Dàn khoan Hải Dương HD-981 (DR)
Trọng Nghĩa -RFI
Sau hơn hai tháng cho giàn khoan HD-981 vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngoài Biển Đông, khuấy động quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội, ngày 15/07/2014 vừa qua, Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan về hướng đảo Hải Nam. Quyết định – được Bắc Kinh loan báo một hôm sau đó – đã làm cho tình hình bớt căng thẳng – nhưng cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi về dụng tâm thực sự của Trung Quốc.Giới chuyên gia đều ghi nhận là việc Bắc Kinh « cho rút » giàn khoan diễn ra ít lâu sau khi Thượng viện Mỹ, trong một cử chỉ hiếm thấy, đã bỏ phiếu nhất trí thông qua một Nghị quyết lên án hành vi khiêu khích của Trung Quốc, và yêu cầu Bắc Kinh trả lại hiện trạng cho khu vực, và sau một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Quyết định rút sớm hơn thời hạn dự trù ban đầu cũng được đưa ra một tháng trước Hội nghị Ngoại trưởng thường niên của Khối ASEAN và các đối tác tại Miến Điện, đặc biệt là hội nghị thường niên của Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF), trong bối cảnh có tin là Mỹ sẽ nêu bật các hành động của Trung Quốc.
Còn đối với Việt Nam, việc Trung Quốc hạ nhiệt căng thẳng cũng diễn ra và lúc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chuẩn bị hội nghi bàn về Biển Đông và cân nhắc khả năng kiện Trung Quốc ra trước quốc tế.
Trong những ngày qua, đã có rất nhiều chuyên gia phân tích về động thái hạ nhiệt của Trung Quốc ngoài Biển Đông. Hôm nay, RFI xin giới thiệu nhận định của Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một nhà nghiên cứu kỳ cựu về Biển Đông tại trường Đại Học Maine, Hoa Kỳ.
Đối với Giáo sư Long, tham vọng khống chế toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc không thay đổi, và Việt Nam vẫn là đối tượng cần tấn công để thực hiện ý đồ đó. Theo Giáo sư Long, quyết định rút giàn khoan còn nằm trong một âm mưu lôi kéo Việt Nam vào con dường đàm phán song phương để giải quyết căng thẳng do chính Bắc Kinh tạo ra, đồng thời thúc giục Việt Nam từ bỏ ý định kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế về vấn đề Biển Đông.
Đó là những cái bẫy mà Việt Nam không nên rơi vào nếu muốn bảo vệ lợi ích dân tộc.
Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn Giáo sư Ngô Vĩnh Long.
Giàn khoan đến và đi đều nhằm mục tiêu chính trị : Uy hiếp Việt Nam
“Ngay từ đầu khi Trung Quốc cắm giàn khoan cách đảo Tri Tôn khoảng 18 dặm, và nói rằng nó hoạt động trong vùng biển không có tranh chấp của quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc, lý do chính là lý do chính trị : Uy hiếp Việt Nam, đặc biệt là chính quyền Việt Nam, cũng như để dò xét phản ứng của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Nay, động thái dịch chuyển giàn khoan của Trung Quốc cũng là để thử xem phản ứng của Việt Nam và của các nước khác trên thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ, để Trung Quốc quyết định các bước tiếp theo.
Nếu Trung Quốc thực sự rút giàn khoan về đảo Hải Nam, thì đó cũng là để chứng minh rằng Trung Quốc đã hay là đang hạ nhiệt, do đó Việt Nam không nên kiện Trung Quốc nữa mà nên đàm phán tay đôi với Trung Quốc.
Hạ nhiệt để “dụ dỗ” Việt Nam đàm phán tay đôi và không kiện Trung Quốc
Tôi nghĩ rằng đây là việc dẫn dụ, dụ dỗ Việt Nam, và tôi cũng hơi lo là vì ngày 16/07, ông Lê Hải Bình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Việt Nam cho biết là Việt Nam mong muốn thông qua đàm phán hữu nghị để giải quyết các vấn đề tranh chấp, bất đồng ở Biển Đông với Trung Quốc. Lẽ dĩ nhiên là trên cơ sở luật pháp quốc tế, và cũng yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan HD-981 quay trở lại.
Nhưng mà nếu Trung Quốc không đưa HD-981 mà đưa 4, 5 cái giàn khoan nhỏ trở lại thì lúc đó Việt Nam làm gì ? Cho nên tôi nghĩ đây là vấn đề Trung Quốc muốn thử xem Việt Nam phản ứng như thế nào.
Nếu Việt Nam đàm phán song phương với Trung Quốc, việc này sẽ giúp cho Trung Quốc biện hộ rằng tranh chấp ở Biển Đông chỉ liên quan đến hai nước Việt Nam và Trung Quốc mà thôi, và không một nước nào khác được can dự vào.
Trung Quốc đã nhiều lần nói công khai với Mỹ là không được xía vào công việc nội bộ của các nước trong khu vực. Cho nên, nếu Việt Nam cho thế giới biết, hay là thế giới nghĩ lầm Việt Nam muốn thông qua đàm phán song phương để giải quyết vấn đề, thì việc đó sẽ làm hỏng cẳng Mỹ và đồng minh, đặc biệt trong vấn đề họ muốn đưa căng thẳng ở Biển Đông ra Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN, tức là ARF, vào tháng tới ở Miến Điện.
Mưu đồ của Trung Quốc : Làm Mỹ hụt chân
Ngoài việc muốn làm hụt cẳng Mỹ tại Diễn đàn ARF vào tháng tới, thì Trung Quốc cũng muốn làm cho Việt Nam mất đi sự ủng hộ của các nước khác ở trong khu vực nếu đi đàm phán song phương với Trung Quốc, đặc biệt là chia rẽ quan hệ giữa Việt Nam và Philippines.
Ngoài ra, vừa qua, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu hoàn toàn nhất trí nói rằng Trung Quốc không nên tiếp tục gây hấn và hy vọng rằng Trung Quốc đưa mọi việc trở về vị trí cũ, tức là trước ngày 02/05. Thì Trung Quốc di chuyển giàn khoan như để nói với Thượng viện Mỹ rằng « tôi đã hạ nhiệt rồi, thì các anh không nên tiếp tục làm áp lực trên tôi »….
Nếu Thượng viện Mỹ thấy rằng không cần phải làm áp lực trên Trung Quốc nữa, thì có thể là chính quyền Obama cũng không làm áp lực trên Trung Quốc nữa. Mà áp lực của Mỹ là quan trọng nhất, Mỹ mà nới tay thì Trung Quốc thấy rằng họ có cớ lấn tới thêm, không những đối với Việt Nam, mà cả đối với Mỹ.
Bài học cho Việt Nam : Trung Quốc mềm nắm rắn buông
Bài học đầu tiên là Trung Quốc có thái độ mềm nắn rắn buông. Trung Quốc hiện tỏ thái độ « buông » trước hết là vì phản ứng của người dân Việt Nam. Tôi nghĩ là Trung Quốc biết phản ứng của các lãnh đạo Việt Nam như thế nào, nhưng họ không ngờ rằng phản ứng của người dân Việt Nam mạnh như thế.
Thành ra lúc này Trung Quốc hạ nhiệt chút xíu để cho giới lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt là thành phần thiên về Trung Quốc – đang trong thế yếu – có tiếng nói mạnh hơn.
Ngoài ra, Việt Nam sắp có Hội nghị Trung ương để bàn riêng về tình hình Biển Đông và về việc có nên kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế hay không. Trung Quốc hạ nhiệt để chính quyền Việt Nam và Hội nghị Trung ương thôi không bàn đến chuyện kiện Trung Quốc nữa, và như vậy, Trung Quốc có thể tiếp tục ép Việt Nam.
Bài học là Việt Nam mà yên lặng hơn, thì Trung Quốc sẽ đẩy tới hơn. Và nếu chính phủ Mỹ, Quốc hội Mỹ và các nước khác Nhật, Úc cũng thấy là vấn đề đã tạm yên rồi thì họ có thể cứ để cho yên và Trung Quốc trước sau gì cũng sẽ quay trở lại, và lần sau sẽ làm mạnh hơn một chút.
Xu hướng thân Bắc Kinh trong giới lãnh đạo Việt Nam
Việc cắm giàn khoan trong thềm lục địa Việt Nam là một chính sách uy hiếp giới lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt là Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam.
Bộ Chính trị chia thành ba nhóm, số đông thân Trung Quốc, số « trung lập » tức là không biết nghiêng về ai, và số ít hơn thì muốn kiện Trung Quốc. Cho nên khi cắm giàn khoan, Trung Quốc muốn thử xem phản ứng của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam như thế nào…
Phản ứng của Việt Nam cho thấy là Bộ Chính trị chưa có một chính sách đàng hoàng để kiện Trung Quốc.
Đó là trong lúc tình hình đang căng thẳng. Còn bây giờ Trung Quốc hạ nhiệt và làm giảm sự căng thẳng đi, thì có thể là Việt Nam sẽ không quyết định kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài theo phụ lục 7 của UNCLOS, chung với Philippines hay là riêng rẽ.
Nguy cơ mất đi hậu thuẫn của người dân Việt Nam và của quốc tế
Nếu như vậy, Chính quyền Việt Nam không những mất đi sự ủng hộ của dân chúng trong nước, mà cũng sẽ mất sự ủng hộ của các nước trong khu vực và của nhân dân trên thế giới. Việc đó sẽ làm suy yếu các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng, và Nhà nước Việt Nam nói chung.
Và nếu như vậy thì Trung Quốc thấy là họ đã kéo thêm được vào quỹ đạo của Trung Quốc, và nếu mà mọi người đều nghĩ rằng Việt Nam đã bị Trung Quốc kéo sâu thêm vào trong quỹ đạo của họ thì có thể là họ sẽ từ bỏ Việt Nam và đi đêm với Trung Quốc…
Vấn đề kiện Trung Quốc không phải là vấn đề thắng hay là thua, mà là vấn đề vận động chính trị. Nếu Việt Nam không kiện Trung Quốc, tức là Việt Nam đã chứng minh cho thế giới là Việt Nam chịu thua Trung Quốc, và nếu như vậy thì những nước khác họ sẽ suy nghĩ lại và có chính sách riêng của họ…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét