Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Nạn bè phái và chủ nghĩa tư bản thân hữu trong giáo dục: Sự khởi đầu của EMG



Trần Vinh Dự  -VOA

Một trong những vấn đề thời sự “nóng” nhất ở Việt Nam, ít nhất là ở Sài Gòn, trong những ngày vừa qua là vụ tai tiếng đình đám liên quan đến Sở Giáo dục của thành phố và một công ty giáo dục tư nhân mang tên EMG.
Theo hàng loạt các tờ báo như Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Cuối Tuần, Người Lao Động, Thời Báo Kinh tế Sài Gòn, VnExpress, Một Thế Giới…  vụ việc này bắt đầu từ nhiều năm trước, khi một công ty giáo dục tư nhân mang tên EMG đã “vận động hành lang” (lobby) xin được giấy phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho triển khai thí điểm chương trình Cambridge tại các trường phổ thông công lập của Việt Nam.


Để hiểu tại sao EMG lại làm việc này từ nhiều năm trước, cần phải hiểu rằng tiếng Anh là ngoại ngữ quan trọng nhất ở Việt Nam và là chìa khoá để học sinh sinh viên ra trường có việc làm tốt ở đô thị. Thế nhưng phần lớn, nếu không muốn nói là tuyệt đại đa số, các trường phổ thông công lập của Việt Nam đều không có khả năng giảng dạy môn tiếng Anh.
Học sinh ở các thành phố lớn như Hà Nội hoặc Sài Gòn muốn học tiếng Anh thành công phải đến các trung tâm ngoại ngữ để học vào các buổi tối hoặc cuối tuần. Điều này khá phức tạp cho phụ huynh trong cuộc sống hằng ngày như phải có lịch đưa đón con cố định, cuối tuần phải đưa con đi học và chờ để đón con về thay vì có các sinh hoạt gia đình…
Vì vấn đề này nên dần dần hình thành một mô hình mới: các trung tâm tiếng Anh tư nhân ký hợp đồng với các trường phổ thông công lập để mở ra các lớp học tiếng Anh tự chọn ngay tại trường. Với mô hình này, phụ huynh giải quyết được khâu đưa đón,  chi phí học tiếng Anh kiểu này cũng không cao vì các trường được quyền chủ động tìm nhà cung cấp (trung tâm tiếng Anh) với giá rẻ nhất và chất lượng thích hợp nhất. Đây có vẻ như là một mô hình toàn hảo cho cả nhà trường lẫn học sinh, phụ huynh, và các trung tâm tiếng Anh
Khi EMG xuất hiện, công ty này có một cách tiếp cận mới. Thay vì chỉ giảng dạy tiếng Anh thông thường như các trung tâm tiếng Anh được mô tả ở trên, họ làm việc với tổ chức CIE của Đại học Cambridge, xin chấp thuận của CIE để trở thành một dạng đại lý chính thức của CIE ở Việt Nam, có quyền giảng dạy “chương trình Cambridge” như nhiều người vẫn quen thuộc.  Chương trình Cambridge là chương trình phổ thông quốc tế của CIE, theo đó học sinh học các môn toán, tiếng Anh, và khoa học đều bằng tiếng Anh, được cấp các chứng chỉ của CIE, và khi tốt nghiệp phổ thông được nhận bằng tú tài quốc tế (IGCSE) của Cambridge.
Mô hình của EMG triển khai khi đó có sức hấp dẫn đặc biệt ở hai khía cạnh chính: thứ nhất, nó cấp các văn bằng quốc tế, một yếu tố đánh thẳng vào tâm lý chuộng văn bằng của phụ huynh Việt Nam (mặc dù học sinh VN không cần bằng tú tài quốc tế vẫn có thể đi học Đại học ở bất kỳ nước nào trên thế giới). Và thứ hai, nó mang tên Cambridge, một đại học lâu đời, danh tiếng của Anh quốc với thương hiệu đã gần gũi với người Việt từ rất lâu. Vì thế, khi mô hình này ra đời, ngay lập tức nó nhận được sự ủng hộ của phụ huynh học sinh.
Thế nhưng mô hình giảng dạy tiếng Anh kiểu này chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Học sinh học phổ thông tại các trường công lập của Việt Nam trước nay vẫn học theo các môn học của Bộ GD&ĐT. Nếu học các môn khác, và cấp bằng khác (như bằng tú tài quốc tế của CIE) thì phải xin phép Bộ. EMG đã lobby Bộ GD&ĐT và xin được một giấy phép thí điểm. Với giấy phép này, EMG đi triển khai chương trình ở một số trường công lập có tiếng tăm ở Hà Nội và Sài Gòn.
Thị trường của EMG sau đó phát triển rất nhanh và tập trung mạnh vào Sài Gòn. Tới  cuối năm ngoái, theo số liệu được nhiều báo chí công bố, con số học sinh học theo chương trình Cambridge của EMG lên tới xấp xỉ 5000.
Điều đáng nói là sau khi EMG được cấp giấy phép thí điểm, có nhiều đơn vị khác xin giấy phép tương tự để triển khai các chương trình giảng dạy tương tự ở Việt Nam (thí dụ chương trình tú tài quốc tế IGCSE của Edexcel, cũng của Anh quốc), nhưng không được chấp thuận.
Vì thế, EMG nghiễm nhiên trở thành vông ty độc quyền, một mình một chợ, trong việc  giảng dạy các chương trình phổ thông quốc tế tại các trường phổ thông công lập. Dựa vào lợi thế này, EMG đã thu học phí được coi là rất cao (khoảng US$150/tháng cho khoảng 6 tiết học/tuần). Số tiền lớn mà EMG thu về được chia lại cho các trường phổ thông công lập liên hệ một phần, còn lại EMG giữ.
Chưa có ai có bằng chứng về việc EMG phải chi ngoài hết bao nhiêu, có phải chi hay không, để lobby nhằm giữ vị trí độc quyền này. Điều mà mọi người đều biết là EMG luôn độc quyền nhờ việc Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng các Sở Giáo dục như Sở Giáo dục  thành phố Sài Gòn không cho bất cứ tổ chức nào khác tham gia vào phần giảng dạy của EMG.
Ngoài chuyện thu học phí cao, EMG còn có hàng loạt các vụ tai tiếng khác liên quan đến việc triển khai chương trình. Những việc này bị nhiều tờ báo trong nước phanh phui từ những năm trước. Thế nhưng vị thế độc quyền của EMG vẫn vững như bàn thạch, mặc cho công luận phản đối dữ dội. Số học sinh học theo chương trình Cambridge của EMG vẫn tăng vì một phần là học sinh không có lựa chọn nào khác (do độc quyền), một phần, theo nhiều nguồn tin, là do chính các trường phổ thông công lập ép các học sinh trái tuyến phải đăng ký học chương trình Cambridge của EMG, nếu các em muốn được nhận vào học các trường này.
Dĩ nhiên, ở Việt Nam, một công ty tư nhân không thể nào ngang nhiên thách thức công luận rộng rãi như thế mà vẫn đứng vững như EMG được, nếu không có một thế lực “bảo kê” đứng sau lưng. Nhưng thế lực đó là ai? Câu hỏi này sẽ được trả lời trong bài viết sau.
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét