Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

Việc phải tới, đã tới

Posted by phamtayson on 05/05/2014

035_20140329_43319-600.jpg
Ông Wang Yilin, Chủ tịch Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC), tại cuộc họp báo Thông báo kết quả hàng năm của CNOOC tại Trung Quốc hôm 28/3/2014  -AFP photo

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Cục Hải sự Trung Quốc đã ra thông báo giàn khoan có tên Hải Dương 981 (HD-981) sẽ tiến hành khoan và tác nghiệp tại vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam bắt đầu từ ngày 02/5 đến 15/8 chỉ cách đảo Lý Sơn 119 hải lý.


Như thường lệ, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng chống lại hành động này của Trung Quốc nhưng hết sức kiềm chế trong ngôn ngữ ngoại giao. Việc Trung Quốc ngang nhiên  đặt một giàn khoan khổng lồ tại vùng biến của nước khác chỉ có thể diễn tả bằng cụm từ “xâm lược chủ quyền” chứ không còn cách nào khác lột tả thực trạng hành vi xâm lấn công khai, thách thức dư luận quốc tế bằng cung cách như họ đang làm.
Chủ quyền bị xâm phạm vì quá nhu nhược?
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên kéo một giàn khoan khổng lồ vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam chứ không còn là lời thăm dò hay dọa dẫm.
Ông Lê Quang Bình Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc Hội nhận xét việc làm này của Trung Quốc:
Trước mắt tất cả cũng đã cố gắng bằng cách đơn giản nhất và nếu mà thành công thì hai bên vẫn hòa hoãn với nhau tức là tình cảm không bị mất. Nói chung chỉ có thể nói được như vậy còn vấn đề tiếp theo nữa chưa hẳn là mình không có đối sách. Đối sách này phải thông qua Quốc hội thì mới có thể lên tiếng được.
Chính phủ hai bên vẫn tốt không có vần đề gì nhưng mà trường hợp như vậy gọi là ngang ngược thì có nhưng căng thẳng thì chưa đến mức gọi là dùng biện pháp căng thẳng với nhau. Ngoài Việt Nam ra còn cộng đồng quốc tế nữa chứ không phải chỉ có Việt Nam thôi.
Tôi không muốn chúng ta phải tỏ ra một cách cực đoan về vấn đề Trung Quốc nhưng phải làm sao cho Trung Quốc thấy rằng không thể trong quan hệ với Việt Nam mà hôm nay nói thế này mai lại làm thế khác được.
- TS Vũ Cao Phan
TS Vũ Cao Phan, Phó chủ tịch hội Hữu nghị VN-TQ, nguyên cán bộ giảng dạy Học viện Quân sự Cấp cao thuộc Học viện Quốc phòng, Bộ Quốc phòng nêu ra những điều khiến Trung Quốc ngày càng xem thường Việt Nam dẫn tới kết quả của ngày hôm nay:
Quan hệ của Việt Nam Trung Quốc lâu rồi luôn luôn có trạng thái không bình thường. Có thể thấy hôm nay một đoàn cấp cao của Trung Quốc ký được một thông báo chung về quan hệ giữa hai nước với những điều khoản, thông báo mang cho người ta hy vọng, nhưng ngay chỉ ít lâu sau thì lại có những hành động phủ định việc đó. Quan hệ Việt Trung vần đề lớn nhất hiện nay là cách ứng xử của Việt Nam như thế nào để Trung Quốc có thể tôn trọng Việt Nam. Quan hệ Việt Nam Trung Quốc có thể tốt nhưng phải trên cơ sở bình đẳng. Tôi từng viết có một câu ngạn ngữ: “Đành để người ta ghét, chớ để người ta khinh”.
Tại sao Trung Quốc có hành động như thế? Thì họ có ý đồ của họ nhưng cũng xuất phát từ cách hành xử của chúng ta. Chúng ta ứng xử mà không để cho người ta phải nể trọng, cách ứng xử của chúng ta không đến nơi. Tôi không muốn chúng ta phải tỏ ra một cách cực đoan về vấn đề Trung Quốc nhưng phải làm sao cho Trung Quốc thấy rằng không thể trong quan hệ với Việt Nam mà hôm nay nói thế này mai lại làm thế khác được.
Đường lưỡi bò không còn là văn bản
Hải Dương 981 là một dàn khoan khổng lồ thuộc sở hữu của Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC)  Ngày 23 tháng 6 năm 2012, Tổng công ty CNOOC công bố mời thầu quốc tế với chín lô dầu khí chiếm diện tích hơn 160.000 km2, nằm sâu trên thềm lục địa của Việt Nam.  Lý do mà Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam vì Bắc Kinh cho rằng vùng biển mà Việt Nam khai thác dầu nằm trong đường chín đoạn của Trung Quốc.
Đường chín đoạn còn gọi là đường lưỡi bò bao trọn bốn nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên biển Đông là quần đảo Hoàng Sa, Quần đảo Trường Sa, quần đảo Đông Sa và bãi Macclesfield với khoảng gần 80% đè lên diện tích hợp pháp đặc quyền kinh tế của các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Indonesia.
Cho đến thời điểm này câu trả lời về sự ngang ngược ấy đã rất rõ ràng: Trung Quốc quyết tâm cướp đoạt tài nguyên dầu hỏa của tất cả các nước bất kể luật pháp quốc tế và dư luận ASEAN.
Theo công bố của Bộ Ngoại giao thì giàn khoan HD981 đã được Trung Quốc mang vào vùng biển Việt Nam vào ngày 2 tháng 5 nhưng trong tư cách một Tổng Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn không có một phản ứng nào. Nói về việc này ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương, hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hoá Minh Triết đặt câu hỏi:
Anh Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư, ngày mùng 3 tháng 5 đi tiếp xúc cử tri để chuẩn bị ra họp Quốc hội không hề có một nửa tiếng, nửa lời. Tôi hỏi anh trong tư cách một Tổng Bi thư của đảng cầm quyền mà như vậy thì là thế nào? Và tư cách của anh là một lãnh đạo cao nhất của đất nước hiện nay thì như thế nào? Tôi rất bất bình và thấy xấu hổ, nhục nhã khi một người lãnh đạo trước một sự kiện lớn của dân tộc lại không hề có một nửa ý kiến. Như thế tấm lòng của anh với dân, với đất nước là thế nào, anh sợ cái gì và tại sao anh không dám lên tiếng để phát động sức mạnh của nhân dân bảo vệ đất nước?
Tôi xin nói rõ là 4 triệu đảng viên không đủ sức để bảo vệ dân tộc đâu mà phải toàn dân. Anh không dựa vào dân, anh không phát động dân anh không nói rõ chính kiến của mình đối với dân thì dân sẽ nghi ngờ anh có làm tay sai cho họ không? Anh có ngậm miệng trong việc họ cho anh cái gì không mà anh lại im lặng?
Kiện Trung Quốc, tại sao không?
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cho biết quan điểm của ông về cách đối phó, trong đó kể cả khả năng đưa Trung Quốc ra tòa:
Tôi cho rằng chính phủ Việt Nam phải phản đối quyết liệt và các tài liệu của chúng ta phải đưa ra quốc tế để cho thế giới người ta thấy rõ là Trung Quốc sai trái vì có những hành động bất hợp pháp nhưng tôi tiếc là chính phủ ta không làm được những việc như thế mà cứ im lặng. Tất nhiên im lặng thì Trung Quốc nó càng lấn tới. Ta không chủ động hành động quân sự nhưng mà phải kiện ra tòa án quốc tế. Mình không chủ động dùng quân sự chống lại họ ngay trừ khi họ dùng quân sự đánh mình thì mình đánh trả thôi.
Tôi rất bất bình và thấy xấu hổ, nhục nhã khi một người lãnh đạo trước một sự kiện lớn của dân tộc lại không hề có một nửa ý kiến.
- Ông Nguyễn Khắc Mai
Vối ý kiến cần triển khai cảnh sát biển cô lập giàn khoan này không cho hoạt động, đại tá Phạm Xuân Phương từng công tác trong Cục Chính trị trước khi nghỉ hưu cho biết:
Tôi nghĩ chuyện này phải phản đối ở mức cao hơn nữa ở mức chính phủ chứ không phải ở Bộ Ngoại giao nữa. Phải nâng mức phản đối lên. Đem cảnh sát biển ra thì cũng là một lực lượng vũ trang tuy phạm vi nó hẹp hơn nhưng chưa chắc giải quyết được vấn đề gì mà không khéo thì lại rơi vào cái bẫy của họ.
Thật ra Trung Quốc từng ra thông báo chuẩn bị triển khai giàn khoan Dầu khí Hải dương 981 đến giếng dầu Lệ Loan 6 – 1 – 1 là khu vực nằm trong lòng chảo Châu Giang, cách Hồng Kông khoảng 300 km, gần sát đảo Hải Nam và tương đối gần Philippines.
Cơ hội lớn cho Việt Nam
Tại sao dàn khoan này không kéo tới bãi cạn Scarborough của Philippines mà lại đảo chiều tới Việt Nam là một câu hỏi không mấy khó để đoán ra.
Bãi cạn Scarborough của Philippines cũng nằm trong vùng biển mà đường chín đoạn đã vẽ cách bờ biển Philippines 124 hải lý và hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này. Việc Philippines mang Trung Quốc ra tòa quốc tế cùng với sự khẳng định bảo vệ đồng minh của Hoa Kỳ nhất là chuyến viếng thăm mới nhất của Tổng thống Barack Obama có lẽ làm Trung Quốc cảm thấy khó gặm khúc xương này và quyết định đổi hướng kéo dàn khoan HD981 vào sâu trong vùng biền của Việt Nam.
Tôi nghĩ chuyện này phải phản đối ở mức cao hơn nữa ở mức chính phủ chứ không phải ở Bộ Ngoại giao nữa. Phải nâng mức phản đối lên.
- Cựu đại tá Phạm Xuân Phương
Ông Nguyễn Khắc Mai chủ trương nên vận động kiều bào khắp thế giới lên tiếng tố cáo hành vi này của Trung Quốc là cách hay nhất trong lúc này:
Chính phủ phải chỉ đạo cho tất cả các sứ quán của chúng ta ở tất cả các nước họp kiều bào của mình nói rõ và phát động họ để họ có những hoạt động hợp pháp, có văn hóa có đạo lý phản ứng thái độ ngang ngược kẻ cướp của Trung Quốc. Chính phủ và đảng cầm quyển này phải có rất nhiều hoạt động nghiêm túc, thông minh thật sự dựa vào nhân dân, dựa vào dư luận quốc tế để phản ứng thái độ này của Trung Quốc.
Cho dù bằng cách nào đi nữa thì Trung Quốc cũng đã bước chân vào căn nhà Việt Nam và đặt con dao trên bàn tiếp khách. Cách nói chuyện làm sao để cho kẻ mạnh đừng vung dao vấy máu là điều khôn khéo của chính phủ. Tuy nhiên cái gọi là khôn khéo bằng cách hạ mình đã tỏ ra phá sản vì việc hạ mình đã dẫn tới kết quả của ngày hôm nay.
Chần chừ và tự ru ngủ trước mánh khóe của Trung Quốc nhưng vẫn cho là khôn khéo, thông minh là sai lầm to lớn của lãnh đạo và có lẽ đây chính là dịp tốt để họ thức tỉnh và quay lại với sức mạnh của nhân dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét