Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Hiến pháp Việt Nam: Vì dân hay xa dân?

VNTB

Lời tòa soạn: Tác giả Minh Tâm đã gửi đến tòa soạn Việt Nam Thời Báo loạt bài viết công phu và tâm huyết về nhiều khía cạnh từ pháp lý đến thực tiễn của Hiến pháp 2013. Tư tưởng “Việt Nam dân chủ cộng hòa” có lẽ xuyên suốt trong các bài viết này. Một lần nữa Hiến pháp 2013 – văn bản pháp lý cao nhất của Việt Nam nhưng lại bị nhiều người dân đánh giá “bảo thủ và thụt lùi chưa từng thấy” có cơ hội được đưa ra mổ xẻ trên diễn đàn thời luận.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu với quý độc giả loại bài viết của tác giả Minh Tâm để chúng ta cùng thảo luận và tranh luận. Quan điểm của tác giả cũng như mọi ý kiến độc giả cần được dựa trên tinh thần trao đổi đa chiều và đa nguyên, phản biện văn hóa và tôn trọng lẫn nhau.
Tựa đề chính của loạt bài do VNTB đặt.
(VNTB) Hiến pháp 2013 đã có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, cho đến nay việc tuyên truyền giúp người dân biết và hiểu về các nội dung trong Luật Hiến pháp, dường như vẫn chưa thấy. Phải chăng vì ngại chuyện “nói” và “làm” quá khác xa nhau?
Xin được cùng trao đổi, qua đó thử lý giải vì sao đang có động thái chần chừ trong phổ biến.
Bài 1:

Quyền con người nhìn từ lịch sử


Hiến pháp 2013, Điều 2 ghi: “1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. 3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Có vi phạm mới có kết án
Nhà nước pháp quyền theo nguyên tắc có vi phạm mới có kết án. Khi chúng ta thực hiện các hành vi mà pháp luật không ngăn cấm, không thể gọi đó là vi phạm, khi không có điều khoản nào trong các văn bản luật cảnh báo việc chúng ta làm, quan tòa không có quyền tuyên bố kết án, vì không có bất kỳ căn cứ luật pháp nào để đánh giá hành vi của con người là sai trái.
Béccaria là người đưa ra nguyên tắc này năm 1764. Điều này thể hiện mức độ an toàn của luật pháp, vì người vi phạm sẽ biết chính xác mức độ trừng phạt đối với mình khi đã mắc phải sai phạm. Quyền lực của Nhà nước cũng sẽ bị giới hạn, vì quan tòa áp dụng các đạo luật có nội dung khái quát dành cho tất cả mọi người, nguyên tắc công bằng của luật pháp được đảm bảo.
Điều 31 của Hiến pháp 2013, ghi: “1. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. 2. Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai.
3. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm. 4. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. 5. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, tạm giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật”.
Nhà nước pháp quyền gắn với các giá trị tự do. John Locke cho rằng con người có các quyền tự nhiên, bất khả xâm phạm, như quyền được sống, quyền tự do và quyền sở hữu. Sau này, các nhà khai sáng ra nước Mỹ đã học theo John Locke khi công bố trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1774: Con người có quyền được sống, quyền tự do và quyền tìm kiếm hạnh phúc.
Các nhà cách mạng Pháp năm 1789 cũng rất quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Họ cho rằng Nhà nước pháp quyền đích thực phải bảo vệ con người, đề cao quyền bình đẳng. Trong xã hội tự do, con người vừa được bảo vệ về quyền lợi vừa phải thực hiện nghĩa vụ. Coi thường hoặc vi phạm quyền con người do thiếu hiểu biết sẽ đem lại bất hạnh cho con người và chính quyền sẽ trở nên tha hóa.
Thượng tôn pháp luật
Nhà triết học Condorcet là tác giả của lời mở đầu cho Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789, ông viết: “Bản tuyên ngôn các quyền tự nhiên và bất khả nhượng, đó là các quyền thiêng liêng của con người, Bản tuyên ngôn này cần được giới thiệu đến tất cả các thành viên trong xã hội, để luôn nhắc nhở họ rằng họ có các quyền và nghĩa vụ”.
Condorcet cho rằng các văn bản của cơ quan hành pháp và lập pháp mỗi khi được biên soạn, cần phải được nghiên cứu và đối chiếu với thể chế chính trị, để các văn bản đó luôn được tôn trọng. Nhà nước pháp quyền là nơi con người phải tôn trọng pháp luật và pháp luật phải bảo vệ con người và đem lại hạnh phúc cho họ. Văn bản này trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tuyên ngôn khác về quyền con người.
Ví dụ Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người của Liên hiệp quốc năm 1948, người đọc không mấy khó khăn để nhận biết ảnh hưởng của Tuyên ngôn quyền con người năm 1789 đối với Tuyên ngôn 1948, vì một trong những người biên soạn là René Cassin, ông học theo cách viết của các nhà tư tưởng thời kỳ cách mạng 1789. Bằng những đóng góp của mình cho sự nghiệp bảo vệ quyền con người, René Cassin được tặng giải Nobel hòa bình.
Hiến pháp 2013, Điều 6 ghi: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”.
Điều 7 ghi: “1. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. 2. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân”.
Như vậy có thể thấy rằng Nhà nước pháp quyền trong thời kỳ hiện đại có ý nghĩa rộng hơn, đó phải là Nhà nước phục vụ nhân dân, các nhà lãnh đạo do nhân dân bầu ra theo thể lệ bầu cử tự do. Tất cả các cơ quan công quyền cũng như công dân phải tôn trọng luật pháp, công dân và các đại diện của các cơ quan nhà nước luôn bình đẳng trước luật pháp, không có sự thiên vị và ưu tiên trừ những trường hợp đặc biệt do luật quy định.
Trong các vụ kiện cáo, đơn từ phải được xem xét và được nghiên cứu trên cơ sở bình đẳng, để không bên nào bị thiệt. Nhà nước pháp quyền tạo điều kiện cho dân chủ, còn dân chủ lại là nơi trú ngụ của Nhà nước pháp quyền.
Minh Tâm
—————–
Bài viết thể hiện quan điểm và phong cách riêng của tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét