệt tiêu. Mỗi khi đến ngày 30/4, nhân viên đại sứ quán CSVN lại gia tăng tuyên truyền về chủ đề này vì nó vẫn còn có một số hiệu ứng, mà mục tiêu duy nhất của chiêu bài hòa giải là làm vô hiệu hóa sự chống đối. Hiện nay, CSVN đã thất bại trong việc kêu gọi hợp tác nhưng họ vẫn kiếm được một ít thành công trong việc làm giảm sự chống đối. Chỉ cần điểm qua báo chí hải ngoại thì có thể thấy không ít các bài bình luận phê phán công việc điều hành quốc gia của chế độ CSVN và được tiếp theo với sự kêu gọi ngay chính kẻ làm ác tự thay đổi.
Tư tưởng bất lực trước chế độ CSVN có lẽ bắt nguồn từ sự bế tắc trong công cuộc xóa bỏ chế độ CS, do tầm mức to lớn của vấn đề trước mức độ tàn ác của độc tài CS cũng như sự yếu đuối mong manh của giới đấu tranh trong nước và hải ngoại. Tư tưởng “khuyên răn” chế độ CS tự chuyển hóa này thường được nhận thấy xuất hiện trong giới trí thức lớn tuổi chưa bắt kịp thời đại.
Ngoài xu hướng mang tư tưởng bất lực còn có xu hướng tích cực đang phổ biến ngày càng rộng rãi mà điển hình là trong giới trẻ. Nếu độc giả đảo một vòng các thông tin trên phương tiện truyền thông mới hiện nay là Facebook, là nơi quy tụ của đa số giới trẻ, thì sẽ thấy một bầu khí phản kháng dữ dội của người đưa tin cũng như người bàn tin. Những người theo xu hướng tích cực này đều có sự đồng thuận rộng rãi là chế độ CS phải ra đi, mặc dù có một sự phân cách nhỏ về cách thức giải quyết sự ra đi của chế độ CS.
Câu chuyện làm cách nào giải quyết độc tài cộng sản vẫn còn nằm trên lý thuyết và thực sự chưa có phong trào hay tiến trình cụ thể nào đang xảy ra, có chăng chỉ là những bước dọ dẫm rất sơ khởi. Có lẽ vì mức độ to lớn của vấn đề chăng?
Về lý thuyết, được thấy có ý kiến về hai phương thức tiến hành khác nhau: phương thức đối đầu trực diện và phương thức vận hành qua tiến trình lâu dài thường được gọi là diễn biến hòa bình (DBHB).
Phương thức đối đầu trực diện cho rằng độc tài không thể chuyển hóa mà phải bị xóa bỏ, và phải tranh đấu bằng cuộc so sánh quyền lực, nói nôm na là đấu tranh lật đổ chế độ CS, dĩ nhiên bằng phương pháp bất bạo động theo hình thức cách mạng quần chúng. Phương thức này cho rằng, mọi cố gắng tác động để đối phương thay đổi sẽ chỉ kéo dài thời gian vô ích, hao tổn công sức đấu tranh và tạo thời gian cho chế độ độc tài biến thể để tiếp tục sống lâu hơn.
Mặt khác, phương thức vận động theo diễn biến hòa bình cho rằng một khi xã hội có nền tảng và cơ sở vững chắc về ý thức và sinh hoạt dân chủ thì độc tài sẽ tự động biến mất. Phương thức này dựa trên nguyên tắc: dân chủ phải bắt nguồn từ ý muốn của dân chúng và dân chúng có muốn hành động để đòi hỏi dân chủ hay không?
Điều khác biệt của hai phương thức được nhận thấy ở phương cách tiến hành giải thể độc tài. Phương thức đối đầu chú trọng vào giới hoạt động và đặt nhiệm vụ của giới hoạt động như những đầu tàu kéo con tàu quần chúng vùng lên. Phương thức DBHB thì chú trọng giáo dục quần chúng (từ dưới lên) về các quyền lợi căn bản của người dân, với hy vọng một khi người dân hiểu biết về quyền làm người của mình thì họ sẽ không để bất kỳ chính quyền nào lấy đi.
Trong hoàn cảnh độc tài toàn trị ở VN hiện nay, cả hai phương thức đấu tranh đều phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, mà khó khăn đầu tiên có thể kể là vấn đề lập hội công khai, để làm căn bản cho lực lượng phản kháng. Với phương thức đối đầu trực diện thì hình thức các hội, theo ý nghĩa xã hội dân sự, được thành lập nên khởi sự với những chủ đích mang yếu tố thách đố nhà cầm quyền về lãnh vực chính trị. Hiện nay, các hội này đã bắt đầu manh nha ở Việt Nam như hội các blogger, hội phụ nữ nhân quyền, hội cựu tù nhân lương tâm, hội công nhân, nông dân, dân oan… Các hội trên tuyên bố hoạt động công khai dựa trên sự cho phép của Hiến pháp CSVN nhưng chưa thực sự được nhà cầm quyền công nhận tính hợp pháp, vì thế các hội loại này luôn luôn phải đối diện với nguy cơ bị trấn áp. Vấn đề chỉ có thể được khai thông khi nhà cầm quyền, dưới một áp lực nào đó, bắt buộc phải mở ra cho XHDS được hoạt động hợp pháp.
Đối diện với việc tìm kiếm tình trạng hợp pháp hóa các tổ chức XHDS, khuynh hướng DBHB, có thể ví như chính sách củ cà rốt, chỉ giới hạn tìm kiếm tính hợp pháp cho hoạt động của các hội thiện nguyện phi chính trị, cả hải ngoại lẫn quốc nội; nhưng hiện nay vẫn chưa thành công. Nhà cầm quyền CSVN vẫn chưa cho phép bất cứ tổ chức bất vụ lợi (NGO) nào hoạt động ngoài vòng kiểm soát của chính quyền; ngay cả những hoạt động nhân đạo của những NGO quốc tế hay của người Việt hải ngoại cũng chỉ được cấp giấy phép hoạt động trong từng trường hợp một.
Nếu xét về lợi hại của hai phương thức thì không thể so sánh được vì hai lãnh vực không thuộc cùng tần số, nên ta có thể xem đây là hai hình thức đấu tranh hỗ tương cho nhau như chính sách cây gậy và củ cà rốt. Giả thử nhà cầm quyền CSVN, qua tiến trình thương thảo về Hiệp định TPP đồng ý cho phép nghiệp đoàn độc lập được thành lập ở các công ty tư doanh (chưa dám nói tới quốc doanh). Sự thành công này, không phải chỉ do công lao của khuynh hướng DBHB giúp vận động mà còn do áp lực từ khuynh hướng đối đầu, với việc vận động chính phủ Hoa Kỳ thông qua các dân cử Quốc hội và sự chống đối của ngày càng nhiều của công nhân ở trong nước về các mâu thuẫn lao động; điều mà các công đoàn nhà nước không thể giải quyết được do nạn tham nhũng tràn lan.
Phong trào đấu tranh chống độc tài tuy vẫn còn khá khiêm nhường về tầm mức nhưng mang tiềm lực của sức trẻ đang vươn lên, trong khi đó quyền lực của nhà cầm CS ngày càng suy yếu. Câu mặc định này sẽ là hoàn toàn đúng nếu định nghĩa quyền lực nằm ở các yếu tố như chính nghĩa, lòng dân, nền kinh tế vững mạnh, xã hội bình đẳng; là những yếu tố căn bản của quyền lực nhà nước trường tồn. Trên thực tế, nhà nước CSVN chỉ sở hữu những yếu tố bề mặt để cai trị dân như độc quyền chính trị, có bộ máy công an đông đảo và quân đội với nhiệm vụ bảo vệ đảng đặt hàng đầu, độc tài kinh tế và lợi ích phe nhóm (thành viên đảng CSVN và thân hữu) thâu tóm phần lớn tài nguyên và tài sản quốc gia. Bộ máy cai trị loại này chủ yếu gây nên nỗi sợ hãi trong quần chúng và dùng các loại hình phạt làm phương tiện điều hành đất nước. Đây không phải là bộ máy vận hành tự động như ở các xứ dân chủ mà cần phải có sự canh chừng, hối thúc liên tục. Nếu không có công an, không có răn đe thì người dân sẽ nổi dậy và do đó chế độ phải tốn nhiều công sức để giữ nồi áp suất bất mãn khỏi bùng nổ.
Như chính sách về đất đai hiện nay cho phép nhà nước trưng thu đất của dân để phục vụ các dự án kinh tế. Trong bối cảnh về nạn tham nhũng phổ biến với phe phái lợi ích hành xử như lãnh chúa ở các địa phương thì những cuộc cưỡng chế nhà đất sẽ tiếp tục xảy ra khắp nơi; cơ cấu này không thể sửa chữa được trừ phi loại bỏ kẻ sinh ra nó là đảng CSVN. Hậu quả là sẽ xảy ra ngày càng nhiều số lượng dân oan vì mất nhà mất cửa hay không được đền bù thỏa đáng. Ở cương vị nhà nước, muốn giải quyết khối dân oan này một cách ổn thỏa và dứt điểm thì chỉ có một cách duy nhất là trả lại nhà đất hay đền bù thỏa đáng cho họ; nhưng chuyện này sẽ không thể xảy ra vì, sau khi tham quan chia chác chiến lợi phẩm từ việc cướp đất của dân, ai sẽ là người đứng ra bồi thường? Vì thế nhà cầm quyền CS chỉ còn một cách duy nhất là làm ngơ hay đàn áp các cuộc biểu tình của dân oan. Giải pháp này sẽ chẳng thể ngăn cản các nhóm dân oan tuần hành hàng ngày ở khu vực thủ đô Hà Nội, vì họ chẳng còn gì để mất. Họ đã thoát sợ và các hình thức răn đe, như dùng côn đồ đánh đập hay bắt tù tội, chẳng làm họ sờn lòng đấu tranh; càng trấn áp thì càng đẩy người dân oan vào đường cùng và chỉ làm ngọn lửa đấu tranh bùng lên mạnh hơn. Nhìn chung vào nhiều lãnh vực sinh hoạt của người dân Việt Nam như giáo dục suy đồi, tệ đoan xã hội, đạo đức xã hội xuống cấp, nạn buôn người, bất bình đẳng xã hội, nạn người Tàu tung hoành ngang dọc, công nhân bị bóc lột… chỗ nào cũng là những trái bom nổ chậm. Đứng về khía cạnh chiến lược đấu tranh, nhà cầm quyền CSVN đang có những nhược điểm chết… chế độ!
Hiện nay, nhà cầm quyền CS gặp phải nhiều trở ngại, khó khăn không thể giải quyết do chính sách mâu thuẫn giữa chính trị độc tài và kinh tế thị trường. Đây là mâu thuẫn căn bản không có đường thoát, mà đảng CSVN tự chế ra cái gọi là “định hướng XHCN”. Nếu đứng trên quan điểm của phía đấu tranh, những khó khăn của chế độ sẽ là cơ hội thuận lợi cho công cuộc chiến đấu chống độc tài. Đặc biệt trong thời gian gần đây đã có những tiến bộ rõ rệt về thái độ chống đối tới việc thành lập tổ chức chống đối. Về thái độ, chúng ta đã ngừng thấy những vận động gọi là “kiến nghị” mà thay vào là những tuyên bố lên án, tố cáo nhà nước VN tới các chính quyền ngoại quốc, dân oan biểu tình phản kháng hay cùng nhau canh chừng đất đai của mình. Về tổ chức thì đã xuất hiện các tổ chức mang hình thức liên kết các giới cùng cảnh ngộ hay mục tiêu với nhau như dân oan, cựu tù nhân lương tâm, phụ nữ, blogger, nhà văn… Trong khi đó thì ở ngoại quốc, các tổ chức nhân quyền cũng như nhiều chính phủ trên thế giới mạnh mẽ tố cáo mọi vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền VN, tạo áp lực liên tục lên các hoạt động ngoại giao của CSVN. Kết quả của sự phối hợp giữa công cuộc đấu tranh của người Việt hải ngoại và người dân trong nước đã đưa tới một sự nhượng bộ ban đầu với việc phóng thích 5 tù nhân lương tâm xảy ra gần đây (Đinh Đăng Định, Nguyễn Hữu Cầu, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung và Vi Đức Hồi). Mặt khác, trên bình diện đàn áp hay bắt bớ, nhà cầm quyền CS cũng đã không còn dám công khai đàn áp giới đấu tranh và giảm thiểu số vụ bắt giữ, tuy rằng thay vào đó, mức độ đàn áp vẫn y nguyên với hình thức sử dụng côn đồ hay thành viên của các tổ thân chính quyền để thực hiện công việc đàn áp (công an chỉ đứng bảo vệ cho lực lượng đàn áp của họ). Cùng lúc đó, các hình thức bắt bớ được thay bằng những áp lực ngầm đối với gia đình nhà hoạt động, công ăn việc làm của họ hay theo dõi, giám sát, quấy nhiễu.
Khi đương đầu với chế độ CS xảo quyệt thì chắc chắn là phải biết ứng biến, thay đổi liên tục các phương thức, kế hoạch đấu tranh để đáp ứng tình thế cũng như đáp lại phản ứng của nhà cầm quyền, và điều này sẽ dẫn tới những trận thắng nhưng cũng có những trận thua. Hiện nay, với đặc điểm thiếu sự lan tỏa rộng rãi trong quần chúng về các cuộc biểu tình hay phản đối cho thấy rằng, tầm mức của lực lượng tiên phong chưa đủ lớn để chiến chắng sự đàn áp của phía công an; do chưa thể lôi kéo khối dân chúng bàng quan tham gia vào cuộc phản đối trước rủi ro bị bắt giữ. Khuyết điểm này cũng được giới đấu tranh bắt đầu nhận ra để đi tới nhu cầu cần phải thành lập liên minh với nhiều tổ chức để có thể bênh đỡ cho nhau.
Trong chiến tranh quần chúng chống lại thiểu số đảng viên CSVN và phe nhóm của nó. Vấn đề mấu chốt của các nhà hoạt động là làm cách nào để khối đông đảo quần chúng dứt bỏ được nỗi sợ mà tham gia vào công cuộc đấu tranh.
Trước khi bàn đến chuyện “làm cách nào này, cần phải nghĩ đến công việc xây dựng lực lượng hoạt động; chính yếu là bao gồm những chiến sĩ tiên phong mà ta gọi chung là các nhà hoạt động. Lực lượng hoạt động bao gồm những người đã và đang hoạt động tranh đấu trong nhiều lãnh vực khác nhau như dân oan, nhân quyền, công nhân, sinh viên, blogger, phụ nữ, cựu tù nhân lương tâm… Số nhà hoạt động trong mỗi lãnh vực cần phải phát triển đông đảo và mạnh mẽ thêm lên, so với hiện nay, và dĩ nhiên cần phải có sự hỗ trợ tích cực từ khắp nơi, đặc biệt là hải ngoại với phương tiện tài chánh chiếm ưu thế. Để cụ thể hóa, một cuộc đương đầu với nhà cầm quyền, nếu muốn tránh thất bại, về số lượng người tham gia, phải vượt khỏi khả năng huy động lực lượng của nhà cầm quyền tại một địa phương trong một thời lượng nào đó. Tỉ dụ để đối đầu với một lực lượng chống biểu tình khoảng 1000 người thì số người tham dự biểu tình phải được dự tính gấp mấy lần con số đó.
Nếu sự thành bại của cuộc chiến quân sự được đánh giá trên vấn đề tương quan quyền lực thì cuộc chiến với hình thức quần chúng cũng tương tự như thế. Phía nào tranh thủ nhiều quyền lực hơn thì phía đó sẽ thắng. Khi quyền lực được đo bằng sự hỗ trợ của dân chúng, bằng cách tranh thủ sự yểm trợ của quần chúng ngả về phía đấu tranh và ngừng lại mọi hành động cộng tác với nhà cầm quyền, tức thì chế độ sẽ sụp đổ.
Để đạt tới mục tiêu đó, vấn đề giải thể chế độ độc tài CSVN cần phải được giải quyết bằng hành động của người dân, thay vì thể hiện bằng những hy vọng vào sự hối cải của chính những người cộng sản. Dân tộc Việt Nam, về bản chất, là một dân tộc có bản lãnh oai hùng không thua bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Người dân Ai Cập hay Miến Điện có thể đánh đuổi độc tài thì người Việt Nam cũng có thể. Ngày nay, chế độ CSVN đã mất chính nghĩa, mất lòng dân, thiếu khả năng quản trị đất nước. Sức mạnh của họ chỉ còn là một cái thùng rỗng và đây chính là một cơ hội rất tốt để làm cuộc cách mạng cho đất nước. Vấn đề còn lại là tất cả những người yêu nước phải cố gắng phát triển lực lượng đấu tranh, một lực lượng toàn dân, để chiến đấu giải thể chế độ CSVN.
Trần Văn Minh
Trí Nhân Media
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét