Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Phản ứng của Bộ Ngoại giao VN về vụ người Khmer Krom đốt cờ: Trịch thượng

Basam

GS Nguyễn Văn Tuấn
15-08-2014
Vụ người Khmer Krom đốt cờ VN trước toà đại sứ VN tại Phnom Penh làm giới ngoại giao VN nóng mặt. Điều này dễ hiểu, ai mà không tức giận khi thấy quốc kì nước mình bị phá hoại. Nhưng tôi nghĩ phản ứng của viên phát ngôn ngoại giao VN (1) là trịch thượng và hai mặt. Thái độ trịch thượng đó không giúp ích gì cho VN trong bối cảnh hiện nay và tương lai.


Viên phát ngôn ngoại giao của VN yêu cầu chính quyền Kampuchea phải xử nghiêm những người đốt cờ VN (1). Nhưng nước nào có luật pháp nước đó, tại sao chõ miệng vào chuyện của người ta. Nước Kampuchea đa đảng, người dân Kampuchea có quyền biểu tình, và có thể luật pháp nước họ không cấm người biểu tình bày tỏ chính kiến, kể cả đốt cờ. Nếu vậy thì chính quyền Kampuchea không thể phạt người biểu tình, chứ chưa nói đến “xử nghiêm”. Yêu cầu người ta xử nghiêm là một cách nói trịch thượng.
Nếu tôi là phát ngôn viên của Kampuchea tôi sẽ trả lời: đề nghị các anh VN không nên tỏ thái độ trịch thượng với Kampuchea. Nước chúng tôi nhỏ, nhưng chúng tôi có luật pháp. Chúng tôi sẽ xem xét từng trường hợp mà xét xử theo luật pháp của Kampuchea. Đề nghị các anh VN có thái độ với Mĩ khi công dân của họ biểu tình chống các anh và họ cũng đốt cờ các anh.
Đúng vậy, mấy năm trước cũng có mấy người Việt bên Mĩ biểu tình và đốt cờ VN. Thật ra, nhiều nhóm trên thế giới vẫn biểu tình và đốt, chà đạp lên, và xé cờ VN. Mấy chuyện này khá thường xuyên. Nhưng ngoại giao VN thường im lặng chứ không có phản đối hung hãn và trịch thượng như đối với Kampuchea.
Thật ra, ở vài nước phương Tây và Mĩ, đốt cờ không phải là tội phạm! Ở Úc, có lần một “biểu tình viên” người Hồi giáo chà đạp lên quốc kì Úc, dân Úc rất phẫn nộ, nhưng không làm gì được người này vì không có luật cấm anh ta làm chuyện đó. Việc anh ta chà đạp lá cờ nơi anh ta đang sống là một vi phạm đạo đức xã hội, nhưng không phạm pháp. Tôi được biết ở Mĩ (ở Úc cũng vậy) công dân có thể đốt quốc kì mà không bị phạt vì luật không cấm. Toà án phán rằng đốt cờ hay chà đạp cờ là một hình thức phát biểu.
Nhưng VN có lẽ chưa quen với cách lí giải lí trí như thế, nên khi thấy người ta đốt của mình và cảm thấy tức giận. Đó là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Tuy nhiên, VN cũng nên quen với tự do ngôn luận và chấp nhận việc đốt cờ như là một phát biểu của kẻ … vô giáo dục.
Do đó, có thể nói rằng phản ứng hung hăn của VN trong trường hợp người biểu tình Khmer đốt cờ chẳng những mang tính trịch thượng mà còn hai mặt. Thái độ lưỡng chuẩn còn thể hiện qua vụ giàn khoan 981 kì vừa qua. Chúng ta còn nhớ lúc đó tàu đánh cá của VN bị lính Tàu bắt, chúng chặt cột cờ, xé cờ VN quăng xuống biển. Trước những sự kiện đó, chẳng thấy viên phát ngôn ngoại giao VN nói gì. Có lẽ không dám hó hé với Tàu cộng. Hèn với kẻ mạnh, phách với kẻ yếu không phải là người quân tử.
Trong bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ VN cần bạn hơn cần thù. Nhưng thái độ của phía VN là thái độ tạo thêm kẻ thù. Có thể Kampuchea lịch sự và nhẫn nhục để chịu đựng những lời nói trịch thượng của VN, nhưng họ và con cháu họ sẽ không quên câu nói 1000 năm trả thù cũng không muộn. Đừng hành xử theo kiểu hống hách hôm nay để con cháu Việt Nam phải hứng chịu đòn thù của người láng giềng.
—-
(1) http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/vu-dot-quoc-ky-cua-viet-nam-tai-campuchia-phai-xu-nghiem-3052262.
Nguồn: FB Nguyen Tuan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét